zondag 19 augustus 2018

Nga tranh giành ảnh hưởng với châu Âu và Trung Quốc tại châu Phi + Châu Phi: Lục địa quan trọng về địa chính trị đối với Trung Quốc

Nga tranh giành ảnh hưởng với châu Âu và Trung Quốc tại châu Phi

mediaNgoại trưởng Nga Sergueï Lavrov và ông Faki Mahamat, chủ tịch Liên Minh Châu Phi tại Addis Abeba, ngày 9/03/2018.REUTERS/Tiksa Negeri
Sau châu Âu và Trung Quốc, đến lượt Nga đang trở thành một thế lực mới tại châu Phi. Tăng cường đầu tư, bán vũ khí, cử « cố vấn » và điều lính đánh thuê, Nga đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi, cạnh tranh với châu Âu và Trung Quốc, sau nhiều năm thờ ơ.
Chiến lược trở lại châu Phi được Matxcơva lặng lẽ tiến hành và chỉ được biết đến rõ hơn từ ngày 30/07/2018 khi xảy ra vụ ám sát ba nhà báo Nga đến Trung Phi điều tra về lực lượng lính đánh thuê của công ty Wagner, hiện tham chiến tại Syria.
Lực lượng lính đánh thuê của công ty Wagner, về mặt chính thức, được gọi là « huấn luyện viên dân sự », gồm có 170 người, được Nga cử đến Trung Phi từ đầu năm 2018 cùng với 5 sĩ quan quân đội, trong đó một người làm cố vấn an ninh cho tổng thống Faustin-Archange Touadéra. Mặc dù Trung Phi bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí, Nga đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An vào tháng 12/2017, chấp nhận một ngoại lệ, cho phép Matxcơva cung cấp vũ khí cho nước này để chống các lực lượng nổi dậy có vũ trang.
Trung Phi không chỉ là nước gần đây nhất được Nga hậu thuẫn quân sự. Trong ba năm gần đây, Nga không ngừng tăng cường vị thế tại châu Phi : chuyển vũ khí cho Cameroon để chống lại lực lượng thánh chiến Boko Haram, trở thành đối tác quân sự với Cộng Hòa Congo, Burkina Faso, Uganda và Angola, tăng cường hợp tác hạt nhân dân sự với Sudan, khai thác mỏ với Zimbabwe và công nghiệp nhôm với Guinea.
Ngoài duy trì hợp tác với các nước châu Phi từng có quan hệ lịch sử, như Maroc, Algeria, Ai Cập và Nam Phi, Matxcơva còn tìm kiếm đồng minh mới ở vùng châu Phi Nam Sahara, nơi Nga gần như vắng bóng. Theo đánh giá của nhà sử học Dmitri Bondarenko, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, được AFP trích dẫn : « Châu Phi nằm trong số những ưu tiên của Nga trong chính sách đối ngoại nhưng ngày càng có tầm quan trọng hơn ».
Thực vậy, trong quá khứ, Liên Bang Xô Viết từng rất năng động tại châu Phi trong suốt nhiều thập kỷ, chủ yếu trong cuộc chiến mang ý thức hệ chống phương Tây, ủng hộ các phong trào giải phóng khỏi ách thực dân và cử vài chục nghìn cố vấn đến châu Phi sau thời kỳ thuộc địa.
Liên bang Xô Viết sụp đổ dẫn đến khó khăn về kinh tế và các cuộc đấu đá nội bộ tại Nga trong những năm 1990. Vì vậy, Matxcơva phải dần từ bỏ các vị trí tại châu Phi : đóng cửa nhiều sứ quán và lãnh sự do thiếu ngân sách, ngừng các chương trình tài trợ và giảm bớt quan hệ.
Chỉ đến những năm 2000, điện Kremlin bắt đầu mở lại các kênh ngoại giao và từng bước trở lại châu Phi vì các hợp đồng kinh tế hơn là vấn đề ý thức hệ. Từ năm 2006 đến nay, tổng thống Nga, cũng như các lãnh đạo cao cấp khác, đã nhiều lần công du châu Phi cùng với phái đoàn doanh nhân hùng hậu và kết quả là nhiều hợp đồng đã được hai bên ký kết.
Với lợi thế không phải là một nước từng đô hộ tại châu Phi, Nga hy vọng trở thành một giải pháp thay thế châu Âu và Trung Quốc cho một số nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có nhiều người từng được đào tạo tại các trường đại học Xô Viết. Ngoài ra, Nga không thể bỏ qua châu lục rộng lớn này khi mong muốn trở lại thành một cường quốc thế giới ngày càng rõ nét. Vì vậy, ngoài lợi ích kinh tế, Matxcơva còn quan tâm đến « tiến bộ chính trị », mở rộng ảnh hưởngtại khu vực này.
Nếu như Nga tìm kiếm lợi ích kinh tế, thì các nước châu Phi muốn có « thêm một đối tác, có nghĩa là một kênh đầu tư và phát triển khác, cũng như sự ủng hộ của một cường quốc trên trường quốc tế », theo nhận định của nhà phân tích Nga Evgueni Korendiassov, từng là đại sứ tại nhiều nước châu Phi.
Một số nước châu Phi như Sudan hay Zimbabwe mà châu Âu không muốn hợp tác, từ giờ có thể có « trông cậy » vào Nga, thay vì chỉ biết quay sang Trung Quốc như trước đây. Và điều này mở ra viễn cảnh thay đổi đáng kể trật tự địa chính trị tại châu Phi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180815-nga-tranh-gianh-anh-huong-voi-chau-au-va-trung-quoc-tai-chau-phi

Quá dựa vào Trung Quốc, châu Phi đối mặt với khó khăn nghiêm trọng

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/07/2018.Reuters/Gulshan Khan
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với tổng số tiền đầu tư lên đến 114 tỉ đô la vào cuối năm 2016, chiếm khoảng 14% trao đổi thương mại quốc tế trên toàn châu lục. Tuy nhiên, tác giả Idriss Linge, nhận định trên trang Ecofin Hebdo (20-27/07/2018), “quá dựa vào Trung Quốc, châu Phi có thể gặp khó khăn nghiêm trọng”.
Trên thực tế, đến 80% khối lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước châu Phi là nhiên liệu, trong khi khối lượng hàng thành phẩm lại rất ít, chỉ chiếm khoảng 7% thị phần.
Mỗi nước châu Phi có chiến lược khác nhau, nhưng đều dựa vào Trung Quốc vì cường quốc châu Á này cần khoáng sản để thực hiện hàng loạt công trình đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thời kỳ vàng son có vẻ đang trôi qua. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt trở ngại có nguy cơ tác động tiêu cực đến nhu cầu mua nhiên liệu từ châu Phi. Cụ thể, theo số liệu thống kê, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc chỉ tăng 12% vào cuối tháng 05/2018, thấp hơn con số 20% vào cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, nhiều dự án được thông báo thực hiện trong năm 2018 cũng bị tạm ngừng hoặc bị đình chỉ.
Trung Quốc : Giảm đầu tư, bớt nhu cầu về nhiên liệu
Việc giảm nhịp độ phát triển hạ tầng tại Trung Quốc là do nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc đang thẩm định hiệu suất khối cơ sở hạ tầng hiện có.
Yếu tố thứ hai chính là ý định giảm khối lượng nợ công của nước này. Năm 2016, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp số tiền vay khổng lồ, 1.880 tỉ đô la vì chính phủ khuyến khích các biện pháp tái thiết bằng cách cấp tín dụng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.
Vào cuối tháng 03/2018, tổng số tiền cho các doanh nghiệp công tại Trung Quốc vay lên đến 5.963,4 tỉ đô la, tương đương với 47% GDP nước này. Khối tiền này thường được vay ở các ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng nhà nước, để phục vụ các dự án đầu tư, qua đó chủ yếu là tạo việc làm và chỉ thu được lợi nhuận vừa đủ cho hoàn vốn và lãi của khối nợ công khổng lồ này.
Yếu tố thứ ba chính là cuộc chiến thương mại với Washington mà chính phủ Bắc Kinh đang phải đối phó. Về mặt kỹ thuật, đánh thuế vào 250 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc không gây bất trắc gì lớn. Nhưng thách thức ở chỗ trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải tìm cách giải quyết khối nợ công này, chính phủ của ông Tập Cận Bình sẽ khó kìm hãm được mối đe dọa từ việc giảm khối lượng hàng nhập khẩu vì việc này sẽ tác động gián tiếp đến nhiều lĩnh vực liên quan, theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc ngân hàng Mỹ JP Morgan.
Cuối cùng, phải nhắc đến thỏa thuận thương mại mới được Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản ký kết, khiến nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập hơn nữa.
Tăng tiêu thụ nội địa Trung Quốc : một giải pháp thay thế cho châu Phi?
Trước những thách thức đang đe dọa tham vọng đầu tư Trung Quốc, các nhà phân tích của công ty thẩm định Mỹ Moody’s cho rằng châu Phi phải chờ cơ hội Trung Quốc biến thành một nền kinh tế tiêu thụ. Tuy nhiên, lợi ích từ việc này sẽ có tác động khác nhau đến các nước châu Phi.
Nhu cầu của Trung Quốc về các loại sản phẩm như đồng, colbat và nhôm vẫn rất mạnh vì được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất ô tô, đồ điện tử gia dụng và phương tiện giao thông cho xã hội Trung Quốc. Ngoài ra, kế hoạch “Made in China 2025” cũng sẽ tăng đáng kể nhu cầu về các kim loại này. Các nước châu Phi được lợi từ nhu cầu này là Cộng hòa Dân chủ Congo hoặc Zambia.
Tương tự, vẫn theo các nhà phân tích của Moody’s, khối lượng hàng thực phẩm xuất sang Trung Quốc, như các loại dầu ăn thực vật, đã tăng trong những thập kỷ gần đây và sẽ còn tăng trong tương lai. Điều này có lợi cho các nước Senegal và Ethiopia, nơi Trung Quốc đầu tư ồ ạt.
Cuối cùng, thu nhập của người dân Trung Quốc tăng cũng làm thay đổi sở thích tiêu thụ. Họ hướng đến các sản phẩm và trải nghiệm cầu kỳ hơn, cao sang hơn, như du lịch chẳng hạn.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, lượng khách quốc tế đến châu Phi tăng 8,1% vào năm 2016. Từ năm 2012, số khách Trung Quốc đến châu Phi đã tăng thêm 30%, du con số này vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 1,5% tổng số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.
Sức tiêu thụ bị đe dọa vì khối nợ của các hộ gia đình tăng
Châu Phi có thể hy vọng vào sức tiêu thụ của Trung Quốc hay không? Về điểm này vẫn còn một giả thuyết lớn phụ thuộc vào cầu trúc thu nhập và nợ của các hộ gia đình Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức của nhà nước Trung Quốc, từ năm 2007, phần tài sản quốc gia Trung Quốc dành cho hộ gia đình đã giảm, từ 46% xuống còn 42% GDP. Phần còn lại của GDP chủ yếu được chia về các doanh nghiệp do nhà nước và tầng lớp lãnh đạo kiểm soát. Phần thu nhập của các hộ gia đình đã giảm 1% chỉ riêng trong năm 2017.
Bên cạnh đó, người ta cũng nhận thấy giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bị sụt giảm. Từ đầu năm 2018, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm 15,7% vào ngày 16/07/2018. Dù số lượng tỉ phú Trung Quốc vẫn tăng và thu nhập cá nhân cũng tăng, thì đông đảo người tiêu dùng đang phải đối mặt với hiện tượng giảm việc làm và giảm thu nhập tiềm tàng do thặng dư chứng khoán tạo ra.
Nhưng mối đe dọa lớn nhất mà người tiêu dùng Trung Quốc phải đối mặt lại là khối nợ của các hộ gia đình tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, với nhịp độ trung bình là 23%. Như vậy, trong khi lương tăng gấp 3 lần ở Trung Quốc thì khối nợ của các hộ gia đình tăng gấp 9 lần.
Trong một bản báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khối nợ của các hộ gia đình Trung Quốc vào ngày 31/03/2018 là 6.141,3 tỉ đô là, tương đương khoảng 50% GDP của nước này.
Xu hướng Trung quốc giảm bớt đầu tư có thể được bù lại nhờ sức tiêu thụ của người dân trong nước để duy trì khối lượng hàng xuất khẩu của châu Phi vào quốc gia Đông Á này. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Phi cần chú ý theo dõi sức tiêu thụ này vì nó đang bị tình trạng nợ tăng nhanh của các hộ gia đình đe dọa. Đây là một thách thức mà chính quyền Trung Quốc còn chưa đưa ra đường hướng giải quyết.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180806-qua-dua-vao-trung-quoc-chau-phi-doi-mat-voi-kho-khan-nghiem-trong

Châu Phi: Lục địa quan trọng về địa chính trị đối với Trung Quốc

Châu Phi: Lục địa quan trọng về địa chính trị đối với Trung Quốc
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự Sénégal, ngày 21/07/2018.REUTERS/Mikal McAllister

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuỗi viếng thăm cấp nhà nước : bắt đầu từ vùng Vịnh cùng mấy nước châu Phi trước khi đến dự thượng đỉnh lần thứ 10 của nhóm BRICS, nhóm các nền kinh tế mới trỗi dậy, tại Johannesburg (Nam Phi) ngày thứ Tư 25/07/2018, với điểm dừng cuối cùng là chuyến thăm « hữu nghị » đảo Maurice.

    Tuy nhiên, chặng dừng châu Phi mới chính là tâm điểm chú ý và quan sát của nhiều tác giả và tác nhân : Nhà báo, giới nghiên cứu địa chính trị, chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn, ngoại giao và chuyên gia về vấn đề chiến lược...
    Bởi vì ngay từ đầu thế kỷ XXI này, Trung Quốc đã tỏ ra rất « hào phóng » khi ồ ạt đổ tín dụng vào châu Phi, trở thành « đối tác kinh tế số một » của châu lục và đương nhiên cũng là « chủ nợ » hàng đầu ở đây. Theo số liệu thống kê, thì khoản tín dụng Bắc Kinh cấp cho châu lục này đã lên đến 140 tỷ đô la, kể từ năm 2000.
    Và cũng không ít lần Trung Quốc đã « nới rộng hầu bao » xóa nợ cho các nước châu Phi. Cụ thể là tại diễn đàn Hợp tác Châu Phi – Trung Quốc ở Addis-Abeda năm 2003 nhằm xác định một kế hoạch hành động giai đoạn 2004-2006, Bắc Kinh đã quyết định xóa nợ cho 31 quốc gia với tổng trị giá 10,5 tỷ nhân dân tệ.
    Sự hữu hảo và hào phóng này của Trung Quốc đối với châu Phi không phải là mới mà đã có từ hơn nửa thế kỷ qua, ngay từ sau hội nghị Phong trào các nước không liên kết Bandung năm 1955, tại Indonesia. Các chính sách đối ngoại của Trung Quốc với châu Phi thay đổi theo từng mục tiêu chính trị : đi từ quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương, đối tác mới....
    Nhất là, ngay từ những năm 2000, với chính sách « Going Global Strategy », Bắc Kinh đã thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với nhiều nước châu Phi. Sự hiện diện của Trung Quốc tại đây ngày càng đông đảo và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đi từ kinh tế cho đến cả chính trị đặc biệt trong quốc phòng.
    Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp đài RFI, chuyên gia Adama Gaye, cho rằng chuyến công du châu Phi này, chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử hồi tháng Ba năm 2018 với nhiệm kỳ vô thời hạn, cho thấy là đối với chủ tịch Trung Quốc, ngoài việc hợp tác kinh tế, thì chính vị thế địa chính trị của châu lục mới đáng quan tâm. Nhất là để đối mặt với các cường quốc phương Tây.
    RFI: Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi kể từ 2009. Vậy phải chăng Trung Quốc cũng đang trở thành một đối tác quân sự ?
    Hoàn toàn đúng. Có một sự tái triển khai trong quan hệ quốc tế và Trung Quốc. Thực vậy, Trung Quốc là đối tượng bị phản bác rất mạnh mẽ, nhất là từ phía nước Mỹ của Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù, là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ 21 này. Do vậy, Trung Quốc cần phải tìm ra những con đường khác để tự bảo vệ, để bảo vệ nguồn cung ứng nguyên nhiên liệu.
    Đất nước 1,3 tỷ người này không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, chỉ có 7% đất canh tác và gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung ứng nước. Do vậy, Trung Quốc cần bảo đảm an ninh, an ninh về các nguồn cung ứng, an ninh trong xuất khẩu và thậm chí cả an ninh về nguồn nhân lực được xuất khẩu ra bên ngoài.
    Đến mức Trung Quốc cần có quan hệ địa chiến lược với châu Phi. Chính vì thế Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti và đồng thời tiến hành dự án "Một vành đai Một con đường", chạy từ Trung Á xuống châu Phi, và đặc biệt là đi qua các cảng của châu Phi cũng như là các tuyến đường sắt. Có như vậy, nếu Hoa Kỳ quyết định phong tỏa một số eo biển quan trọng đối với thương mại quốc tế và nhất là đối với trao đổi thương mại của Trung Quốc, ví dụ như eo biển Ormuz, thì Trung Quốc sẽ không bị động.
    Chính vì thế mà châu Phi nằm trong chính sách đối ngoại năng động của các lãnh đạo ở Bắc Kinh, như là một lục địa địa chiến lược quan trọng đối với vận mệnh của Trung Quốc, an ninh và tương lai lâu dài của nước này.
    Điều đó có nghĩa là quan hệ giữa Trung Quốc và các châu Phi biến đổi mạnh ?
    Có những luận thuyết vẫn giữ nguyên, cụ thể là Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ, rằng quan hệ ở cấp Nhà nước có vai trò quan trọng và Trung Quốc cho rằng chính sách một nước Trung Hoa duy nhất, trong đó có Đài Loan là không thể thương lượng được. Và lập luận đôi bên cùng có lợi sẽ tiếp tục được áp dụng.
    Tuy nhiên, điều hiện nay thay đổi, đó là có một hoàng đế mới tại Trung Quốc. Tập Cận Bình có các quyền lực mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây không bao giờ có. Do vậy, ông ta tới châu Phi trong ánh hào quang của quy chế này. Như vậy, ông ta ở thế mạnh khi tiến hành đàm phán trên lục địa châu Phi, và ông ta cũng tới đây để thử tìm kiếm các đồng minh chiến lược trong một cuộc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
    Quả thực là Trung Quốc vươn lên như một cường quốc của thế kỷ 21. Do vậy, Trung Quốc cần xem xét lại mối quan hệ với lục địa châu Phi. Cần phải nói rằng các nước châu Phi cũng chờ đợi nhiều ở sự hợp tác này hơn là việc làm tái hiện một mô hình tân thuộc địa.
    Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các nước châu Phi cần có một cuộc đối thoại khách quan và thẳng thắn, đòi hỏi một mối quan hệ mất cân đối ít hơn, sao cho khẩu hiệu các bên cùng có lợi không chỉ dừng lại ở lời nói mà thực sự được thực hiện trong các việc làm và chính sách.
    Theo ông, thì liệu thế giới có thể hướng tới một tiến trình toàn cầu hóa do Trung Quốc thống trị ?
    Đương nhiên. Trong tương lai, chính Trung Quốc là giai đoạn chủ chốt, giai đoạn nền tảng. Đối với tương lai của Trung Quốc, châu Phi nằm trong số các đồng minh mà Bắc Kinh muốn có bên cạnh họ, bởi vì 54 quốc gia châu Phi có thể luôn luôn ứng cứu Trung Quốc, như trường hợp đã từng xẩy ra, liên quan đến việc Trung Quốc được quyền trở lại tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/10/1971.
    Mặt khác, Trung Quốc biết rằng lục địa châu Phi có nguồn thiên phú về dân số, nguyên liệu, nhất là các mỏ quặng hiếm, vai trò địa chiến lược liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cũng như quan niệm được gần như tất cả mọi người chấp nhận, theo đó thế kỷ 21 sẽ không thể phát triển mà không có châu Phi, do vậy, Trung Quốc tìm cách tạo dựng vị thế của mình tại châu Phi và đó là ý nghĩa của chuyến viếng thăm này.
    Giờ đây, Trung Quốc nói với các nước châu Phi rằng "chúng tôi có một mô hình, thậm chí chúng tôi có cả các đối tác và tác nhân có thể tới thực hiện những gì mà các bạn muốn hợp tác với chúng tôi". Cũng đừng quên việc triển khai cơ chế tài chính cùng với Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc hoặc với Ngân Hàng Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á. Đó là quyết tâm của Trung Quốc thoát ra khỏi khuôn khổ tự do thương mại mà các cường quốc phương Tây đã kiểm soát trong một thời gian dài.
    Trong cái lập luận, luôn luôn được nhắc lại, theo đó Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, bất kể những gì người ta nói và do vậy, vị trí tự nhiên của nước này là ở bên cạnh các nước đang phát triển. Lập luận và những diễn thuyết kiểu này giúp gạt bỏ những điều kiện bắt buộc và coi các nước châu Phi là những quốc gia bình đẳng. Chính với lập luận mang tính tiếp thị này mà Trung Quốc tới giúp đỡ các nước châu Phi. Trong khi đó, cho tới lúc này, các nước phương Tây, vẫn nặng nề đầu óc chỉ đạo, không làm sao hiểu được rằng có một châu Phi đang cần vươn lên, phát triển, muốn độc lập và muốn được nói chuyện một cách tự do với các đối tác bên ngoài.
    -----
    * Ông Adama Gaye là chuyên gia về quan hệ Trung Quốc và châu Phi, và cũng là tác giả tập sách « Demain, la nouvelle Afrique » (Tạm dịch là Ngày mai, một châu Phi mới) do nhà xuất bản Harmattan phát hành.

    Cùng chủ đề
    • TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

      Châu Phi : Tín dụng ''hào phóng'', nhưng đáng sợ của Trung Quốc
    • TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

      Chính sách quân sự của Trung Quốc tại châu Phi
    • TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

      Hất phương Tây, Trung Quốc sải bước tại châu Phi
    • TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

      Châu Phi mơ về «Con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.   
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten