vrijdag 16 augustus 2013

Nhật : Đền Yasukuni, một địa danh lịch sử nhạy cảm

Thứ năm 15 Tháng Tám 2013

Đền Yasukuni, một địa danh lịch sử nhạy cảm

REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Anh Vũ
Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh, kết thúc Thế chiến thứ 2, ngày 15/08/1945, mọi sự chú ý của quốc tế lại dồn về khu đền cổ Yassukuni tại Tokyo được xây dựng từ năm 1896 và là nơi thờ tự những người Nhật đã hy sinh để bảo vệ nước Nhật và Thiên Hoàng, trong đó có cả hàng nghìn quân nhân Nhật đã từng bị Tòa án quốc tế kết án là tội phạm chiến tranh.


Mọi chuyến thăm viếng của các chính khách Nhật Bản đến khu đề này đều gây phản ứng gay gắt từ Trung Quốc cũng như hai miền Triều Tiên. Bởi vì theo những nước láng giềng từng bị Nhật Bản xâm chiếm, đó là một hành động tôn vinh quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, khơi dậy nỗi đau mất mát của những nạn nhân dưới thời phát-xít Nhật.
Tuy nhiên, nhìn từ đát nước Nhật Bản, người dân hay chính khách của đất nước này lại có cách diễn giải khác về ngôi đền Yasukuni. Giáo sư Vũ Đăng Khuê tại Tokyo cho biết về những suy nghĩ của người Nhật về địa danh lịch sử gây nhiều tranh cãi này.
Giáo sư Vũ Đăng Khuê
 
15/08/2013
 
 

 
tags: Châu Á - Nhật Bản - Phỏng vấn
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130815-den-yasukuni-mot-dia-danh-lich-su-nhay-cam
 
Thứ năm 15 Tháng Tám 2013

Hai bộ trưởng Nhật viếng Yasukuni: Bắc Kinh phẫn nộ

Bộ trưởng Nội chính và Thông tin Yoshitaka Shindo tại đền Yasukuni - REUTERS/Yuya Shino
Bộ trưởng Nội chính và Thông tin Yoshitaka Shindo tại đền Yasukuni - REUTERS/Yuya Shino

Mai Vân
Vào hôm nay, 15/08/2013, ngày kỷ niệm lần thứ 68 nước Nhật đầu hàng Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, 2 bộ trưởng trong chính phủ Abe đã đến viếng đền Yasukuni tại Tokyo, nơi thờ linh vị 14 tội phạm chiến tranh hàng đầu của Nhật. Điều này đã lập tức làm dấy lên phản ứng bất bình từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc, cho dù Thủ tướng Nhật đã tránh không trực tiếp đến đền Yasukuni.

Theo phóng viên hãng tin Pháp AFP có mặt tại chỗ, người đầu tiên đến đền thờ cầu nguyện vào khoảng 8 giờ sáng là Bộ trưởng Nội chính và Thông tin Yoshitaka Shindo. Ít phút sau, đến lượt Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, Keiji Furuya.
Phát biểu trước báo giới, nhân vật này nhấn mạnh : « Việc an ủi linh hồn nạn nhân chiến tranh là một vấn đề thuần túy quốc gia. Các nước khác không nên chỉ trích hay can thiệp vào ».
Ngoài hai bộ trưởng nói trên, phóng viên AFP đã đếm được 90 nghị sĩ đến nghiêng mình trước bàn thờ của đền Yasukuni. Ngoài các chính khách, thường dân, con cháu các quân nhân tử trận cũng đến đây. Phía bên trong khuôn viên ngôi đền, các thành phần bị xem là cực hữu đã vẫy cờ Nhật kêu gọi dân chúng tưởng niệm các tử sĩ.
Riêng Thủ tướng Shinzo Abe - như từng tuyên bố trước đây – ông đã không đến cầu nguyện ở đền Yasukuni. Thế nhưng, ông đã cho trợ lý của ông chuyển lễ vật đến đền : Một nhánh cây "thiêng liêng". Phát biểu với hãng tin Nhật Jiji, người trợ lý giải thích là ông Shinzo Abe "thành thật chia buồn với linh hồn cha ông và xin lỗi là đã không đến đền".
Phải nói là việc đến viếng đền Yasukuni hàng năm vào những ngày này được các nước láng giềng Đông Bắc Á của Nhật theo dõi rất sát và phản ứng gây gắt néu có viên chức chính phủ Nhật đến đây.
Bắc Kinh hôm nay đã phản ứng ngay, lên án gắt gao việc hai bộ trưởng Nhật đến viếng đền Yasukuni. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một thông cáo, đã « lên án mạnh mẽ » một hành động « xúc phạm nặng nề tình cảm người dân Trung Quốc và người dân nước khác trong khu vực ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết là đã triệu mời đại sứ Nhật lên để phản đối.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tố cáo Tokyo là đã « nhắm mắt làm ngơ » trước hành vi xâm lược bạo tàn của Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng cho rằng « khó có thể xây dựng niềm tin nêu không có sự sẵn sàng đối mặt với lịch sử và xem xét các vết thương gây ra cho người khác ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130815-hai-bo-truong-nhat-vieng-den-yasukuni-bac-kinh-phan-no

Thứ năm 15 Tháng Tám 2013

Thủ tướng Nhật không mặc cảm trước lịch sử

Thủ tướng Shinzo Abe sắp đọc diễn văn tại Tokyo, trước sự hiện diện của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko - REUTERS /Toru Hanai
Thủ tướng Shinzo Abe sắp đọc diễn văn tại Tokyo, trước sự hiện diện của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko - REUTERS /Toru Hanai

Mai Vân
Trong phát biểu rất được chú ý hôm nay 15/08/2013 nhân kỷ niệm 68 năm ngày Nhật Bản đầu hàng, Thủ tướng Shinzo Abe đã gây thất vọng và khó chịu nơi các láng giềng : Ông không hề có một lời hối tiếc nào về các hành vi mà Nhật đã gây ra trong Đệ nhị Thế chiến, để lại bao đau khổ cho dân chúng các nước Châu Á.


Theo hãng tin AFP, trong bài diễn văn ngắn nhân buổi lễ tại Tokyo, trước sự hiện diện của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko, ông Shinzo Abe chỉ có một đôi lời tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc chiến, và tỏ hy vọng là hòa bình mãi mãi kéo dài.
Hướng về những người quá cố, Thủ tướng Nhật đã nói : « Tôi không bao giờ quên là hòa bình và thịnh vượng mà chúng ta thừa hưởng ngày nay là nhờ có sự hy sinh mạng sống của các người ». Ông kết luận : « Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để đóng góp vào hòa bình trên thế giới ».
Từ hai thập niên qua, các Thủ tướng Nhật – kể cả ông Abe trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông năm 2006-2007 - đều nhân cơ hội ngày kỷ niệm 15/08 để ngỏ lời hối tiếc về những hành vi tàn bạo của Nhật đã gây bao đau khổ cho dân chúng những nước chung quanh. Riêng lần này, thì không thấy ông Abe nhắc đến.
Thái độ của ông Shinzo Abe hôm nay, cũng như chuyến viếng đền Yasukuni của hai bộ trưởng trong nội các của ông, càng xác định xu hướng diều hâu của đuơng kim thủ tướng Nhật, và tinh thần dân tộc chủ nghĩa của chính quyền Tokyo hiện tại, sẵn sàng khẳng định chỗ đứng và không còn kiêng nể hay mặc cảm.
Phải nói là quá khứ quân phiệt của Nhật vẫn đè nặng lên quan hệ của nước này vói các nước láng giềng Châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á. Trung Quốc hay Hàn Quốc đều nhìn Nhật với con mắt oán hận, không quên những tội ác của Quân đội Thiên Hoàng cách đây hơn 60 năm, từ các vụ thảm sát, nạn đói, cho đến vụ phụ nữ giải sầu.
Vào những ngày trung tuần tháng 8 này, càng gần đến kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng, những cuộc biểu tình nhắc nhở Nhật về những tội lỗi của mình càng nhiều thêm, như vụ biểu tình của phụ nữ ở Đài Bắc vào hôm qua, 14/08 chẳng hạn. Cũng như mọi năm, ngày hôm nay ai cũng chờ xem nhân kỷ niệm ngày đầu hàng, lãnh đạo Nhật có thật lòng bày tỏ sự hối tiếc, xin lỗi hay không.
Cho đến giờ, các thủ tướng Nhật thường bày tỏ thái độ thông cảm với những người bị đau khổ trong cuộc chiến tranh mà Nhật gây ra, nhưng cảm nhận chung dân chúng các quốc gia chung quanh Nhật là Tokyo chưa thật lòng hối lỗi, do đó họ chưa nguôi được cơn giận.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luân của trung tâm nghiên cứu Pew Research Center của Mỹ, công bố vào trung tuần tháng 7 vừa qua, cho thấy đại đa số người Hàn Quốc chẳng hạn, hơn 70%, nhìn Nhật với con mắt không thiện cảm, tỷ lệ này lên 90% ở Trung Quốc. Ác cảm này theo trung tâm Pew đó là do cảm nhận Nhật không thành thật trong việc thừa nhận lỗi lầm quá khứ.
Riêng đối với ông Shinzo Abe, dù rất được lòng người dân Nhật, ông không mấy được ưa thích ở hai nước láng giềng nói trên : 85% người được hỏi cho biết khá ghét ông.
Vấn đề là thái độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khá phù hợp với suy nghĩ của không ít người dân Nhật về quá khứ quân phiệt của nước họ : Gần 50% người trả lời cuộc thăm dò của Pew đánh giá rằng Nhật đã xin lỗi đủ rồi về hành động quân sự của mình trước đây. Đến hơn 60% cho là phải để quá khứ thuộc về quá khứ, phải bỏ hẳn lại đằng sau.
Nhưng hôm nay, Seoul, cũng như Bắc Kinh, đều kêu gọi Tokyo phải nhìn lại quá khứ một cách đúng đắn, để xây dựng sự tin tưởng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thông cáo hôm nay nhắc nhở Tokyo là hãy nhìn lại quá khứ của mình « một cách nghiêm túc », và « hành động một cách cụ thể để lấy lại sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, bằng không quan hệ giữa Nhật và các nước láng giềng không có tương lai ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130815-thu-tuong-nhat-abe-khong-mac-cam-truoc-lich-su

Geen opmerkingen:

Een reactie posten