woensdag 29 augustus 2018

Rohingya: Liên Hiệp Quốc đòi xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng + Miến Điện từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế

Rohingya: LHQ đòi xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng

mediaTrại tị nạn người Rohingya Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh 22/08/2018.REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 27/08/2018 đã đề nghị xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm « tội ác diệt chủng » nhắm vào người Rohingya, một sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo tại Miến Điện. Các vụ bạo lực này đã khiến hơn 700.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn sang Bangladesh từ một năm qua.
Trước phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra hôm nay, những người tị nạn Rohingya kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính quyền Naypiydaw.
Từ trại tị nạn Kutupalong, đặc phái viên Eliza Hunt của đài RFI có bài phóng sự cho biết sau một năm chạy tị nạn, người Rohingya đã mất niềm tin vào chính quyền Miến Điện.
« Trong tay của Mohib Bullah, là một danh sách dài nhiều trang… Danh sách này liệt kê các hành động bạo lực mà người Rohingya, những người hiện đang sống trong các trại tị nạn, phải hứng chịu. Tài liệu này sẽ được gởi đến Tòa án Hình sự Quốc tế.
Mohib Bullah nói : ʺTrong quá khứ, chúng tôi cũng đã từng phải chạy nạn, nhưng chưa bao giờ, chúng tôi đòi hỏi một kiểu công lý như vậy. Hậu quả là chính phủ lại tái diễn, và lần này, đó là một hành động diệt chủng. Chính vì thế mà giờ đây, chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm công lý, bởi vì việc làm này sẽ có tác động đối với chính phủʺ.
Theo ông Mohib Bullah, từ một năm qua, chẳng có gì cho thấy là chính quyền Miến Điện muốn tìm kiếm một giải pháp. Do vậy, ông trông đợi vào áp lực của quốc tế. Một người tị nạn khác, nguyên là hiệu trưởng trường học, cũng có lập trường tương tự. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đối với cộng đồng Rohingya.
Ông nói : ʺLiên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu… Họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như bạo lực lại diễn ra, họ có trách nhiệm phải can thiệp, tìm ra một giải pháp. Hiện tại, họ chỉ trích, họ lên án nhưng điều đó chưa đủ…ʺ
Ở đây, ai cũng mong đợi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180828-nguoi-ti-nan-rohingya-keu-goi-lhq-gay-ap-luc-voi-chinh-quyen-mien-dien

Rohingya : Miến Điện từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế

mediaĐại diện Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Bangladesh gặp người tị nạn Rohingya, tại khu trại ở Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 03/07/2018REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Trong thông cáo ngày 09/08/2018, văn phòng của bà Aung San Suu Kyi khẳng định Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI tại La Haye không đủ thẩm quyền thụ lý hồ sơ khủng hoảng Rohingya. Bạo động đã bùng lên vào tháng 8/2017 khiến 700.000 người Hồi giáo sinh sống tại bang Arakan phải sang Bangladesh lánh nạn.
Thông tín viên đài RFI Eliza Hunt từ Rangun tường trình :
"Trong một tài liệu gồm 5 trang, Miến Điện biện minh về quyết định từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Naypyidaw tố cáo định chế Tư Pháp này thiếu minh bạch và đe dọa chủ quyền quốc gia của Miến Điện
. Theo quan điểm chính quyền nước này, việc cho mở điều tra về những tội ác nhắm vào người Rohingya sẽ là một mối nguy hiểm chưa từng thấy. Bởi vì, theo Naypyidaw, cuộc điều tra đó chứng minh rằng, những cáo buộc mang tính dân túy, dưới sức ép của các tổ chức phi chính phủ, có thể dẫn tới những cuộc điều tra.
Miến Điện đưa ra thông điệp rất rõ ràng : chỉ có quốc gia này mới đầy đủ thẩm quyền để điều tra về những gì đã diễn ra ở bang Arakan, nơi người Rohingya bị bạo hành. Miến Điện không chấp nhận một sự can thiệp nào của quốc tế.
Mới chỉ vài tháng trước, Naypyidaw đã chấp nhập thành lập một ủy ban điều tra hỗn hợp, với sự tham gia của hai nhà ngoại giao nước ngoài. Cách nay hai tháng, cũng Miến Điện đã ký kết một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi. Liên Hiệp Quốc trong tuần đã chỉ trích sự chậm trễ đó và kêu gọi chính quyền Miến Điện tôn trọng những điều đã cam kết. Liên Hiệp Quốc yêu cầu được đến hiện trường và đòi Miến Điện bãi bỏ lệnh giới hạn tự do đi lại của người Rohingya, một thiểu số theo đạo Hồi". 
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180810-rohingya-mien-dien-tu-choi-hop-tac-voi-toa-an-hinh-su-quoc-te

Geen opmerkingen:

Een reactie posten