woensdag 29 januari 2020

Dịch virus Corona Vũ Hán, Trung Quốc: Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng ra sao?

Dịch virus corona Trung Quốc: Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng ra sao?

Người dân Hồng Kông đeo khẩu trang phòng nhiễm virus corona đi lễ chùa đầu năm, ngày 26/01/2020.
Người dân Hồng Kông đeo khẩu trang phòng nhiễm virus corona đi lễ chùa đầu năm, ngày 26/01/2020. REUTERS/Tyrone Siu
Đúng vào lúc Trung Quốc và Mỹ đạt hưu chiến thương mại giữa tháng 1/2020, bệnh dịch virus corona mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, có nguy cơ lan rộng. Dịch bệnh hoành hành tại nền kinh tế thứ hai thế giới tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu? Giới kinh tế gia ghi nhận dầu mỏ và du lịch là 2 nạn nhân đầu tiên. Các thị trường nín thở chờ đợi phiên chứng khoán Trung Quốc mở cửa lại.
Dường như không khí bình yên tương đối trên các thị trường tài chính toàn cầu, mới trở lại sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến về thuế, nay đột ngột tan vỡ với dịch bệnh virus corona. 132 ca tử vong, 6.000 người nhiễm virus, tính đến hôm nay, 29/01/2020. Con số không ngừng tăng lên gây lo ngại. Chỉ số VIX (Volatility Index) đột ngột tăng 25% chỉ trong vòng một ngày, hôm thứ Hai 27/01. Chỉ số VIX còn gọi là ''chỉ số của nỗi sợ'', thường được dùng để đánh giá cảm nhận về lo ngại của giới đầu tư trước các rủi ro thị trường.
Lo ngại về ảnh hưởng của bệnh dịch đến nền kinh tế, vốn được coi là một đầu tầu tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến chứng khoán tại một số nơi sụt giảm mạnh, tiêu biểu là chỉ số Dow Jones, sụt 1,57% hôm thứ Hai, 27/01, mức lùi chưa từng có kể từ tháng 10/2019. Chỉ số Nikkei Tokyo sụt 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 5 tháng nay.
Nguy cơ tiêu thụ nội địa Trung Quốc giảm mạnh
Theo giới quan sát, cho dù hiện tại còn quá sớm để đánh giá về các hệ quả của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng tiêu thụ nội địa Trung Quốc sụt giảm là điều gây lo ngại lớn nhất. Hiện tại, Trung Quốc là đầu máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng một phần ba tăng trưởng GDP thế giới hàng năm. Và tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội. Mà, dịch bệnh rơi đúng vào Tết nguyên đán là dịp người Trung Quốc mua sắm và đi lại nhiều hơn bình thường. Theo ước tính của văn phòng Standard&Poor’s, cứ 10% tiêu thụ sụt giảm trong các lĩnh vực giải trí, giao thông hay du lịch, có thể khiến Trung Quốc mất 1,2% GDP tăng trưởng.
Để mường tượng trước tác động với kinh tế toàn cầu của dịch virus corona mới, nhật báo Le Monde so sánh với dịch viêm phổi cấp (SARS) năm 2002 - 2003. Vào thời điểm này, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm hơn 9% trong quý hai năm 2003, nhưng nhanh chóng tăng vọt lên 10% vào nửa sau của năm 2003. Câu hỏi liệu kinh tế Trung Quốc có phục hồi nhanh chóng sau đợt dịch này hiện còn để ngỏ chưa có lời đáp. Có một điều mà ông Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng của công ty bảo hiểm Pháp Coface, lưu ý là trọng lượng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm xảy ra dịch SARS (khoảng 1/5 GDP toàn cầu so với 8,7% năm 2003).
Ảnh hưởng đến du lịch, thiệt hại nhất là hàng xa xỉ
Với việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, kể từ ngày Chủ Nhật 28/01/2020, tác động đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc là rất rõ ràng. Trước hết là các nước láng giềng châu Á, như Thái Lan (10,5 triệu du khách năm 2018), Nhật Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Việt Nam (5 triệu), Singapore (3,4 triệu), Malaysia (2,9 triệu)… không kể Hồng Kông (49 triệu). Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỉ đô la. Theo văn phòng Oxford Economics các quốc gia nói trên có các giải pháp thay thế để giảm nhẹ mức độ tác động của việc mất luồng du khách từ Trung Quốc. Ngoại trừ kinh tế Hồng Kông, vốn bị suy yếu từ nhiều tháng nay với phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Hoa lục, và đòi hỏi cải cách dân chủ. Tăng trưởng Hồng Kông sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý này.
Khách du lịch Trung Quốc chi hàng năm khoảng 4 tỉ euro tại Pháp. Hiệp hội Acav, tập hợp hơn 50 công ty lữ hành, phục vụ khoảng 150.000 khách Trung Quốc hàng năm tại Pháp và châu Âu, cho biết đã mất khoảng 1/3 doanh thu, và buộc phải đặt các nhân viên trong tình trạng ''thất nghiệp kỹ thuật''. Tuy nhiên, theo báo Le Parisien, trước mắt việc du khách Trung Quốc đến Pháp ít đi không tác động thực sự lớn, bởi đây không phải là mùa du lịch cao điểm của khách Trung Quốc (100 nghìn khách/tháng trong mùa đông, so với 300 nghìn/tháng vào mùa hè, theo chủ tịch của Entreprises du Voyage).
Hiệp hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp Umih cũng có cùng quan điểm là hiện tại còn sớm để báo động về tình hình này, tuy nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài, tác động kinh tế sẽ là quan trọng, trước hết là đối với ngành khách sạn và kinh doanh đồ xa xỉ. Riêng đối với lĩnh vực hàng xa xỉ, tác động của việc mất khách Trung Quốc là rõ ràng nhất. Theo ngân hàng UBS, khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu hàng năm hiện nay, so với chỉ 10% hồi xảy ra dịch SARS 2003.
Dầu mỏ sụt giá mạnh
Dầu mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của dịch virus corona mới. Giá dầu trên thị trường thế giới hôm 27/01 xuống đến mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Kể từ khi dịch virus corona có thể lây từ người sang người được chính thức công bố, ngày 22/01/2020, giá dầu trung bình giảm từ 65 đô la/baril xuống còn 59 đô la, tức mất gần 10%, chỉ trong vào 8 ngày.
Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc là rõ ràng. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới, thế mà giờ đây tại nhiều thành phố, giao thông đình trệ, hàng trăm máy bay không được phép cất cánh. Nhà phân tích Neil Wilson của Market.com nhận xét: ''Giới đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại cùng với ngành du lịch toàn cầu. Đây là hai lĩnh vực tiêu thụ dầu mỏ chính''. Tiêu thụ Trung Quốc chiếm gần một phần tư nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Dù sao, bất chấp tiêu thụ Trung Quốc sụt giảm, lượng dầu mỏ tiêu thụ toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua, phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác, do nhu cầu năng lượng thế giới không ngừng gia tăng (và trong khi các loại hình năng lượng tái tạo tăng chưa đủ mạnh để thay thế).
Phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch tại Trung Quốc
Ảnh hưởng về dài hạn đến nền kinh tế thế giới của dịch bệnh do virus corona mới xuất phát từ Trung Quốc là câu hỏi còn để ngỏ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của dịch bệnh, vào khả năng kiểm soát dịch tại Trung Quốc.
Trong không khí bất trắc bao trùm, trước nạn dịch đang trong giai đoạn bùng phát, minh bạch là yếu tố quyết định giúp cho việc kiểm soát dịch, gây dựng niềm tin. Sau một giai đoạn bị lên án là che giấu dịch, phản ứng của chính quyền Bắc Kinh được một số chuyên gia đánh giá là theo chiều hướng tích cực. Theo ông Philippe Guibert, tổ chức International SOS, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý rủi ro về y tế và an ninh, thì trong trường hợp bệnh dịch này, chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra minh bạch hơn, chia sẻ thông tin nhanh hơn, có các biện pháp quyết liệt hơn. Về phần mình, các thị trường tài chính toàn cầu dường như cũng tỏ ra thận trọng. Chứng khoán nhiều nơi đã tăng nhẹ trở lại hôm nay, 29/01.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mạng Atlantico.fr hôm 28/01, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ông Mathieu Mucherie, kinh tế gia trưởng của BNP Paribas Cardif, nhấn mạnh là mọi con mắt đang đổ dồn chờ đợi chứng khoán Trung Quốc hoạt động trở lại. Phiên khai mạc rất có thể sẽ vào ngày thứ Hai tuần tới 03/02, do chính quyền Bắc Kinh quyết định kéo dài dịp nghỉ Tết nguyên đán thêm ba ngày, để có thời gian khống chế dịch.
 http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200129-dịch-corona-trung-quốc-kinh-tế-thế-giới-bị-ảnh-hưởng-ra-sao

Dịch virus corona đã vượt quá SARS, Bắc Kinh như thành phố chết

Một khu phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc vắng lặng. Ảnh chụp ngày 28/01/2020
Một khu phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc vắng lặng. Ảnh chụp ngày 28/01/2020 REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
Đến hôm nay 29/01/2020 đã có 132 người chết và 5.974 người bị lây nhiễm virus corona tại Trung Quốc, cao hơn cả dịch SARS trước đây (5.327 người bị nhiễm).
Các chuyên gia ước tính nạn dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng 10 ngày nữa. Hiện virus corona mới đã lây sang 15 nước, trong đó đáng ngại nhất là trường hợp lây từ người sang người ở Đức và Nhật.
Trung Quốc khuyến cáo công dân không ra nước ngoài trừ trường hợp cần thiết, sau khi đã cho tạm ngưng việc đi du lịch theo đoàn. Khoảng 2.000 chuyến tàu liên tỉnh đã bị hủy kể từ thứ Sáu 24/1.
Thủ đô Bắc Kinh 20 triệu dân trở thành một thành phố ma ngay trong dịp Tết, chính quyền khuyến khích người dân ở nhà và nếu phải ra đường nên mang khẩu trang. Tại các trạm xe điện ngầm, hành khách được các nhân viên mặc quần áo bảo hộ kiểm tra thân nhiệt, và cả các nhà ga, khách sạn. Thậm chí tại lối vào các khu nhà ở, khách đến bị bắt buộc cặp nhiệt.
Theo AFP, các trung tâm thương mại vốn đông đảo ở Bắc Kinh trở nên vắng vẻ, chỉ có vài chiếc xe chạy trên các đại lộ lặng như tờ. Những nhà hàng còn mở cửa dán áp-phích cho biết làm vệ sinh rất kỹ và thường xuyên, nhưng khách vẫn không vào.
Ngược lại, những cửa hàng bán khẩu trang và nước khử trùng hết sạch hàng. Các mặt hàng này vẫn được bán trên mạng nhưng giá cả tăng vọt. Không còn lễ hội, tụ họp, người dân giết thời gian bằng cách lên mạng, xem phim… Một video phổ biến trên WeChat cho thấy một bàn mạt chược với người chơi trùm đầu bằng bao nilon.
Tại Hồng Kông, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đeo khẩu trang che kín mặt, vào ngày mùng ba Tết loan báo các biện pháp bổ sung. Kể từ đêm mai, Hồng Kông đóng 6/14 cửa khẩu, ngưng các chuyến xe lửa và tàu biển với Hoa lục, giảm phân nửa số chuyến bay và liên lạc đường bộ cũng bị hạn chế.
Sau khi cho ngưng các đoàn khách du lịch từ Trung Quốc, bà Lâm cho biết chính quyền trung ương cũng ngưng cấp giấy cho các cá nhân từ 49 thành phố Trung Quốc sang Hồng Kông. Loan báo này được đưa ra trong bối cảnh có những lời kêu gọi từ nhiều chính khách và chuyên gia, bên cạnh đó 15.000 nhân viên y tế đe dọa sẽ đình công nếu không đóng cửa biên giới với Hoa lục. Hôm thứ Hai 27/1, các chuyên gia đại học Hồng Kông ước tính số người bị nhiễm virus corona mới chỉ riêng ở Vũ Hán là 44.000 người chứ không phải 3.000 như con số chính thức, và trong số đó có phân nửa đang ủ bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200129-dịch-bệnh-virus-corona-đã-vượt-quá-sars-bắc-kinh-như-thành-phố-chết

Virus corona : 106 người chết, Trung Quốc trấn an « kiểm soát được tình hình »

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng vẻ trong đại dịch corona, ngày 27/01/2020.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vắng vẻ trong đại dịch corona, ngày 27/01/2020. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
Đã có thêm ít nhất 26 người chết vì virus corona mới tại Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Tính đến ngày 28/01/2020, tổng cộng có 106 người chết, hơn 4.500 người bị nhiễm virus corona tại Trung Quốc, theo số liệu chính thức. Trong số những ca tử vong mới, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên tại Bắc Kinh, buộc chính quyền đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa.
Thông tín viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh :
« Nạn nhân đầu tiên của virus corona mới ở Bắc Kinh là một người đàn ông 50 tuổi, từng đến Vũ Hán trong tháng này, trong khi Vũ Hán là ổ dịch của loại virus mới.
Cho đến nay, tại thủ đô có đến 20 triệu dân, đã có 80 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Và để hạn chế virus lây lan, chính quyền đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ đến ngày 02/02, các trường học tạm thời sẽ đóng cửa vô thời hạn. Việc đeo khẩu trang sẽ bị bắt buộc trong các trường học ở thành phố, từ trường mẫu giáo đến đại học. Và các trạm kiểm tra thân nhiệt sẽ được lắp đặt trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Chính quyền cũng khuyến cáo người dân hoãn đi du lịch nước ngoài. Các trạm tầu điện ngầm ở Bắc Kinh, một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách.
Thách thức hiện nay của Trung Quốc là quản lý làn sóng đông đảo người dân muốn trở lại các thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán với gia đình ».
Bắc Kinh trấn an Liên Hiệp Quốc là « kiểm soát » tình hình
Theo giới chuyên gia, số trường hợp có nguy cơ nhiễm virus corona mới cao hơn nhiều so với thực tế, có thể là hơn 40.000 người trên toàn thế giới. Dịch virus corona mới có thể kéo dài nhiều tháng trong trường hợp khả quan nhất. Cụ thể, trả lời AFP, giáo sư David Fisman, trường đại học Toronto, nhận định : « Kịch bản được cho là khả quan nhất là dịch virus corona tiếp tục vào mùa xuân, mùa hè và sau đó sẽ lắng xuống ».
Trong khi đó, trong buổi họp ngày 27/01 tại trụ sở ở New York, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định với tổng thư ký Antonio Guterres rằng Trung Quốc « hoàn toàn có khả năng và niềm tin để chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch » viêm phổi cấp tính. Theo AFP, ngoài việc công nhận rằng Trung Quốc đang trải qua « một giai đoạn khó khăn », ông Trương Quân nêu những biện pháp được Bắc Kinh triển khai nhằm khống chế dịch, đồng thời khẳng định « Trung Quốc làm việc với cộng đồng quốc tế trong tinh thần cởi mở, minh bạch và phối hợp khoa học ».
Theo thông cáo của phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres trả lời rằng Liên Hiệp Quốc « hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịnh bệnh và sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết cho Trung Quốc ». Bộ phận truyền thông của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không bình luận thêm khi được AFP đặt câu hỏi.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200128-virus-corona-106-người-chết-bắc-kinh-trấn-an-lhq-là-kiểm-soát-tình-hình

Du lịch tại châu Á, nạn nhân của dịch viêm phổi Trung Quốc

Sân bay Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam (Hunan) Trung Quốc thưa thớt hành khách do virus corona, ngày 27/01/2020.
Sân bay Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam (Hunan) Trung Quốc thưa thớt hành khách do virus corona, ngày 27/01/2020. REUTERS/Thomas Peter
Với dịch viêm phổi đang hoành hành tại Trung Quốc, châu Á ý thức được rằng du khách Trung Quốc quá đông có thể trở thành một cơn ác mộng, nhưng vắng khách Trung Quốc tai họa có lẽ còn lớn hơn.
Việc Bắc Kinh ra lệnh ngừng các chương trình du lịch trong nước và hải ngoại nhằm ngăn ngừa siêu vi corona lây lan khiến các cơ quan lữ hành, ngành khách sạn, các công viên giải trích, nhà hàng, ngành chuyên chở... tại nhiều nước trong khu vực lo âu.
Theo nghiên cứu của cơ quan tư vấn Capital Economics, có trụ sở tại Luân Đôn, "các khoản chi tiêu của du khách Trung Quốc ngày nay góp một phần không nhỏ vào GDP cho một số quốc gia tại châu Á, từ Hồng Kông đến Cam Bốt, từ Thái Lan đến Singapore".
Vào năm 2003 khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát, lượng du khách Trung Quốc mới chỉ bằng 1/10 so với hiện tại. Khi đó, vì tác động của dịch SARS mà số lượng du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài đã giảm mất 1/3. Nếu lần này, tình huống tương tự lại xảy ra, thì GDP của một số nước trong khu vực bị thiệt hại lớn.
Thêm một yếu tố nữa là gần hai thập niên trước, GDP của Trung Quốc chỉ tương đương với 8,3 sản lượng chung trên toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, sản xuất ra đến gần 1/4 của cải chung của nhân loại. Sức tiêu thụ và túi tiền của du khách Trung Quốc qua đó đã tăng theo.
Chỉ mới vài tuần qua, lượng du khách Trung Quốc tại đảo Phuket miền nam Thái Lan đã giảm mạnh và đây là một vố đau đối với chính quyền Bangkok, bởi ngành du lịch đem về đến 18% GDP cho quốc gia Đông Nam Á này và du khách Trung Quốc chiếm 1/4 lượng du khách nước ngoài đến tham quan Thái Lan hàng năm.
Đang vào mùa du lịch cao điểm trong dịp Tết Nguyên Đán, vậy mà từ các hàng quán đến bãi biển hay trung tâm thương mại tại Phuket đều vắng bóng người. Claude Crissey làm việc trong ngành khách sạn tại đây cho AFP biết, từ hai ngày qua, những bãi biển đẹp như mơ của Phuket vắng lặng như sa mạc và ông đang "rất lo vì nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả sẽ tai hại".
Nhật Bản tuy không lệ thuộc vào ngành du lịch như Thái Lan nhưng cũng là một điểm đến được du khách Trung Quốc ưa chuộng nhất, nên mối lo ngại cũng đã được thấy rõ trong những ngày qua. Thí dụ, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của công ty lữ hành HIS Nhật Bản giảm giá mạnh, rơi hơn 6%. Ngoài ngành du lịch, nhiều lĩnh vực khác của Nhật Bản cũng sẽ bị vạ lây. Trong số này phải kể đến ngành mỹ phẩm, quần áo thời trang, hay đồ điện tử gia dụng. Trong số các du khách ngoại quốc đến Nhật, người Trung Quốc là những khách hàng "sộp nhất" đối với ngành mỹ phẩm. Khoảng 90% các khoản mua bán đủ loại son phấn, kem giữ da... đều do người Trung Quốc thực hiện.
Tại thủ đô Tokyo, khu đông du khách lui tới như Asakusa, từ cả tuần lễ nay, lượng khách tham quan đã giảm hẳn. Chủ quán, chủ hiệu hay chủ nhà hàng và cả các ông từ đền cũng đều nhận thấy điều đó. Đối với ngành du lịch Nhật Bản, du khách Trung Quốc đứng đầu trong số khách nước ngoài. Năm 2019, gần 8,4 triệu người Trung Quốc đã thăm Nhật Bản, đó là chưa kể lượng khách từ Hồng Kông sang chơi. Theo Cơ Quan Du Lịch Nhật Bản JNTO, khách Trung Quốc chiếm 27% du khách nước ngoài.
Đối với chính quyền của thủ tướng Abe, virus corona còn đáng gờm hơn nữa trong bối cảnh mùa hè tới đây, Tokyo tổ chức Thế Vận Hội Olympic và Nhật Bản đề ra mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài. Kinh tế gia Yuli Takashima thuộc ngân hàng Nomura lo ngại 40 triệu du khách ngoại quốc là mục tiêu khó hoàn thành. Thêm vào đó, trong trường hợp dịch bệnh chưa được dẹp hẳn, thì việc bảo đảm y tế cho tất cả các bên tham gia sự kiện thể thao trọng đại này là một thách thức lớn đối với nước chủ nhà và ban tổ chức.
Nhìn sang một nước Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Moon Jae In cũng đang theo dõi sát đà lây lan của dịch viêm phổi virus corona khi biết rằng gần 40% du khách nước ngoài là từ Hoa Lục đến thăm xứ Hàn và tương tự như Nhật Bản, những nhãn hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc cũng trông chờ rất nhiều vào sức chi tiêu của du khách Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, năm 2018, du khách Trung Quốc đã chi ra hơn 130 tỷ đô la trong các kỳ đi nghỉ ở khắp mọi nơi trên thế giới và đối với rất nhiều các điểm đến, người Trung Quốc thường là "đội ngũ" du khách nước ngoài đông nhất.
Chẳng vậy mà cách nay hai ngày, chủ tịch hiệp hội các công ty lữ hành thế giới WTTC, bà Gloira Guevara, trong một thông cáo đã nhấn mạnh rằng đôi khi việc "đóng cửa các phi trường, hủy các chuyến bay, đóng cửa biên giới trên bộ và trên biển còn dẫn tới những hậu quả tai hại hơn cả là chính dịch bệnh".
Rõ ràng là trước mắt, virus corona đang là tâm điểm không chỉ riêng với giới y khoa mà còn với tất cả các ngành, đứng đầu là du lịch, giải trí và cả nhiều mảng công nghiệp khác. Đây không là một tin vui đối với toàn châu Á vào những ngày đầu năm Canh Tý.
 http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200127-du-lich-tai-chau-a-nan-nhan-cua-dich-viem-phoi-trung-quoc

Virus corona : 56 triệu người Trung Quốc bị cách ly

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh bị đóng cửa do phòng ngừa lây lan bệnh viêm phổi cấp do nhiễm virus corona. Ảnh chụp ngày 25/01/2020.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh bị đóng cửa do phòng ngừa lây lan bệnh viêm phổi cấp do nhiễm virus corona. Ảnh chụp ngày 25/01/2020. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
Năm mới Canh Tý đến với Trung Quốc trong không khí hoang mang lo sợ dịch viêm phổi cấp do virus corona có nguy cơ lan rộng không kiểm soát được. Hàng loạt biện pháp khẩn cấp được ban hành trên quy mô toàn quốc nhằm ngăn chặn virus lây lan, quân đội được cử đến hỗ trợ chống dịch.
Trong khi đó, số người thiệt mạng vì dịch viêm phổi vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày, bệnh dịch vẫn chưa có dấu hiệu được không chế. Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc ra thông cáo cho biết tính đến ngày 24/01/2020, virus corona đã làm 41 người chết trên cả nước, gần 1.300 người bị nhiễm. Một bác sĩ của một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc đã tử vong hôm 24/01 vì nhiễm bệnh.
Trước tình trạng dịch không kiểm soát được, chính quyền Bắc Kinh đã cho ban hành một loạt các biện pháp khẩn cấp. Thiết bị phát hiện bệnh dịch trên toàn quốc được triển khai ở những nơi có đông người qua lại, không nhất thiết chỉ là bến xe nhà ga. Tất cả những ai bị phát hiện có triệu chứng viêm phổi « ngay lập tức sẽ được chuyển đến » một trung tâm y tế, theo thông cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia. Những phương tiện chuyên chở người bị nghi ngờ nhiễm virus phải được tẩy trùng ngay. Danh tính thân nhân của những người nhiễm virus sẽ được đưa vào danh mục theo dõi.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã cho biết, 450 bác sĩ quân y đã bay tới thành phố Vũ Hán để hỗ trợ các cơ sở y tế địa phương chống dịch. Trong khi đó, hôm 25/01, chính quyền thông báo mở rộng phạm vi triển khai các biện pháp y tế khẩn cấp thêm 5 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc. Các biện pháp này có thể sẽ khiến 56 triệu người bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tỉnh Hồ Bắc như vậy hầu như đang bị cách ly, các hoạt động bên trong tỉnh ngừng trệ.
Thông tín viên Angélique Forget tại Trung Quốccho biết thêm thông tin:
« Trong tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch, 18 thành phố bị cách ly. Mọi phương tiện công cộng, máy bay, tàu hỏa phải ngừng hoạt động trong vùng, chỉ có các xe tư nhân được lưu hành, theo thông báo của chính quyển địa phương.
Tình hình tại chỗ rt hỗn loạn ? Các bệnh viện quá tải, thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ. Chính quyền phải kêu gọi quyên góp khẩu trang để dùng cho phẫu thuật và các sản phẩm bảo vệ khác.
Ngoài tỉnh Hồ Bắc, ở các nơi vẫn có thể đi lại, nhưng việc kiểm tra y tế được tăng cường trong các nhà ga, sân bay. Ngay tuần tới, hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê thăm gia đình sẽ quay trở lại nơi ở của mình sau kỳ nghỉ. Đây sẽ lại là dịp để virus lây lan thêm.
Để đối phó với nạn dịch, Bắc Kinh đã ra lệnh hủy tất cả các lễ hội liên quan đến Tết nguyên đán. Tử Cấm Thành, một địa danh đông khách du lịch của cả nước, cũng như một phần của Vạn Lý Trường Thành, được đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.
Tại Thượng Hải, khu công viên Disneyland, nhiều rạp chiếu phim, nhà hát và bảo tàng cũng bị đóng cửa »
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200125-virus-corona-56-trieu-nguoi-trung-quoc-bi-cach-ly

Dịch viêm phổi cấp: Vũ Hán – thành phố ''ma''

Một phố lớn ở thanh phố Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 26/01/2020.
Một phố lớn ở thanh phố Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 26/01/2020. Hector RETAMAL / AFP
Hôm nay, mùng 2 Tết âm lịch năm Canh Tý (26/01/2020), là ngày thứ tư thành phố Vũ Hán, 11 triệu dân, bị phong tỏa, để ngăn ngừa virus corona lan rộng, theo quyết định chưa từng có của chính quyền Trung Quốc. Thành phố đông dân hàng thứ bảy Trung Quốc biến thành một không gian hoang vắng, một thành phố ''ma'', theo mô tả của nhiều nhân chứng có mặt tại chỗ.
Trả lời RFI qua điện thoại, Farouk, một sinh viên Nigeria cho biết anh hoàn toàn không có cách gì để di chuyển trong thành phố, không còn ai đi lại ngoài đường. Cảnh tượng tương phản hoàn với một thành phố vô cùng sôi động trước đây. Valentin Izam, một kiều dân Pháp thuật lại là, từ ba bốn ngày nay, anh cùng nhiều người Pháp buộc phải chờ đợi tại một khách sạn, nơi mọi thứ đều thiếu thốn, từ khẩu trang cho đến các phương tiện tẩy trùng.
Hoàn toàn không có nơi nào bán các mặt hàng như vậy. Theo Valentin Izam, nguồn thực phẩm được khách sạn cung cấp hàng ngày cũng hết sức hạn chế, cơ bản chỉ gồm cơm và mì. Cá, thịt không có, do sợ virus lây lan.
Hình ảnh gây ấn tượng nhất với người thanh niên này là cảnh các xe cấp cứu với những tài xế trong trang phục kín mít như ''các phi hành gia'', càng làm tăng thêm không khí lo sợ, siêu thực, vốn đè nặng lên thành phố bị phong tỏa. Valentin Izam đang chờ đợi trợ giúp từ bộ Ngoại Giao Pháp để được rời Vũ Hán đến thành phố Trường Sa (Changsha), cách ly trong vòng hai tuần lễ, trước khi trở về Pháp. Toàn bộ các tuyến đường nối liền Vũ Hán và vùng ngoại vi với bên ngoài, bằng xe cộ, kể cả các tuyến đường nhỏ hoàn toàn bị cắt đứt.
Bệnh viện quá tải
Tại thành phố Vũ Hán, một bệnh viện dã chiến thứ hai đang được cấp tốc xây dựng, để đón khoảng 1.300 bệnh nhân nhiễm virus corona, thêm vào một bệnh viện đầu tiên với khoảng 1.000 giường. Hôm thứ Sáu, chính quyền Trung Quốc thông báo bệnh viện này sẽ được xây dựng trong vòng 10 ngày.
Trên thực tế, dịch viêm phổi cấp đang gây một không khí hoảng sợ bao trùm. Tại tâm điểm của dịch bệnh viêm phổi, bệnh viện của Hội Chữ Thập Đỏ, một số bệnh nhân xin ẩn danh cho AFP biết tâm trạng thất vọng và bất lực của họ. Hàng dòng người đông vô kể, xếp hàng chờ đến lượt khám xem có bị nhiễm virus hay không. Có người xếp hàng cả ngày nhưng buộc phải trở về nhà, vì bệnh viện hết chỗ.
Chính quyền thành phố thừa nhận các bệnh viện hiện có tại Vũ Hán, với khoảng 4.000 giường bệnh, đã ''quá tải''. Theo một nhân chứng, ''có nhiều người chết tại bệnh viện đến mức một số thi thể bị bỏ mặc cả ngày trong sự thờ ơ''.
Theo nhiều cư dân Vũ Hán, số lượng người nhiễm virus gần 2.000 mà chính quyền công bố là thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi nhiều người bệnh không thể đến được bệnh viện do thiếu phương tiện. Kể từ nửa đêm nay, giao thông xe cộ không thiết yếu bị cấm chỉ tại Vũ Hán. Đây là một trong số các biện pháp của chính quyền đưa ra nhằm ngăn chặn dịch.
 http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200126-dịch-viêm-phổi-cấp-vũ-hán-–-thành-phố-ma

Geen opmerkingen:

Een reactie posten