Cựu lãnh đạo Renault-Nissan Carlos Ghosn trốn khỏi Nhật Bản qua Liban
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Quả đúng là một tin chấn động. Tối hôm qua, 30/12/2019, báo chí tại Liban bất ngờ tiết lộ thông tin : Ông Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault-Nissan đã có mặt tại Liban, cho dù trên nguyên tắc ông bị quản chế tại Nhật Bản trong khi chờ đợi phiên tòa xét xử về bốn tội danh tham ô tài chính.
Phát biểu vào hôm nay 31/12, cựu tổng giám đốc liên doanh Renault-Nissan, một người mang ba quốc tịch Brazil, Liban và Pháp, đã xác nhận sự hiện diện của ông tại Liban và khẳng định rằng ông không còn là “con tin của một hệ thống tư pháp Nhật Bản thiên vị, nơi mà sự giả định có tội chiếm ưu thế”. Ông không cho rằng mình đã trốn tránh luật pháp mà chỉ “tự giải phóng mình khỏi tình trạng bất công và đàn áp chính trị”.
Tại Nhật Bản, luật sư chính của ông Carlos Ghosn đã thú nhận rằng ông đã “chết lặng” khi biết tin thân chủ của mình rời Nhật Bản.
Là người đã có công lớn trong việc vực dậy tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan, Carlos Ghosn đã bị bắt tại Tokyo vào ngày 19/11/2018 và bị truy tố tại Nhật Bản về tội lạm dụng tín nhiệm và che giấu thu nhập. Ông đang chờ phiên tòa xét xử dự trù trong năm 2020.
Sau nhiều tháng bi giam giữ tại Nhật Bản, ông đã được tại ngoại lần đầu tiên vào tháng Ba năm 2019, trước khi bị bắt trở lại vào đầu tháng Tư, rồi lại được tại ngoại một lần nữa với một chế độ quản thúc nghiêm ngặt từ cuối tháng Tư.
Kể từ khi bị bắt, các luật sư và gia đình của ông đã chỉ trích mạnh mẽ các điều kiện giam giữ ông và cách thức mà ngành Tư Pháp Nhật Bản xử lý các thủ tục tố tụng trong vụ án này.
Về phần mình, ông Ghosn đã tố cáo một âm mưu từ phía tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan, ám hại ông để ngăn chặn một đề án liên kết chặt chẽ hơn với tập đoàn Pháp Renault.
Điều vẫn chưa rõ ràng là làm thế nào mà ông Ghosn đã trốn được ra khỏi nước Nhật để về đến Liban. Theo thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyrouth, báo chí Liban đã cố gắng tìm hiểu thêm về vụ trốn thoát ly kỳ này :
Theo nhật báo tiếng Ả Rập al-Akhbar nổi tiếng là thạo tin, chiến dịch bí mật đưa ông Carlos Ghosn ra khỏi Nhật Bản đã được một công ty an ninh tư nhân lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện.
Tờ báo cho biết nhà cựu lãnh đạo của Renault-Nissan đã nhập cảnh Liban bằng hộ chiếu Pháp vào đêm 30 rạng sáng 31/12 trên một chiếc phi cơ riêng đến từ Istanbul. Nhiều nguồn tin khác thì cho rằng ông đến thủ đô Liban trước đó một hôm, tức là tối hôm 29, rạng sáng 30.
Kênh truyền hình LBC đã cho biết thêm một chi tiết lý thú. Ông Carlos Ghosn được cho là đã trốn trong một chiếc thùng gỗ để đi từ Nhật Bản qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫu sao thì rõ ràng là một hoạt động có quy mô và độ phức tạp như chiến dịch giải cứu ông Ghosn đòi hỏi phải có những phương tiện thật dồi dào và rất nhiều người giúp, ít ra là tại cả ba nước có liên quan là Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban.
Một nguồn tin an ninh Liban được đài quốc tế Pháp RFI phỏng vấn cho biết rằng chính quyền Beyrouth gần như phải đối mặt với một tình trạng đã rồi. Họ chỉ được thông báo về sự hiện diện của ông Carlos Ghosn một thời gian rất ngắn trước khi phi cơ của ông hạ cánh.”
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20191231-cựu-lãnh-đạo-renault-nissan-carlos-ghosn-trốn-khỏi-nhật-bản-qua-liban
Carlos Ghosn : Hậu trường của một cuộc đào thoát ngoạn mục
Đăng ngày:
Như thông lệ, ngày đầu năm hôm nay 01/01/2020 các báo Pháp đều nghỉ lễ, tờ báo mới duy nhất là Le Monde ra trước từ chiều hôm qua, với trang nhất nêu bật vấn đề nóng bỏng tại Pháp là kế hoạch cải tổ hưu bổng của chính phủ đang làm dấy lên một phong trào đình công phản đối. Điểm được tờ báo đề cập đến trong tựa lớn chính là “Những gì mà chính phủ đã nhượng bộ”. Tuy nhiên điểm nhấn của tờ báo lại là vụ cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan đã bất ngờ trốn khỏi nơi quản chế tại Nhật Bản để bay qua Liban, một trong ba nước mà ông mang quốc tịch.
Dưới một tựa đề giật gân “Carlos Ghosn : Hậu trường của chuyến đào thoát”, Le Monde không ngần ngại trích lời một người thạo tin xem đấy là một chiến dịch giải cứu chẳng khác gì một điệp vụ trong tiểu thuyết James Bond 007. Dựa trên các thông tin gặt hái được từ nhiều nguồn khác nhau, tờ báo đã kể lại chi tiết bối cảnh và diễn tiến của cuộc đào tẩu ngoạn mục này.
Bị quản chế nhưng kiểm soát lỏng lẻo
Theo Le Monde, tại Nhật Bản, Carlos Ghosn sống trong một ngôi nhà ở khu phố Hiroo sang trọng tại trung tâm thủ đô Tokyo. Ông bị quản chế, nhưng việc giám sát ông có vẻ không nghiêm ngặt lắm, mặc dù do cả cảnh sát, văn phòng công tố và thám tử tư của tập đoàn Nissan thực hiện.
Lợi dụng sự lỏng lẻo này, ông Ghosn đã trốn được đến một sân bay kín đáo ở Nhật Bản, nơi một chiếc phi cơ riêng của ông đã chờ sẵn để đưa ông qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó ông bay về Liban. Ông được cho là đã vào Liban với một thẻ căn cước đơn giản. Là người có quốc tịch Liban, ông không cần hộ chiếu để nhập cảnh.
Câu hỏi đặt ra là Carlos Ghosn đã xuất cảnh Nhật Bản bằng cách nào. Theo một nguồn tin được đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, thì dữ liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Nhật Bản vào thời điểm xẩy ra vụ việc hoàn toàn không có người nào tên Carlos Ghosn xuất cảnh.
Điểm này đã khiến người ta cho rằng ông Ghosn đã rời Nhật Bản dưới một danh tính giả, bằng một hộ chiếu “thật mà giả”. Chính quyền Nhật đã liên lạc với đại sứ quán Liban về vấn đề này và dường như là cơ quan này đã phủ nhận việc cấp giấy tờ giả.
Vai trò bà vợ ông Ghosn trong chiến dịch giúp chồng đào thoát
Cũng theo thông tin mà Le Monde có được, chiến dịch giải cứu ông Carlos Ghosn do chính vợ ông, bà Carole Ghosn, lên kế hoạch. Bà đã xuất hiện bên cạnh chồng trên chuyến bay đến Beyrouth. Thậm chí, rất có thể là bà đã chờ ông Ghosn ngay từ đầu.
Theo Le Monde, bà Ghosn được cho là đã chuẩn bị “cuộc đào thoát” cùng với những người anh em cùng cha khác mẹ của bà, thuộc một gia đình theo hệ phái Hồi Giáo Sunni khiêm tốn ở miền bắc Liban, nhưng có những mối quan hệ rất tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần Carole Ghosn, từ khi kết hôn với cựu lãnh đạo Renault-Nissan, bà đã có một nguồn tài chính cá nhân đáng kể.
Kế hoạch đào thoát có thể đã được thiết kế từ lâu. Vào tháng 10 năm 2019, Carlos Ghosn được cho là đã dò hỏi tên tuổi của các nhà báo Liban có thể “làm việc” cho ông. Câu hỏi đặt ra là giữa hai vợ chồng ông Ghosn, vấn đề phối hợp ra sao vì chế độ quản chế cấm hai người gặp nhau hoặc liên lạc với nhau, và các công tố viên Nhật Bản đã liên tục từ chối bất kỳ đơn xin gặp nào của bà Ghosn.
Lệnh cấm này, theo Le Monde, được cho là đã bị phá vỡ bằng cách truyền tin thông qua các cô con gái và em gái của ông Carlos Ghosn, những người thường xuyên được đến thăm ông.
Một nguồn tin đã khẳng định với Le Monde rằng : “Vì ông Ghosn không thể sử dụng điện thoại của mình, cho nên ông có thể là đã dùng điện thoại của những người này”.
Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ gì về hưu bổng?
Như nói ở trên, Le Monde đã dành tựa chính trang nhất cho các nhượng bộ mà chính phủ Pháp đã phải chịu trên vấn đề cải tổ hưu bổng.
Ý tưởng chủ đạo của kế hoạch là tính phổ quát của chế độ hưu bổng, thay vì hơn bốn chục chế độ khác nhau như hiện nay. Thế nhưng, trước làn sóng phản đối dữ dội trong những ngày qua, chính quyền đã phải chấp nhận một số đặc miễn.
Báo Le Monde nêu bật ví dụ liên quan đến ngành cảnh sát, giới phi công và các nhân viên phi hành, và cả những diễn viên múa ballet của Nhà Hát Opéra Paris !
Về ngành chuyên chở công cộng, đặc biệt là nhân viên của hai tập đoàn đường sắt SNCF và xe buýt, xe metro RATP, một số biện pháp đặc biệt về tuổi hưu và việc lồng tiền thưởng ngoài lương vào cơ sở tính lương hưu cũng đã được đề nghị.
Trong những ngành nghề khác, các cuộc thảo luận về những quy định riêng biệt cũng đang được tiến hành, như trong giới giáo viên, công nhân điện lực và khí đốt, giới ngư phủ…
Theo Le Monde, ông Michel Borgetto, giáo sư về luật xã hội tại Đại Học Paris II đã nhận định : “Mục tiêu đơn giản hóa (chế độ hưu bổng) đã tan biến”.
Drone võ trang : Vũ khí thời chiến tranh hiện đại
Chiến đấu cơ điều khiển từ xa : Hồ sơ quốc tế đầu năm của Le Monde được dành do một chủ đề không mấy vui vẻ : Xu hướng lan rộng của một loại vũ khí tấn công mới : Drone tấn công, hay là chiến đấu cơ tự hành.
Trong bài giới thiệu ở trang nhất mang tựa đề “Drone, vũ khí đáng sợ của những cuộc chiến tranh thời hiện đại”, nhật báo Pháp đã nhận thấy rằng các “hệ thống phi cơ điều khiển từ xa” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Ngoài các quân đội chính quy, loại vũ khí này còn được các phong trào nổi dậy hay thành phần khủng bố dùng đến, điều đã làm đảo lộn các chiến lược quân sự.
Ở trang quốc tế bên trong, Le Monde đã dẫn chứng một vài số liệu cụ thể, nêu bật tốc độ lây lan nhanh chóng của việc sử dụng các máy bay tự hành vào mục tiêu quân sự trong thập niên vừa qua : Từ khoảng vài chục lúc đầu, số quốc gia viện đến loại vũ khí này đã tăng vọt với tỷ lệ 58%, đạt mức 95 nước vào năm 2019 này.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Bard College (tiểu bang New York, Hoa Kỳ), tác giả tạp biên khảo “Dữ liệu về Drone” công bố tháng 9 vừa qua, thì hiện nay có đến 171 loại phương tiện bay tự hành khác nhau được sử dụng, mà kiểu mới nhất là loại gọi là “cánh quay”, hay trực thăng tự hành.
Trên bình diện thế giới, đã có đến 21.000 phi cơ tự hành đang hoạt động, với số liệu từ hai nước Trung Quốc và Iran không đầy đủ.
Theo chuyên gia Dan Catcher, điều phối viên của nhóm biên soạn tập Dữ Liệu về Drone, thì “Những vũ khí này đã trở thành thiết bị quân sự tiêu chuẩn. Tại các chiến trường Ukraina, Syria và Yemen, cũng như ở các vùng đang có đối đầu địa chính trị, như Vịnh Ba Tư hay Biển Đông, ngày càng có nhiều loại máy bay không người lái có kích cỡ và đặc điểm khác nhau được sử dụng. Cho dù được dùng trong việc thu thập thông tin tình báo, không kích, định vị mục tiêu pháo kích hay chiến tranh điện tử, máy bay không người lái đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại.”
Trung Quốc cũng đàn áp đạo Tin Lành
Cũng trong dòng thời sự quốc tế, Le Monde rất chú ý đến Trung Quốc với một bài viết về chiến dịch đàn áp tôn giáo đang nhắm vào đạo Tin Lành đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.
Theo tờ báo Pháp, trong những tháng gần đây, những tiết lộ từ báo chí quốc tế đã thú hút sự chú ý đến quy mô chiến dịch đàn áp người Hồi Giáo ở Tân Cương, nơi có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm trong khuôn khổ một chiến dịch “cải tạo".
Tuy nhiên mới đây có một mục sư Tin Lành nổi tiếng tên Vương Di bị kết án 9 năm tù về tội xúi giục bạo loạn. Bản án nặng nề này, theo Le Monde đã nhắc nhở mọi người rằng các giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng đang bị “Trung Quốc hóa”, một chính sách được chính ông Tập Cận Bình, xác định từ tháng 5 năm 2015.
Theo người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cần phải “đảm bảo rằng guồng máy lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo phải nằm trong tay các chức sắc yêu nước tương tự như yêu tôn giáo của họ”.
Đối với giáo sư kỳ cựu Lâm Hòa Lập (Willy Lam) tại Hồng Kông, cuộc đấu tranh giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và một số lãnh đạo tôn giáo muốn “Thiên Chúa hóa văn hóa Trung Quốc” sẽ là một “trận chiến thế kỷ”.
Thách thức rất lớn vì hiện nay có khoảng 80 triệu người Công Giáo và Tin Lành ở Trung Quốc, một con số mà theo giới quan sát, đang tăng mạnh, có thể lên đến 160 triệu riêng cho người theo đạo Tin Lành, “trong không đầy một thế hệ”. Đây là một đà phát triển đáng sợ đối với Đảng Cộng Sản chỉ có 90 triệu đảng viên.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200101-carlos-ghosn-hậu-trường-của-một-cuộc-đào-thoát-ngoạn-mục
Carlos Ghosn tuyên bố sẽ phản công tư pháp Nhật Bản
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Tokyo chới với. Cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan trốn thoát sang Liban mà không ai hay biết. Trong một thông cáo báo chí, Carlos Ghosn xác định ông đang ở Liban và sẽ « phát biểu tự do » với truyền thông để tố cáo « chế độ tư pháp thiếu vô tư kết tội người trước khi xét xử ». Phản ứng của công luận Nhật Bản ra sao ?
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic CHARLES tường thuật :
Sự kiện Carlos Ghosn trốn thoát qua Liban cho thấy nhân vật mà ai cũng biết mặt vẫn có thể rời nước Nhật mà không một ai hay biết. Đây là lời bình phẩm trên các mạng xã hội tại Nhật Bản.
Sở di trú của Nhật cũng không tìm thấy dấu tích Carlos Ghosn ghi lại trên hệ thống điện toán lẫn video theo dõi.
Một cựu chưởng lý cho rằng cần phải siết chặt các biện pháp tại ngoại hầu tra đối với nghi can là người ngoại quốc. Các biện pháp trói buộc áp dụng cho cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Renault-Nissan đầy đủ cả trừ tính nghiêm khắc.
Từ Liban, ông Carlos Ghosn có thể tự do tung hoành trên các phương tiện truyền thông. Với sự trợ giúp của các chuyên gia, ông có thể tấn công hệ thống tư pháp Nhật Bản, lên án âm mưu chính trị - công nghiệp, theo nhận định của cộng đồng mạng ở Nhật Bản.
Không ai tại Nhật chịu khó nhắc lại là ông Carlos Ghosn bị cáo buộc bốn trọng tội : hai tội khai man về thu nhập và hai tội bội tín. Ông chạy trốn không phải là không có lý do. Công tố Nhật sắp quy cho nghi can thêm một loạt tội danh nghiêm trọng khác khiến ông phải sợ."
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200101-carlos-ghosn-tuyên-bố-sẽ-phản-công-tư-pháp-nhật-bản
Geen opmerkingen:
Een reactie posten