woensdag 29 augustus 2018

Mỹ, Philippines, Việt Nam lo ngại nguy cơ Bắc Kinh hạt nhân hóa Biển Đông


Mỹ, Phi, Việt Nam lo ngại nguy cơ Bắc Kinh hạt nhân hóa Biển Đông


mediaẢnh chụp Đá Xu Bi (Trường Sa, Biển Đông), nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017.Reuters/Erik de Castro
Ý đồ của Trung Quốc đưa thiết bị hạt nhân xuống phục vụ cho các tiền đồn đã xây dựng tại vùng Biển Đông đã có từ nhiều năm nay, nhưng mới đây, vấn đề này đã nổi cộm trở lại. Mỹ là nước đầu tiên đã nêu lên vấn đề trong một báo cáo của Lầu Năm Góc trình lên Quốc Hội hôm 16/08/2018. Gần một tuần sau đó, ngày 23/08 vừa qua, đến lượt Philippines và Việt Nam lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại. Trong một bài viết công bố hôm 20/08, trang mạng báo Business Insider - ấn bản Pháp - đã nêu bật nguy cơ của hạt nhân tại Biển Đông.
Trong bài viết mang tựa đề « Lầu Năm Góc đang cảnh báo : Trung Quốc có khả năng cộng thêm một 'yếu tố hạt nhân' vào tranh chấp Biển Đông», Business Insider ghi nhận sự kiện Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Vấn đề đặt ra, theo bài báo, là trong một vài năm tới, Bắc Kinh có thể triển khai một số nhà máy điện hạt nhân nổi trong vùng để cung cấp năng lượng cho những tiền đồn của Trung Quốc. Đối với bộ Quốc Phòng Mỹ, đây quả là một điều nên tránh trong bối cảnh khu vực Biển Đông đang bị những tranh chấp biển đảo khuấy động.
Thái độ quan ngại của Lầu Năm Góc
Trong bản báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận là Bắc Kinh hiện đã tạm ngưng các hoạt động bồi đắp với quy mô lớn ở Biển Đông, nhưng vẫn tiếp tục các công trình trên các đảo nhân tạo, với khả năng xây dựng các nhà máy điện nguyên tử tại đấy.
Trong số 7 rạn san hô đã được Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, Lầu Năm Góc nêu bật các cơ sở mà Bắc Kinh đang củng cố trong suốt năm 2017 trên 3 thực thể lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Các công trình này bao gồm « các cơ sở dùng cho máy bay, bến cảng, chỗ gắn vũ khí cố định, doanh trại, tòa nhà hành chính, và các cơ sở thông tin liên lạc ».
Cho dù đã công nhận rằng cho đến nay chưa thấy bất kỳ một sự tập trung không quân hay hải quân thường trực nào lớn ở những nơi đó, nhưng bản báo cáo ghi nhận rằng « Các tiền đồn đó có khả năng hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa và trong toàn khu vực ».
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng tỏ thái độ hoài nghi trước lập luận cố hữu của Bắc Kinh, cho rằng các công trình của họ chỉ nhằm cải thiện cuộc sống của nhân viên Trung Quốc tại những tiền đồn. Đối với bộ Quốc Phòng Mỹ, các cơ sở đó rất có thể nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường quyền kiểm soát khu vực trong thực tế, và duy trì một sự hiện diện quân sự, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.
Đưa nhà máy điện nổi xuống Biển Đông cũng vì mục tiêu quân sự
Về khả năng Trung Quốc đưa hạt nhân xuống Biển Đông, bản báo cáo của Mỹ đã cho biết thêm nhiều chi tiết:
« Các kế hoạch của Trung Quốc để cung cấp điện cho các hòn đảo này có nguy cơ cộng thêm một yếu tố hạt nhân vào hồ sơ tranh chấp lãnh thổ… Vào năm 2017, Trung Quốc đã cho biết là các kế hoạch phát triển có thể xúc tiến việc dùng các nhà máy điện hạt nhân nổi để cung cấp điện cho các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, một khu vực dễ bị bão tố ».
Báo Business Insider ghi nhận là vào cuối năm ngoái 2017, tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia của Trung Quốc - China National Nuclear Power - cho biết là họ đã thành lập một liên doanh với một số công ty năng lượng và đóng tàu, để tăng cường năng lực hạt nhân của đất nước, như là một phần trong mục tiêu của Bắc Kinh là « trở thành cường quốc đại dương hùng mạnh ».
Thông báo vừa kể được đưa ra khoảng một năm sau khi Tạp Chí An Ninh Quốc Gia Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh có thể xây dựng tới 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để « đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại » ở Biển Đông.
Các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể tăng cường nguồn năng lượng hạt nhân của Trung Quốc và hỗ trợ các hoạt động ở ngoài khơi bằng cách cung cấp điện và nước ngọt lọc từ nước biển cho các tiền đồn xa xôi.
Trên tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự Collin Koh, thuộc Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, đã nhấn mạnh đến ý đồ chính trị quân sự của kế hoạch gọi là thương mại này : « Trung Quốc đã xem khả năng phát triển công nghệ hạt nhân trên biển là dấu hiệu phản ánh uy lực trên biển của họ… Điều đó cho phép Bắc Kinh tăng cường sức mạnh trong khu vực và khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình. Lý do là các lực lượng quân sự và nhân viên dân sự sống trên những tiền đồn ở nơi xa đó sẽ có thể bám trụ lâu dài hơn ».
Nguy cơ thảm họa hạt nhân đến từ các nhà máy nổi
Theo Business Insider, giới chuyên gia đã cho rằng công nghệ cho các nhà máy nổi, cung cấp khoảng một phần tư năng lượng so với các nhà máy trên bờ, còn non trẻ. Thế nhưng các cường quốc lớn đang theo đuổi sự phát triển loại nhà máy này do tính chất di động của cơ sở.
Nga là nước đã triển khai lò phản ứng hạt nhân nổi của riêng họ vào tháng 5 vừa qua tại vùng Viễn Đông Nga, nhằm cung cấp điện cho một thị trấn bị cô lập trên eo biển Bering.
Cho dù Nga có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong việc điều hành các tàu phá băng hạt nhân, giới bảo vệ môi trường đã chỉ trích kế hoạch này. Greenpeace đã đặt tên cho nhà máy hạt nhân nổi của Nga là "Con tàu Titanic hạt nhân" hoặc là "Chernobyl nổi".
Nguyễn Việt Phương, một nhà nghiên cứu hạt nhân tại Viện Khoa Học và Công Nghệ Tiên Tiến Hàn Quốc, đã viết trên tờ báo Nhật The Diplomat vào đầu năm nay là : « Có những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân nổi do tính chất mới mẻ của công nghệ, điều kiện vận hành khó khăn và những hạn chế về an toàn vốn có của loại nhà máy này », như nguy cơ bị va chạm hay bị lật chìm.
Đối với chuyên gia này, do các rủi ro lớn nói trên, trong bối cảnh khu vực bị cướp biển và khủng bố, « kịch bản tốt nhất » cho khu vực sẽ là yêu cầu Trung Quốc xem xét lại kế hoạch hoặc trì hoãn việc triển khai.
Vấn đề là Trung Quốc đã có kế hoach thử nghiệm các nhà máy trên biển trước năm 2020. Do vậy khó mà thuyết phục được Bắc Kinh.
Hạt nhân tại Biển Đông: Manila phản ứng mạnh, Hà Nội rất dè dặt
Nguy cơ Bắc Kinh đưa hạt nhân xuống Biển Đông đã rõ ràng, nhưng các nước bị đe dọa là các láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ít thấy phản ứng, một thực tế được cho là chỉ có lợi cho Bắc Kinh trong việc áp đặt một sự đã rồi. Tuy nhiên, sau khi Lầu Năm Góc đưa ra lời cảnh báo, đã có hai quốc gia chính thức lên tiếng Philippines và Việt Nam.
Theo đài truyền hình Mỹ CNN, hôm 23/08 vừa qua, phát ngôn viên Phủ Tổng Thống Philippines Harry Roque khẳng định rằng Manila « quan ngại trước sự xuất hiện của mọi loại vũ khí hạt nhân trong lãnh hải của Philippines vì Hiến Pháp đã quy định Philippines là một vùng phi hạt nhân ».
Quan chức này không nêu đích danh Trung Quốc, chỉ nói rằng mối quan ngại của Philippines nhắm vào mọi cường quốc hạt nhân, « dù là Mỹ, Nga hay Trung Quốc ». Thế nhưng theo CNN, tuyên bố đó thể hiện thái độ rất lo ngại về kế hoach hạt nhân của Trung Quốc  tại Biển Đông, như báo cáo của Lầu Năm Góc đã vạch trần.
Ngay sau khi Philippines ra tuyên bố, vào cùng ngày 23/08, trả lời câu hỏi của báo chí về sự kiện này, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ xác định chung chung : « Việc duy trì an ninh, an toàn, ổn định hàng hải tại Biển Đông là lợi ích cũng như nghĩa vụ chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này ».
Phải nói là Việt Nam, Philippines, cũng như tất cả các nước ASEAN khác đều là thành viên khối hiệp ước SEANWFZ (Southeast Asian Nuclear-Weapon-Free Zone), tức là khối Đông Nam Á Không Vũ Khí Hạt Nhân. Hiệp hội ASEAN đã thông qua hiệp ước này và từng đề nghị các cường quốc hạt nhân, trong đó có Trung Quốc, phê chuẩn, nhưng cho đến nay vẫn bị từ chối.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180827-my-phi-viet-nam-lo-ngai-ve-nguy-co-bac-kinh-hat-nhan-hoa-bien-dong

Trung Quốc đẩy nhanh dự án nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông

mediaẢnh minh họa : Một mô hình nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn nhà nước Trung Quốc - CNNC được trưng bày ở bắc Kinh, ngày 19/04/2017.Reuters
Để tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân trên biển, Trung Quốc vừa loan báo thành lập một công ty liên doanh để thực hiện kế hoạch xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân nổi ở vùng Biển Đông.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 10/08/2017, Tập đoàn Điện Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNP) đã loan báo sẽ hợp tác với 4 công ty khác của Trung Quốc, thành lập một công ty liên doanh mới để xây các nhà máy điện hạt nhân nổi. Công ty mới này, với vốn pháp định là 150 triệu đôla, sẽ phát triển, xây dựng, vận hành và quản lý các cơ sở điện hạt nhân trên biển, sản xuất và bán điện từ các nhà máy này.
Theo thông cáo của CNNP, công ty liên doanh mới sẽ giúp nâng cao khả năng sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc và phù hợp với tham vọng của nước này là trở thành một "cường quốc biển".
Thông cáo của CNNP không nói rõ là các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ được xây như thế nào và đặt ở đâu, nhưng các nhà quan sát nghĩ rằng các cơ sở này sẽ được triển khai ở những vùng như Biển Đông.
Vào đầu năm nay, một lãnh đạo của Cơ quan Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng đã tuyên bố với báo chí rằng việc tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân là một phần quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020) của Trung Quốc. Ông cũng cho biết là Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển để hỗ trợ cho các hoạt động dầu khí ngoài khơi cũng như củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Trong Sách Trắng được công bố năm ngoái, chính phủ Bắc Kinh cũng đã nói đến kế hoạch phát triển các nhà máy điện nguyên tử nổi để hỗ trợ việc khai thác các nguồn tài nguyên biển. Cũng vào năm ngoái, báo chí chính thức của Trung Quốc đã loan báo là nước này dự kiến xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo đó và tăng cường tuần tra trên biển để khẳng định chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Theo các chuyên gia, ngoài việc sản xuất điện cho các cơ sở của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, các nhà máy điện hạt nhân nổi còn giúp giải quyết các vấn đề về cung cấp nước, nhờ các thiết bị khử muối nước biển. Như vậy, các nhân viên dân sự và các binh lính sống trên các đảo xa có thể tự cung tự cấp tốt hơn , tức là sẽ sống ở đây lâu hơn, củng cố sự hiện diện thường trực của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nói cách khác, Bắc Kinh xem việc phát triển công nghệ điện hạt nhân trên biển là biểu hiện cho tư thế một cường quốc biển, củng cố thêm những đòi hỏi chủ quyền của họ và dĩ nhiên là nếu cầu họ sẳn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ cho những cơ sở hạt nhân thiết yếu này. Như vậy, nguy cơ nổ ra xung đột ở Biển Đông sẽ càng gia tăng cùng với đà triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20170816-trung-quoc-day-nhanh-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-noi-o-bien-dong

Trung Quốc : Nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông chỉ là quảng cáo

mediaNhà máy điện hạt nhân Tần Sơn tại tỉnh Chiết Giang Trung QuốcNguồn: wikipedia
Ngay từ những dòng đầu tiên của bài viết có tiêu đề « Trung Quốc tung quảng cáo về các nhà máy điện hạt nhân nổi », nhật báo Le Monde đã nhận xét là kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc trên vùng biển đang có nhiều tranh nhấp nhất trên thế giới là một kế hoạch đáng lo ngại.
Được lắp đặt trên tàu hay dàn nổi trên biển, các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ sẽ cung cấp điện cho các cơ sở dân sự nằm biệt lập, như các dàn khoan ngoài khơi xa, và cả các cơ sở quân sự trên các hòn đảo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Tháng 07/2016, chỉ vài hôm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, báo chí Nhà nước Trung Quốc đã gọi các nhà máy điện hạt nhân này là biểu tượng cho sức mạnh của đất nước. Các tờ báo chuyên ngành của Trung Quốc thì cho biết dự kiến sẽ có 20 nhà máy điện hạt nhân được lắp đặt trên biển.
Các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ nằm trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng mà theo dự kiến sẽ làm tăng gấp đôi sản lượng điện hạt nhân của Trung Quốc, từ 31 gigawatt như hiện nay lên tới 58 gigawatt vào năm 2020. Ông Lâm Bá Cường, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế hạt nhân thuộc đại học Hạ Môn giải thích là giờ đây ai cũng quan tâm tới các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ, vì đó là nguồn năng lượng sạch. Hơn nữa, các nhà máy này không đòi hỏi đầu tư nhiều, dễ lắp đặt, và đặc biệt là có thể di chuyển được.
Nhưng theo nhận xét của Le Monde, dự án này trên thực tế có vẻ như tiến triển chậm hơn so với những thông tin báo chí đăng tải. Một nguồn tin giấu tên từ Tập Đoàn Hạt Nhân Trung Quốc (CGN) cho Le Monde biết, kế hoạch lắp đặt các nhà máy hạt nhân di động trên biển mới chỉ là ý tưởng và mới đang ở bước nghiên cứu, chứ chưa thành hiện thực. Và ngay cả khi dự án này được hoàn thành, thì việc mua bán điện từ các nhà máy điện hạt nhân nổi này vẫn còn rất xa vời.
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế hạt nhân thuộc đại học Hạ Môn, trước hết các nhà xây dựng phải chứng minh được là các nhà máy điện hạt nhân di động đảm bảo an toàn, và cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác. Ấy vậy mà, giờ đây, các tiêu chuẩn an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân nổi vẫn còn chưa được đưa ra. Điều đó có nghĩa là : Mọi chuyện vẫn đang còn ở phía trước.
Trong một cuộc họp báo để tuyên bố bắt đầu xây dựng lò phản ứng, Tập Đoàn Hạt Nhân Trung Quốc (CGN) đã nhấn mạnh đến vấn đề an toàn của các con tàu đặt nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Ông Nhuế Mẫn, trưởng dự án khẳng định là nhà máy điện hạt nhân nổi an toàn hơn nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, vì ba lý do. Vì nổi trên mặt nước nên các lò phản ứng không bị ảnh hưởng bởi các con sóng hay các trận động đất. Hơn nữa, nếu sự cố xảy ra, nước biển sẽ làm mát các thanh nhiệt bên trong lò phản ứng. Và cuối cùng, các nhà máy điện hạt nhân nổi nằm cách xa các khu dân cư.
Còn về các nguy cơ quân sự, thì theo Le Monde là rất khó đánh giá. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp trên Biển Đông với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Mỹ thì thường xuyên cho tàu đi qua khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Đây là chiến dịch mà Washington gọi là « tự do lưu thông hàng hải ». Nếu chương trình của Trung Quốc tiến triển tốt, thì các tàu chở nhà máy điện hạt nhân sẽ đi trên vùng biển mang tính chiến lược đặc biệt cao. Một chuyên gia Pháp giấu tên đánh giá là rất có thể các nhà máy điện hạt nhân di động sẽ được hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ.
Le Monde cho biết Trung Quốc không phải nước đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Từ những năm 1955, năng lượng nguyên tử đã được dùng để vận hành các tàu ngầm và tàu sân bay. Vào những năm 1960, Mỹ đã lắp đặt một lò phản ứng trên một con tàu trước đây là tàu quân sự, để cung cấp điện cho kênh đào Panama. Mới đây, người Nga lần đầu tiên đã đưa ra ý tưởng về một nhà máy điện hạt nhân nổi 70MW. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017 để cung cấp điện cho một trạm bơm dầu lửa và một thành phố nhỏ ở vùng cực đông Sibéria.
http://vi.rfi.fr/diem-bao/20161201-nha-may-dien-hat-nhan-noi-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-moi-chi-la-quang-cao

Geen opmerkingen:

Een reactie posten