maandag 20 augustus 2018

Sự khiêm nhường của Trung Quốc sau đòn thương mại từ Trump + thách thức lớn nhất của ông Tập + Các bên được và mất


Thứ sáu, 17/8/2018, 13:58 (GMT+7)
    

Sự khiêm nhường của Trung Quốc sau đòn thương mại từ Trump

Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc yêu cầu quan chức và truyền thông tiết chế việc ca tụng sức mạnh của mình.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký kết ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký kết ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: Reuters.
Trong con mắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc giống như một kẻ khổng lồ muốn phá hoại Mỹ. Ông cáo buộc Bắc Kinh "cưỡng hiếp" nền kinh tế Mỹ và có "hành vi trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới".
Trong khi đó, Trung Quốc gần đây lại phát đi thông điệp khác với Mỹ: Chúng tôi không ghê gớm đến như vậy, theo Washington Post.
Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã kêu gọi các quan chức và các cơ quan truyền thông giảm ca tụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thay vì thể hiện mình như "gã khổng lồ nhiều sức mạnh", Bắc Kinh tỏ ra mình là một bên khiêm nhường muốn hỗ trợ cho các nước cần giúp đỡ.
Các biên tập viên của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, giờ thận trọng, không mô tả các thành tựu của Trung Quốc là "đứng đầu thế giới" hay "lần đầu tiên trên thế giới". Tờ báo thậm chí còn đăng bài xã luận chỉ trích các học giả, chuyên gia đưa ra những nhận định tương tự về sức mạnh của nước này.
Một nhóm cựu sinh viên đại học Thanh Hoa gần đây ký vào bản kiến nghị đòi sa thải Hồ An Cương (Hu Angang), chuyên gia kinh tế nổi tiếng của trường đại học danh giá này. Họ cho rằng Hồ An Cương đã gây nhầm lẫn cho các lãnh đạo cấp cao bằng những bài viết hồi năm ngoái tung hô vị thế vượt mặt Mỹ của "siêu cường kinh tế và công nghệ" Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước được yêu cầu giảm nhắc đến Made in China 2025 - sáng kiến tham vọng biến Trung Quốc trở thành nước đứng đầu toàn cầu trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm trí thông minh nhân tạo, phát triển hãng hàng không thương mại và dược phẩm.
"Cuộc chiến thương mại đã làm cho Trung Quốc trở nên khiêm nhường hơn", Wang Yiwei, giáo sư Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói. "Chúng ta nên giấu mình".
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ dọa áp thuế 10% với thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump ngày 1/8 còn dọa nâng mức thuế dự kiến này lên 25%. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng áp thuế 10-25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có khí hóa lỏng. Trump tung các đòn áp thuế vì muốn giảm mức thâm hụt thương mại của Bắc Kinh với Washington và gây sức ép để Trung Quốc bỏ những quy định mà ông coi là thiếu công bằng với doanh nghiệp Mỹ muốn thâm nhập thị trường nước này.
Tại Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển chính mình chứ không phải cạnh tranh với các quốc gia khác. "Trung Quốc không có ý định thách thức vị thế và lợi ích quốc tế của bất kỳ quốc gia khác hay hệ thống và trật tự quốc tế hiện tại", ông nói.
Bình luận viên Amanda Erickson của Washington Post nhận xét đây là sự thay đổi kỳ lạ vì ông Tập Cận Bình vốn muốn từ bỏ chính sách đối ngoại "giấu mình chờ thời" lâu nay để đến với cách tiếp cận quyết liệt hơn, nhằm chiếm được thế áp đảo so với các nước khác. Giới chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang nỗ lực xoa dịu chính quyền Trump và các lãnh đạo nước ngoài khác.
"Họ đang nỗ lực giảm nhẹ mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc đối với Mỹ", Bonnie S. Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, viết.
Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Trump đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng "những hình phạt và biện pháp cưỡng chế, các hoạt động gây ảnh hưởng và ẩn ý đe dọa quân sự" để thuyết phục các quốc gia khác ủng hộ chương trình nghị sự và an ninh của họ. Vào thời điểm bản chiến lược được công bố, một quan chức cấp cao Mỹ gọi là Trung Quốc "đối thủ chiến lược".
Glaser đánh giá "chiến dịch khiêm nhường" mới của Trung Quốc có thể được thúc đẩy bởi đánh giá này của Mỹ. Richard McGregor, tác giả một cuốn sách về đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi thay đổi này là "mang tính chiến thuật và hơn thế nữa".
"Trung Quốc nhận ra rằng họ dễ bị phương Tây chỉ trích khi công khai thể hiện tham vọng của mình", ông viết trong một email. "Ngoài kinh tế, Trung Quốc cũng đang cố bắt kịp và thách thức phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về uy thế công nghệ và địa chính trị".
Nỗ lực hạ thấp tham vọng của Trung Quốc hiện tại cũng có thể nhằm phục vụ cho mục đích khác. Trong vài tháng qua, một loạt vấn đề đã làm lung lay lòng tin của người dân vào các lãnh đạo, trong đó có vụ bê bối vắcxin rởm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn trẻ em.
Đầu tháng này, một số nạn nhân của các trang mạng cho vay ngang hàng bị đóng cửa đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Bắc Kinh, kêu gọi giới chức quản lý nghiêm ngặt hơn và đền bù cho người bị mất tiền. Cuộc biểu tình nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.
Ngoài ra, người dân cũng thất vọng trước cách phản ứng của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các đòn áp thuế và đe doạ của Trump. Sự khiêm nhường của Bắc Kinh có thể là nỗ lực để giảm bớt những kỳ vọng trong nước và thúc giục người dân Trung Quốc kiên nhẫn.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra, "Trung Quốc cố gắng cẩn thận hơn trong những gì họ nói với thế giới bên ngoài", Stanzel nhận định. "Nhưng điều đó không chắn chắn có nghĩa là Trung Quốc thực sự muốn khiêm nhường".

Phương Vũ

Quan hệ Mỹ - Trung


Thứ bảy, 14/7/2018, 10:39 (GMT+7)
    

Chiến tranh thương mại với Mỹ - thách thức lớn nhất của ông Tập

Chiến tranh thương mại với Mỹ tiềm ẩn nguy cơ khiến kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, từ đó ảnh hưởng tới quyền lực của Tập Cận Bình.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoàn thành nhiều mục tiêu trong danh sách những nhiệm vụ phải làm ở trong lẫn ngoài nước. Đây cũng là thời kỳ mà Bắc Kinh miêu tả rằng "phương Tây rơi vào hỗn loạn, còn Trung Quốc trở nên thịnh vượng", theo South China Morning Post.
Tập Cận Bình đã mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường", một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ông dành nhiều tâm huyết.
Trên phương diện cá nhân, ông đã thành công trong việc dập tắt những tiếng nói chống đối bên trong lẫn bên ngoài đảng Cộng sản Trung Quốc, được quốc hội hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch cũng như đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp. Điều này khiến ông được xem là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông.
Song cuộc chiến thương mại với Mỹ đã mở ra một tình thế hoàn toàn khác. "Đây là thách thức lớn nhất (của ông Tập)", Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, kiêm cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, bình luận.
"Nếu Trung Quốc phải đương đầu với một cuộc chiến tranh thương mại lan rộng và kéo dài, nền kinh tế, tài chính chắc chắn sẽ bị thiệt hại. Cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa hay còn gọi là 'Giấc mơ Trung Hoa' không thể tiến lên phía trước", Yinhong nhấn mạnh.
Trung Quốc phải nhượng bộ lớn
Ngay sau khi Washington thực hiện lời đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, bao gồm đòn áp thuế trên sẽ tác động tới Trung Quốc nặng nề đến mức nào trên phương diện chính trị lẫn tài chính?
Yinhong cho rằng chiến tranh thương mại lần này có thể khiến Trung Quốc phải thay đổi cách hành xử trên trường quốc tế, thậm chí xuống nước lập trường hung hăng mà họ đã theo đuổi thời gian qua. "Giờ đây, Trung Quốc cần điều chỉnh các ưu tiên", ông nói.
Theo Yinhong, đối mặt với sức ép đang gia tăng từ Mỹ và các nước phương Tây khác về vấn đề thương mại, Trung Quốc sẽ phải đưa ra các nhượng bộ lớn.
"Trung Quốc chẳng những không giảm thặng dư thương mại với nước ngoài hay mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước mà còn xác lập quyền kiểm soát lớn hơn đối với nền kinh tế. Do không làm được nhiều điều về mặt thương mại trong những năm qua, giờ đây, các nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra chắc chắn phải lớn", Yinhong cho hay.
Ông dự đoán Trung Quốc có khả năng sẽ bớt mạnh tay hơn trong các dự án đầu tư ở nước ngoài vì nguồn tiền dành cho những hoạt động này đã giảm.
Tại sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới toàn thế giới?

 Tại sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới toàn thế giới?
Suy thoái kinh tế gây ra mối đe dọa lớn
Nhà nghiên cứu chính trị Chen Daoyin ở Bắc Kinh nhận xét dù điều gì xảy ra trên mặt trận thương mại, mọi người cũng không nên kỳ vọng bất kỳ thay đổi lớn nào của Trung Quốc trên phương diện chính trị.
"Giới trí thức Trung Quốc đang hy vọng Trung Quốc buộc phải cải cách kinh tế lẫn chính trị. Nhưng điều này đơn giản là không khả thi vì nhóm cầm quyền đã rất rõ ràng trong việc duy trì chế độ", Chen nói.
Phát biểu tại một diễn đàn thảo luận về tranh chấp thương mại Trung - Mỹ hồi tháng ba, cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ bác bỏ những ý kiến cho rằng cải cách thị trường sẽ dẫn đến thay đổi lớn về chính trị.
"Tôi đã gặp gỡ một số nhà chiến lược Mỹ. Nói chung, họ thất vọng. Họ tưởng sau khi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường, đảng cầm quyền sẽ chạy theo mô hình dân chủ kiểu phương Tây. Điều này đã không xảy ra trong thực tế", Lâu cho biết. Theo ông, vấn đề then chốt đối với cải cách kinh tế của Trung Quốc là phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu chính trị Chen Daoyin nhận định vấn đề lớn hơn có thể xảy ra nếu xung đột thương mại với Mỹ dẫn đến suy thoái kinh tế.
"Trong nhiều thập kỷ, tính chính danh cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc được xây dựng dựa vào thành tích kinh tế. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vì chiến tranh thương mại, điều này chắc chắn làm tổn hại tính chính danh đó", ông nói.
Perry Link, chuyên gia chính trị Trung Quốc ở Đại học California, Mỹ, cũng đồng tình với ý kiến trên. "Một cuộc suy thoái kinh tế... sẽ là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với sự ổn định chế độ của ông Tập... Tôi không nghĩ chủ nghĩa dân tộc mới sẽ giúp ích cho ông ấy, thậm chí, nó có thể chống lại ông ấy nếu mọi thứ chuyển biến xấu", Link bình luận.
Các container hàng hóa tại một cảng biển ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Các container hàng hóa tại một cảng biển ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Tìm kiếm ủng hộ từ châu Âu
Vì các căng thẳng thương mại Trung - Mỹ ngày càng leo thang, Bắc Kinh gần đây tìm cách xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu, vốn cũng là mục tiêu mà đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm đến.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen hồi tháng trước, hai bên thông báo sẽ thành lập một nhóm công tác để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker dự kiến thăm Bắc Kinh trong vài tuần tới trước khi sang Mỹ vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, Christopher Balding, nhà kinh tế thuộc Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh, vẫn nghi ngờ khả năng xuất hiện một liên minh Bắc Kinh - Brussels về thương mại.
"Thẳng thắn mà nói, châu Âu chỉ xem Trump như một cơn cảm lạnh vì ông ấy rồi sẽ rời nhiệm sở vào một lúc nào đó. Và họ có mối liên kết lịch sử sâu sắc hơn nhiều với Mỹ cũng như có một thị trường cởi mở hơn nhiều. Họ không có bất kỳ sự bảo đảm nào như vậy từ Trung Quốc", Balding nhận xét. Ông lưu ý Tập Cận Bình đã được thông qua là lãnh đạo trọn đời của Trung Quốc và "Trung Quốc cũng không có lịch sử về một thị trường mở cửa".
Hồng Vân

Geen opmerkingen:

Een reactie posten