woensdag 8 januari 2020

Hết thuốc viện trợ, người nghèo bị ung thư ở Việt Nam ‘chỉ... chờ chết’

Hết thuốc viện trợ, người nghèo bị ung thư ở Việt Nam ‘chỉ chờ chết’


Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn luôn chật kín bệnh nhân đến khám bệnh. (Hình: Ngọc Lâm/Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chương trình viện trợ thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu kết thúc kể từ đầu năm 2020, khiến không ít người bệnh ung thư, nhất là dân nghèo rơi vào tình thế khó khăn.
Theo báo Tuổi Trẻ, thuốc Glivec (Imatinib 100mg) dưới sự quản lý của Bộ Y Tế thông qua các chương trình viện trợ nhằm hỗ trợ điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại bảy bệnh viện ở Việt Nam gồm: Bệnh Viện K, Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh Viện Trung Ương Huế, Bệnh Viện Chợ Rẫy, Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn và Viện Huyết Học-Truyền Máu Trung Ương.
Việc mất đi nguồn thuốc này khiến nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư nghèo, phải ngưng sử dụng thuốc, thậm chí một số nơi hết thuốc Bảo Hiểm Y Tế khiến người bệnh phải mua thuốc từ “chợ đen” với giá cao. Tình trạng này từng xảy ra hồi năm 2018, khiến hơn 2,000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc này bị ảnh hưởng.
“Mặc dù Bảo Hiểm Y Tế hỗ trợ 40% chi phí nhưng với 60% chi phí viện trợ còn lại, nếu muốn có thuốc uống người bệnh phải trả tới 1.2 triệu đồng ($51.72)/ngày. Chi phí quá cao nên nhiều người bệnh phải ngưng dùng thuốc do không đủ tiền mua,” ông T. (một bệnh nhân ung thư) đang điều trị tại Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn, cho biết.
Ông T. cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y Tế có hướng giải quyết để tiếp tục hỗ trợ cho bệnh nhân, bởi với chi phí khoảng gần 500 triệu đồng ($21,550)/năm/người thì bệnh nhân chỉ còn “con đường chờ chết.”
Bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy gần hai năm qua, anh VĐ (ở Sài Gòn) đều được dùng thuốc Glivec từ nguồn viện trợ và Bảo Hiểm Y Tế. Với chi phí thuốc đắt đỏ, việc có nguồn thuốc viện trợ đã giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho anh và gia đình.
Theo anh Đ., hiện nay không chỉ hết thuốc viện trợ mà cả thuốc Bảo Hiểm Y Tế cũng không còn. Trước tình hình này, nhiều người bệnh lùng mua thuốc ở “chợ đen” với giá 120,000 đồng($5.17)/viên. Với liệu trình một lần bốn viên, một ngày bệnh nhân phải bỏ ra 480,000 đồng ($20,68) tiền thuốc.
Nhà thuốc Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn luôn tấp nập bệnh nhân. (Hình: Dân Trí)
“Hai ngày qua tôi buộc phải tạm ngừng thuốc. Nhưng cuối cùng cũng phải bỏ ra hơn 3 triệu đồng ($129) mua thuốc để uống tạm chứ không dám ngưng,” anh Đ. lo lắng nói.
Trong khi đó, báo VietNamNet ngày 7 Tháng Giêng, cho biết thêm chị NTH (38 tuổi, An Giang) mỗi tháng phải vượt trăm cây số để đến Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn khám nhận thuốc Glivec được ba năm. Với chỉ định bác sĩ, chị H. phải uống mỗi ngày bốn viên Glivec 100mg, trung bình 120 viên/tháng. Song, lần khám gần nhất, chị  được báo hết thuốc viện trợ và chỉ được cấp 48 viên do Bảo Hiểm Y Tế chi trả và phải giảm liều, chia đều cho một tháng. Chị H. rất lo lắng khi số thuốc chỉ đủ một tuần, rất bất cập khi một tháng phải lên Sài Gòn xin thuốc bốn lần. Tiền thuốc, tiền xe đặt lên vai càng thêm nặng nề.
Tương tự, ông NTT (ngụ quận 12, Sài Gòn) cứ đều đặn hai lần/tháng đến Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn lấy thuốc. Vừa rồi ông T. đến khám lấy thuốc và chỉ được cấp ba ngày dùng. Ông T. thắc mắc thì được cho biết do nguồn thuốc khan hiếm nên chia ít lại. Lo lắng không điều trị đúng phác đồ, người thân ông T. phải mua thuốc bên ngoài với chi phí lên đến hai triệu đồng($86.13)/ngày.
Nói với báo Tuổi Trẻ hôm 6 Tháng Giêng, Bác Sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, khẳng định việc thông báo ngưng tài trợ thuốc Glivec (loại thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy – một dạng ung thư máu mạn tính) được các cơ quan liên quan thông báo từ năm 2015 và thông tin này đều được phía bệnh viện báo cho người bệnh biết để chủ động.
“Đây là tình hình chung, bởi rất nhiều người mắc bệnh ung thư khác không có nguồn thuốc tài trợ vẫn phải trả các chi phí như trên,” ông Tuấn nói.
Theo công bố mới nhất của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165,000 người, trong đó gần 70% trường hợp chết, tương đương 115,000 người. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/het-thuoc-vien-tro-nguoi-ngheo-bi-ung-thu-o-viet-nam-chi-cho-chet/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten