woensdag 8 januari 2020

Biển Đông: Các nước nhỏ có thể buộc Bắc Kinh phải dè chừng + Mỹ - Nhật lên án Bắc Kinh đe dọa an ninh các nước láng giềng + Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông

Biển Đông: Các nước nhỏ có thể buộc Bắc Kinh phải dè chừng

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018.
Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via REUTERS
Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà, với ''ưu thế quân sự áp đảo'' tại khu vực và sức mạnh kinh tế đang lên. Các quốc gia láng giềng, bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, đang rơi vào thế bất lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, các nước nhỏ vẫn có phương tiện buộc Bắc Kinh phải dè chừng. Trên đây là nhận định của một cựu chỉ huy Hải Quân Nhật Bản, phó đô đốc Yoji Koda.
Trong bài ''Japan’s Options in the South China Sea'' đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 09/12/2019, hai tuần trước chuyến công du của thủ tướng Nhật đến Trung Quốc, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định cho dù Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về quân sự tại Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực, vẫn có nhiều dư địa để hóa giải thách thức Trung Quốc tại vùng biển này.
Một điểm then chốt mà bài viết lưu ý là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa quy mô đang trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với tất cả các lực lượng khác tại Biển Đông. Đặc biệt kể từ năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (Woody island) ở quần đảo Hoàng Sa, và ba đảo nhân tạo khác ở quần đảo Trường Sa. Quân đội Trung Quốc đã triển khai các phi cơ tiêm kích J-11 và oanh tạc cơ H-6K tại đảo Phú Lâm, và các phương tiện này cũng có thể sớm được triển khai tại ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Subi (SubiReef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef).
Trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình quân sự kiên cố, và triển khai nhiều phương tiện và vũ khí hiện đại như radar, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, pháo, các phương tiện chiến tranh điện tử. Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự tại Biển Đông đúng vào khoảng thời gian đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này bị một tòa án quốc tế bác bỏ (năm 2016, với vụ kiện của Philippines).
Tuy nhiên, cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khẳng định các hòn đảo được quân sự hóa nói trên hoàn toàn không phải là những pháo đài bất khả xâm phạm. Tại khu vực Biển Đông, Quân Đội Trung Quốc cũng hoàn toàn không phải một ''siêu nhân'' (superman), vì nhiều lý do. Tác giả đặc biệt lưu ý đến chiến lược ''vô hiệu hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc'' là biện pháp cần được ưu tiên.
Ông Yoji Koda nêu ''bài học đau đớn'' của nước Nhật đế quốc trong thời gian Thế Chiến Hai. Mọi căn cứ trên các hòn đảo xa hậu phương tại khu vực Thái Bình Dương của Nhật đều không thể trụ lại trước các cuộc tấn công của Hải Quân và lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật ví các hòn đảo xa hậu phương mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông chỉ như ''những khúc củi khô'', khi chiến sự nổ ra.
Trong hiện tại, ở Biển Đông, Quân Đội Mỹ vẫn có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn các thách thức của Quân Đội Trung Quốc, tuy nhiên, các nước láng giềng ven bờ bị Trung Quốc chèn ép, đặc biệt là Việt Nam và Phiippines, có thể buộc Bắc Kinh phải trả giá rất lớn trong việc tìm cách đối phó với các đe dọa, hoặc nhắm trực tiếp vào các hòn đảo xa xôi ở quần đảo Trường Sa, hoặc nhắm vào nguồn cung cấp hậu cầu cho các đảo nhân tạo này.
Lợi thế của Việt Nam là bờ biển nằm sát đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Lợi thế của đảo lớn Palawan của Philippines là nằm sát quần đảo Trường Sa. Chỉ cần Việt Nam và Philippines bố trí các tên lửa trên đất liền đúng vị trí, với tầm bắn đủ để trúng vào các đảo nhân tạo, thì cục diện của cuộc chơi đã thay đổi. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ chẳng khác nào ''một đàn ếch tuyệt vọng trước một con rắn lớn'', theo ví von của tác giả bài viết.
Riêng đối với Việt Nam, còn có một chiến lược khác, để buộc Trung Quốc phải lo sợ. Đó là sử dụng sáu tầu ngầm lớp Kilo để cô lập đảo Phú Lâm, được coi là thủ phủ của Trung Quốc tại Biển Đông (hòn đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền). Trong trường hợp này, khả năng tiếp tế của Trung Quốc cho các đảo Trường Sa sẽ trở nên hết sức khó khăn. Các biện pháp được miêu tả nói trên có thể là tương đối không đáng kể, thế nhưng chúng sẽ buộc Quân Đội Trung Quốc phải tăng cường nỗ lực và cái giá phải trả sẽ vượt quá các nguồn lực hiện có.
Tác giả cũng cảnh báo là cần phải hết sức chú ý các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng tình hình quốc tế đang sôi sục với nhiều điểm nóng, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Bắc Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân hay phong trào phản kháng Hồng Kông, để âm thầm thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này.
Cựu chỉ huy Hải Quân Nhật khép lại bài viết với nhận định là Hoa Kỳ và Nhật Bản đương nhiên sẽ phải có các biện pháp kiên quyết với Trung Quốc, thế nhưng cục diện ở Biển Đông cũng đồng thời phụ thuộc nhiều vào các quốc gia trong vùng. Với chiến lược kể trên liên quan đến các đảo nhân tạo Trung Quốc kiểm soát, các nước nhỏ có thể trở thành một sức mạnh đáng sợ buộc một đại cường phải dè chừng.
 www.rfi.fr/vi/việt-nam/20191230-biển-đông-các-nước-nhỏ-buộc-bắc-kinh-phải-dè-chừng

Biển Đông : Mỹ - Nhật lên án Bắc Kinh đe dọa an ninh các nước láng giềng

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper (trái) bắt tay đồng nhiệm Nhật, Taro Kono tại cuộc họp ở Bangkok ngày 18/11/2019.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper (trái) bắt tay đồng nhiệm Nhật, Taro Kono tại cuộc họp ở Bangkok ngày 18/11/2019. @The Yomiuri Shimbun
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ từ Bangkok, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật từ Doha, trước sau vài tiếng đồng hồ, lên án đích danh Bắc Kinh sử dụng sức mạnh vũ khí và các căn cứ quân sự ở Biển Đông để áp chế các quốc gia trong vùng. Đô đốc John Aquillino cho biết không để yên cho Trung Quốc thao túng, bộ trưởng Taro Kono cảnh báo những kẻ gieo gió sẽ gặt bão.
Trước hết theo AP, trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok hôm 13/12/2019, đô đốc tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương John Aquillino nhận định các hoạt động quân sự của Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền và xây dựng phi trường, đưa máy bay quân sự ra các đảo đá ở Biển Đông với mục tiêu tối hậu là « bức hiếp và hù dọa các nước trong vùng ». Đô đốc John Aquillino tuyên bố thêm là « Mỹ không muốn tranh hùng với Trung Quốc » nhưng « sẽ hợp tác nơi nào hợp tác được và tranh đấu nếu cần phải tranh đấu » để bảo đảm hòa bình cho các quốc gia « chia sẻ những giá trị cùng với Mỹ ».
Vài giờ sau, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về an ninh tại Qatar, cũng cho rằng Trung Quốc âm mưu khống chế Biển Đông. Bắc Kinh đơn phương phá hoại nguyên trạng trật tự thế giới, gia tăng võ trang kể cả vũ khí hạt nhân một cách thiếu minh bạch. Theo bộ trưởng quốc phòng Nhật, những kẻ âm mưu bành trướng bằng quân sự phải trả giá.
Trong năm 2019, Hoa Kỳ và các nước đồng minh Châu Á không thụ động. Báo Hồng Kông, China Morning Post, trích dẫn một bản báo cáo thường niên của một nhóm chuyên gia Trung Quốc thuộc đại học Bắc Kinh thì trong năm sắp kết thúc, hải quân Mỹ đã tiến hành « 85 cuộc tập trận quân sự » với hầu hết các nước khu vực từ Singapore,Thái Lan, Philippines, Ấn độ, Nhật Bản cho đến Úc. Theo các chuyên gia Trung Quốc, các cuộc tập trận này nhằm giúp hải quân Mỹ « có nhiều đồng minh hơn và chuẩn bị tác chiến tốt hơn ».
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20191215-biển-đông-mỹ-nhật-lên-án-bắc-kinh-đe-dọa-an-ninh-các-nước-láng-giềng

Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông

Phần âm thanh 09:45
Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được giao cho Việt Nam. Ảnh minh họa.
Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được giao cho Việt Nam. Ảnh minh họa. naval-technology.com
Biển Đông là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngày 18/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, khác với thái độ của một số nước ASEAN có tranh chấp.
Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam « kiên quyết » nhưng « khôn khéo » trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung Quốc : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ đô la cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, tương quan lực lượng rõ ràng thiên về Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng lên đến 228 tỉ đô la.
Ngoài ra, số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung Quốc có gần 2,3 triệu quân. Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung Quốc ; 6 tầu ngầm so với 76 ; 64 tầu chiến các loại so với 714 tầu, trong đó Việt Nam không có tầu sân bay, tầu khu trục.
Vậy Việt Nam có chiến lược gì để có thể kiềm chế nước láng giềng khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon)
RFI : Xét về thực lực quân sự, Việt Nam không thể đối đầu trực diện với quân đội Trung Quốc. Vậy Việt Nam có thể làm được gì để hạn chế Trung Quốc tung hoành ?
Laurent Gédéon : Trước tiên cần đặt câu hỏi là nếu trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên, thì sẽ là ở đâu ? Việc Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc khiến người ta có thể hình dung đến khả năng xảy ra xung đột trên bộ. Nhưng trên thực tế, giả sử xảy ra xung đột, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung Quốc và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.
Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tầu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.
Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.
Theo tôi, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Quốc, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
RFI : Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với nước ngoài, liệu chiến lược này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi không ?
Laurent Gédéon : Điều đáng lưu ý là Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay. Và rõ ràng là Hà Nội nhận thấy sự phát triển những mối quan hệ này như một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung Quốc.
Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản. Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tầu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước châu Âu.
Về câu hỏi : Chiến lược này có phải là con dao hai lưỡi hay không ? Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung Quốc diễn giải như là một mối đe dọa. Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.
Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ đô la trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.
RFI : Việt Nam đề ra chính sách « Ba không » (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia), nhưng trước sự đe dọa của Trung Quốc, liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách này không ?
Laurent Gédéon : Đây không phải là chính sách gần đây mà xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dù mang tính mệnh lệnh « Ba không » nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ « đối tác ». Có ba kiểu « đối tác », đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên « liên minh quân sự ».
Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung Quốc. Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên, trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Hòa Kỳ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa-chính trị riêng.
Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, mà cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là « dấu chấm hết » cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?
Có thể thấy chính sách « Ba không » không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền. Có nghĩa là để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, cho đến nay, những vấn đề này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
RFI : Biển Đông là một vấn đề căng thẳng trong thời gian gần đây, với sự hiện diện của tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong vòng nhiều tháng. Giả sử trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ, khẩn cấp, Việt Nam có khả năng giải quyết như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp trên giống trường hợp Bắc Kinh điều giàn khoan đến ngoài khơi đảo Tri Tôn vào tháng 05/2014, có nghĩa là Trung Quốc dùng chính sách « sự đã rồi », nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. Lần trước Việt Nam cũng đưa tầu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Lần này, phía Việt Nam cũng kiên quyết về mặt chính trị, nhưng cũng không tìm cách dùng vũ lực đuổi tầu Trung Quốc.
Theo quan điểm của tôi, chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh « kiềm chế, hợp pháp » trước hành động được coi là « xâm lược » của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20191118-tiem-luc-cua-viet-nam-de-chong-trung-quoc-o-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten