vrijdag 24 januari 2020

Trung Quốc ho (virus viêm phổi Corona), cả thế giới lo... "đại dịch" + Dịch bệnh Trung Quốc do... « con gì cũng ăn » ?

Trung Quốc ho, cả thế giới lo


Bệnh viện Prince of Wales, Hồng Kông, ghi nhận một ca nghi nhiễm coronavirus, ngày 22/01/2020.
Bệnh viện Prince of Wales, Hồng Kông, ghi nhận một ca nghi nhiễm coronavirus, ngày 22/01/2020. cnsphoto via REUTERS
Coronavirus lạ gây bệnh viêm phổi cấp từ Trung Quốc làm cả thế giới lo ngại. Donald Trump từ Davos khiêu chiến thương mại với Liên Âu. Đó là hai chủ đề lớn của các tờ báo chính ra hôm nay.
Như thường thấy với các chủ đề quan trọng, nhật báo Libération đăng bức ảnh lớn phủ kín trang nhất : Hai người Trung Quốc, mặt bịt khẩu trang, ánh mắt đầy lo lắng, cùng hàng tựa « Coronavirus : Cơn sốt ». Tờ báo đưa con số thống kê mới nhất, đợt dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã làm 17 người chết cho đến hôm qua. Mức độ lây lan của dịch đang làm các cơ quan y tế trên khắp thế giới lo ngại, họ cố gắng phản ứng nhanh nhất. Libération dành 5 trang báo cố gắng giải mã nguồn gốc và những nguy cơ tiềm ẩn của đợt dịch viêm phổi cấp mới đến từ Trung Quốc.
Dưới tiêu đề « Trung Quốc ho, cả hành tinh lo », Libération điểm lại : « Sự xuất hiện một chủng virus lạ đã được báo hiệu từ hôm 30/12/2019, từ nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong vòng ba tuần, một chủng mới trong họ coronavius ra đời, tấn công vào bộ máy hô hấp của con người. Đến nay, loại virus này đã làm 17 người chết, theo con số thống kê mới ngày hôm qua của chính quyền Trung Quốc. Hàng trăm người được chẩn đoán đã nhiễm bệnh khác cũng được phát hiện ở Vũ Hán và rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Còn hàng nghìn người khác cũng có thể đã bị nhiễm virus ở trong và bên ngoài Trung Quốc ».
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) tối qua đã có cuộc họp khẩn, dự kiến hôm nay sẽ ban hành tình trạng « khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn cầu ». Nếu lệnh báo động khẩn trên được ban hành tức là các quốc gia được kêu gọi khẩn cấp hợp tác nhằm tìm ra cách điều trị hay vaccin ngừa bệnh. Tình trạng khẩn cấp gần đây nhất được OMS ban hành là vào tháng 7/2019 đối với trường hợp của virus Ebola, đợt dịch từng làm hơn 2.000 người chết.
Virus gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc lần này được các chuyên gia y tế thế giới định tên là : « 2019-nCoV », một chủng mới rất gần với virus gây ra dịch viêm phổi cấp SARS hồi năm 2002 -2003, cũng khởi phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn cảnh xuất hiện virus « 2019-nCoV » vẫn còn là bí ẩn. Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng, virus có nguồn gốc từ một loài vật sau được truyền qua người rồi đột biến.
Quy mô lây lan của bệnh thế nào ?
Theo các chuyên gia y học được Libération trích dẫn, hiện tại chưa thể nói được gì nhiều, chỉ biết rằng việc phát hiện bệnh nhân khá phức tạp khi mà các triệu chứng bệnh cũng giống như các bệnh cúm hay viêm phổi thông thường.
Mức độ nguy hiểm của virus ?
Theo các thông tin có được, nạn nhân của dịch này chủ yếu là người cao tuổi trước khi nhiễm virus đã mắc một số bệnh kinh niên. Nói cách khác, những người có sức đề kháng yếu có nguy cơ nhiễm virus cao. Hiện tại, chưa có cách điều trị hay vaccin phòng bệnh. Trong trường hợp bị lây nhiễm, người ta chỉ có thể điều trị bằng tăng cường kháng sinh, và trông chờ vào khả năng tự điều chỉnh của cơ thể. Có điều nguy hiểm là virus có thể đột biến và lây lan từ người sang người dễ dàng.
Trung Quốc : Sau tấm khẩu trang là lời hứa minh bạch
Có vẻ như đã rút được kinh nghiệm sau đợt dịch SARS 2002-2003, khi bị cộng đồng quốc tế lên án cố che đậy thông tin làm cho dịch trở nên nghiêm trọng khiến hơn 800 người chết, lần này chính quyền Trung Quốc phản ứng và cung cấp thông tin nhanh hơn.
Le Figaro nhận xét : « Dịch không kiểm soát được, Bắc Kinh bị áp lực » phải minh bạch thông tin và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt,đợt dịch bùng phát mạnh vào giữa kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hàng trăm triệu người Trung Quốc phải di chuyển, tập trung đông đúc ở các đầu mối giao thông.
Về phía cộng đồng quốc tế, từ châu Á, qua châu Mỹ, châu Âu đã có những phản ứng nhanh chóng, trước mắt là tăng cường kiểm soát phát hiện bệnh từ cửa khẩu và đặc biệt chú ý đến các hành khách đến từ Trung Quốc.
Hậu quả kinh tế có thể ?
Nhật báo Les Echos chú ý ở khía cạnh thiệt hại kinh tế mà trận dịch này có thể kéo theo. Theo Les Echos, nhiều chuyên gia nhìn vào những hậu quả kinh tế trong trận dịch SARS 2003 để dự tính khả năng thiệt hại của trận dịch lần này. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và sau đó là thị trường thế giới. Ngay từ giờ, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc, đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán.
Chưa xong Trung Quốc, Donald Trump quay sang châu Âu
Một thời sự nổi bật khác trên các trang báo Pháp là diễn đàn kinh tế thế giới Davos, với tâm điểm là sự xuất hiện hăng hái của tổng thống Mỹ Donald Trump. Le Monde chú ý đến « bài diễn văn tự đắc của Trump tại Davos ».
Tờ báo ghi nhận ông Trump đã biến Davos thành diễn đàn vận động tranh cử tổng thống Mỹ cuối năm nay để khoe khoang thành tích trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông Trump cũng không quên khẳng định lại thái độ hoài nghi về các vấn đề cấp bách của khí hậu đang đặt ra cho thế giới.
Có một điểm quan trọng khác được các báo Pháp chú ý hơn trong diễn văn của tổng thống Mỹ, đó là ông khiêu chiến thương mại với châu Âu sau khi đã đọ sức với Trung Quốc, Mêhicô và Canada. Ông luôn cho là thành công. Tờ Les Echos chạy tựa trang nhất : « Thương mại : Trump thách thức châu Âu ».
Nhật báo kinh tế cho hay: « Tổng thống Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược mà ông cho là thắng lợi bằng việc áp đặt lên các đối tác thương mại chính một tương quan lực lượng dựa trên sức mạnh. Sau khi ký được thỏa thuận thương mại ban đầu với Trung Quốc, ông Trump lại khuấy động Davos với đe dọa đánh thuế nặng lên xe hơi châu Âu, nếu Mỹ không có được một thỏa thuận nhanh chóng với Liên Hiệp Châu Âu ». Với Donald Trump, các nước châu Âu không có sự lựa chọn nào khác khi mà kinh tế Mỹ phải thua thiệt hơn 150 tỷ đô la mỗi năm do cách trao đổi buôn bán hiện nay với châu Âu. Để tăng áp lực, Donald Trump dọa tăng thuế 25% hàng xe hơi châu Âu xuất vào Mỹ.
Thực ra, từ đầu năm 2019, 28 nước thành viên liên Âu đã có chương trình đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán chưa được khởi động vì mục tiêu của hai bên còn nhiều khác biệt. Hoa Kỳ từ chối ngồi vào đàm phán vì các sản phẩm nông nghiệp bị loại ra ngoài. Nông sản là lĩnh vực mà châu Âu không chấp nhận đàm phán với Mỹ.
Về chủ đề này, báo Công giáo La Croix cũng lên tiếng qua bài xã luận khá bực dọc với tiêu đề : « Trump, kẻ gây rối ».
Tờ báo nhấn mạnh : « Sự đe dọa này minh họa cho chiến lược của Donald Trump khi ông ta nhảy vào các cuộc mặc cả. Phương pháp thường thấy của ông vẫn là trừng phạt. Ông ta coi rẻ thương lượng và cơ cấu đa phương ». Ông ta chơi trò ỉ thế mạnh đối lại với quan điểm về một thế giới có tổ chức xung quanh các định chế lớn vì sự cân bằng lợi ích các quốc gia khác nhau. La Croix viết tiếp : « Bằng chiến thuật thông tin rất cá nhân mang tính bản năng nhưng nhằm vào những tranh chấp cụ thể, tổng thống Mỹ công khai tỏ bất đồng với các nước đối tác. Bằng hết twitt này đến twitt khác, ông ta muốn chứng tỏ mình luôn có cú đánh trước để đánh lạc hướng đối phương và để làm thay đổi đường hướng. Nhưng cái hình thức quấy nhiễu đó đang phá hỏng lâu dài hệ thống quan hệ quốc tế. Không một ai, kể cả Mỹ có thể vui vì điều đó ».
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200123-trung-quốc-ho-cả-thế-giới-lo

Virus lạ gây viêm phổi thách thức chính quyền Tập Cận Bình


Chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 10/01/2020.
Chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 10/01/2020. ©REUTERS/Stringer
Ngăn chận dịch bệnh lây lan vì lợi ích kinh tế và chứng minh với quốc tế rằng Trung Quốc đang làm chủ tình hình, tránh để lâm vào một cuộc khủng hoảng y tế. Đó là hai thách thức virus viêm phổi corona đang đặt ra cho chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Hiện đã có 13 trong số 26 tỉnh thành của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều ca lây nhiễm. Ổ dịch là thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị cách ly với phần còn lại của đất nước làm xáo trộn các hoạt động mua bán vào mùa Tết nguyên đán. Chứng khoán tại Thượng Hải, Hồng Kông sụt giảm do mối lo ngại virus corona ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Ba tuần kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình hôm đầu tuần đã kêu gọi huy động "toàn lực" và "cứu sống những sinh mạng và sức khỏe của cộng đồng phải được đặt lên trên tất cả mọi ưu tiên". Thủ tướng Lý Khắc Cường thì ân cần động viên nhân viên y tế đề cao cảnh giác tối đa.
Tất cả những nỗ lực này nằm trong chiến dịch trấn an công luận Trung Quốc, bởi mỗi lần xảy ra khủng hoảng y tế như dịch viêm phổi cấp tính hồi năm 2003 hay an toàn thực phẩm đe dọa đến sức khỏe công cộng, người dân Trung Quốc luôn thận trọng với những thông tin từ phía chính quyền. Người ta lo ngại các giới chức y tế ở mọi cấp che giấu thông tin, giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuần qua, vào lúc cơ quan y tế của thành phố Vũ Hán nói đến 41 người bị lây nhiễm, một nghiên cứu của đại học Anh, Imperial College - Luân Đôn, nêu lên khả năng gần 2.000 người bị viêm phổi vì virus corona.
Bên cạnh mục tiêu ngăn chận dịch bệnh hoành hành trong lúc ngày càng có nhiều chuyên gia lo ngại virus có thể lây từ người sang người, một ưu tiên khác của Bắc Kinh là bảo vệ đà tăng trưởng cho Trung Quốc. Nền kinh tế thứ nhì thế giới đã phải liên tục đương đầu với thương chiến Mỹ-Trung, với khủng hoảng chính trị Hồng Kông làm kinh tế tại đặc khu hành chính vốn rất năng động bị sa sút.
Các đợt áp thuế dồn dập của chính quyền Trump nhắm vào hàng Trung Quốc trong gần hai năm qua khiến nhiều hãng xưởng của Trung Quốc điêu đứng. Xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2019 giảm 23 %. Bắc Kinh trông cậy vào tiêu thụ nội địa để làm lực đẩy cho tăng trưởng. Vậy mà các cuộc xuống đường của phe dân chủ Hồng Kông, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, khiến nhiều cửa hàng ở Hồng Kông phải đóng cửa, các khu thương mại và khách sạn vắng khách.
Giáo sư Mary-France Renard, đại học Clermont-Ferrand, lưu ý virus corona tai hại ở chỗ nó khiến mọi người lo sợ, tránh đi ra đường hay lui tới những nơi công cộng. Hệ quả kèm theo là ngành du lịch lại bị mất khách. Năm 2002-2003, dịch viêm phổi cấp tính SARS đã gây tác hại đến kinh tế Trung Quốc, nhưng chỉ mang tính tạm thời, vì vào thời điểm đó, theo giáo sư Renard, GDP của Trung Quốc tăng 10 %. Nay tỷ lệ tăng trưởng của nước này chỉ trên dưới 6 % mà thôi.
Về phần cơ quan tư vấn SinoInsider trụ sở đặt tại Mỹ, chuyên gia Larry Ong cho rằng, việc ông Tập Cận Bình phải lên tiếng về dịch viêm phổi hiện nay đủ cho thấy "tình hình nghiêm trọng đến mức độ nào", bởi vì nếu không khéo, để dịch bệnh lan rộng, thì sẽ vô cùng tai hại đối với hình ảnh của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Gần hai thập niên trước, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tố cáo Trung Quốc che giấu thông tin. Trong lĩnh vực y tế, che giấu thông tin hay cung cấp thông tin chậm trễ có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng tai hại. Dịch SARS hồi năm 2002-2003 làm 774 người chết trên thế giới, trong đó có gần 350 bệnh nhân tại Hoa Lục. Kịch bản đó vẫn còn ám ảnh cộng đồng quốc tế.
Lần này, theo chuyên gia thuộc đại học Canterbury- New Zealand, Anne Marie Brady, ở cấp trung ương, giới lãnh đạo biết rõ là kịch bản đó không thể tái diễn. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì toàn cầu với trọng lượng kinh tế gần bằng 1/5 của thế giới, là một quốc gia có tiếng nói quyết định trên nhiều hồ sơ lớn của quốc tế, từ Iran đến Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phải ứng xử như một quốc gia có trách nhiệm. Chính vì thế, giáo sư Dali Yang, giảng dậy tại đại học Chicago, Hoa Kỳ cho rằng, "việc chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng về virus corona mang yếu tố quyết định và nếu dịch bệnh được ngăn chận trong một thời gian không quá dài, uy tín của lãnh đạo Trung Quốc càng được tăng thêm".
Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở đây là kịch bản "trên bảo mà dưới không nghe". Bắc Kinh có thể làm được gì nếu như giới lãnh đạo cấp địa phương, vì một lý do nào đó, cố tình che giấu thông tin, như câu hỏi đã được Larry Ong của công ty tư vấn SinoInsider nêu lên. Cũng chuyên gia này không loại trừ kịch bản xấu nhất, đó là thành phố Vũ Hán đã không còn kiểm soát nổi tình hình, phải cầu cứu trung ương. Bắc Kinh đã khéo léo dàn dựng các buổi họp báo để chứng minh với công luận trong nước và quốc tế rằng, chính quyền Trung Quốc không có gì để giấu giếm, mà trái lại đang hành xử như một quốc gia có trách nhiệm.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200123-virus-lạ-gây-viêm-phổi-thách-thức-chính-quyền-tập-cận-bình

Virus viêm phổi : Hai thành phố ở Trung Quốc bị cô lập


Sân bay Vũ Hán vắng vẻ, ngày 23/01/2020.
Sân bay Vũ Hán vắng vẻ, ngày 23/01/2020. Leo RAMIREZ / AFP
Kể từ sáng nay 23/01/2020, người dân Vũ Hán bị cấm ra khỏi thành phố, các chuyến tàu và chuyến bay từ đây đều bị ngưng. Chủng coronavirus mới xuất phát từ thành phố này đã làm 17 người chết tại Trung Quốc, tổng số người bị nhiễm lên trên 570, hầu hết ở Vũ Hán.
Không ít người tìm cách ra khỏi Vũ Hán trước giờ đóng cửa, nhưng xe cộ bị chận lại ở các xa lộ. Trên những chuyến bay cuối cùng từ Vũ Hán, tất cả các hành khách đều mang khẩu trang.
Cũng hôm nay, một thành phố khác là Hoàng Cương (Huanggang), nằm kế cận Vũ Hán, cấm cư dân ra khỏi thành phố trừ trường hợp đặc biệt, giao thông công cộng bị ngưng, các địa điểm vui chơi giải trí bị đóng cửa từ cuối giờ chiều.
Thành phố Ngạc Châu (Ezhou) 1,1 triệu dân gần đó cho nhà ga ngưng hoạt động. Tiên Đào (Xiantao) đóng các tuyến lưu thông chính, và Xích Bích (Chibi) cho ngưng giao thông công cộng – hai huyện này có hơn 2 triệu dân.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh biện pháp cô lập sẽ giúp giảm phần nào nguy cơ lây lan. Các chuyên gia của tổ chức này vẫn chưa thống nhất được về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới. Cuộc họp khẩn tiếp tục diễn ra hôm nay.

Play
Current Time 0:00
/
Duration Time 0:04
Loaded: 0%
Progress: 0%
0:00
Fullscreen
00:00
Mute
Phóng sự của Thông tín viên Stéphane Lagarde về tình hình tại Vũ Hán :
« Tất nhiên là tôi sợ. Bạn bị sốt, và sau đó bạn không thở được ». Người sinh viên này cũng như mọi người dân ở Vũ Hán đều biết rõ các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ : sốt cao và khó thở, xuất hiện từ một tháng qua tại khu phố Hán Khẩu. Và giờ đây lại có thêm một virus nữa, đó là nỗi sợ hãi, làm dân chúng đứng ngồi không yên từ mấy ngày qua.
Những quán cà phê, khách sạn, cửa hàng tại thành phố Vũ Hán trở nên vắng vẻ, nhưng không chỉ là do kỳ nghỉ Tết âm lịch. Tại sân trượt băng hình con rồng ở một trung tâm thương mại, một bé gái trượt một mình trên sân băng.
Cô Cheerwin, 23 tuổi, làm ở bộ phận tiếp tân nói : « Mọi việc trở nên trầm trọng hơn tại Hán Khẩu. Từ vài ngày qua, phụ huynh không đưa con cái tới đây nữa, họ sợ bị nhiễm virus. Hiện giờ thì tôi không cảm thấy sợ. Tôi tự nhủ nếu trẻ em tới chơi trượt băng, tức là các bé ấy khỏe mạnh, nên chẳng có gì phải sợ ».
Được bao bọc bằng những rào cản màu đỏ và giám sát thường xuyên, khu chợ hải sản ở Hán Khẩu hoàn toàn bị cách ly từ khi bệnh dịch xuất hiện, kể từ tuần này các chợ nông sản khác của Vũ Hán bị đóng cửa. Và từ hôm nay thì toàn bộ thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã bị cách ly với thế giới.
Việt Nam xác nhận có hai người Trung Quốc nhiễm coronavirus
Hai người Trung Quốc đang sống tại Việt Nam đã được xét nghiệm dương tính với loại coronavirus mới giống như SARS, đang được cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy. AFP dẫn lời các viên chức có trách nhiệm của Việt Nam hôm nay 23/01/2020 xác nhận như trên.
Một người đàn ông Trung Quốc sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị lây nhiễm từ người cha đi từ Việt Nam sang Vũ Hán hôm 13/1. Hai cha con lần lượt nhập viện vì sốt cao từ ngày 17/1, và theo bệnh viện thì đang dần hồi phục. Theo báo chí trong nước, các nhân viên y tế được lệnh không rời khỏi Sài Gòn dịp Tết để ứng phó với bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200123-virus-lạ-ở-trung-quốc-thành-phố-vũ-hán-bị-cô-lập-với-thế-giới

Trung Quốc: Virus viêm phổi cấp tính mới có thể lây từ người sang người


Nhân viên y tế một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi có các bệnh nhân bị nhiễm viêm phối lạ.
Nhân viên y tế một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi có các bệnh nhân bị nhiễm viêm phối lạ. REUTERS/Stringer
Hôm nay, 21/01/2020, Trung Quốc vừa thông báo tổng cộng đã có 6 người chết do virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính và xác nhận là virus này có thể lây từ người sang người.
Theo cơ quan y tế Trung Quốc, 3 trường hợp tử vong mới là tại thành phố Vũ Hán ( miền trung của Trung Quốc ), nơi tập trung phần lớn ca bệnh. Trên toàn Trung Quốc, hiện đã có gần 300 người bị nhiễm virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính tương tự như SARS. Riêng tại Vũ Hán, số người bị lây nhiễm là 258, theo thông báo của thị trưởng thành phố này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình:
“ Sự lây lan giữa người với người của “2019-nCov” ( tên của con virus corona quái ác này ) chính là nguyên nhân của ít nhất một ca tử vong được xác nhận ở Vũ Hán, cũng như tại hai ổ dịch ở tỉnh Quảng Đông.
Đó là khẳng định của ông Chung Nam Sơn ( Zhong Nanshan ), giám đốc một viện bào chế của nhà nước và là người phát hiện virus SARS ( Hội chứng hô hấp cấp tính nặng ) vào tháng 02/2003.
Ông đã xác nhận như vậy vào lúc khoảng 15 nhân viên y tế ở Vũ Hán có những triệu chứng của căn bệnh này :sốt cao và khó thở. Điều này rất đáng quan ngại, bởi vì trong những bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân, người ta đã thi hành những biện pháp ngăn ngừa rất chặt chẽ.
Một điều đáng quan ngại khác, đó là sắp đến kỳ nghỉ Tết tại Trung Quốc và theo các chuyên gia, đây quả là một quả bom nổ chậm. Thật vậy, số người đi lại càng đông thì nguy cơ lây từ người sang người càng lớn. Vào thứ sáu này, ở khắp nơi, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ về nhà ăn Tết với gia đình.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ dồn mọi nỗ lực để ngăn chận dịch bệnh lan rộng. Theo một số chuyên gia, khả năng lây lan và thích ứng của virus là gần giống như virus SARS vào lúc khởi đầu dịch viêm phổi cấp tính vào năm 2003, xuất phát từ Hồng Kông và sau đó lan ra toàn cầu.”
Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) hôm qua thông báo sẽ họp khẩn cấp tại Genève ngày mai để bàn cách đối phó với con virus bí ẩn này. Một ủy ban chuyên trách của WHO sẽ quyết định có thể tuyên bố “ tình trạng khẩn cấp y tế công cộng ở cấp độ quốc tế ” hay không. WHO chỉ sử dụng cụm từ nói trên khi nào có những dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, như dịch Ebola ở Tây Phi từ năm 2014 đến 2016 và ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2018.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200121-trung-quốc-virus-viêm-phổi-cấp-tính-mới-có-thể-lây-từ-người-sang-người-0

Các nước châu Á “báo động tối đa” về virus viêm phổi từ Trung Quốc


Một tấm bảng thông báo cho hành khách về nguy cơ dịch bệnh từ Vũ Hán tại sân bay Narita, Nhật Bản ngày 16/01/2020.
Một tấm bảng thông báo cho hành khách về nguy cơ dịch bệnh từ Vũ Hán tại sân bay Narita, Nhật Bản ngày 16/01/2020. STR / JIJI PRESS / AFP
Từ Bangkok đến Hà Nội, từ Hồng Kông đến Sydney, nhiều nước vùng châu Á-Thái Bình Dương đang được đặt trong tình trạng báo động tối đa, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp tính, tương tự như dịch SARS năm 2003. Cho tới nay đã có 6 ca tử vong tại Trung Quốc do con virus bí ẩn, mà nay được xác nhận là có thể lây từ người sang người. Hiện giờ, các ca nhiễm bệnh đã được phát hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan.
Đầu tiên là ngay tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố xem dịch viêm phổi lần này như là dịch SARS (Viêm phổi cấp tính nặng) năm 2003, có nghĩa bất cứ người nào có triệu chứng bệnh đều phải bị cách ly.
Tại Hồng Kông, nơi mà người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi dịch SARS năm 2003 khiến hàng trăm người chết, nhà chức trách cho biết họ đang trong tình trạng “báo động cực kỳ cao”. Sân bay Hồng Kông, một trong những sân bay có đông hành khách nhất thế giới, thì vẫn có máy đo thân nhiệt toàn bộ những người đến sân bay này. Nhưng bây giờ họ yêu cầu mọi hành khách đến từ Vũ Hán phải điền một bản khai tình trạng sức khỏe, và những người nào che giấu các triệu chứng sẽ bị phạt 6 tháng tù. Đường biên giới trên bộ giữa Trung Hoa lục địa và Hồng Kông cũng đang được giám sát chặt chẽ hơn bình thường.
Trong khi đó tại Thái Lan, nhà chức trách đã đặt máy đo thân nhiệt toàn bộ các hành khách từ những nơi có nguy cơ cao ở Trung Quốc nhập cảnh tại các sân bay Bangkok, Chiang Mai, Phuket và Krabi. Những hành khách nào có dấu hiệu bị sốt sẽ bị cách ly trong 24 tiếng đồng hồ để theo dõi. Chính quyền Bangkok đặc biệt lo ngại là vì một phần tư số chuyến bay quốc tế từ Vũ Hán, trung tâm điểm của dịch bệnh, là đến Thái Lan. Theo dự kiến, mỗi ngày có khoảng 1.300 hành khách từ Vũ Hán đến Thái Lan vào dịp Tết Nguyên Đán và chính phủ Bangkok muốn bằng mọi giá tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến mùa du lịch cao điểm tại Thái Lan.
Những nước khác có các chuyến bay từ Vũ Hán cũng đang thi hành các biện pháp tương tự như Singapore, Úc, nơi vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nghi bị lây nhiễm virus corona mới tại bang Queensland.
Cho dù không có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán đến Hà Nội, tình hình cũng rất đáng quan ngại đối với Việt Nam. Vì Việt Nam tiếp đón rất nhiều du khách Trung Quốc, mỗi ngày có hàng chục chuyến bay từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, cho nên nguy cơ lây lan rất lớn. Theo báo chí trong nước, hiện nay sân bay Nội Bài bố trí nhân viên trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h, sử dụng 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế. Ngoài biện pháp đối với các hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay, bộ Y Tế Việt Nam còn ra lệnh tăng cường giám sát được biên giới phía Bắc, nơi có nhiều người qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương buộc phải thi hành những biện pháp phòng ngừa gắt gao như vậy, bởi vì nếu để lọt một người từ Trung Quốc mang virus vào trong nước thì sẽ rất khó ngăn chận sự lây lan. Theo một bác sĩ ở đại học King’s College London, dường như là virus có thể lan truyền qua không khí khi người bệnh hắt xì hơi hoặc ho. Mặt khác, theo nhận định của các bác sĩ tại University of Hong Kong, số người nhiễm bệnh ở thành phố Vũ Hán trên thực tế rất có thể đã lên tới hơn 1.300 ca, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức là gần 300. Bây giờ lại sắp đến Tết, với cả trăm triệu người sẽ di chuyển trên toàn Trung Quốc để về sum họp với gia đình, như vậy là nguy cơ lây lan sẽ rất cao.
Hiện giờ, theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ tử vong của virus corona mới có vẻ tương đối thấp so với dịch SARS trước đây. Nhưng đây là một chủng virus hoàn toàn mới, còn nhiều bí ẩn và dịch bệnh chỉ mới bộc phát, chưa biết là nó sẽ tiến triển như thế nào.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200121-các-nước-châu-á-báo-động-tối-đa-trước-virus-viêm-phổi-từ-trung-quốc

Dịch bệnh Trung Quốc do « con gì cũng ăn » ?

Công an Trung Quốc mang khẩu trang khi kiểm tra xe cộ tại một trạm thu phí để ngăn chận việc buôn lậu động vật hoang dã tại Vũ Hán, ngày 24/01/2020.
Công an Trung Quốc mang khẩu trang khi kiểm tra xe cộ tại một trạm thu phí để ngăn chận việc buôn lậu động vật hoang dã tại Vũ Hán, ngày 24/01/2020. REUTERS/David Stanway
Loại coronavirus mới đã làm 17 người chết và 634 người lây nhiễm (tính đến ngày 22/01/2020) bị nghi ngờ xuất phát từ chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) ở Vũ Hán (Wuhan), thành phố 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc. Nơi đây tập trung nhiều loại động vật hoang dã, như loài chồn hương đã làm lan truyền dịch SARS năm 2002-2003.
Tuy mang tên là chợ hải sản, nhưng chợ này còn bán nhiều loại động vật khác – theo như một brochure quảng cáo và điều tra của báo chí Hoa lục. Ngôi chợ đã bị đóng cửa vào tháng trước, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên nơi một nhà buôn trong chợ.
Hôm thứ Tư 22/1, Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm tra và Phòng ngừa Dịch tế quốc gia nhìn nhận, việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thường diễn ra tại chợ này.
Phải chăng chuyện cũ lặp lại ? Dịch SARS đã giết hại 650 người tại Trung Quốc vào đầu những năm 2000, là từ loài chồn hương vốn thường được bày bán ở các chợ Quảng Châu. Bị cấm tiêu thụ trên lý thuyết, chồn hương vẫn nằm trong danh sách 112 mặt hàng được một thương nhân ở chợ Vũ Hán chào bán.
« Sản phẩm được đông lạnh và giao tận nhà sau khi giết mổ ». Tờ quảng cáo giới thiệu đủ loại động vật sống, từ chuột, chồn, cá sấu, chó sói, kỳ nhông khổng lồ cho đến những con công, rắn, nhím, thịt lạc đà. Cửa hàng mang tên « Thú rừng và thú nuôi bán sỉ » từ thứ Năm 23/01/2020 không còn liên lạc được cả qua điện thoại lẫn internet.
Một nhật báo Bắc Kinh, tờ Beijing News dẫn ra một số thương gia khác trong chợ, chuyên bán động vật hoang dã cho đến khi chợ này bị đóng cửa.
« Con gì cũng ăn »
Người Trung Quốc thường khoe sẵn sàng ăn « tất cả những gì có bốn chân trừ cái bàn, những gì bơi được trừ tàu thuyền, những gì bay được trừ máy bay ». Những loài động vật hiếm cũng được săn lùng vì tin rằng có dược tính.
Tuy nhiên thói quen « con gì cũng xơi tuốt » tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe con người – Christian Walzer, hiệp hội sinh thái Mỹ Wildlife Conservation Society cảnh báo. Theo ông, 70% bệnh lây nhiễm là từ động vật hoang dã, và các ngôi chợ là môi trường lý tưởng của virus để truyền bệnh sang người.
Theo một nghiên cứu về di truyền học được công bố hôm thứ Ba 21/1, chủng coronavirus mới có thể sinh ra từ loài dơi. Tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc tiết lộ loại virus này rất gần với một chủng virus hiện diện nơi những con dơi.
Loài dơi là nơi tồn trữ virus, nhưng không có nghĩa là chúng truyền bệnh trực tiếp sang người. Ngược lại, một bài viết trên Journal of Medical Virology hôm thứ Tư 22/1 khẳng định loài rắn có thể là vật trung gian truyền bệnh sang con người.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200123-dịch-bệnh-trung-quốc-do-con-gì-cũng-ăn




Geen opmerkingen:

Een reactie posten