Trung Quốc tuyên bố quân sự hóa Biển Đông 'để tự vệ'
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng sức ép từ nước ngoài khiến Bắc Kinh phải tiến hành quân sự hóa để đối phó với các mối đe dọa.
Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 4/8. Ảnh: AFP.
|
"Một số quốc gia không giáp Biển Đông, chủ yếu là Mỹ, đã gửi lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Tôi e đây chính là lý do lớn nhất thúc đẩy Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông", Straits Times dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay phát biểu bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng áp lực quân sự như vậy khiến các nước trong khu vực, gồm cả Trung Quốc, phải "thiết lập các cơ sở phòng thủ để tự vệ". Khi được hỏi về khả năng các quốc gia khác đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ông Vương nói Bắc Kinh có quyền thực thi các biện pháp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, ồ ạt xây dựng đảo nhân tạo trái phép và bố trí nhiều loại vũ khí hiện đại tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các hành động của Bắc Kinh đã khiến nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ.
Quốc hội Mỹ hôm 3/8 thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, trong đó yêu cầu Lầu Năm Góc phải thường xuyên báo cáo "về các hoạt động quân sự và đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông". NDAA 2019 dự kiến sớm được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt và đưa vào thực thi.
Huyền Lê
Tin liên quan:
Thứ bảy, 4/8/2018, 23:00 (GMT+7)
- Trung Quốc 'bỏ rơi' các thỏa thuận đầu tư 24 tỷ USD cho Philippines
- Trung Quốc tăng tần suất xua đuổi máy bay Philippines ở Trường Sa
- Trung Quốc bố trí trái phép tàu cứu hộ thường trực ở Trường Sa
- https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-tuyen-bo-quan-su-hoa-bien-dong-de-tu-ve-3787553.html
Việt Nam quan ngại về quân sự hoá Biển Đông trong họp Cấp cao Đông Á
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục nêu rõ quan điểm của Việt Nam về nguy cơ gia tăng căng thẳng trên biển.
Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác họp Cấp cao Đông Á hôm nay tại Singapore. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
|
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 tại Singapore hôm nay, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại của các nước EAS về hoạt động quân sự hóa gây xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Trước đó, ngoại trưởng một số nước bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hoạt động quân sự hóa gần đây trên Biển Đông, đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng. Đại diện các nước này cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với những quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Hội nghị EAS là cuộc họp giữa ASEAN và 8 đối tác gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Phó thủ tướng Việt Nam cho rằng hợp tác biển và kết nối là hai lĩnh vực mà các nước tham gia EAS có tiềm năng, đồng thời phù hợp với quan tâm và nhu cầu hợp tác ở khu vực hiện nay.
Cũng trong hôm nay, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 25, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vai trò của các tổ chức đa phương, chia sẻ quan ngại về những thách thức an ninh đang nổi lên, gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, thiên tai, thảm hoạ.
Các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và không quân sự hoá; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.
Hội nghị ARF có sự tham dự của ngoại trưởng 27 nước và tổ chức, gồm 10 nước ASEAN, 10 Đối tác đối thoại của ASEAN và 7 quốc gia khác, trong đó có Triều Tiên.
Khánh Lynh
Tin liên quan:
- Quốc hội Mỹ yêu cầu báo cáo thường xuyên hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
- https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/viet-nam-quan-ngai-ve-quan-su-hoa-bien-dong-trong-hop-cap-cao-dong-a-3787631.html?vn_source=rcm_detail&vn_medium=thegioi&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_thegioi
Geen opmerkingen:
Een reactie posten