donderdag 8 augustus 2013

Nông dân khổ vì xuất cảng gạo kiểu Việt Nam

Nông dân khổ vì xuất cảng gạo kiểu Việt Nam Thursday, August 08, 2013 1:19:20 PM







SÀI GÒN (NV) .- So với tháng 6, giá gạo xuất cảng của Việt Nam trong tháng 7 tăng thêm được 3 USD mỗi tấn nhưng lượng gạo xuất cảng giảm khoảng 124 ngàn tấn.
Hoạt động xuất cảng gạo của Việt Nam càng ngày càng nhiều khó khăn vì thị trường gạo quốc tế có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh (Hình: Dân Việt)
Đáng ngại là trong khi gạo Việt Nam đang bị một số đối thủ mới nổi như Myanmar, Campuchia cạnh tranh quyết liệt về giá, chưa kể Thái Lan cũng đang giảm giá gạo để cạnh tranh với gạo xuất cảng của Việt Nam thì có rất nhiều doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam lại hủy hợp đồng, không giao hàng cho khách hàng nước ngòai.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), riêng trong tháng 7, các doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam đã tự ý hủy hàng loạt hợp đồng, không giao cho khách hàng 180 ngàn tấn gạo. Còn nếu tính từ đầu năm 2013 đến nay, con số đó lên tới trên một triệu tấn.
Đại diện VFA cho biết, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam tự ý hủy hợp đồng là vì… hớ. Hồi ký hợp đồng, các doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam cam kết bán gạo cho khách hàng với giá chỉ từ 380 – 395USD/tấn. Nay, giá trên thị trường thế giới tăng lên khoảng 410 – 415 USD/tấn nên họ hủy.
Tại sao trước đây các doanh nghiệp xuất cảng gạo của Việt Nam lại cam kết bán gạo cho khách hàng nước ngoài với giá rẻ như thế? Câu trả lời là vì họ có thể dùng nông dân Việt Nam như một thứ “con tin”.
Vụ Đông Xuân năm ngoái, các doanh nghiệp thành viên của VFA tiếp tục hạ giá mua lúa xuống 700 đồng/ký so với năm 2011. Vụ Hè Thu năm nay, lấy lý do đang phải ôm hai triệu tấn gạo, các doanh nghiệp thành viên của VFA không chịu mua lúa của nông dân.
Hồi đầu vụ Hè Thu, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn CSVN ước đoán, đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch được chừng 9 triệu tấn lúa, qua đó sẽ có thêm khoảng 3.5 triệu tấn gạo cho xuất cảng.
Tới giữa vụ Hè Thu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cảnh báo: Vụ Đông Xuân vừa qua, riêng Kiên Giang còn ứ đọng 588 ngàn tấn lúa. Nhiều nơi trong tỉnh, lúa đang được chất đống vì không có người mua. Còn vụ Hè Thu vừa qua, sản lượng dự trù ở mức một triệu tấn nhưng rất ít nơi chịu mua.
Hồi tháng 5, báo giới Việt Nam thực hiện hàng loạt phóng sự, theo đó, nhiều nơi, lúa chín rục ngoài đồng nhưng nông dân không gặt, vừa vì không có người mua, vừa vì giá quá rẻ. Vụ nào cũng thua lỗ, nông dân chìm trong đủ loại nợ (vay cho sinh hoạt, vay để mua: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu…) và càng ngày lúa càng mất giá nên càng được mùa càng lỗ nặng. Trồng lúa được ví von là từ nghèo thành mạt.
Riêng VFA thì biện bạch, họ phải giảm giá mua lúa gạo của nông dân bởi cần giảm giá gạo xuất cảng để cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Do tình hình bất lợi trong xuất cảng gạo, VFA tuyên bố sẽ tiếp tục hạ giá mua lúa gạo của nông dân Việt Nam.
Để giữ sự ổn định ở nông thôn, giống như nhiều năm trước, chế độ Hà Nội phải tiếp tục bơm ra hàng chục tỷ đồng cho VFA mua lúa của nông dân về tạm trữ và nâng giá mua lúa giúp nông dân giảm lỗ. Có khoản tiền kếch xù này, các doanh nghiệp thành viên của VFA hủy hợp đồng xuất cảng gạo từng ký với giá thấp để tìm kiếm cơ hội bán số gạo đang có trong tay với giá cao hơn.
Nông dân thì sao? Theo tờ Dân Việt, một lái lúa sống ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá mua lúa có cao hơn trước chừng 100 đồng/ký nhưng các doanh nghiệp chuyên xuất cảng gạo chỉ mua cầm chừng vì “không biết sắp tới có bán được gạo với giá cao hay không”.
Nói cách khác, hàng chục tỷ vừa được chi tiếng là để “cứu nông dân” nhưng nông dân không có phần. 
Phong trào “người cày bỏ ruộng” đang lan rộng khắp miền Bắc bởi nông dân không thể sống được nhờ trồng lúa. Nếu nhà cầm quyền trung ương vẫn ưu ái VFA và để VFA tự tung, tự tác như trước nay, chắc chắn phong trào này sẽ bùng phát tại miền Nam. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170781&zoneid=2#.UgQis_nCSMI
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten