donderdag 30 augustus 2018

Tiễn biệt "ân nhân của người Việt" Thượng Nghị Sĩ Mỹ John McCain: Cộng đồng người Việt tiếc thương, kính trọng và biết ơn



Tiễn biệt TNS John McCain: Cộng đồng người Việt tiếc thương, kính trọng và biết ơn




Bà Cindy McCain, phu nhân cố Thượng nghị sĩ John McCain bên linh cữu chồng tại Arizona Capitol, sáng 29 Tháng Tám 2018. (Hình: AP/Photo)
Quốc Dũng, Thiện Lê & Thịnh Nguyễn/Người Việt
PHOENIX, Arizona (NV) – Tang lễ cố Thượng Nghị Sĩ John McCain bắt đầu lúc 10 giờ sáng 29 Tháng Tám 2018 tại tòa nhà Quốc Hội Aziona (Arizona State Capitol), thành phố Phoenix, thủ phủ tiểu bang Arizona.
Đây là ngày đầu tiên trong 5 ngày tang lễ của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain, kéo dài từ 29 Tháng Tám đến 2 Tháng Chín lần lượt ở Arizona, Washington DC và Maryland, nơi thi hài ông được chôn cất.
Ngay từ sáng sớm, một hàng dài người đứng xếp hàng trong cái nóng 100 độ F ngay góc đường 17th và Jefferson, thành phố Phoenix, để chờ đến 1 giờ trưa vào viếng cố Thượng Nghị Sĩ John McCain.
Lúc 9 giờ sáng, trên freeway 10 rẽ vào exit 143B, để chỉ khoảng 1 mile là đến đường Jefferson, đều kẹt cứng. Những ai lỡ vào exit này đành bất lực, vì đường đã đóng bên dưới, buộc phải nhích từng chút để cảnh sát mở đường khác để đi.


Các binh sĩ đưa linh cữu Thượng nghị sĩ John McCain từ xe tang vào Tòa nhà quốc hội Arizona chuẩn bị lễ truy điệu. (Hình: AP/Matt York)

Mọi ngả đường xung quanh tòa nhà Quốc Hội Arizona đều đóng, ai muốn vào viếng Thượng Nghị Sĩ John McCain phải để xe ở cách xa vài block đường.
Con đường chính Washington dày đặc cảnh sát, xa hơn một chút là những ‘tiệm ăn dã chiến’ phục vụ cư dân đi viếng. Vì trời nóng, các nhân viên phải ngâm hàng trăm chai nước vào thùng lạnh rồi phát cho công chúng.
* John McCain, ‘người đặc biệt’
Nói với phóng viên báo Người Việt, vợ chồng ông bà Randy và Dora See, cư dân Phoenix, cho hay họ có mặt lúc 8 giờ 30 phút sáng. Cả đều nói, ông McCain là một người đặc biệt vì ông đại diện cho người dân, bất kể họ là Cộng Hòa hay Dân Chủ.


Vợ chồng ông bà Randy và Dora See, cư dân Phoenix. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Bà Aida Underwood, cư dân Los Angeles, cho biết bà đến từ 8 giờ 15 phút sáng. Đối với gia đình bà, ông McCain là một người đáng tôn trọng vì ông giúp các cộng đồng thiểu số rất nhiều và ông đối xử bình đẳng với mọi người. Bà còn cho rằng ông lúc nào cũng lo cho người khác trước bản thân mình và bà nghĩ ông là con người tuyệt vời nhất mà bà từng biết.
Anh Joseph, sinh viên trường đại học The University of Arizona, Tucson, Arizona, cho biết anh kính trọng khí khách dám nói dám làm của ông John McCain nên “Tôi mong chờ ngày hôm nay đến để lần đầu cũng như lần cuối được gặp ông, và mong ông về với Chúa.”
Đến 11 giờ 30 phút trưa, dòng người càng lúc càng thêm đông, ai cũng muốn được chào ông John McCain lần cuối.


Đoàn người xếp hàng chờ được vào viếng cố Thượng Nghị Sĩ John McCain. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

* Tiễn đưa ân nhân của người Việt tị nạn Cộng Sản
Trong ngày 29 Tháng Tám, có hàng trăm người Việt, đa số đến từ Arizona, Little Saigon, Orange County, Nam California và Georgia đến để viếng và tiễn đưa Thượng Nghị Sĩ John McCain.


Người Việt Nam đến viếng TNS John McCain. (Hình: Quốc Dzũng/Người Việt)

Đến 12 giờ 15 phút trưa, người Việt Nam đầu tiên đến viếng TNS John McCain là ông Hồ Đắc Dũng, 80 tuổi, cư dân Phoenix.
Ông Dũng xúc động nói: “Tôi rất thương ông McCain. Mình nợ ông rất nhiều. Ông đã giúp đưa chúng tôi qua đây. Khi tôi ra khỏi trại tù cải tạo thì gia đình không còn nữa. Ở trại cải tạo 12 năm, tôi về lại cuộc sống ngày thường phải làm lại từ đầu. Sau đó tôi quen một cô giáo, có được hai đứa con, và được đi qua Mỹ theo diện HO. Khi qua đây đã 54 tuổi, là một người tay trắng, nên phải tự lực thôi. Ông John McCain đã cho tôi và các anh em khác được qua Mỹ, là ân nhân của chúng tôi, nên không gì hơn là hãy quên quá khứ của mình, không nên mặc cảm, không ăn bám, không lợi dụng, chấp nhận khổ để vươn lên.”
Ông bà Alvin Phan Hồ, chủ nhân tiệm ABC Copy ở Fountain Valley, California chia sẻ: “Tôi không đi theo diện HO nhưng gia đình tôi có người thân được đi theo chương trình này, tất cả là nhờ ông McCain. Vì vậy, từ 6 giờ sáng vợ chồng tôi chạy lên Arizona để tiễn một vị ân nhân của các cựu chiến sĩ VNCH. Thực ra đường đi chỉ mất khoảng 6 tiếng mà thôi. Người Việt mình uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ông John McCain có ơn lớn với người Việt Nam mình mà.”


Ông Phan Kỳ Nhơn, cùng phái đoàn người Việt từ Orange County, California trả lời phỏng vấn báo Người Việt khi đến viếng TNS John McCain. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Đến 12 giờ 45 phút, ông Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, cùng đông đảo đồng hương gốc Việt ở Little Saigon đi trên hai xe bus đến tòa nhà Quốc Hội Arizona.
Ông Phan Kỳ Nhơn nói với phóng viên Người Việt: “Đối với dân tộc Mỹ, Thượng Nghị Sĩ John McCain là một vị anh hùng. Ông là tù binh bị Cộng Sản bắn rơi. Khi cộng sản biết thân thế của gia đình ông McCain nên là muốn thả ông ra, nhưng ông kiên quyết không về với điều kiện phải thả hết mọi người bạn cùng tù với ông. Đó là một hành động anh hùng. Còn đối với người tị nạn cộng sản chúng ta, nếu như không có ông John McCain, chúng ta sẽ không đứng ở đây. Ông ấy là một ân nhân lớn của chúng ta. Việc viếng thăm ông lần cuối là điều cần thiết nên làm.”
Ông Chơn Võ, cư dân Irvine, cùng con gái đến viếng TNS John McCain. Ông cho hay, hai cha con đến đây để tỏ lòng kính trọng cho ông McCain. Ông nói: “Thượng Nghị Sĩ McCain là một ân nhân với gia đình tôi và nhiều người Việt khác vì ông ủng hộ chương trình HO.”



Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Arizona đến viếng TNS McCain, ông Khương là người đi đầu. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Lúc 2 giờ 15 phút, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Arizona do ông Đặng Thế Khương, chủ tịch, dẫn đầu đến viếng cố Thượng Nghị Sĩ John McCain.
Ông Khương cho biết: “Tình cảm của cộng đồng người Việt ở Arizona đối với TNS John McCain không thể miêu tả được. Tất cả mọi người Việt đều mang ơn ông McCain. Nhắc đến ông, không người Việt nào có thể ghét hay hận thù ông được. Vì vậy khi ông ra đi là nỗi đau rất lớn cho chúng ta. Người Việt rất biết ơn ông và luôn hết mình tưởng nhớ ông mãi mãi.”
‘Chúng tôi xúc động khi thấy sự hiện diện của bà con đồng hương từ khắp nơi đổ về để tiễn đưa ông một lần cuối,” cô Trà Mi Nguyễn, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ và Georgia cho biết.
“Ông McCain là một ân nhân lớn đối với cộng đồng hải ngoại, đối với quý cựu tù nhân lương tâm cũng như là chiến binh VNCN và tất cả những người có cơ hội đổi đời. Thế hệ cha ông chúng tôi, thế hệ chúng tôi và thế hệ con en chúng tôi đều được hưởng ân huệ này từ ông.”
Cô Lê Văn Thanh Mai, chủ nhiệm Nguyệt san Viet LifeStyles, giám đốc đài phát thanh TNT Arizona, lại kể về kỷ niệm nhớ nhất đối với ông McCain.
“Khi tôi có dịp phỏng vấn ông. Tôi hỏi món ăn Việt mà ông yêu thích là gì và ông trả lời rằng bánh chưng là món ông thích nhất. Ông kể rằng trong suốt hơn năm năm rưỡi ở trong tù Hỏa Lò, ông không được ăn gì ngon ngoại trừ bánh chưng trong dịp Tết, nên đó là món ăn thịnh soạn nhất đối với ông vì có thịt mỡ.” “Biết ông thích nên tôi gửi tặng ông cặp bánh chưng.” Cô Mai nhớ lại.
Còn ông Nguyễn Ngọc Thạch, hội trưởng Hội Quân Cán Chính VNCH Arizona phát biểu: “Ông John McCain luôn sát cánh bên cạnh chúng tôi. Khi ông bị bắt cầm tù, chúng tôi cũng bị cầm tù. Khi được thả về lại Mỹ, ông McCain tiếp tục con đường chính trị và ông can thiệp, giúp đỡ những anh em cựu quân nhân chúng tôi được qua Mỹ. Tu Chính Án của ông John McCain đã đưa các con em chúng tôi được qua Mỹ, cho dù trên 21 tuổi. Hơn 30 năm trong cuộc đời chính trị, ông McCain giúp đỡ dân tộc Việt Nam, nhất là những người tị nạn. Nếu không có ông, chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay.”
Và dòng người vào viếng ông McCain mỗi lúc một dài hơn, để tiễn đưa một chính khách, một ân nhân của biết bao người Việt tị nạn Cộng Sản.
* Nhân vật lịch sử của nước Mỹ
Tại Arizona tang lễ cố Thượng Nghị Sĩ John McCain diễn ra trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tám.
Linh cữu ông McCain được để tại tòa nhà Quốc Hội Arizona đúng vào ngày sinh nhật thứ 82 của ông, 29 Tháng Tám.
Trong ngày 29 Tháng Tám, vào lúc 10 giờ sáng, là lễ truy điệu mang tính riêng tư, chỉ có gia đình và thân hữu tham dự. Sau đó, công chúng được vào viếng, từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối.
Ông Rick Davis, phát ngôn viên gia đình ông McCain cho biết, ‘bảo đảm chừng nào còn người vào viếng vị thượng nghị sĩ thì Quốc Hội vẫn mở cửa.’


Linh cữu Thượng nghị sĩ John McCain tại Tòa nhà quốc hội Arizona chuẩn bị lễ truy điệu. (Hình: AP/Matt York)

Thượng Nghị Sĩ John McCain là người thứ ba mà thi hài được để trong tòa nhà Quốc Hội Arizona trong 40 năm qua. Hai người trước đây là bà Marilyn Jarrett, thượng nghị sĩ tiểu bang, để năm 2006, và vận động viên Jesse Owens, từng đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội, và là cư dân Tucson, để năm 1980.
Tại lễ truy điệu sáng Thứ Tư, Thống Đốc Doug Ducey và Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake đọc lời chia buồn với gia đình ông McCain.
Ông Ducey mô tả ông McCain là một thượng nghị sĩ được quốc tế biết đến nhiều và cũng là một nhân vật lịch sử của nước Mỹ. Ông nói thêm: “Hãy tưởng tượng, Arizona mà không có McCain thì cũng giống như Arizona không có Grand Canyon.
Trước đó, linh cữu ông McCain được chuyển từ bệnh viện bằng xe tang với hàng chục xe cảnh sát hộ tống đến Arizona State Capitol.
Sáu binh sĩ khiêng linh cữu từ xe tang vào tòa nhà. Hai bên là binh sĩ Vệ Binh Quốc Gia Arizona đứng chào. Khi đến cửa, quan tài được để lên một chiếc xe, và chỉ có hai binh sĩ, một đi trước một đi sau, đẩy quan tài vào vòng tròn ngay dưới mái vòm Rotunda.


Meghan McCain, con gái của TNS John McCain, bật khóc bên quan tài cha. (Hình: AP Photo/Jae C. Hong Pool)

Đi theo quan tài là vợ ông McCain, bà Cindy, hai bên có hai binh sĩ đi cùng. Ngoài ra, còn có hai người con trai của ông, Jack và Jimmy, cùng cô con gái Meghan, có mặt tại buổi lễ.
Đây là lần đầu tiên gia đình McCain xuất hiện trước công chúng kể từ khi vị thượng nghị sĩ qua đời hôm 25 Tháng Tám. (Quốc Dũng, Thiện Lê & Thịnh Nguyễn)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tang-le-thuong-nghi-si-john-mccain-tai-arizona/

Hoa Kỳ tổ chức quốc tang vĩnh biệt John McCain, vị anh hùng của nước Mỹ

mediaLễ quốc tang TNS John McCain tại Nhà thờ Quốc gia, Washington, ngày 01/09/2018.Marvin Joseph/Pool via REUTERS
Ngày 01/09/2018, lễ quốc tang vĩnh biệt thượng nghị sĩ John McCain, đã được tổ chức tại Nhà Thờ Quốc Gia, Washington, kết thúc một tuần lễ để tang người anh hùng của nước Mỹ.

Theo đúng ước nguyện của người quá cố, tổng thống đương nhiệm Donald Trump không được mời đến dự. Hai cựu tổng thống, Barack Obama, thuộc đảng Dân Chủ và George Bush, bên đảng Cộng Hòa đã lần lượt phát biểu, ca ngợi lòng dũng cảm, chính trực, thanh liêm của ông McCain, đặc biệt là khả năng vượt qua các khác biệt, bè phái chính trị của ông.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gửi về bài tường trình :
« Đó là một vị anh hùng, một con người cương trực, dũng cảm mà nước Mỹ tổ chức tang lễ với nghi lễ quân đội, tại Nhà Thờ Quốc Gia ở Washington. Thế nhưng, khi Meghan McCain lên phát biểu trước cử tọa bao gồm những quan chức thuộc các đảng phái, thì sự xúc động đã lấn át mọi lời ca ngợi về sự nghiệp vẻ vang của người quá cố. Cô nói : Cha tôi là một vĩ nhân, một chiến binh vĩ đại, một người Mỹ cao thượng. Thế nhưng, tôi yêu quý cha tôi bởi vì ông là một người cha tốt.
Bầu không khí xúc động cũng xen lẫn tiếng cười khi thượng nghị sĩ Leberman kể lại câu chuyện vui đùa mà ông John McCain ưa thích hoặc lúc Barack Obama lên phát biểu, ngay sau George Bush, để nói đến tính thích châm chọc hài hước của vị thượng nghị sĩ quá cố. Cựu tổng thống Obama nói: Liệu có cách vui đùa nào tuyệt vời hơn khi ông mời tôi và George Bush đến nói những điều tuyệt vời về mình trước toàn thể nước Mỹ ?
Thế nhưng cựu tổng thống thuộc đảng Dân Chủ trở nên nghiêm nghị hơn khi ông đề cập đến chính trị. Tuy không nêu tên, nhưng ông đưa ra một loạt chỉ trích nhắm vào tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ông mỉa mai : đó là một loại chính trị tự cho là dũng cảm và cứng rắn, nhưng trên thực tế, nó được sinh ra từ sự sợ hãi. John McCan đòi hỏi chúng ta phải làm chính trị cao hơn thế. Ông đòi hỏi chúng ta phải tuyệt vời hơn thế.
John McCain muốn đoàn kết thay vì chia rẽ nước Mỹ. Trong tang lễ của mình, ông đã muốn tập hợp tất cả các chính khách Mỹ thuộc mọi đảng phái, trừ một người tự cho là kiệt xuất nhất và gây nhiều tranh cãi nhất. Donald Trump không được mời đến dự tang lễ. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180902-hoa-ky-to-chuc-quoc-tang-vinh-biet-john-mccain-vi-anh-hung-cua-nuoc-my



Geen opmerkingen:

Een reactie posten