zaterdag 18 januari 2020

Thụy Sĩ : Quốc gia bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Iran

Thụy Sĩ : Quốc gia bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Iran

Tổng thống Thụy Sĩ, Alain Berset (P) và đồng nhiệm Iran, Hassan Rouhani trong một buổi họp báo chung sau lễ ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPA) tại Bern ngày 03/07/2018.
Tổng thống Thụy Sĩ, Alain Berset (P) và đồng nhiệm Iran, Hassan Rouhani trong một buổi họp báo chung sau lễ ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPA) tại Bern ngày 03/07/2018. RUBEN SPRICH / AFP
Ngày 01/01/2020, Iran triệu tập đại biện lâm thời của Thụy Sĩ để phản đối những tuyên bố « hiếu chiến » của Washington sau loạt oanh kích của không quân Mỹ nhắm vào một căn cứ lực lượng vũ trang thân Iran. Ngày 03/01/2020, Iran một lần nữa triệu mời một đại diện ngoại giao Thụy Sĩ để chuyển một thông điệp đến Hoa Kỳ sau vụ tướng Iran Qassem Soleimani bị drone của Mỹ triệt hạ.
Trong cùng ngày, Thụy Sĩ lên tiếng kêu gọi Iran và Hoa Kỳ nên tránh leo thang căng thẳng. Vậy Thụy Sĩ có vai trò gì trong cuộc khủng hoảng Iran và Hoa Kỳ ? RFI Tiếng Việt tổng hợp một số nguồn tin Thụy Sĩ để giải thích.
*****
Vì sao Teheran lại cho triệu mời đại sứ Thụy Sĩ sau vụ tướng Qassem Soleimani bị bắn hạ ?
Theo giải thích của nhà báo Laurent Burkhalter, trưởng ban Quốc tế đài RTS ở Thụy Sĩ với kênh truyền hình quốc tế TV5Monde, Liên bang Thụy Sĩ là đại diện chính thức cho các lợi ích của Mỹ ở Teheran kể từ năm 1980. Bởi vì, Washington cắt đứt quan hệ với Teheran sau vụ 56 nhà ngoại giao Mỹ bị bắt giữ làm con tin năm 1979 :
« Quả thật, Thụy Sĩ đóng vai trò trung gian giữa 2 nước hay đúng hơn là nước bảo hộ, một thuật ngữ chính xác và đã có từ 40 năm qua. Đây là phương tiện giao tiếp chính thức duy nhất giữa hai nước. Một kênh liên lạc thiết yếu mà cả Washington lẫn Teheran đều tin tưởng do đặc tính trung lập và thận trọng của Thụy Sĩ.
Nếu như Thụy Sĩ không khoe khoang thành tích về các hành động của mình, người ta có thể liệt kê một số thành công như vụ trao đổi tù nhân hồi đầu tháng 12/2019 giữa Mỹ và Iran tại phi trường Jurich. Đó cũng là nhờ vào sự hòa giải của Thụy Sĩ. Cử chỉ hòa giải đều được cả hai nước thù nghịch cùng hoan nghênh ».
Một cách cụ thể, ban phụ trách các lợi ích nước ngoài của sứ quán Thụy Sĩ tại Teheran xử lý toàn bộ các sự vụ của Mỹ tại Iran bao gồm việc xin cấp hộ chiếu, đổi hộ tịch hay bảo vệ lãnh sự đối với các công dân Mỹ.
Vì sao phải ủy quyền bảo vệ lợi ích?
Ông Philippe Welti, cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Iran giải thích với Swissinfo như sau : « Khi hai nước giao chiến, việc đầu tiên mà họ sẽ làm là đoạn tuyệt bang giao. Đây là điều ngu xuẩn nhất mà họ có thể làm nhưng lại là điều thường xảy ra nhất. Do vậy, ngay khi hai nước cắt đứt quan hệ, họ cần một đối tác thứ ba để duy trì một kênh liên lạc với kẻ thù của họ. Một dạng ủy nhiệm mà nước Thụy Sĩ trung lập có thể đảm nhiệm ».
Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là một đặc sứ Thụy Sĩ có nhiệm vụ làm sứ giả và mở một kênh liên lạc giữa hai nước. Ông Welti lưu ý là để được ủy nhiệm phải đáp ứng được ba điều kiện : « Phải có khả năng chuyển thông điệp 24/24 ; Tiến trình thực hiện phải hoàn toàn được bảo mật ; Việc chuyển giao thông điệp kể cả truyền miệng hoàn toàn không được thiên vị và trung thành với nội dung thư nhắn. »
Theo quy định, nước được ủy nhiệm còn phải thực thi các mệnh lệnh của nước ủy quyền và không thêm gì khác.
Các thông điệp giữa Mỹ và Iran được chuyển giao như thế nào ?
Kênh truyền hình RTS tóm lược một điều tra của tờ New York Times cho thấy rõ vai trò của Thụy Sĩ trong những tuần qua. Ngày 03/01/2020, sau khi tướng Iran – ông Qassem Soleimani – bị hạ sát, đại sứ Thụy Sĩ ở Teheran – ông Markus Leitner – nhận được một công hàm được gởi bằng fax có mã hóa. Trong văn bản này, Hoa Kỳ cảnh cáo Iran chớ có leo thang căng thẳng. Thông điệp này được trao tận tay ngoại trưởng Iran.
Bốn ngày sau đó, sau vụ tấn công hai căn cứ quân sự của Irak có lính Mỹ đồn trú, Iran gởi một thông điệp đến đại diện Thụy Sĩ cho biết rõ là chấm dứt tạm thời các vụ trả đũa. Thông điệp này chỉ cần có 7 phút là đã được gởi đến Washington.
Trên đài RTS, ông Tim Guldimann, cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Iran khẳng định vai trò người đưa thư của Thụy Sĩ là rất hữu ích và được công nhận. Các nhà ngoại giao Thụy Sĩ đôi khi bị hỏi « Ông nghĩ gì về những gì chúng tôi vừa nhận được ? Nhìn chung, ông đánh giá ra sao tình hình tại Iran ? »
Vẫn theo ông Tim Guldimann, « đó chính là lý do vì sao đại sứ Thụy Sĩ ở Teheran phải đến Washington một, hai lần trong năm để thuật lại những gì ông ấy thấy, nhất là bởi vì không còn có một quan chức Mỹ nào tại nước này từ 40 năm qua ».
Thụy Sĩ còn tiếp nhận kiểu ủy nhiệm như vậy cho những nước nào ?
Ngoài việc nắm giữ vai trò đại diện các lợi ích của Mỹ ở Iran, Thụy Sĩ còn thực thi ba ủy quyền bảo vệ lợi ích khác. Một là cho Iran tại Ai Cập từ năm 1979, hai là cho Mỹ ở Cuba từ năm 1961 và cuối cùng là cho Cuba ở Hoa Kỳ từ năm 1991. Các ủy quyền này là những dịch vụ mà Thụy Sĩ đề nghị với tư cách là quốc gia trung lập.
Ông Jean-Philippe Jeannerat, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao liên bang (DFAE) nhấn mạnh: Ủy nhiệm được thực thi tại Iran là một ủy quyền toàn diện. Tất cả các sự vụ của Mỹ tại Iran đều do Thụy Sĩ xử lý.
Còn ba ủy quyền nói trên thuộc hạng « chính thức » : Nghĩa là để tạo thuận lợi cho các hoạt động của mình, mỗi nước mở một ban các lợi ích nước ngoài trên lãnh thổ của một nước khác và điều người đến làm việc tại bộ phận này. Nhưng các ban này đều nằm dưới sự bảo vệ của Thụy Sĩ và nằm trong tòa đại sứ Thụy Sĩ.
Hoạt động bảo vệ lợi ích cho các nước khác của Liên bang Thụy Sĩ đã có từ nửa cuối thế kỷ XIX, bắt đầu từ thời chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870 – 1871. Khi ấy, Thụy Sĩ đại diện cho các lợi ích của vương triều Baviere và Lãnh địa Thái công Bade tại Pháp.
Thụy Sĩ đặc biệt hoạt động tích cực trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến và đã cho thấy rõ là một sứ giả lý tưởng do tính chất trung lập. Trong suốt giai đoạn này, Thụy Sĩ đã đại diện lợi ích cùng một lúc cho 35 quốc gia trong cùng một lúc, trong đó có cả một số cường quốc lớn đang tham chiến thông qua gần 220 ủy nhiệm. Hiện tại, Thụy Sĩ còn được ủy quyền đại diện lợi ích cho một số nước khác như Nga, Gruzia, Canada và Ả Rập Xê Út...
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200117-thụy-sĩ-quốc-gia-bảo-vệ-lợi-ích-của-mỹ-tại-iran

Geen opmerkingen:

Een reactie posten