maandag 20 augustus 2018

Miến Điện : ''Thanh lọc sắc tộc Rohingya" : Châu Âu và Canada trừng phạt 7 quan chức Miến Điện + Mỹ trừng phạt bốn tướng lãnh Miến Điện

''Thanh lọc sắc tộc'' : Mỹ trừng phạt bốn tướng lãnh Miến Điện

media(Ảnh minh họa) - Làng mạc của người Rohingyas tại bang Rakhine, Miến Điện bị san phẳng. Ảnh chụp từ một máy bay trực thăng, ngày 01/05/2018.REUTERS/Michelle Nichols
Hôm nay 19/08/2018, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi khởi đầu chuyến công du bốn ngày tại Singapore để bàn về hợp tác song phương. Bà Aung San Suu Kyi có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các chỉ trích về cuộc khủng hoảng Rohingya. Trước đó, hôm thứ Sáu 17/08/2018, Hoa Kỳ thông báo trừng phạt bốn tướng lĩnh Miến Điện tham gia vào « cuộc thanh lọc sắc tộc » chống lại cộng đồng Hồi Giáo Rohingya cũng như một số sắc tộc khác.
Bộ Tài Chính Mỹ ra thông cáo chỉ rõ bốn nhân vật bị trừng phạt là các tướng Aung Kyaw Zaw, Khin Maung Soe, Khin Hlaing và Thura San Lwin, cùng hai sư đoàn 33 và 99, đã trực tiếp tham gia vào nhiều hành động tội ác.
Sư đoàn 33 bị cáo buộc đã tiến hành nhiều cuộc hành quyết, bắt người đi mất tích và bạo hành tình dục tại bang miền tây Rakhine, nơi có nhiều người Rohingya sinh sống. Ông Aung Kyaw Zaw phạm tội ác trong thời gian chỉ huy các hoạt động của cảnh sát vũ trang và lực lượng biên phòng ở các quân khu miền tây và tây nam Miến Điện, từ năm 2015 đến đầu 2018. Ông Khin Hlaing, chỉ huy sư đoàn 99, đã buộc cư dân một số làng thuộc sắc tộc Kachin và thiểu số người Hoa, làm lá chắn sống trong 13 ngày trời, tại các vị trí tiền tiêu của sư đoàn này hồi 2016.
Quyết định trừng phạt nói trên cho phép chính quyền Mỹ tịch thu hoặc phong tỏa tài khoản của các đương sự. Công dân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với bốn sĩ quan Miến Điện nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Bà Camille Cuisset, điều phối viên của Info Birmane - có trụ sở tại Paris, một hiệp hội có sứ mạng đưa tin và cổ vũ cho cuộc đầu tranh vì hòa bình và nhân quyền tại Miến Điện lấy làm tiếc là « quyết định trừng phạt nói trên không nhắm vào tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, vốn được coi là người chịu trách nhiệm chính ». Theo bà, vấn đề chính hiện nay là Liên Hiệp Châu Âu cần phải lên tiếng mạnh mẽ, để cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận trong việc đưa các thủ phạm vụ đàn áp người Rohingya ra xét xử tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180819-thanh-loc-sac-toc-my-trung-phat-bon-si-quan-cao-cap-mien-dien

Rohingya : Miến Điện từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế

mediaĐại diện Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Bangladesh gặp người tị nạn Rohingya, tại khu trại ở Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 03/07/2018REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Trong thông cáo ngày 09/08/2018, văn phòng của bà Aung San Suu Kyi khẳng định Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI tại La Haye không đủ thẩm quyền thụ lý hồ sơ khủng hoảng Rohingya. Bạo động đã bùng lên vào tháng 8/2017 khiến 700.000 người Hồi giáo sinh sống tại bang Arakan phải sang Bangladesh lánh nạn.
Thông tín viên đài RFI Eliza Hunt từ Rangun tường trình :
"Trong một tài liệu gồm 5 trang, Miến Điện biện minh về quyết định từ chối hợp tác với Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Naypyidaw tố cáo định chế Tư Pháp này thiếu minh bạch và đe dọa chủ quyền quốc gia của Miến Điện. Theo quan điểm chính quyền nước này, việc cho mở điều tra về những tội ác nhắm vào người Rohingya sẽ là một mối nguy hiểm chưa từng thấy. Bởi vì, theo Naypyidaw, cuộc điều tra đó chứng minh rằng, những cáo buộc mang tính dân túy, dưới sức ép của các tổ chức phi chính phủ, có thể dẫn tới những cuộc điều tra.
Miến Điện đưa ra thông điệp rất rõ ràng : chỉ có quốc gia này mới đầy đủ thẩm quyền để điều tra về những gì đã diễn ra ở bang Arakan, nơi người Rohingya bị bạo hành. Miến Điện không chấp nhận một sự can thiệp nào của quốc tế.
Mới chỉ vài tháng trước, Naypyidaw đã chấp nhập thành lập một ủy ban điều tra hỗn hợp, với sự tham gia của hai nhà ngoại giao nước ngoài. Cách nay hai tháng, cũng Miến Điện đã ký kết một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi. Liên Hiệp Quốc trong tuần đã chỉ trích sự chậm trễ đó và kêu gọi chính quyền Miến Điện tôn trọng những điều đã cam kết. Liên Hiệp Quốc yêu cầu được đến hiện trường và đòi Miến Điện bãi bỏ lệnh giới hạn tự do đi lại của người Rohingya, một thiểu số theo đạo Hồi".
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180810-rohingya-mien-dien-tu-choi-hop-tac-voi-toa-an-hinh-su-quoc-te

‘‘Diệt chủng’’ người Rohingya : 22 sĩ quan cao cấp Miến Điện bị chỉ đích danh

mediaTổng giám đốc Fortify Rights, ông Matthew Smith, trong cuộc điều trần về vấn đề người Rohingya trước Ủy ban Nhân quyền ở Washington ngày 17/03/2017.AFP
Vụ đàn áp tàn khốc nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, tại Miến Điện, tiếp tục bị quốc tế lên án. Hôm qua, 19/07/2018, tổ chức bảo vệ nhân quyền Fortify Rights chuyên về vùng Đông Nam Á khẳng định « cuộc diệt chủng » này đã được « chuẩn bị một cách kỹ lưỡng ». Fortify Rights chỉ đích danh những kẻ đứng đằng sau chiến dịch : 22 chỉ huy quân đội và cảnh sát, trong đó có tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing.
Theo AFP, báo cáo dài 160 trang của Fortify Rights, dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với các quân nhân và cảnh sát Miến Điện, nhận định : chính quyền nước này đã chuẩn bị chiến dịch thảm sát từ nhiều tháng trước đó. Chiến dịch được khởi sự ngay lập tức sau đợt tấn công của một số nhóm nổi dậy Rohingya nhắm vào nhiều đồn biên phòng thuộc bang miền tây Rakhine cuối tháng 8/2017, có mục tiêu gây tiếng vang, nhằm tố cáo tình trạng cùng quẫn của cộng đồng Rohingya tại Miến Điện.
Ông Matthiew Smitt, tổng giám đốc của tổ chức Fortify Rights, cho biết :
« Điều mà chúng tôi đã phát hiện được, đó là có thể nói giới quân sự Miến Điện đã chuẩn bị trước khi tiến hành các hành động đàn áp tàn bạo quy mô lớn. Khâu chuẩn bị đã diễn ra nhiều tháng trước cuộc tấn công của một số nhóm Rohingya ngày 25/08/2017, biến cố dẫn đến chiến dịch quân sự trả đũa.
Chúng tôi đã tập hợp được nhiều bằng chứng cho thấy các binh sĩ đã tịch thu tất cả các vật sắc nhọn hay mọi phương tiện có thể biến thành vũ khí thô sơ gây chấn thương, bầm dập, và cùng lúc đó vũ trang cho tất cả các cư dân không phải là người Rohingya tại khu vực. Những người này, sau đó, đã tham gia vào các vụ thảm sát hàng loạt, cùng với quân đội. Tập đoàn quân sự đã có nhiều biện pháp để làm suy yếu cộng đồng người Rohingya trước các cuộc tấn công này. Đây là một chiến dịch được tiến hành một cách hệ thống.
Một kết luận khác của bản báo cáo là các hành động tội ác chống người Rohingya là một cuộc diệt chủng, một tội ác chống nhân loại. Chúng tôi đã xác định được 22 người trong quân đội và cảnh sát, cần phải điều tra, để làm sáng tỏ vai trò của họ trong các cuộc tấn công.
Hơn 11.000 quân nhân tham gia vào chiến dịch, 27 tiểu đoàn, 2 đơn vị cảnh sát quân sự và nhiều phương tiện đã được triển khai trong chiến dịch quy mô lớn này. Điều này cho thấy đây là một hành động được lập kế hoạch, được suy tính kỹ càng ».
Hồi tháng Sáu, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế yêu cầu Tòa Án Hình Sự Quốc tế, xem xét vụ lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing và 12 sĩ quan cao cấp Miến Điện đứng sau chiến dịch đàn áp chống lại cộng đồng Rohingya.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180720-‘‘diet-chung’’-nguoi-rohingya-22-si-quan-cao-cap-mien-dien-bi-chi-dich-danh

Rohingya : Châu Âu và Canada trừng phạt 7 quan chức Miến Điện

media Gần 120 000 người Rohingya bị giam lỏng trong trại tị nạn gần Sittwe, Miến Điện, từ năm 2012. RFI/Sarah Bakaloglou
Bẩy quan chức Miến Điện phụ trách an ninh đồng loạt bị Liên Hiệp Châu Âu và Canada thông báo trừng phạt ngày 25/06/2018 vì phải chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya xảy ra vào quý II năm 2017 tại bang Rakhine.
Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh đến các vụ vi phạm nhân quyền tại Miến Điện, gồm « giết người, xâm hại tình dục và đốt nhà ở của người Rohingya một cách có hệ thống ».
Quyết định được ngoại trưởng 28 nước Liên Hiệp Châu Âu thông qua trong cuộc họp tại Luxembourg ngày 25/06. Canada cũng thông báo những biện pháp tương tự sau lời kêu gọi trừng phạt được đặc phái viên phụ trách Miến Điện của Liên Hiệp Quốc, bà Christine Schraner Burgener, đưa ra hôm 21/06.
Theo AFP và Reuters, trong số 7 quan chức Miến Điện bị trừng phạt có 5 vị tướng quân đội và hai quan chức cao cấp của cảnh sát phụ trách an ninh và biên phòng. Những người này bị phong tỏa tài sản, không được cấp visa vào Liên Hiệp Châu Âu và Canada.
Tướng Maung Maung Soe, chỉ huy loạt tấn công nhắm vào phe ly khai người thiểu số Hồi Giáo Rohingya hồi tháng 08/2017, cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt. Trước đó, ông đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 12/2017.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180626-rohingya-chau-au-va-canada-trung-phat-7-quan-chuc-mien-dien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten