vrijdag 17 januari 2020

Tập Cận Bình thăm Miến Điện với hàng tỉ đô la cho Con đường tơ lụa mới

Tập Cận Bình thăm Miến Điện với hàng tỉ đô la cho Con đường tơ lụa mới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Miến Điện duyệt hàng quân danh dự tại Naypyitaw ngày 17/01/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Miến Điện duyệt hàng quân danh dự tại Naypyitaw ngày 17/01/2020. REUTERS/Ann Wang
Ngày 17/01/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bắt đầu chuyến công du Miến Điện, đất nước đang bị quốc tế cô lập nhưng rất quan trọng trong kế hoạch « Con đường tơ lụa mới », để ký kết một loạt các dự án hạ tầng trị giá nhiều tỉ đô la.
Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một tuyến đường tàu cao tốc sẽ nối cảng này với khu công nghiệp đại quy mô gần đường biên giới chung. Tuy nhiên người dân địa phương lo sợ dự án này sẽ làm cho nhiều người bị mất đất, không còn phương tiện mưu sinh.
Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây đã ký với Tập Cận Bình năm 2009, nhưng dự án đã phải ngưng lại do bị dân chúng chống đối : cả một vùng có diện tích bằng Singapore sẽ bị chìm dưới lòng nước, gây ra những thiệt hại vĩnh viễn cho dòng sông Ayeyarwady.
Trước đây bà Aung San Suu Kyi cũng không ủng hộ thủy điện Myitsone, nhưng nay lại kêu gọi dân chúng thay đổi ý kiến về dự án này. Các nhà đấu tranh sẽ biểu tình ngày mai tại Rangoon để phản đối mọi ý định tái khởi động dự án.
Trao đổi thương mại giữa hai nước năm ngoái lên đến 16,8 tỉ đô la, và Bắc Kinh đang nắm 40% nợ công của Miến Điện. Hàng tỉ mét khối khí đốt và hàng triệu thùng dầu khai thác ngoài khơi hàng năm được đưa vào Trung Quốc thông qua Miến Điện.
Không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng nhất, Trung Quốc còn nhiều lần bênh vực chính quyền Miến Điện trước cáo buộc diệt chủng người Rohingya của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên tình cảm chống Trung Quốc ngày càng tăng trong dân chúng, với các cuộc xung đột chủng tộc ở biên giới, tác động môi trường của các dự án hạ tầng do Bắc Kinh đầu tư.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200117-tập-cận-bình-miến-điện-con-đường-tơ-lụa-mới

Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện

Tướng Trung Quốc Lý Tác Thành ( thứ 2 từ phải) trong một hội nghị tại bắc Kinh ngày 16/08/2016
Tướng Trung Quốc Lý Tác Thành ( thứ 2 từ phải) trong một hội nghị tại bắc Kinh ngày 16/08/2016 Ảnh tư liệu: Mark Schiefelbein / AFP
Một lãnh đạo cao cấp quân đội Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố vào hôm qua, 22/11/2017, trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng), ủy viên Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện.
Bắc Kinh muốn có nhiều các cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác huấn luyện và kỹ thuật, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực biên giới chung.
Theo Reuters, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc tại vùng biên giới. Hàng ngàn người đã phải chạy sang Trung Quốc để tránh bạo lực.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề người Rohingya. Trong cuộc khủng hoảng này, phương Tây lên án quân đội Miến Điện trấn áp, thậm chí tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn kêu gọi quốc tế tiến hành cấm vận toàn diện Miến Điện và trừng phạt tài chính nhắm vào giới lãnh đạo quân đội Miến Điện. Trong bối cảnh đó, tướng Min Aung Hlaing dẫn đầu một phái đoàn quân sự Miến Điện, công du Trung Quốc từ ngày 22/11.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20171123-trung-quoc-muon-that-chat-quan-he-voi-quan-doi-mien-dien

Trung Quốc hưởng lợi từ khủng hoảng Rohingya

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping - P) tiếp bà Aung San Suu Kyi, Bắc Kinh, ngày 19/08/2016
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping - P) tiếp bà Aung San Suu Kyi, Bắc Kinh, ngày 19/08/2016 REUTERS/Rolex Dela Pena/Pool
Về thời sự châu Á, báo Le Monde có bài của Bruno Philippe thông tín viên tại Bangkok Thái Lan, nhận định « Thảm cảnh của người Rohingya tại Miến Điện có lợi cho Trung Quốc ».
Trước đây, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của chế độ quân sự độc tài Miến Điện. Giờ đây, việc Miến Điện bị phương Tây chỉ trích trong hồ sơ khủng hoảng Rohingya cho phép Trung Quốc tìm lại được vai trò là một tác nhân quan trọng cần hợp tác để giải quyết hồ sơ này.
Ngày 06/11 vừa qua, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An đã phủ quyết dự thảo nghị quyết yêu cầu Miến Điện tổ chức cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh được hồi hương, đồng thời quân đội Miến Điện phải chấm dứt các hành vi bạo lực nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo này. Ngay từ thời bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quản thúc tại gia, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, cung cấp hầu như toàn bộ các thiết bị mà bà cần…
Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Miến Điện, trước đây đã tỏ ra lo lắng khi thấy quốc gia này xích lại gần phương Tây. Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Miến Điện hai lần, trong các năm 2012 và 2014.
Với hơn hai ngàn cây số biên giới chung và đã có quan hệ với Miến Điện từ rất lâu, Trung Quốc không thể chấp nhận chỉ có vai trò phụ trên sân khấu chính trị khu vực.
Nhà báo Thụy Điển Bertil Lintner, chuyên gia về Miến Điện, gần đây cho biết vào đầu những năm 2000, có một tài liệu dày được lưu hành trong giới quân sự Miến Điện, giải thích rằng Miến Điện quá phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức đe dọa chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn luôn chơi trò hai mặt : vừa tỏ sự thân thiện, hữu nghị với chính quyền Miến Điện, vừa cung cấp vũ khí cho lực lượng du kích thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới.
Tính chất hai mặt trong chiến lược của Trung Quốc cho phép ve vãn chính phủ Miến Điện đồng thời vẫn duy trì được các phương tiện để gây sức ép qua việc thao túng các kẻ thù của chính quyền Miến Điện.
Đối với Trung Quốc, Miến Điện là một quốc gia quan trọng. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh cần bảo đảm an toàn cho hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt đi qua vịnh Bengale để tới tỉnh Vân Nam (Yunnan). Nhờ vậy, các tàu chở dầu của Trung Quốc có thể đi tới vùng duyên hải ở phía đông mà không cần phải qua eo biển Malacca.
Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách có được 80% tổng số vốn của dự án xây dựng một cảng nước sâu, với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đô la. Dự án này nằm rất gần các cảng tiếp dầu lửa và khí đốt, tại bang Arakan, nơi sinh sống của người Rohingya.
Le Monde kết luận, cho dù Miến Điện không trở thành một quốc gia tồi tệ như trước đây, nhưng Trung Quốc đã có thể xoa tay hài lòng : phương Tây càng chỉ trích, xa lánh Miến Điện, thì nước này càng trượt sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Cũng về hồ sơ này, báo Les Echos đưa tin : « Rohingya : Ân Xá Quốc Tế tố cáo tình trạng phân biệt chủng tộc ».
Trong bản báo cáo được công bố hôm qua, 21/11, Ân Xá Quốc Tế cho rằng Miến Điện là một nhà tù ngoài trời giam hãm cộng động thiểu số Rohingya và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy mở mắt để thấy được cơn ác mộng mà sắc tộc này phải hứng chịu hàng ngày.
www.rfi.fr/vi/chau-a/20171122-trung-quoc-huong-loi-tu-khung-hoang-rohingya

Trung Quốc giúp Miến Điện tái lập trật tự ở biên giới

Người dân Miến Điện xếp hàng chờ đi qua biên giới sang Trung Quốc ngày 02/11/2016.
Người dân Miến Điện xếp hàng chờ đi qua biên giới sang Trung Quốc ngày 02/11/2016. Thaung TUN / AFP
Trung Quốc ngỏ ý với Miến Điện ngày 30/11/2016 rằng hai nước có thể hợp tác để tái lập ổn định khu vực biên giới chung sau loạt tấn công của các nhóm người thiểu số có vũ trang nhắm vào lực lượng an ninh của Miến Điện. Hậu quả của những vụ giao tranh này là hàng nghìn người Miến Điến vượt biên sang Trung Quốc để lánh nạn.
Tại buổi đón tiếp một phái đoàn Miến Điện, do chủ tịch Ủy ban Hòa bình Tin Myo Win dẫn đầu, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ quan ngại về tình hình tại khu vực biên ngày càng xấu đi và nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt mọi hành động quân sự và đàm phán để giải quyết xung đột.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh : « Cả hai bên hoàn toàn có thể sử dụng kênh ngoại giao cấp cao và quân sự để hợp sức duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện ».
Các cuộc tấn công xảy ra vào tháng 11/2016 là một cú giáng mạnh đối với nhà lãnh đạo Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi tìm cách thiết lập hòa bình với các tộc người thiểu số. Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại về nguy cơ bạo lực ở miền bắc Miến Điện sẽ tác động đến khu vực biên giới của nước này, như từng xảy ra vào năm 2015, với 5 người Trung Quốc thiệt mạng, đồng thời khiến hàng nghìn người chạy sang Trung Quốc.
Vì vậy, ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ sự ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, đồng thời khẳng định : « Theo đúng mong muốn của Miến Điện và điều kiện tiên quyết là không can thiệp vào nội bộ Miến Điện, Trung Quốc đã sẵn sàng đóng vai trò hợp tác trong vấn đề này ».
Theo ngoại trưởng Vương Nghị, ông Tin Myo Win cho biết Miến Điện hiểu rõ quan ngại của Trung quốc và hy vọng sự hỗ trợ của Bắc Kinh sẽ giúp cải thiện tình hình.
Chính phủ Miến Điện đang phải đối mặt với các cuộc xung đột bỗng bùng phát ở bang Rakhine, ở tây bắc nước này, khiến hàng nghìn người Rohingya theo Hồi Giáo phải chạy sang Bangladesh. Đây cũng là một thách thức mới đối với giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, người từng hứa hòa giải dân tộc.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20161130-trung-quoc-giup-mien-dien-lap-lai-trat-tu-o-bien-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten