zondag 5 januari 2020

Quốc Hội Mỹ kiên quyết vạch mặt Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương + Tây Tạng + Hongkong

Quốc Hội Mỹ kiên quyết vạch mặt Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương

Ảnh minh họa : Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm. Ảnh tại Vancouver Canada, ngày 08/05/2019.
Ảnh minh họa : Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm. Ảnh tại Vancouver Canada, ngày 08/05/2019. REUTERS/Lindsey Wasson/File Photo
Sau khi đã thành công trong việc “thúc ép” tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật mà họ đã thông qua, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một ngón đòn thứ hai đánh vào Bắc Kinh, lần này trên vấn đề Tân Cương. Cách thức tiến hành cũng giống như trường hợp bộ luật về Hồng Kông, tức là đảm bảo sao cho dự luật được thông qua với một đa số rộng rãi đến mức mà dù muốn phủ quyết, nhưng tổng thống Trump sẽ không thể làm nếu không muốn lâm vào cảnh quyết định của ông bị Quốc Hội bác bỏ đúng theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Quốc Hội (Mỹ) muốn buộc ông Trump mạnh tay trên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và xa hơn nữa”, nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/12/2019 đã nêu bật kế hoạch của giới lập pháp Mỹ là sẽ thông qua một đạo luật - mà tổng thống không thể phủ quyết - ngay vào năm 2020 nhằm trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Cả hai đảng đều đồng lòng chống Trung Quốc
Theo tờ báo Mỹ, trong một động thái thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang lên một kế hoạch nhằm cố gắng buộc tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn về nhân quyền ở Trung Quốc, và sẵn sàng ký luật trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc về tội đã giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo trong các trại giam được gọi một cách mỹ miều là trại huấn nghệ.
Sở dĩ Quốc Hội Mỹ phải suy tính đến việc thúc ép và trói buộc ông Trump, đó là vì họ càng lúc càng thất vọng trước việc đương kim tổng thống Mỹ không sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, mặc dù trong năm đã có biết báo báo cáo, phúc trình cụ thể, nêu rõ các hành vi tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương. Thậm chí ông Trump còn không muốn nêu những vấn đề này ở cấp độ thế giới.
Để thúc đẩy ông Trump hành động đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp có kế hoạch thông qua đạo luật trừng phạt Bắc Kinh về tội đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với một đa số ủng hộ rộng rãi để buộc tổng thống phải ký nếu không muốn bị Quốc Hội qua mặt trước cuộc bầu cử năm 2020.
Một phiên bản của dự luật, mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua trong năm nay, nhưng con đường đến Nhà Trắng đã gặp trở ngại do vấn đề thủ tục.
Theo New York Times, vấn đề nhân quyền giành được sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong Quốc Hội Mỹ, và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề này, cho dù họ luôn luôn ủng hộ ông trên gần như mọi vấn đề khác, kể cả viêc bảo vệ ông chống lại thủ tục luận tội để truất phế.
Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Florida, thì một số người cho rằng chính quyền đã lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Suy nghĩ đó có thể là không đúng, nhưng rõ ràng là số người nghĩ như vậy đã tăng lên và họ cho rằng Quốc Hội cần phải can dự vào hồ sơ này.
Vào tháng 11 vừa qua, Quốc Hội đã nhất trí thông qua luật ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, buộc ông Trump phải ký dự luật. Là người từng nói rằng ông là người “đứng bên” lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có nguy cơ bị Quốc Hội phản bác và bị chỉ trích là yếu kém đối với Trung Quốc nếu ông phủ quyết luật về Hồng Kông.
Ông Trump do đó đã phải ký ban hành dự luật, tuy nhiên, ông đã đưa ra một tuyên bố cho biết rằng ông sẽ vận dụng đặc quyền của hành pháp trong việc thực thi các điều khoản của đạo luật mà ông buộc phải ký.
Nhân quyền Trung Quốc: Vấn đề mà tổng thống Mỹ xem nhẹ
Một số vấn đề nhân quyền thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng mạnh hơn là những vấn đề khác, và Trung Quốc nằm trong diện này. Số người cứng rắn với Trung Quốc ngày càng đông cả ở trong Quốc Hội lẫn trong chính quyền, trong lúc tỷ lệ người dân coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Hồi Giáo, bản thân ông Trump hầu như không nói gì.
Vào tháng 7 vừa qua, Jewher Ilham, con gái của Ilham Tohti, một giáo sư người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc kết án tù năm 2014, đã cùng với các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khác đến gặp ông Trump trong Phòng Bầu Dục. Khi cô cố gắng giải thích các trại cho ông Trump, ông tỏ ra không biết gì về tình hình…
Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW châm biếm: “Tìm được bằng chứng về mối quan tâm thực thụ của ông Trump đối với vấn đề nhân quyền thật là khó”. Theo chuyên gia này, về Trung Quốc, tối thiểu ra là tổng thống Trump nên ngừng việc mô tả một lãnh đạo độc đoán, hà khắc như là một “anh chàng tuyệt vời” vì làm như vậy tức là cho chính quyền Trung Quốc cơ hội lựa chọn giữa đặc tính được ông Trump mô tả với những nhận xét nghiêm khắc hơn đến từ các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.
Ông Trump, người đã chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động kinh tế của mình, đã kiềm chế không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại giam ở Tân Cương vì sợ gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Nhiều cộng sự viên hàng đầu và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt, nhưng Bộ Tài Chính đã phản đối. Đạo luật Duy Ngô Nhĩ, do thượng nghị sĩ Rubio và dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa ở bang New Jersey) bảo trợ, sẽ buộc ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, quan chức hàng đầu của Đảng Cộng Sản ở Tân Cương, nơi có các trại.
Vào tháng 10, chính quyền Trump đã đưa một số doanh nghiệp và tổ chức an ninh Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì vai trò của họ trong các vụ truy bức người Hồi Giáo, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đó là một hình phạt quá nhẹ.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20191231-quốc-hội-mỹ-chuẩn-bị-vạch-mặt-trung-quốc-trên-vấn-đề-tân-cương

Nhân quyền: Mỹ siết chặt gọng kềm với Trung Quốc

Capitol, trụ sở Quốc Hội Mỹ, Washington DC. Ảnh chụp ngày 20/01/2018.
Capitol, trụ sở Quốc Hội Mỹ, Washington DC. Ảnh chụp ngày 20/01/2018. REUTERS/Joshua Roberts
Chưa đối phó xong với hai ngón đòn tấn công từ phía Mỹ trong vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, kể từ nay, Trung Quốc đã phải lo lắng thêm về hồ sơ Tây Tạng, với việc Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, ngày 18/12/2019 bật đèn xanh cho một đạo luật kêu gọi chính phủ Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho tôn giáo và nhân quyền tại Tây Tạng.
Mang tên gọi chính thức: “Đạo luật về Chính Sách và Hậu Thuẫn cho Tây Tạng - Tibetan Policy and Support Act”, luật mới này được cho là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với “Đạo Luật Chính Sách Tây Tạng”, từng được thông qua vào năm 2002.
Theo một số điều khoản trong dự luật mới về Tây Tạng, bất kỳ quan chức Trung Quốc nào can thiệp vào vấn đề chuyển thế (tái sinh) của đức Đạt Lai Lạt Ma đều sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm việc phong tỏa tài sản của họ ở Hoa Kỳ và từ chối thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những người này.
Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu không cho Trung Quốc thành lập một lãnh sự quán mới tại Mỹ, trước khi Hoa Kỳ được đặt lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng.
Tiến trình thông qua luật mới về Tây Tạng mới ở bước đầu. Sau khi được Ủy Ban Đối Ngoại thông qua, văn kiện này còn phải được đưa ra bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Hạ Viện mà ngày giờ chưa được ấn định, để rồi được chuyển lên Thượng Viện để thông qua.
Sau đó, hai viện Quốc Hội Mỹ lại còn phải thống nhất với nhau trên một văn bản luật duy nhất để chuyển qua Nhà Trắng cho tổng thống Mỹ ký ban hành.
Cho dù dự luật về Tây Tạng mới chỉ ở bước đầu như kể trên, Bắc Kinh đã lập tức cực lực phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào hôm qua đã lớn tiếng tố cáo Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ Trung Quốc và bắn đi “một tín hiệu sai lạc” cho phe đòi độc lập cho Tây Tạng.
Theo giới quan sát, phản ứng gay gắt của Trung Quốc cũng dễ hiểu, vì Tây Tạng là ngón đòn mới nhất mà Washington tung ra để tấn công Bắc Kinh trên mặt trận nhân quyền.
Riêng tại Quốc Hội Hoa Kỳ, dự luật về Tây Tạng đã được ủy ban chịu trách nhiệm bật đèn xanh, chỉ ít lâu sau khi dự luật về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được toàn thể Hạ Viên thông qua ngày 03/12 với một tỷ lệ áp đảo 407 – 1 phiếu.
Văn kiện về Tân Cương này cũng đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc, yêu cầu tổng thống Mỹ lên án các hành vi đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi Bắc Kinh đóng cửa các trại ở Tân Cương, và đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc can dự vào chiến dịch đàn áp ở Tân Cương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc là ông Trần Toàn Quốc, bí thư Đảng Ủy Tân Cương.
Trước đó, vào tháng 11, luật mang tên rõ ràng là “Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông'' cũng đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào hôm 27/11, sau khi được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tán đồng cũng với một đa số áp đảo.
Mỹ không đơn độc trên mặt trận chống Trung Quốc về mặt nhân quyền, đặc biệt là trên hồ sơ Duy Ngô Nhĩ đã gây chấn động trên thế giới, với Liên Hiệp Châu Âu càng lúc càng tỏ rõ thêm lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua 19/08 đã yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu phải có những biện pháp mạnh hơn đối với những quan chức Trung Quốc can dự vào chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước đó, ngày 18/12, tân lãnh đạo ngành đối ngoại châu Âu là ông Josep Borell, đã cam kết thúc đẩy 28 quốc gia thành viên bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu vào đầu tháng, ông Borell đã đề cập đến hai vấn đề Tân Cương và Hồng Kông với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu, ông khẳng định: “Không ai tranh chấp quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc thực hiện các biện pháp hợp pháp để chống khủng bố và đảm bảo an ninh. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, các chính sách được áp dụng ở Tân Cương dường như không tương ứng với mục đích đã nêu là đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.”
www.rfi.fr/vi/châu-á/20191220-nhân-quyền-mỹ-siết-chặt-thêm-gọng-kềm-với-trung-quốc

Tây Tạng: Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc

Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đời thứ 14. Ảnh chụp tại Milano, Ý, ngày 20/10/2016.
Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đời thứ 14. Ảnh chụp tại Milano, Ý, ngày 20/10/2016. GIUSEPPE CACACE / AFP
Chiến lược gây áp lực toàn diện phải chăng đang được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để tấn công Trung Quốc ? Sau các sức ép liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương, mới đây, Washington đã bất ngờ chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng, cụ thể là cảnh cáo Trung Quốc là không nên áp đặt người thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, mũi tấn công của Mỹ xuất phát từ cả hành pháp lẫn lập pháp, với lời cảnh báo của một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Mỹ và một dự luật đang được thảo luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhằm lưu ý Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối quốc tế nếu tìm cách áp đặt « tiến trình tái sinh » của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngày 18/09/2019 vừa qua, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của bộ Ngoại Giao Mỹ đặc trách Đông Á, đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để cho người dân Tây Tạng được hưởng một « quyền tự trị có ý nghĩa ».
Về vấn đề kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà theo đức tin Tây Tạng, sẽ tái sinh trong cơ thể người thay thế, ông Stilwell đã không ngần ngại chế nhạo việc đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn can thiệp vào tiến trình tái sinh này.
Quan chức Mỹ đã tuyên bố nguyên văn như sau : « Thật đáng băn khoăn và mỉa mai thay, đảng (tức là đảng Cộng Sản Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tiến trình tái sinh của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả khi chủ tịch Tập (tức là ông Tập Cận Bình) luôn thúc giục các đảng viên duy trì “lòng kiên định của những người Mác Xít vô thần” ».
Theo ông Stilwell : « Người Tây Tạng, cũng như tất cả các cộng đồng có đức tin khác, phải có quyền tự do thực hành đức tin của mình, và tự do lựa chọn lãnh đạo của mình mà không bị bên ngoài can thiệp vào ».
Hành pháp Mỹ đã lên tiếng sau khi một nhóm dân biểu tại Hạ Viện Mỹ đệ trình một dự luật quy định việc trừng phạt bất kỳ quan chức lãnh đạo Trung Quốc nào can dự vào các hoạt động nhằm chọn người kế vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Bên cạnh đó, dự luật còn cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán tại Hoa Kỳ, ngày nào mà Mỹ không có cơ sở ngoại giao của chính mình tại Lhassa, thủ phủ vùng Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm đã 84 tuổi, vấn đề chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp càng lúc càng gay gắt. Theo truyền thống, các tu sĩ Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma thông qua một nghi thức có thể kéo dài nhiều năm, với một ủy ban lưu động có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm một đứa trẻ có thể là hóa thân tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần đương nhiệm.
Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý muốn tự mình chọn người kế vị đức Đạt Lai Lạt Ma, với hy vọng bổ nhiệm được một lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thân Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, đang sống lưu vong ở Ấn Độ sau khi chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959, đã nghĩ đến việc chống lại ý đồ của Trung Quốc bằng cách đề ra những khả năng phi truyền thống để tìm người kế nhiệm, chẳng hạn như chọn ngay người kế nhiệm khi ông đang còn sống, thậm chí chọn một cô gái. Một khả năng nữa là tuyên bố rằng ông là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.
Đối với giới bảo vệ dân tộc Tây Tạng, sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi ý kiến, nhưng sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lợi hại trước khi hành động.
Dẫu sao thì với hồ sơ Tây Tạng, kể như là Mỹ đã tung đòn gây sức ép trên toàn bộ các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi của họ. Bên cạnh ba điểm truyền thống là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, còn có Biển Đông mới được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi trong một vài năm qua. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phải đối phó với áp lực của Washington trên toàn bộ 4 hồ sơ này.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20190920-tay-tang-my-loi-ich-cot-loi-trung-quoc-pt

60 năm ngày Tây Tạng bị Bắc Kinh xâm chiếm và đàn áp đẫm máu

Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc  sát nhập Tây Tạng.
Cung điện Potala, trụ sở của chính quyền Tây Tạng tại Lhassa, trước khi Trung Quốc sát nhập Tây Tạng. REUTERS
Hôm nay 10/03/2019 là tròn 60 năm ngày người dân Tây Tạng vùng lên ở Lhassa chống Trung Quốc chiếm đóng rồi bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến hàng ngàn người chết và nhiều người phải sống lưu vong, trong đó có đức Đạt Lai Lạt Ma.
Hiện giờ, Tây Tạng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của công an Trung Quốc. Bắc Kinh mạnh tay thúc đẩy Hán hóa Tây Tạng. Việc giảng dạy bằng ngôn ngữ Tây Tạng bị hạn chế. Vào dịp này, khách du lịch nước ngoài còn không được chính quyền Trung Quốc cho phép đến thăm Tây Tạng. Lệnh cấm này kéo dài cho đến ngày 01/04.
Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :
« Thường thì du khách nước ngoài muốn đến thăm Tây Tạng buộc phải xin giấy phép đặc biệt từ nhà chức trách Trung Quốc. Nhưng hiện giờ tất cả đều bị từ chối.
Trong tuần qua, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng khẳng định việc hạn chế du khách nước ngoài đến Tây Tạng là để « bảo vệ » họ, vì độ cao, việc thiếu oxy và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt có thể gây nguy hiểm cho du khách. Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng, nằm ở độ cao 3.650m so với mực nước biển.
Đây không phải lần đầu tiên Tây Tạng bị đóng cửa với người nước ngoài. Hồi năm 2009, nhân dịp 50 năm cuộc nổi dậy ở Lhassa, du khách quốc tế không được phép đến Tây Tạng. Sau những cuộc nổi dậy hồi năm 2008, Tây Tạng cũng bị đóng cửa suốt gần một năm.
Hiện giờ, các phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao muốn đến Tây Tạng đều phải xin phép, nhưng hầu như đều không được chính quyền đồng ý.
Việc cản trở các nhà quan sát độc lập đến Tây Tạng cho phép Bắc Kinh duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ vùng này, nhưng tránh được sự chỉ trích của thế giới bên ngoài ».
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho Tây Tạng ?
Bên lềkhóa họp thường niên của Quốc Hội, tuyên bố trước báo giới tại Bắc Kinh, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tây Tạng, Ngô Anh Kiệt, tuyên bố là đức « Đạt Lai Lạt Ma không làm được gì cho người dân Tây Tạng, người Tây Tạng biết ơn đảng Cộng Sản Trung Quốc vì đã mang lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc ».
Bình luận về phát ngôn trên, ông LobSang Nyima, thành viên chính phủ lưu vong Tây Tạng, đặc trách về truyền thông với cộng đồng người Hoa ở châu Âu, phát biểu với đài RFI tiếng Trung:
« Để đáp lời ông ấy, tôi chỉ muốn hỏi lại ông ấy một câu đơn giản là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được điều gì tốt đẹp cho người dân Tây Tạng sau khi xâm chiếm Tây Tạng ?
Dưới góc nhìn lịch sử, sau khi xâm nhập Tây Tạng, trong suốt 50 năm gần đây, họ đã giết hại toàn bộ giới tinh hoa Tây Tạng. Hồi năm 1959, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đàn áp cuộc đấu tranh đòi quyền tự do của dân tộc Tây Tạng. Từ năm 1966 đến năm 1976 (giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc), chính quyền Bắc Kinh đàn áp người Tây Tạng cả về thể xác và trí tuệ, để tiêu diệt toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng.
Sau này, người Tây Tạng phản kháng. Thế nhưng, Trung Quốc tiếp tục đàn áp và biến Tây Tạng thành một nhà tù khổng lồ. Mặc dù tên đầy đủ của Tây Tạng là vùng tự trị Tây Tạng, nhưng Tây Tạng hoàn toàn không có quyền tự trị.
Ngô Anh Kiệt, người có những phát ngôn nói trên, vừa là lãnh đạo vùng, vừa là đại diện của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại vùng tự trị này, thế nhưng ông ta lại là người Trung Quốc chứ không phải người Tây Tạng.
Đó là chưa kể đến chuyện chưa từng có lãnh đạo chính nào của vùng tự trị Tây Tạng là người Tây Tạng ».
 http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20190310-60-nam-ngay-tay-tang-bi-bac-kinh-xam-chiem-va-dan-ap-dam-mau

Geen opmerkingen:

Een reactie posten