Vai trò của các cựu lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà
Các chính sách của ông Tập có thể bị cựu lãnh đạo mổ xẻ và yêu cầu thay đổi khi Trung Quốc đang trong căng thẳng thương mại với Mỹ.
Cảnh quan ở Bắc Đới Hà. Ảnh: Kyodo.
|
Các lãnh đạo đảng hàng đầu Trung Quốc cả đương nhiệm và nghỉ hưu có truyền thống hàng năm đến Bắc Đới Hà, khu nghỉ dưỡng cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông, để đi nghỉ và thảo luận kín về nhân sự cũng như các chính sách quan trọng. Khác với các năm trước, truyền thông Trung Quốc năm nay thể hiện nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc họp đang diễn ra, như đưa tin rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa ở Bắc Đới Hà.
Cuộc họp từ lâu đã là nơi để các lãnh đạo về hưu bình luận, phê phán hoặc hậu thuẫn các chính sách của những người kế nhiệm. Wang Zhengxu, chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Đại học Nottingham, cho biết từ thập niên 1980, cuộc gặp Bắc Đới Hà là một kênh quan trọng để các cựu lãnh đạo thể hiện ảnh hưởng còn lại của mình.
Việc truyền thông nhà nước ám chỉ cuộc họp đang diễn ra có thể là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang tỏ lòng tôn trọng với các "bô lão" trong đảng, những người được cho là không hài lòng với việc củng cố quyền lực và xử lý mối quan hệ với Mỹ của ông Tập, theo Nikkei.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang có thể là chủ đề thảo luận chính tại Bắc Đới Hà. Hai bên đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ dọa áp thuế 10% với thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump ngày 1/8 còn dọa nâng mức thuế dự kiến này lên 25%. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng áp thuế 10-25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ, trong đó có khí hóa lỏng.
"Thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington khiến các bô lão đảng có lý do để chất vấn ông Tập", cây bút Tetsushi Takahasi của Nikkei nhận xét.
Ở Bắc Đới Hà, ông Tập có thể còn phải đối mặt với một vấn đề khác. Các lãnh đạo nghỉ hưu được cho là không hài lòng với cách ông Tập bổ nhiệm thân tín vào vị trí quan trọng và xây dựng sự sùng bái cá nhân. Giới trí thức ở Bắc Kinh đã bày tỏ hy vọng rằng các bô lão sẽ sử dụng cuộc họp năm nay để gây áp lực cho ông Tập không đi xa hơn trên con đường này.
Trong cuộc họp tại Bắc Đới Hà năm ngoái, đề xuất đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp đã được nhắc đến trước khi được mang ra biểu quyết trước quốc hội, theo Nikkei. Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo đã không được biết trước về việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và cảm thấy họ đã bị gạt sang một bên. Giờ đây, tại Bắc Đới Hà, họ có cơ hội để báo động về chủ nghĩa sùng bái cá nhân.
Dường như để làm giảm bớt những lo ngại đó, đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã giảm ca ngợi ông Tập. Nhà chức trách Trung Quốc từ giữa tháng 7 bắt đầu gỡ bỏ nhiều ảnh chân dung của ông Tập tại Bắc Kinh.
Một số trang tin tiếng Trung ở nước ngoài đưa tin rằng quyền lực của ông Tập có thể đang lung lay. Họ viết rằng cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, đã bày tỏ những nghi ngại về chính sách của ông với Ủy ban Trung ương của đảng.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào chứng minh điều đó. Cuối tháng 7, ông Tập đã rời Bắc Kinh để thực hiện một chuyến đi nước ngoài dài ngày. Điều này sẽ rất rủi ro về mặt chính trị nếu chỗ đứng của ông không vững chắc.
Dù vậy, cây bút Katsuji Nakazawa của Nikkei cho rằng đúng là luồng gió chính trị của Trung Quốc đang có sự thay đổi. Một nguồn tin trong nội bộ đảng nói rằng việc này xuất phát từ những "vương tử" (ám chỉ những lãnh đạo là con của các cựu quan chức đảng cấp cao và có ảnh hưởng) đã sống ở Mỹ và châu Âu. Họ có khả năng thể hiện quan điểm mà không cần phải quá e dè ông Tập.
Bản thân ông Tập cũng được coi là một "vương tử" vì bố ông từng là phó thủ tướng. Tại đại hội đảng tháng 10 năm ngoái, ông Tập đã không thăng chức cho "vương tử" nào mà thay vào đó bổ nhiệm những cấp dưới cũ của mình vào các vị trí quan trọng.
Nakazawa cho rằng hành động này có thể khiến họ bất bình và ông Tập cần khéo léo khi làm việc với các cựu lãnh đạo, những người vẫn có ảnh hưởng đến các "vương tử".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và hai người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (trái) cùng Giang Trạch Dân (phải) tại đại hội đảng tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
|
Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Chu Dung Cơ đều được coi là có công giúp Trung Quốc phát triển kinh tế với hai quyết định: gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và duy trì chiến lược ngoại giao "náu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra.
Tuy nhiên, ông Tập đã không ngại thể hiện tham vọng trở thành cường quốc sánh ngang với Mỹ kể từ khi lên nắm quyền, dẫn đến kết quả là chiến tranh thương mại hiện nay. Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc quá đề cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc đã gây ra vấn đề như hiện giờ.
Ba cựu lãnh đạo Trung Quốc nói trên đều là những người từng dành nhiều nỗ lực để ổn định quan hệ Mỹ - Trung. Thông điệp của họ cho ông Tập có thể là: "Ông không nên đi quá nhanh. Cần phải xử lý tình hình tốt hơn".
"Có thể ông Tập sẽ điều chỉnh chính sách của mình với những ý kiến từ các bô lão trong cuộc họp năm nay", cây bút Katsuji Nakazawa nhận xét.
Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập Thời báo Nghiên cứu, tờ báo liên kết với trường trung ương đảng Trung Quốc, có chung quan điểm. "Sau cuộc họp tại Bắc Đới Hải, chiến lược của Trung Quốc có thể được điều chỉnh. Tình hình hiện giờ có thể khiến trong nội bộ đảng có nhiều cách nhìn hơn", ông nhận xét.
Trong quá khứ, từng có những nỗ lực hủy bỏ cuộc họp tại Bắc Đới Hà với lý do sự kiện cho các quan chức về hưu quá nhiều tiếng nói với các vấn đề hiện tại. Nhưng những nỗ lực đó đều bất thành.
"Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc ngầm thừa nhận sự tồn tại của cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay có thể là thông điệp từ ông Tập đến các bô lão rằng ông tôn trọng truyền thống hàng năm và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ", Takahasi đánh giá.
Tin liên quan:
Chính trị Trung Quốc
- Thách thức ông Tập cần giải quyết trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà (19/8)
- Sóng gió dồn dập có thể làm suy giảm quyền lực tuyệt đối của ông Tập (1/8)
- Thách thức với ông Tập trước các cựu binh bất mãn (28/6)
- Trung Quốc ngăn đảng viên tham nhũng xuất cảnh thế nào? (2/6)
- Tướng Trung Quốc bị giáng 8 cấp vì che giấu việc con lấy chồng Pháp (16/5)
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vai-tro-cua-cac-cuu-lanh-dao-trung-quoc-trong-cuoc-hop-kin-o-bac-doi-ha-3790779.html?vn_source=rcm_detail&vn_medium=thegioi&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_thegioi
Lãnh đạo Trung Quốc có thể đang họp kín tại Bắc Đới Hà
Sự vắng bóng của các lãnh đạo trên truyền hình và các bản tin nhắc đến Bắc Đới Hà là dấu hiệu cho thấy cuộc họp bí mật đang diễn ra.
Lực lượng an ninh canh gác bãi biển Bắc Đới Hà năm 2013. Ảnh: SCMP.
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không xuất hiện trên các bản tin buổi tối trên truyền hình kể từ đầu tháng, làm dấy lên suy đoán họ có thể đang ở Bắc Đới Hà.
Các lãnh đạo đảng hàng đầu Trung Quốc có truyền thống hàng năm đến Bắc Đới Hà để đi nghỉ và thảo luận kín về nhân sự cũng như chính sách. Cuộc gặp này là "bí mật mở" suốt nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Trung Quốc thường không xác nhận cuộc họp Bắc Đới Hà diễn ra nhưng truyền thông nước ngoài thường suy đoán thời gian diễn ra sự kiện dựa trên các manh mối như địa danh Bắc Đới Hà được nhắc đến trong các bản tin của truyền thông Trung Quốc.
Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc ngày 8/8 đưa tin ông Lý Khắc Cường đã gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa ở Bắc Đới Hà, nơi hai người thảo luận về nhu cầu thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Cuối tuần qua, truyền thông nhà nước cũng đưa tin rằng Trần Hi, người đứng đầu Ban Tổ chức đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được ông Tập yêu cầu gặp các chuyên gia đang đi nghỉ ở Bắc Đới Hà. Ông Trần là người giám sát việc bổ nhiệm nhân sự đảng.
Các nguồn tin có kết nối với giới lãnh đạo Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài nói với Reuters rằng cuộc họp Bắc Đới Hà có khả năng bắt đầu vào đầu tháng 8.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang có thể là chủ đề thảo luận tại Bắc Đới Hà. Hai bên đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ dọa áp thuế 10% với thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump ngày 1/8 còn dọa nâng mức thuế dự kiến này lên 25%.
"Sau cuộc họp tại Bắc Đới Hải, chiến lược của Trung Quốc có thể được điều chỉnh", ông nói. "Tình hình phát triển có thể khiến trong đảng có nhiều cách nhìn hơn", Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập Thời báo Nghiên cứu, tờ báo liên kết với trường trung ương đảng Trung Quốc nhận định.
Bắc Đới Hà là một khu nghỉ dưỡng nằm cạnh biển Bột Hải, cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía đông. Từ năm 1953, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu họp tại Bắc Đới Hà vào mỗi mùa hè để tránh nắng nóng thủ đô. Ông Mao Trạch Đông được cho là từng ở Bắc Đới Hà ít nhất 4 tháng năm 1954. Truyền thống này kết thúc với sự bùng nổ của Cách mạng Văn hóa (1969 - 1976), nhưng được nối lại vào năm 1984, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu đi nghỉ hè ở đó.
Các lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cả đương chức và nghỉ hưu gặp gỡ, trao đổi và đưa ra những quyết định hệ trọng nhất tại đây. Wang Zhengxu, chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Đại học Nottingham, cho biết từ thập niên 1980, cuộc gặp Bắc Đới Hà là một kênh quan trọng để các cựu lãnh đạo thể hiện ảnh hưởng còn lại của mình.
Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phía trước, bên phải) đi bơi ở Bắc Đới Hà tháng 7/1987. Ảnh: Xinhua.
|
Tin liên quan:
- Bắc Đới Hà - nơi tìm kiếm đồng thuận của lãnh đạo Trung Quốc
- Cuộc họp bí mật tại khu nghỉ mát của giới lãnh đạo Trung Quốc
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/lanh-dao-trung-quoc-co-the-dang-hop-kin-tai-bac-doi-ha-3790707.html#ctr=related_news_click
Thứ tư, 17/8/2016, 20:29 (GMT+7)
Cuộc họp bí mật tại khu nghỉ mát của giới lãnh đạo Trung Quốc
Cuộc họp của giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà là chìa khóa cho nhiều thay đổi quan trọng trong lịch sử nước này, vì vậy, có nhiều đồn đoán xoay quanh sự kiện.
Ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (phía trước, bên phải) gặp nhóm học giả được mời đi nghỉ ở Bắc Đới Hà. Ảnh: Xinhua
|
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đi nghỉ tại Martha Vineyard, một khu nghỉ hè yêu thích của các tổng thống Mỹ.
Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc có thể đang ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 280 km về phía đông, theo SCMP. Các nguồn tin của CNBC cho biết cuộc họp thường diễn ra tại 4 đến 5 villa ở khu nghỉ mát này.
Trong khi truyền thông Mỹ theo sát ông Obama khi ông tận hưởng kỳ nghỉ hè cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thì truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến kỳ nghỉ của các lãnh đạo nước này, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đầu tháng 8.
Dấu hiệu duy nhất cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi nghỉ xuất hiện khi Xinhua hôm 5/8 đưa tin Ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn gặp một nhóm các học giả được mời đến nghỉ tại Bắc Đới Hà. Xinhua nhấn mạnh ông Lưu thay mặt cho ông Tập.
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở lại làm việc hôm 15/8, truyền thông nhà nước tiếp tục đưa tin dày đặc về các cuộc họp và chỉ thị của họ, nhưng không hề nhắc đến hai tuần yên ắng trước đó.
Không rõ vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc - trái ngược với những người đồng cấp nước ngoài - không công khai về kỳ nghỉ hè của họ. Ông Vương cho rằng có thể họ nghĩ làm như vậy sẽ khiến họ ít ra dáng lãnh đạo hơn hoặc gây ảnh hưởng đến hình ảnh tuyên truyền về họ như những người làm việc không biết mệt mỏi vì nhân dân.
Cuộc họp quan trọng
Theo SCMP, nhiều thay đổi quan trọng tại Trung Quốc bắt nguồn từ các cuộc họp kín và tất cả cuộc họp đều diễn ra trong bí mật. Từ năm 1953, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu họp tại Bắc Đới Hà vào mỗi mùa hè để tránh nắng nóng thủ đô, giống như giới thượng lưu Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài thời trước. Ông Mao Trạch Đông được cho là từng ở Bắc Đới Hà ít nhất 4 tháng năm 1954.
Truyền thống này kết thúc với sự bùng nổ của Cách mạng Văn hóa (1969 - 1976), nhưng được nối lại vào năm 1984, khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu đi nghỉ hè ở đó.
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phía trước, bên phải) đi bơi ở Bắc Đới Hà tháng 7/1987. Ảnh: Xinhua
|
Năm 2003, ông Hồ Cẩm Đào, khi vừa trở thành chủ tịch Trung Quốc, được cho là đã ngừng truyền thống này, với lý do việc di chuyển bộ máy đảng, chính quyền, cơ quan lập pháp, và quân sự đến khu nghỉ dưỡng là lãng phí tiền của nhà nước. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi nghỉ ở đây.
Năm 2013, khi ông Tập lên nắm quyền, truyền thống này dường như lại được vực dậy.
Mặc dù diễn ra bí mật, các cuộc họp tại Bắc Đới Hà từ lâu đã là đề tài đồn đoán của giới truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các ấn phẩm bằng tiếng Trung.
SCMP cho rằng cuộc họp mùa hè năm nay được quan tâm vì nó diễn ra trước một hội nghị quan trọng của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Các lãnh đạo nước này sẽ họp để thảo luận và thông qua quy tắc mới trong việc điều chỉnh các thành viên, đặc biệt là quan chức cấp cao, khi ông Tập đang thúc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.
Có nhiều đồn đoán xoay quanh việc liệu các nhà lãnh đạo có thảo luận về đội ngũ lãnh đạo mới sẽ được công bố tại Đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 19, dự kiến vào cuối năm tới, khi 5 trong 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (tất cả trừ ông Tập và ông Lý) sẽ nghỉ hưu .
Cũng có đồn đại cho rằng ông Tập có ý định yêu cầu ông Lý phải từ bỏ bớt quyền kiểm soát trong các quyết sách kinh tế, sau khi hai ông bất hòa về hướng đi của nền kinh tế.
Có thể sẽ mất nhiều ngày hay vài tuần để những mẩu tin về các cuộc thảo luận của họ xuất hiện trên truyền thông nước ngoài và chắc chắn những tin tức này sẽ được xen kẽ không ít đồn đoán. Ông Vương Hướng Vĩ, cựu tổng biên tập của SCMP và hiện là cố vấn tại Bắc Kinh cho tờ này, cho rằng những thông tin đó hẳn sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc không vui vì chúng làm gia tăng mối lo ngại của quốc tế về cạnh tranh chính trị trong nội bộ Trung Quốc, cũng như kế hoạch chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng điều này một phần do các lãnh đạo Trung Quốc "không công khai về các cuộc họp tại Bắc Đới Hà", ông Vương viết.
Phương Vũ
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/cuoc-hop-bi-mat-tai-khu-nghi-mat-cua-gioi-lanh-dao-trung-quoc-3453807.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten