Việt Nam mất $12 tỷ mỗi năm do ô nhiễm không khí
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm những quốc gia có phẩm chất môi trường không khí ở bậc thấp so với thế giới và bị thiệt hại $10.82-13.63 tỷ mỗi năm.
Đó là một trong những công bố gồm nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân ô nhiễm không khí ở góc độ kinh tế trong chương trình tọa đàm: “Tổn Thất Kinh Tế Của Ô Nhiễm Không Khí và Các Chính Sách Giảm Thiểu Ô Nhiễm,” do trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân tổ chức tại Hà Nội ngày 14 Tháng Giêng, 2020.
Theo báo Thanh Niên, “Ðặt vấn đề định vị ô nhiễm không khí của Việt Nam đang ở đâu so với thế giới, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đinh Đức Trường, thuộc Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, trích dẫn chỉ số Environmental Performance Index (EPI) của Trung Tâm Luật và Chính Sách Môi Trường, Đại Học Yale (Mỹ), công bố hằng năm cho thấy, năm 2012 chỉ số EPI của Việt Nam là 79/132 quốc gia, nhưng đến năm 2018 đã tụt xuống mức 132/180. Còn nếu tính theo hai nhóm chỉ số ô nhiễm không khí và phẩm chất lượng môi trường, Việt Nam xếp ở vị trí 159 -161.”
“Chất lượng không khí ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng đi xuống và nếu so sánh với thế giới đã nằm trong nhóm có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí,” ông Trường nhận định.
Cũng theo Tiến Sĩ Trường, trong gần 10 năm qua, nhóm nghiên cứu của trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân đã nghiên cứu để tính toán thiệt hại về kinh tế của ô nhiễm không khí tại Việt Nam, dựa vào phương pháp lượng giá tổn thất phúc lợi xã hội.
“Nếu tính theo thời giá trong năm 2018, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại tương đương $10.82-$13.63 tỷ, chiếm khoảng 4.4-5.6% GDP,” ông Trường cho biết.
Ngoài ra, theo số liệu từ Quỹ Mirinda and Bill Gate công bố trong năm 2018, Việt Nam có khoảng 50,000 người chết do ô nhiễm không khí, cao gấp năm lần so với số người chết do tai nạn giao thông hằng năm tại nước này.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ góc nhìn kinh tế, theo báo VNExpress, Tiến Sĩ Đinh Đức Trường cho biết có ba nhóm chính. Đầu tiên đến từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không có thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, tiêu thụ than ở Việt Nam trước đây chiếm 36% thì bây giờ càng tăng thêm.
“Việt Nam được gọi là thiên đường ô nhiễm do FDI (hoạt động đầu tư ngoại quốc). Đây chính là hiện tượng chuyển dịch ô nhiễm từ các quốc gia phát triển sang quốc gia chậm phát triển hơn,” ông Trường nêu nguyên nhân thứ hai.
Nguyên nhân thứ ba là thứ bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị. Những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm được đẩy về Việt Nam.
Tiến Sĩ Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch, cho rằng kết quả nghiên cứu của trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân “có độ tin cậy,” khi mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam trong thực tế tăng nhanh những năm gần đây.
Việt Nam nằm trong chu kỳ ô nhiễm không khí hằng năm từ Tháng Mười đến Tháng Hai năm sau. Trong năm 2019, số ngày chỉ số phẩm chất không khí AQI vượt quy chuẩn cao hơn các năm trước. Gần đây nhất, trong các Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai, 2019, tại Hà Nội liên tiếp xuất hiện các đợt ô nhiễm, có đợt kéo dài cả tuần.
“Ngay trong sáng nay thôi (14 Tháng Giêng), chỉ số AQI tại Hà Nội khắp nơi đều là màu đỏ, một số nơi lên màu tím, chưa khi nào ô nhiễm không khí nặng như bây giờ,” ông Tùng dẫn chứng. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-mat-12-ty-moi-nam-do-o-nhiem-khong-khi/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten