Indonesia tung lực lượng hùng hậu chưa từng thấy để ngăn Trung Quốc
Đăng ngày:
Vào lúc một cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng nhất với Trung Quốc đang leo thang ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia nằm sát Biển Đông, Jakarta vào hôm qua 06/01/2020 xác nhận đã triển khai thêm tàu chiến và binh lính đến vùng biển Natuna để sẵn sàng đáp trả các hành vi của Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Một lực lượng 120 tàu đánh cá Indonesia cũng được huy động đến khu vực đang bị tàu cá Trung Quốc có tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống xâm lấn.
Theo ghi nhận của chuyên san quốc phòng Jane's 360, cơ quan thông tin thuộc Quân Đội Indonesia đã xác nhận việc nước này vừa triển khai thêm hai hộ tống hạm chống ngầm, cùng với ít nhất là 600 binh sĩ đến khu vực quần đảo Natuna nhìn ra Biển Đông để tăng viện cho lực lượng tại chỗ, chống lại các hành vi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo này.
Theo bộ Quốc Phòng Indonesia, đây là một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay được triển khai đến khu vực, cả trên bình diện phương tiện vũ khí, lẫn quân lính.
Mục tiêu là để đối phó với những hành vi bị Jakarta coi là sự xâm lấn ngày càng tăng của tàu thuyền Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia.
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Imam Hidayat, người phụ trách các chiến dịch trên biển thuộc Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Indonesia đã xác nhận rằng nước này đã có 6 chiến hạm tại vùng Natuna, và bốn chiếc khác đang trên đường đến nơi.
Theo chuyên san Jane’s, ngoài việc triển khai tàu chiến và quân đội, Không Quân Indonesia cũng đã phái một chiếc phi cơ tuần tra hàng hải Boeing 737 đến giám sát khu vực từ ngày 05/01 vừa qua.
Một bản thông cáo của Quân Đội Indonesia tố cáo các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được tàu tuần duyên nước ngoài bảo vệ, xem đấy là những hành động vi phạm chủ quyền của Indonesia. Lời tố cáo nhắm vào các hoạt động gần đây của lực lượng Hải Cảnh và các tàu đánh cá Trung Quốc.
Indonesia huy động ngư dân hỗ trợ cho quân đội
Để tăng cường lực lượng sẵn sàng đáp trả các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Indonesia sẽ huy động ngư dân đến vùng Natuna sát Biển Đông để hỗ trợ cho các chiến hạm đã có mặt trong vùng.
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng phụ trách an ninh Indonesia Mahfud MD ngày hôm qua, 06/01 cho biết là khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được gửi lên vùng quần đảo Natuna, cách đấy khoảng 1.000 km về phía bắc. Không chỉ thế, Jakarta còn tính đến việc đưa thêm tàu đánh cá từ vùng duyên hải phía bắc và những vùng khác đến Natuna để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trong một tuyên bố mạnh mẽ khác thường, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khẳng định trước báo giới rằng Indonesia sẽ không có bất kỳ đàm phán nào khi vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200107-indonesia-tung-lực-lượng-hùng-hậu-chưa-từng-thấy-để-ngăn-trung-quốc
Tổng thống Indonesia thị sát Natuna sau vụ tàu Trung Quốc xâm nhập
Đăng ngày:
Tiếp theo các phản ứng ngoại giao gay gắt về việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển trong quần đảo Natuna, chính quyền Jakarta có thêm động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tổng thống Joko Widodo đích thân tới thăm Natura ngày 08/01/2020.
Trước báo giới, tổng thống Indonesia tuyên bố : « Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng ».
Chính phủ Jakarta hôm 08/01 thông báo vẫn còn một tàu hải cảnh của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trước chuyến thị sát của tổng thống Joko Widodo, quân đội Indonesia hôm 06/01 thông báo đã triển khai 8 chiến hạm và 4 chiến đấu cơ tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng quần đảo.
Hôm 30/12, bộ Ngoại Giao Indonesia tố cáo hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc được hai tàu hải cảnh hộ tống xâm nhập đánh bắt cá trong vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia từ ngày 19/12.
Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đã được triệu mời lên bộ Ngoại Giao để tiếp thu phản đối chính thức về vụ việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Indonesia.
Trước các phải ứng kiên quyết của Indonesia, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, khẳng định « không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ » giữa Bắc Kinh và Jakarta.
Trong cuộc họp báo ngày 08/01 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc « sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia » và « Trung Quốc, Indonesia vẫn luôn duy trì trao đổi thông tin qua kênh ngoại giao về vấn đề này ».
Indonesia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng cho biết kiên quyết không dung thứ các hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.
Bản tin của AFP nhắc lại, Bắc Kinh vẫn luôn đòi chủ quyền gần hết vùng Biển Đông. Tại đó, họ đã cho xây dựng nhiều cơ sở quân sự và xây đắp đảo nhân tạo, đánh bắt cá trong các vùng biển của nước khác hoặc đang có tranh chấp.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200108-tt-indonesia-thi-sat-natuna-sau-vu-tau-trung-quoc-xam-nhap
Geen opmerkingen:
Een reactie posten