zaterdag 4 november 2017

Trung tâm nghiên cứu quốc tế Pew: 70% người Việt Nam ủng hộ quân đội cầm quyền

Pew: 70% người Việt Nam ủng hộ quân đội cầm quyền


Hình minh họa: Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cựu Bộ Trưởng McNamara. Pew cho rằng con số 70% người ủng hộ quân đội cầm quyền tại Việt Nam có thể là do sự “hoài niệm quá khứ.”
Một khảo sát mới công bố tuần này của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Pew cho biết có đến 70% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát “ủng hộ chế độ do quân đội lãnh đạo,” một kết quả mà Pew nói là “thiểu số nổi bật” trong số 38 quốc gia được khảo sát.
“7/10 người Việt Nam nói rằng quân đội cầm quyền là một cách cai trị tốt,” trung tâm Pew cho biết về kết quả khiến Việt Nam đứng đầu trong số ít các nước ủng hộ chế độ quân đội cầm quyền.
Trung tâm nghiên cứu quốc tế cho rằng con số 70% người ủng hộ quân đội cầm quyền tại Việt Nam có thể là do sự “hoài niệm quá khứ”, khi quân đội từng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thời chiến tranh Việt Nam, dẫn đến việc cầm quyền của Đảng Cộng sản hiện tại.
Trong số những người ủng hộ quân đội cầm quyền, người trên 50 tuổi đông gấp đôi số người ở độ tuổi 18 – 29 (46% so với 23%).
Thực tế ‘không phải vậy’
Nhận định về kết quả khảo sát trên, một nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng trên thực tế nghiên cứu của ông, số người dân Việt Nam ủng hộ ý tưởng quân đội cầm quyền là rất ít.
“Họ chỉ đa số là có thiện cảm với quân đội, chẳng qua là do truyền thống quân đội. Theo họ, thứ nhất là vì quân đội có hình ảnh tương đối gắn bó với nhân dân. ‘Quân với dân như cá với nước’, đó là truyền thống trước đây, trong quá khứ. Thứ hai, trong mắt họ, dù sao quân đội cũng sạch sẽ hơn công an, ít tham nhũng hơn công an”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Một cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phan Trí Đỉnh, cũng thừa nhận tình cảm “quân-dân” trước đây đã mất đi từ lâu.
Ông nói: Ở Việt Nam, quân đội có uy tín hơn công an. Dân yêu quân đội hơn công an. Đấy là một khía cạnh của đời sống xã hội. Nhưng đến thời điểm này, điều đó rơi rớt mất rồi, không còn hình ảnh như ngày trước nữa. Hiện nay quân đội mất uy tín rất lớn”.
Chính vì vậy, cựu quân nhân ở Hà Nội nói ông “không bằng lòng” và “không đồng ý” việc quân đội lên nắm quyền điều khiển đất nước, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi “lòng dân đang rất xao xuyến và bức xúc”.
Trong khi đó, bà Đặng Bích Phượng ở Hà Nội, người có bác ruột là một chỉ huy quân đội đã tử trận trước năm 1975, cũng phản đối ý tưởng quân đội cầm quyền vì theo bà, quân đội hiện tại “bạc nhược” và “chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bà Phượng giải thích:“Với hiện tình đất nước, thứ nhất, [quân đội] hoàn toàn không bảo vệ được chủ quyền đất nước”. Theo bà, sự yếu kém của quân đội thể hiện rõ ràng nhất trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bà Phượng cho rằng quân đội Việt Nam không được huấn luyện kỹ năng tốt và trang bị kém, cũng không bao giờ thực hiệc các cuộc “biểu dương lực lượng” để cho thấy sức mạnh của mình và đồng thời răn đe các nước láng giềng.
“Thứ hai là tham nhũng trong quân đội quá lớn”, bà Phượng nói thêm về lý do khiến bà phản đối việc quân đội lên nắm quyền.
Mặc dù truyền thông chính thống gần đây mới phanh phui một số vụ bê bối liên quan đến việc quân đội làm kinh tế, nhưng theo bà Phượng, nhiều người dân đã biết về những việc này từ lâu. Chính vì vậy, bà đặt nghi vấn về kết quả điều tra nói rằng đa số người dân ủng hộ quân đội.
Tương tự, TS. Phạm Chí Dũng bày tỏ quan tâm về thành phần tham gia vào cuộc khảo sát của Pew, vì theo ông, mức độ am hiểu tình hình chính trị ở Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng đưa đến kết quả khảo sát. TS. Phạm Chí Dũng nói hầu hết những người dân tại Việt Nam mà ông tiếp xúc đều “không biết và không quan tâm” đến việc quân đội nắm quyền lãnh đạo.
Không như Thái Lan hay Myanmar, theo TS. Dũng, ý tưởng quân đội cầm quyền khá xa lạ với người dân Việt Nam. Ý tưởng này chưa từng xuất hiện trên bất cứ diễn đàn hay cuộc thảo luận về chính trị nào, kể cả “lề phải” lẫn “lề trái.”
Đảng ‘đuối lắm rồi’
Khảo sát của Pew còn cho biết thêm rằng phần lớn (87%) người Việt Nam ủng hộ hình thức dân chủ đại diện, tức hình thức người dân bầu đại biểu đại diện cho họ ở Quốc hội và các đại biểu này thay mặt họ quyết định quốc sự. Hình thức này vẫn thường được giới hữu trách Việt Nam nói “cần phải phát huy”. Tuy nhiên, theo cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh, Việt Nam không thực sự thực hiện “bầu cử dân chủ”.
Một số lượng khá lớn khác (73%) ở Việt Nam ủng hộ cho hình thức dân chủ trực tiếp, theo khảo sát của Pew. Hình thức này cho phép mọi công dân trực tiếp tham gia vào việc quyết định các chính sách của quốc gia thông qua bỏ phiều hoặc trưng cầu dân ý.
67% người Việt Nam ủng hộ một hệ thống cai trị mà trong đó các chuyên gia, chứ không phải các quan chức đắc cử, là người đưa ra các quyết sách mà theo họ là tốt nhất cho đất nước.
Pew cho biết trong số 5 hình thức quản trị được đưa ra trong cuộc khảo sát tại Việt Nam, chỉ có hình thức “cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ” mà không có sự can thiệp của tòa án hoặc nghị viện là có số lượng người phản đối nhiều hơn (47%) so với số người ủng hộ (42%).
Những người được VOA phỏng vấn cho rằng với tình trạng hiện nay, Việt Nam khó có thể xuất hiện một hình thức cầm quyền nào khác trong tương lai gần.
Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh phân tích: “Bởi vì là độc đảng thành ra không có một tập hợp nào có đủ khả năng tập hợp lực lượng lại để tổ chức một chính quyền. Đó là cái yếu của các thế lực chính trị tại Việt Nam hiện nay là không có một tổ chức, nhóm hay đảng phái nào ngoài Đảng Cộng sản. Thật ra Đảng Cộng sản bây giờ yếu kém, đuối lắm rồi. Nhưng nếu không có nó thì vô chính phủ là cái chắc. Mà vô chính phủ thì chết”.
Ngay cả hình thức cai trị bởi một lãnh đạo mạnh mẽ, theo ông Đỉnh, cũng không thể có được tại Việt Nam. Ông nói thêm: Ví dụ như Nga có Putin, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ đã thay đổi cả trật tự xã hội. Ở Việt Nam thì tôi chưa thấy một nhân vật nào có thể làm được điều đó. Toàn bè phái thôi. Chưa có một nhân vật nào thoát ra được. Mà nếu có nhân vật nào có ý định làm người tiên phong thì đều bị các thế lực bảo thủ bóp chết”.
Pew là một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Mỹ. Pew chuyên nghiên cứu về các vấn đề, thái độ và xu hướng có tính định hình thế giới, thông qua các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và phân tích, nghiên cứu về nhân khẩu học, xã hội học. Trung tâm này khẳng định không dựa trên bất cứ lập trường chính sách nào.
Khảo sát trên của Pew được thực hiện tại 38 quốc gia thuộc nhiều hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc… và một số quốc gia châu Phi và Trung Đông.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten