zondag 19 augustus 2018

Bộ phim đông khách thứ sáu trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc ‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc : Nước, không khí, thực phẩm nhiễm độc gây ung thư

‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc

‘‘Tôi không phải là thần dược’’ : Thảm cảnh người bị ung thư tại Trung Quốc
 
Nước, không khí, thực phẩm nhiễm độc gây ung thư. Trong ảnh, người dân xếp hàng mua nước chai tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 11/04/2014, sau khi phát hiện nước máy có chứa chất benzen, gây ung thư, cao gấp 20 lần mức an toàn.Reuters/Stringer

    Bộ phim đông khách thứ sáu trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, tư pháp Mỹ ra lệnh cấm một hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu vốn được chính quyền Trump hậu thuẫn, Đại hội Thể thao đồng tính quốc tế tại Pháp mở cửa cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, điện Kremlin đặt tên thành phố châu Âu cho nhiều đơn vị quân đội Nga. Trên đây là những nội dung chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

    Phim « Tôi không phải là thần dược » của đạo diễn Trung Quốc Văn Mục (Wen Muye), ra rạp hôm 5/7/2018, đã trở thành một hiện tượng xã hội. Sau ba tuần công chiếu, « Tôi không phải là thần dược » đã mang lại cho nhà sản xuất hơn 360 triệu euro. Phim được coi là một trong 10 thành công thương mại lớn nhất của lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
    Phim thu hút rất đông khán giả Trung Quốc, bởi nhằm đúng vào một vấn đề xã hội lớn của quốc gia được coi là nền kinh tế thứ hai thế giới. Đó là tình trạng khốn cùng của những người mắc bệnh ung thu và thân nhân họ. Trả lời RFI, một nữ khán giả ở độ tuổi 70 tuổi bày tỏ tâm trạng của bà, sau khi xem phim :
    « Thuốc thực sự là quá đắt đỏ. Trong gia đình tôi, có hai người đã bị chết vì bệnh ung thư, đó là chồng tôi và em rể tôi. Gia đình tôi đã phải trả tiền thuốc tổng cộng 90.000 euro, mà không hề được bảo hiểm đồng nào. Từ đó đến nay, đã không có gì thay đổi cả. Rất nhiều người không có điều kiện được chữa bệnh. Nếu mắc một bệnh nặng, người ta chỉ còn nước là chờ chết ! Sự thực là vậy ! ».
    Tôi không phải là thần dược lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của Lục Dũng (Lu Yong) một người Trung Quốc bị ung thư máu. Câu chuyện xảy ra cách nay đã hơn một thập niên. Không có tiền mua thuốc tại Trung Quốc, ông đã phải đi sang Ấn Độ để tìm nguồn thuốc rẻ. Lục Dũng đã trở thành người chủ trì một đường dây bất hợp pháp, đưa thuốc giá rẻ từ Ấn Độ về Trung Quốc. Hơn 1.000 người bệnh ung thư được chăm sóc nhờ sự dũng cảm, quên mình của người đồng hương mắc bệnh hiểm nghèo.
    Luật sư của ông Lục Dũng kể lại : « Thân chủ của tôi, ông Lục Dũng, bị bệnh máu trắng. Ông ấy đã giúp cho bạn bè mình mua được thuốc, mà không hề lấy lãi. Hành động của ông ấy gây xúc động mạnh, rất nhiều người bệnh đã ký tên ủng hộ ông, rốt cuộc ông Lục Dũng đã được trả tự do ».
    Một khán giả Trung Quốc, cũng là một người hoạt động trong ngành bảo hiểm, nhận xét : « Tôi hài lòng vì bộ phim đã gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn đến như vậy, thậm chí còn thu hút sự chú ý của cả thủ tướng. Điều này khiến cho việc nhập khẩu dược phẩm dễ dàng hơn ».
    Hiện tại, bệnh ung thư đang tiếp tục bùng phát tại Trung Quốc, với thêm 4,3 triệu người mắc bệnh hồi năm ngoái. Chỉ có khoảng 30% người bệnh sống được đến năm thứ năm. Kể từ đầu mùa hè này, chính quyền vừa quyết định xóa thuế nhập khẩu đối với thuốc trị bệnh ung thư. Giá thuốc trị ung thư ở Ấn Độ chỉ bằng 1/10 so với các thuốc tương đương nhập vào Trung Quốc.
    Môi trường khắp nơi ô nhiễm, từ không khí, nguồn nước, cho đến đất đai, chưa kể thực phẩm, dược phẩm độc hại, giả mạo. Liệu sự nới lỏng điều kiện nhập khẩu thuốc men bù lại được bao nhiêu phần thiệt hại về sức khỏe và tinh thần đối với các nạn nhân của chính sách phát triển ồ ạt, bất chấp sinh mạng con người ?
    Mỹ : Tư pháp buộc chính quyền Trump cấm một độc chất phổ biến
    Vẫn liên quan đến y tế và môi trường, một tòa phúc thẩm cấp liên bang Hoa Kỳ, hôm thứ Năm 09/08 vừa qua, hạn cho chính quyền Trump hai tháng để rút khỏi thị trường một hóa chất vốn được sử dụng rất phổ biến trên nông nghiệp Mỹ, và kể cả ở châu Âu. Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York :
    « Chất chlorpyrifos được sử dụng tại Mỹ từ nhiều thập niên nay, và như vậy cũng từ lâu người ta biết đây là một chất độc. Kể từ năm 2000, hóa chất này bị cấm tại những nơi có trẻ em qua lại thường xuyên, trong vườn gia đình hay gần trường học.
    Tuy nhiên, vào năm 2012, đã có một nghiên cứu cho thấy lệnh cấm như vậy là không đủ, bởi hóa chất này gây nhiễm độc nguồn nước, và sự phát triển não của trẻ sơ sinh có thể bị cản trở, nếu người mẹ tiếp xúc với chất độc trong thời kỳ mang thai.
    Luật pháp Liên bang Hoa Kỳ, về nguyên tắc, cấm mọi loại thuốc trừ sâu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhưng việc áp dụng các quy định mới, với rất nhiều hệ quả kinh tế, không thể nào được thực hiện trong một sớm một chiều.
    Như vậy, chỉ đến năm 2015, chính quyền Obama mới đề xuất việc cấm các sản phẩm tiêu dùng có chứa chlorpyrifos, tuy nhiên hồ sơ này đã bị bỏ lửng sau đó, cho đến khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
    Ban lãnh đạo mới của cơ quan Môi Trường Mỹ, đã quyết định xem xét lại các kết quả nghiên cứu khoa học, và thuốc trừ sâu này được khuyến khích trở lại.
    Trong dư luận Mỹ có tin đồn là tổng giám đốc của công ty cung cấp chlorpyrifos lớn nhất đã tham gia vào một nhóm làm việc tại Nhà Trắng, và có thể ông ta đã chuyển cho tổng thống Mỹ một khoản tiền lớn.
    Về phần mình, các thẩm phán Liên bang nghiêng về phía chất này gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, và kết luận là duy trì chlorpyrifos trên thị trường là bất hợp pháp ».
    Trong những năm gần đây, các cơ quan kiểm tra Mỹ hoặc Úc đã một số lần đưa ra báo động về lượng chlorpyrifos vượt mức cho phép trong một số mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam.
    Gay Games : Không chỉ cho vận động viên đồng tính !
    Gay Games - Đại hội thể thao quốc tế của giới đồng tính lần thứ 10, tổ chức tại Pháp, với sự tham gia của hơn 10.000 vận động viên, từ 90 quốc gia - khép lại cuối tuần này. Đây là lần đầu tiên, sự kiện này được tổ chức tại một địa điểm bên ngoài cộng đồng các nước nói tiếng Anh. Đây là một dịp quan trọng, để những người đồng tính, chuyển giới và lưỡng tính cổ vũ cho các quyền chính đáng của mình, chống lại các hình thức kỳ thị.
    Trong đợt Đại hội năm nay, rất nhiều tiếng nói cất lên lưu ý công chúng là, trái ngược hẳn với quan điểm rất phổ biến trong công luận, sự kiện thể thao này không chỉ dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT. Nhiều vận động viên không phải là người đồng tính tham gia Gay Games để ủng hộ quyền của những người LGBT, hoặc đơn giản là do tò mò. Ví dụ như, huấn luyện viên võ thuật Oivier Bernanda, làm việc tại câu lạc bộ Panama Boxing Club (ở Paris), đăng ký vào Games Gay, là để chứng kiến các học trò thi đấu, và cũng là để được trực tiếp tiếp xúc với một thế giới khác. Bà Pascale Reinteau, đồng trưởng ban tổ chức Đại hội Gay Games giải thích :
    « Đúng là tên gọi ‘‘Gay Games – Đại hội thể thao đồng tính’’, nếu người ta không thực sự biết đến sự kiện này, dễ gây hiểu lầm là chỉ dành cho cộng đồng LGBT – những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Tôi muốn nhấn mạnh là không nên lẫn hai chuyện. Đúng là sự kiện này do Liên Đoàn Đồng Tính Quốc Tế tổ chức, và được nhiều hiệp hội thể thao đỡ đầu. Thế nhưng tinh thần của Đại hội thể thao này là mở cửa cho tất cả mọi người tham gia không phân biệt giới tính ».
    Thi môn bơi nghệ thuật tại trung tâm Maurice Thorez, Montreuil, gần Paris, ngày 8/8/2018.REUTERS/Regis Duvignau
    Nhà xã hội học Philippe Liotard, Đại học Lyon 1 giải thích với RFI vì sao, ở rất nhiều nơi, người đồng tính lại hết sức bị kỳ thị trong môi trường thể thao :
    « Về mặt lịch sử, điều hiển nhiên là thể thao xuất phát từ thế giới của đàn ông. Ở trong môi trường này, người ta được học cách để trở thành cái gọi là ‘‘một người đàn ông thực thụ’’, một đấng nam nhi, một kẻ chinh phục, một con người mạnh mẽ…, trong thế đối lập với nữ giới. Rõ ràng là trong lịch sử, thể thao là không gian của người đàn ông, xét về mặt biểu tượng cũng như về phương thức khẳng định giá trị bản thân. Người phụ nữ hoàn toàn bị loại trừ.
    Những người phụ nữ đầu tiên tham gia thi đấu thể thao đã bị chê bai, dè bỉu, đặc biệt là với lý do họ bị nam tính hóa về mặt ngoại hình, cơ bắp. Theo tôi, thái độ kỳ thị đối với những người đồng tính đã đóng vai trò như là một phương pháp giáo dục, giúp cho người ta nhập tâm chuẩn mực nói trên. Có nghĩa là, để có thể trở thành một người đàn ông, hay đàn bà thực thụ, thanh niên nam và nữ cần phải xa lánh giới đồng tính ».
    Không kỳ thị, chẳng cần Gay Games
    Một kỳ đại hội thể thao quốc tế như Gay Games, như vậy cũng có ý nghĩa giáo dục rất quan trọng. Hay nói một cách khác, Đại hội này có sứ mạng mang đến một thông điệp ngược lại với những quan điểm cổ hủ trọng nam, khinh nữ, hay đối lập nam nữ trong truyền thống. Trong kỳ Gay Games tại Pháp, bên cạnh việc tất cả các vận động viên không phân biệt định hướng tính dục (đồng tính hay dị tính…) đều có thể đăng ký vào các môn thi đấu cho nam hoặc cho nữ, còn có một số môn thi đấu mở cho tất cả, mà không đặt ra tiêu chuẩn về giới.
    Vận động viên bóng chuyền Pháp Apolline Honorat, một người đồng tính nữ và cũng là người khuyết tật, cảm thấy vô cùng hạnh phúc, khi được đến với Gay Games, một môi trường thể thao thân ái, rộng mở. Nhưng, theo bà, điều lý tưởng nhất là, một khi trong xã hội không còn những lời nhục mạ và hành động kỳ thị giới đồng tính, thì lúc đó không còn cần đến những Gay Games.
    Hiện tại, trên thế giới, còn hơn 10 quốc gia phạt tử hình những người có quan hệ tình cảm với người đồng giới. Với hơn 100 nước, quan hệ đồng tính là phạm pháp. Ngay cả đối với những nước đã công nhận hôn nhân đồng tình, người đồng tính vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Năm 2022, Gay Games lần thứ 11 sẽ được tổ chức ở Hồng Kông. Thành phố châu Á đầu tiên đón nhận Gay Games, chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng từ năm 1991, đã không còn khép người có quan hệ đồng tính vào tội hình sự.
    « Thi đấu » quân sự quốc tế tại Nga
    Truyền thông Pháp cũng chú ý đến một sự kiện « thi đấu quốc tế » khác, diễn ra cùng thời điểm với cuộc thi thể thao hòa bình và hữu nghị Gay Games, đó là cuộc thi quân sự quốc tế lần thứ 4, do Nga tổ chức (từ ngày 28/7 đến 11/08). « Các vận động viên » tham gia vào « 28 môn thi đấu », trong đó có đua xe tăng, đua máy bay tiếp sức không người lái, vượt mìn hay bắn phá mục tiêu từ máy bay chiến đấu… Trung Quốc và Iran là các nước cung cấp địa điểm thi đấu, cùng Nga và bốn nước thuộc Liên Xô cũ (Azerbaidjan, Armenia, Belarus và Kazhakhstan).
    Đua xe tăng tại cuộc thi quốc tế quân sự ở Nga. Trong ảnh, một chiếc tăng T-72 B3 của Armenia tham gia cuộc đua ở Alanino, gần Matxcơva, ngày 8/8/2018.REUTERS/Maxim Shemetov
    Trên thế giới cũng có một giải vô địch thể thao quân sự, nhưng với các vận động viên là quân nhân, chứ không phải là các vũ khí. Giải Military World Games mùa hè của CISM (International Military Sports Council), với 137 quốc gia thành viên, trong đó có Nga, năm nay diễn ra hồi tháng 6, tại Thụy Điển.
    Nga đặt tên thành phố châu Âu cho các binh đoàn
    Cũng về nước Nga, đầu tháng 8 này, có một sự kiện gây lo ngại : Chính quyền Putin quyết định đặt tên thành phố châu Âu cho một số đơn vị chiến đấu.
    Berlin, Varsava, Tallinn và Lviv có đặc điểm chung là gì ? Dĩ nhiên đó là các thành phố châu Âu, nhưng đó cũng là những cái tên mà điện Kremlin vừa quyết định đặt cho 11 trung đoàn thiết giáp hay bộ binh Nga. Thông tin được công bố ngày 2/8/2018 vừa qua.
    Đối với chính quyền Matxcơva, đây là tên của các chiến thắng của quân đội Liên Xô trong Thế Chiến Hai, dưới thời Staline. Mục tiêu của quyết định này, theo Matxcơva, là để « bảo tồn truyền thống quân sự và lịch sử vinh quang » và « nuôi dưỡng lòng trung thành của các quân nhân, đối với tổ quốc, với nghĩa vụ của người lính ».
    Tuy nhiên, nhìn từ phía châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng với Nga còn chưa lắng xuống (cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraina từ năm 2014, khiến hơn 10.000 người chết), động thái nói trên bị coi như một mối đe dọa mới, một hành động khiêu khích, đối với nhiều quốc gia châu Âu láng giềng với Nga. Người dân nhiều nước thuộc Đông Âu cũ, như Hungary, Cộng Hòa Séc cho đến nay vẫn còn oán hận Matxcơva triển khai quân đội đè bẹp các phong trào dân chủ, nhân danh chống lại can thiệp từ phía NATO.
    Nỗ lực mới tạo căng thẳng với châu Âu, với chủ trương tái lập truyền thống tôn vinh nền độc tài toàn trị của Staline - lãnh đạo Liên Xô được coi là có công chính trong chiến thắng trước quân đội phát xít Đức trước đây - rất có thể đang được chính quyền Kremlin sử dụng để biện minh cho các quyết định chi phí ồ ạt cho quân sự, vượt quá tiềm năng của nền kinh tế, cũng như nhu cầu an ninh thực sự của nước Nga. Ngày 3/8, tổng thống Nga cũng ban hành một chỉ thị khác, phục hồi hệ thống chính ủy trong bộ máy quân đội Nga. Đây được coi là một nỗ lực khác nhằm trở lại với truyền thống thời Stalin.
    http://vi.rfi.fr/chau-a/20180811-‘‘toi-khong-phai-la-than-duoc’’-tham-canh-nguoi-bi-ung-thu-tai-trung-quoc

    Cùng chủ đề
    • MÔI TRƯỜNG - Ô NHIỄM

      Ô nhiễm: Sát thủ vô hình ác hơn cả chiến tranh, thiên tai hay dịch họa
    • TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

      Trung Quốc nhìn nhận cả triệu kilômét vuông đất đai bị ô nhiễm
    • TRUNG QUỐC

      Trung Quốc : Khuyến khích kiện những công ty gây ô nhiễm
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten