woensdag 29 augustus 2018

Báo Mỹ : Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã họp bí mật tại Việt Nam + Thủ tướng Nhật xúc tiến cuộc gặp Kim Jong Un


Báo Mỹ : Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã họp bí mật tại Việt Nam


mediaÁp phích trong chiến dịch vận động đòi trả tự do cho người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. (Ảnh chụp ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 03/07/2014)REUTERS/Yuya Shino
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã có một cuộc họp « bí mật » ở Việt Nam trong tháng 7 vừa qua mà không thông báo cho Hoa Kỳ. Đó là tiết lộ của nhật báo Mỹ Washington Post hôm qua, 29/08/2018.
Theo tờ báo này, cuộc họp bí mật này đã diễn ra giữa ông Shigeru Kitaruma, lãnh đạo Phòng Nghiên cứu và Tình báo của chính phủ Nhật Bản và ông Kim Song Hye, một quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên đặc trách về thống nhất đất nước.
Washington Post cho biết các quan chức cao cấp của Mỹ đã tỏ thái độ bực bội vì Nhật Bản đã không thông báo trước cho Hoa Kỳ về cuộc họp ở Việt Nam, trong khi Washington thường xuyên cập nhật thông tin cho Tokyo về các cuộc thương lượng với Bình Nhưỡng.
Tuy không xác nhận thông tin về cuộc họp bí mật nói trên, các quan chức ở Tokyo đã thừa nhận rằng trong việc thương lượng về việc trao trả những công dân Nhật bị bắt cóc ở Bắc Triều Tiên, họ không thể chỉ trông chờ Mỹ vận động thay cho họ.
Tổng thống Donald Trump cho biết là trong cuộc gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tháng 6 vừa qua ở Singapore, ông có nêu vấn đề người Nhật bị bắt cóc. Thế nhưng, bản tuyên bố chung của hai lãnh đạo sau thượng đỉnh Singapore lại không nói gì đến các vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên, kể cả vấn đề bắt cóc công dân Nhật.
Cho tới nay, Tokyo vẫn đòi phía Bắc Triều Tiên trao trả những công dân Nhật đã bị bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980, nhưng Bình Nhưỡng cho rằng vấn đề này đã được giải quyết. Trong nhiều thập kỷ qua, hồ sơ này vẫn gây cản trở cho việc bình thường hóa bang giao giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên.
Mặc dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tạm lắng dịu, với việc Bắc Triều Tiên họp thượng đỉnh với cả Hoa Kỳ lẫn Hàn Quốc, sách trắng về quốc phòng 2018 vừa được bộ Quốc Phòng Nhật Bản công bố hôm qua vẫn xem Bắc Triều Tiên là « một mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera đặc biệt nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng « hiện vẫn có trong tay hàng trăm tên lửa có thể bắn tới hầu như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180829-nhat-ban-bac-trieu-tien

Thủ tướng Nhật xúc tiến cuộc gặp Kim Jong Un


mediaThủ tướng Nhật Shinzo Abe trả lời báo giới, Tokyo, 12/06/2018.REUTERS/Issei Kato
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 16/06/2018 kêu gọi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vượt lên trên những mối nghi kỵ lâu nay, và xác nhận là đang có các nỗ lực để chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Abe nói rằng chính phủ Nhật đã liên lạc với phía Bắc Triều Tiên « thông qua nhiều kênh khác nhau » để sắp xếp một cuộc gặp với Kim Jong Un. Theo nhật báo Sankei, khi gặp gỡ tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hôm 12/6, lãnh đạo Bình Nhưỡng cho biết sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật.
Nhật Bản vốn bị bỏ ngoài lề những tiếp xúc ngoại giao gần đây, muốn đề cập đến vấn đề các công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong thập niên 70 và 80 để dạy tiếng Nhật cho các gián điệp. Tờ Yomiuri Shimbun cho biết ngoại trưởng Nhật mong muốn thương lượng với đồng nhiệm Bắc Triều Tiên bên lề cuộc họp ASEAN tại Singapore tháng Bảy tới.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẵn lòng đóng góp tài chính cho việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tuy nhiên ông nhấn mạnh sẽ không giúp đỡ, nếu vấn đề người Nhật mất tích không được giải quyết.
Năm 2002, Bắc Triều Tiên nhìn nhận có bắt cóc 13 người Nhật. Sau đó năm người được cho phép hồi hương, tám người còn lại bị Bình Nhưỡng nói rằng đã chết, nhưng không cung cấp được bằng chứng. Phía Nhật Bản cho rằng có ít nhất 17 người bị bắt cóc, và nghi là còn có hàng chục trường hợp khác.
Tổng thống Mỹ nói rằng có đề cập với Kim Jong Un, tuy nhiên chủ đề này không có trong văn bản được ký kết trong cuộc họp thượng đỉnh. Hôm qua Donald Trump khoe rằng đã « giải quyết phần lớn » vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh hiện rất thân thiết với lãnh đạo Bình Nhưỡng, và đã cho Kim Jong Un số điện thoại trực tiếp để liên lạc.
Theo AP, vấn đề tin tặc Bắc Triều Tiên không được đả động đến trong thượng đỉnh Trump-Kim vừa qua, cho dù hết sức nguy hiểm đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Đặc biệt là vụ tấn công WannaCry năm 2017 nhằm tống tiền, hệ thống tin học của hàng chục quốc gia đã bị xâm nhập.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180616-thu-tuong-nhat-xuc-tien-cuoc-gap-kim-jong-un

Nhật Bản: Bắc Triều Tiên vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng”

mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến viếng công trường xây dựng ở Samjiyon County. Ảnh công bố ngày 18/08/2018.KCNA via REUTERS
Bắc Triều Tiên vẫn là “một mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra”, đó là nhận định của bộ Quốc Phòng Nhật Bản trong báo cáo thường niên được công bố hôm nay, 28/08/2018.

Sách trắng về quốc phòng năm nay được công bố trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tạm lắng dịu, khởi đầu với việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc và với đỉnh điểm là cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/06 tại Singapore. Trong cuộc gặp ở Singapore, ông Kim Jong Un đã cam kết phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, lập trường của Tokyo vẫn như năm ngoái. Sách trắng về quốc phòng khẳng định: “ Không có gì thay đổi trong đánh giá của chúng ta về mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đối với an ninh của chúng ta”. Trong bản báo cáo này, bộ Quốc Phòng Nhật Bản vẫn xem mối đe dọa đó là “chưa từng có” và gây tổn hại đáng kể cho hòa bình và an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Nhật Itsunori Onodera “ghi nhận” cuộc đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và các cựu thù, nhưng ông nhấn mạnh: “ Chúng tôi không thể không biết rằng cho tới nay Bình Nhưỡng vẫn có trong tay hàng trăm tên lửa có thể bắn tới hầu như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản”. Cho nên, chính phủ Tokyo phải thường xuyên tăng cường khả năng phòng thủ. Đặc biệt, cuối tháng bảy vừa qua Tokyo đã loan báo đầu tư 3,6 tỷ euro cho 30 năm tới để lắp đặt và vận hành hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ, nhằm đối phó với khả năng Bắc Triều Tiên tấn công Nhật Bản.
Trong Sách trắng, bộ Quốc Phòng Nhật Bản nhắc lại mối “quan ngại sâu sắc” về những tham vọng quân sự và tham vọng trên biển của Trung Quốc. Theo Tokyo, Bắc Kinh “đang tìm cách dùng áp lực để làm thay đổi nguyên trạng” trong khu vực.
Cũng về tình hình bán đảo Triều Tiên, tờ Washington Post số ra hôm qua cho biết lý do tổng thống Trump hủy chuyến đi của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng dự trù trong tuần này: Đó là vì ông Pompeo trước đó đã nhận được một lá thư với giọng điệu hiếu chiến của một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên. Nội dung bức thư của ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch đảng và cựu lãnh đạo cơ quan tình báo không được tiết lộ, nhưng theo Washington Post, bức thư có giọng điệu gay gắt đến mức ông Trump và ông Pompeo đã quyết định hủy chuyến đi đến Bắc Triều Tiên chỉ một ngày sau khi thông báo chuyến đi này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180828-nhat-ban-bac-trieu-tien-van-la-“moi-de-doa-nghiem-trong”-ok

Geen opmerkingen:

Een reactie posten