zaterdag 4 januari 2020

11 người Bắc Triều Tiên bị bắt giữ tại Việt Nam đã đến Hàn Quốc an toàn

Ảnh minh họa biên giới giữa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên tại thị trấn Hunchun, Trung Quốc, ngày 24/11/2017.
Ảnh minh họa biên giới giữa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên tại thị trấn Hunchun, Trung Quốc, ngày 24/11/2017. REUTERS/Damir Sagolj
Ngày 04/01/2020, một nhóm hoạt động giúp đỡ người tị nạn có trụ sở tại Seoul cho hãng tin Anh Reuters biết nhờ có sự can thiệp của nhiều tổ chức châu Âu, Việt Nam đã trả tự do cho 11 người Bắc Triều Tiên trên đường trốn sang Hàn Quốc.
Nhóm này gồm 8 phụ nữ và ba người đàn ông, bị nhân viên biên phòng Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 11/2019. Họ đã đến Việt Nam qua ngả Trung Quốc nhưng điểm đến sau cùng nhắm tới là Hàn Quốc. Mười một người nói trên bị giữ lại ở Lạng Sơn, sát biên giới Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Peter Jung, lãnh đạo hội Công Lý cho Bắc Triều Tiên chuyên giúp đỡ người tị nạn, cho hãng tin Reuters biết, vào tháng 12/2019, Việt Nam đã trả tự do cho 11 người nói trên và sau đó họ đã lên đường sang Hàn Quốc. Nhiều tổ chức của châu Âu, phần lớn là các tổ chức phi chính phủ, đã đóng vai trò then chốt trong hồ sơ này. Tuy nhiên, ông Peter Jung bác bỏ thông tin phía Mỹ cũng đã can thiệp để 11 người Bắc Triều Tiên được tự do như báo tài chính The Wall Street Journal đã loan tải trong ấn bản ngày 03/01/2020.
Phía bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết, thông tin của báo The Wall Street Journal "không chính xác". Tuy nhiên, Seoul đã can thiệp một cách gián tiếp để ngăn ngừa kịch bản những người đào tầu khỏi Bắc Triều Tiên bị hồi hương.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200104-11-nguoi-bac-trieu-tien-bi-bat-giu-tai-viet-nam-da-den-han-quoc

Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đào thoát nắm nhiều thông tin nhạy cảm?

The flag of North Korea flutters in front of its embassy in Rome, Italy, January 3, 2019. REUTERS/Alessandro Bianchi
The flag of North Korea flutters in front of its embassy in Rome, Italy, January 3, 2019. REUTERS/Alessandro Bianchi Reuters
Thông tin về nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tạm giữ chức đại sứ tại Ý đào thoát cùng với vợ con, được tình báo Hàn Quốc xác nhận hôm qua, 03/01/2019, tiếp tục gây chấn động và đặt ra nhiều câu hỏi. Sự kiện lần thứ hai một nhà ngoại giao đào thoát trong hai năm gây bối rối cho không ít cho Bình Nhưỡng. Theo một số nguồn tin, nhà ngoại giao này nắm giữ nhiều thông tin nhạy cảm.
Thông tín viên RFI tại Seoul Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết về gia cảnh người đào thoát, thuộc tầng lớp cao cấp ở Bình Nhưỡng.
"Jo Song Il, 48 tuổi, xuất thân từ một gia đình quyền thế Bắc Triều Tiên. Cách đây 15 năm, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách người liên lạc với một tổ chức phi chính phủ Pháp ở Bình Nhưỡng.
Nói thông thạo tiếng Pháp, Jo Song Il được mô tả như một người « có học thức, không huênh hoang và đặc biệt thông minh », theo một người phương Tây đã nhiều lần gặp ông.
Theo báo Asia Times, cha của Jo Song Il là phó ban Tổ Chức của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Lao Động Bắc Triều Tiên thời Kim Jong Il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong Un.
Điều đó có nghĩa là nhà ngoại giao đào thoát có lẽ nắm được những thông tin quý giá về tầng lớp cầm quyền ở Bình Nhưỡng và cách vận hành nội bộ của chế độ. Những thông tin đó có thể tạo thuận lợi cho việc xin tị nạn của ông, để được một nước thứ ba đón tiếp."
Ngoại trưởng Mỹ lạc quan về một cuộc gặp Trump–Kim thứ hai
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hôm qua, 03/01/2019, tuyên bố lạc quan về khả năng thượng đỉnh thứ nhì giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên sớm diễn ra.
Ngay vào hôm thứ Ba, 01/01, tổng thống Mỹ đã cho biết nhận được một bức thư « tuyệt vời » của Kim Jong Un và hoan nghênh quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.
Trả lời đài Fox News, ông Pompeo đánh giá là « còn nhiều việc phải làm », nhưng ông tin tưởng là trong một tương lai gần, tổng thống Trump và ông Kim Jong Un có thể sẽ gặp nhau một lần nữa.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20190104-nha-ngoai-giao-bac-trieu-tien-dao-thoat-co-kha-nang-nam-thong-tin-nhay-cam

Quyền đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý đào thoát

Ảnh minh họa : Cờ Bắc Triều Tiên bên trên đại sứ quán ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Ảnh minh họa : Cờ Bắc Triều Tiên bên trên đại sứ quán ở Kuala Lumpur, Malaysia. LILLIAN SUWANRUMPHA / AFP
Đại biểu Quốc Hội Hàn Quốc Kim Min Ki ngày 03/01/2019 tiết lộ với báo chí Seoul về vụ đại diện ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Roma và gia đình đã "mất tích" từ tháng 11/2018. Thông báo trên được ông đưa ra sau một phiên họp kín với Cơ quan tình báo Hàn Quốc.
Jo Song Gil, 48 tuổi, là nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đầu tiên xin tị nạn tại một nước Tây phương. Từ tháng 10/2017, ông được chỉ định giữ chức quyền đại sứ sau khi Roma trục xuất đại sứ Bắc Triều Tiên đương nhiệm Mun Jong Nam để phản đối Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu. Thông tín viên đài RFI từ Seoul, Frédéric Ojardias giải thích thêm :
"Nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên Jo Song Gil, 48 tuổi, đã xin tị nạn tại Ý hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Nhật báo Joongang phát hành tại Seoul xác định tin này vào sáng nay. Tờ báo cho biết thêm, sau vài ngày do dự, chính quyền Roma đã chấp nhận đơn xin tị nạn của ông Jo.
Hiện chưa ai biết rõ về những nguyên nhân dẫn tới vụ đào thoát này. Theo nhật báo Joongang, quyền đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý được lệnh trở về Bình Nhưỡng, nhưng ông đã cùng vợ con chọn thoát khỏi vòng kềm tỏa của chế độ.
Có nhiều khả năng Jo Song Gil là một quan chức rất cao cấp trong guồng máy chính trị Bình Nhưỡng. Thật vậy, hiếm khi Bắc Triều Tiên cho phép một nhà ngoại giao ra nước ngoài công tác cùng với gia đình. Biện pháp này nhằm tránh mọi khả năng quan chức chế độ Bắc Triều Tiên xin tị nạn.
Chính quyền Hàn Quốc chưa chính thức lên tiếng về vụ đào thoát nói trên, trong bối cảnh Seoul đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Vụ đào thoát gần đây nhất diễn ra hồi năm 2016, khi ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn, xin tị nạn tại Hàn Quốc. Từ đó tới nay, sợ bị Bình Nhưỡng trả thù, nhân vật này tại một nơi bí mật ở Seoul dưới sự bảo vệ của tình báo Hàn Quốc"
 http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20190103-quyen-dai-su-bac-trieu-tien-tai-y-dao-thoat

Hàn Quốc cảnh báo làn sóng đào thoát Bắc Triều Tiên

Chừng nào Bình Nhưỡng còn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, sẽ còn có nhiều người Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài. Ảnh được KCNA công bố ngày 12/04/2016.
Chừng nào Bình Nhưỡng còn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, sẽ còn có nhiều người Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài. Ảnh được KCNA công bố ngày 12/04/2016. REUTERS/KCNA
Nhân diễn đàn Đối Thoại Hàn Quốc-Nga, được tổ chức tại Seoul, ngày 11/04/2016, ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se cảnh báo là sẽ còn có nhiều người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi nước này nếu chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Yonhap, phát biểu này được đưa ra sau khi 13 nhân viên nhà hàng của Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc đã chạy sang Hàn Quốc. Đầu tuần này, Seoul tiết lộ thông tin là có nhiều sĩ quan cao cấp Bắc Triều Tiên, trong đó có một tướng hai sao, một đại tá phụ trách tình báo, đã chạy sang Hàn Quốc trong năm 2015.
Theo ngoại trưởng Hàn Quốc, đó là những ví dụ cho thấy " những sự cố này sẽ tiếp tục xẩy ra nếu như chế độ Bắc Triều Tiên tiếp tục có những lựa chọn sai lầm, như phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân ".
Seoul cho rằng các biện phát trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và của Hàn Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên đã có tác dụng. Thậm chí, Hàn Quốc còn kêu gọi các công dân của mình không ăn tại các nhà hàng của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài vì đây là một trong những nguồn thu nhập của Bình Nhưỡng phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Tại diễn đàn Đối Thoại Hàn Quốc-Nga, ngoại trưởng Hàn Quốc cũng đề cao vai trò của Matxcơva trong việc gây sức ép với Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử.
Đối Thoại Hàn Quốc-Nga được khởi động từ năm 2008, bàn về các biện pháp hợp tác song phương trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, thương mại, khoa học…
Về quan hệ liên Triều, Hàn Quốc tố cáo Bắc Triều Tiên gây nhiễu hệ thống định vị GPS, đe dọa an ninh quốc gia và an toàn giao thông. Tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, ngày 11/04, đại diện của Hàn Quốc cho biết là từ ngày 31/03, năm vùng của Bắc Triều Tiên đã phát sóng gây nhiễu hệ thống định vị GPS của Hàn Quốc.
Trong bức thư ngày 05/04, được công bố hôm qua, phía Hàn Quốc tố cáo : " Việc Bắc Triều Tiên gây nhiễu hệ thống định vị là một hành động khiêu khích đe dọa an ninh Hàn Quốc và ảnh hưởng đến an toàn giao thông dân sự, đặc biệt là đối với các máy bay và tàu biển ".
Ngày 01/04, Hàn Quốc đã yêu cầu Bắc Triều Tiên chấm dứt gây nhiễu hệ thống định vị và cảnh báo là sẽ có những biện pháp nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hành động khiêu khích này.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20160412-han-quoc-canh-bao-lan-song-dao-thoat-bac-trieu-tien

Một đại tá tình báo Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc

Truyền đơn tố cáo chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được thả tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, 26/03/2016.
Truyền đơn tố cáo chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được thả tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm, 26/03/2016. REUTERS/Kim Hong-Ji
Một đại tá Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn sang Hàn Quốc trong năm ngoái, theo loan báo của chính quyền Seoul hôm nay 11/04/2016. Đây là sĩ quan cao cấp nhất từ trước đến nay của miền Bắc đào thoát sang miền Nam.
Hãng tin Yonhap cho biết, viên đại tá này trước đây phụ trách các hoạt động tình báo với đối tượng là Hàn Quốc. Nhân thân của ông không được tiết lộ.
Bộ Quốc Phòng và bộ Thống Nhất Hàn Quốc đều xác nhận tin trên, cũng như thông tin của tờ Dong A Ilbo hôm nay về vụ thứ hai : một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở một nước châu Phi đã đào thoát sang Hàn Quốc tháng 5/2015 cùng với ba người thân trong gia đình.
Tin này được đưa ra ba ngày sau khi Seoul thông báo vụ 13 nhân viên của một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở nước ngoài bỏ trốn sang Hàn Quốc, gồm ông giám đốc và 12 nữ nhân viên. Trước đó cũng đã có những trường hợp lẻ tẻ, nhưng đây là lần đầu tiên nhiều nhân viên của cùng một nhà hàng Bắc Triều Tiên đồng loạt đào thoát. Một số báo chí cho biết nhóm này làm việc tại thành phố cảng Ninh Ba (Ningbo) thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, họ trốn sang một quốc gia Đông Nam Á rồi từ đó sang Hàn Quốc.
Seoul hiếm khi xác nhận các vụ đào thoát của người Bắc Triều Tiên, nhất là đối với các quan chức quan trọng, để tránh rủi ro cho họ. Đồng thời cũng tránh các sự cố ngoại giao với các quốc gia trung chuyển.
Phe đối lập Hàn Quốc chỉ trích việc chính quyền loan báo viên đại tá Bắc Triều Tiên đào tị là nhằm kiếm phiếu, trong lúc chỉ hai ngày nữa đến kỳ bầu cử Quốc Hội. Hai bộ Quốc Phòng và Thống Nhất phản bác, khẳng định mục đích phục vụ lợi ích chung.
Đến nay có gần 30.000 người Bắc Triều Tiên không chịu đựng nổi cảnh nghèo khó và bị đàn áp, đã trốn thoát được sang Hàn Quốc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro. Mỗi năm có khoảng 2.000 người đào thoát, nhưng từ khi Kim Jong Un lên ngôi con số này đã sụt giảm đáng kể.
Những ai trốn được khỏi Bắc Triều Tiên thường là những người có thân nhân ở Hàn Quốc ; hoặc thuộc giai cấp ưu đãi, có đủ tiền bạc và những mối quan hệ cho cuộc hành trình gian nan. Nhân vật cấp cao nhất xin tị nạn là Hwang Jang Yop, chủ tịch Quốc Hội và là người sáng tạo ra thuyết « Chủ thể » (Juche). Ông Hwang bỏ trốn nhân một chuyến công tác Trung Quốc năm 1997, và đã qua đời năm 2010 ở tuổi 87.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20160411-mot-dai-ta-phan-gian-bac-trieu-tien-dao-thoat-sang-han-quoc

Con gái một viên chức cao cấp công an Bình Nhưỡng đào thoát sang Hàn Quốc

Cảnh người tỵ nạn Bắc Triều Tiên (mang kính đen và khẩu trang) đến sân bay Incheon, Seoul. Ảnh minh họa chụp ngày 04/10/2011.
Cảnh người tỵ nạn Bắc Triều Tiên (mang kính đen và khẩu trang) đến sân bay Incheon, Seoul. Ảnh minh họa chụp ngày 04/10/2011. Reuters
Hãng tin Pháp AFP ngày 16/09/2013 dẫn nguồn tin từ các nhà hoạt động ở Seoul cho biết : Con gái một viên chức Bộ Công an phụ trách các hoạt động ở Bình Nhưỡng đã đào thoát sang Hàn Quốc. Việc một thành viên thuộc giai cấp lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên đi tị nạn là một sự kiện hết sức hiếm hoi.
Cô gái 19 tuổi, chỉ biết được họ là Han, là con một viên chức cao cấp của Bộ Công an, chịu trách nhiệm về các hoạt động của công an tại Bình Nhưỡng. Một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên - người đã giúp đỡ cô đào thoát - cho AFP biết như trên.
Cô Han đang theo học tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Han quyết định bỏ trốn sang Hàn Quốc bằng cách đi sang một nước thứ ba – cách mà những người Bắc Triều Tiên thường dùng, hồi tháng Năm. Từ khi đến Seoul, cô phải trải qua một loạt xét hỏi của cơ quan tình báo Hàn Quốc. Cơ quan này từ chối đưa ra lời bình luận với AFP.
Những người Bắc Triều Tiên đào thoát nếu bị bắt tại Trung Quốc đều bị gởi trả về nước, và có nguy cơ bị chế độ Bình Nhưỡng tống vào các trại cải tạo, thậm chí bị tử hình. Còn đối với những người đến được Hàn Quốc an toàn, thì Bình Nhưỡng thường bách hại thân nhân của họ đang còn ở lại Bắc Triều Tiên.
Đa số những người tị nạn đi trốn cảnh nghèo và nạn đói. Tuy nhiên đối với giới ăn trên ngồi trước, được hưởng vô số lợi ích vật chất, thì việc đào thoát là điều rất hiếm khi xảy ra.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20130916-con-gai-mot-vien-chuc-cao-cap-cong-an-binh-nhuong-dao-thoat-sang-han-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten