dinsdag 7 november 2017

Global Nutrition Report : Hai tỉ (2.000.000.000) người thừa cân, hàng trăm triệu trẻ suy dinh dưỡng + "Đại dịch" béo phì trên thế giới: Đâu là nguyên nhân?


Hai tỉ người thừa cân, hàng trăm triệu trẻ suy dinh dưỡng


mediaNước ngọt có gaz, một trong những thức uống được cho là thủ phạm gây béo phì.JOHN MOORE / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Hầu như toàn thế giới đều gặp phải những vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, từ béo phì do ăn nhiều, cho đến suy dinh dưỡng vì thiếu thốn thực phẩm. Báo cáo của Global Nutrition Report công bố hôm nay 04/11/2017 cho biết như trên.
Theo công trình nghiên cứu trên 140 quốc gia, các vấn đề này gây trở ngại cho sự phát triển của nhân loại. Các tác giả bản báo cáo kêu gọi thay đổi hẳn hành vi, và gia tăng tài trợ để giải quyết.
Trên 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tăng trưởng chậm vì thiếu ăn, và 52 triệu em bị nhẹ cân. Ngược lại, hai tỉ trong số bảy tỉ người trên thế giới hiện nay có trọng lượng vượt mức trung bình hoặc béo phì. Riêng tại Bắc Mỹ, một phần ba dân số trưởng thành bị béo phì.
Tuy nạn thiếu thực phẩm nhìn chung đang giảm bớt, nhưng chưa thể bị triệt tiêu vào năm 2030 như cộng đồng quốc tế đã ấn định. Báo cáo đề nghị tăng gấp ba số tài trợ liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, đạt 70 tỉ đô la trong mười năm tới.
Trước đó vào giữa tháng 10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo động số trẻ em và thiếu niên bị béo phì đã tăng gấp 10 lần trong vòng 40 năm qua, đặc biệt tại châu Á. Cụ thể là từ 11 triệu em vào năm 1975, lên 124 triệu em trong năm 2016, chưa kể đến 213 triệu em bị thừa cân nhưng chưa đạt đến ngưỡng béo phì.
Nhận định rằng các loại thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng tỏ ra quá đắt đỏ đối với người nghèo, các nhà nghiên cứu đề nghị đánh thuế nặng hơn trên các sản phẩm dễ gây béo, quản lý chặt việc tiếp thị, và ghi rõ thành phần dinh dưỡng để giúp người tiêu thụ dễ chọn lựa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171104-gan-13-dan-so-the-gioi-beo-phi


"Đại dịch" béo phì trên thế giới: Đâu là nguyên nhân?


mediaTỉ lệ người trưởng thành thừa cân hay béo phì đã tăng từ 29% vào năm 1980 lên 37% vào năm 2013 (ảnh minh họa).AFP/Jeff Haynes
Béo phì đã trở thành một đại dịch trên toàn thế giới. Theo kết quả một nghiên cứu mới được thực hiện tại nhiều nước, tỉ lệ người trưởng thành thừa cân hay béo phì đã tăng từ 29% vào năm 1980 lên 37% vào năm 2013. 
Trong bài viết có tiêu đề “Đâu là nguyên nhân của dịch bệnh béo phì trên toàn cầu?” đăng trên trang mạng The Conversation, ba nhà nghiên cứu về kinh tế, sức khỏe và dinh dưỡng người Pháp - Lisa Oberlander, Disdier Anne-Célia và Fabrice Etile - cho biết nếu tình trạng thừa cân vẫn liên quan đến các nước phát triển, đặc biệt là ở phương Tây nhiều hơn là các nước đang phát triển thì khoảng cách này hiện đang dần thu hẹp. Ở Koweït, Lybia, Quatar ..., tỉ lệ béo phì ở phụ nữ đã vượt quá 50% vào năm 2013.
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, nạn thừa cân, béo phì trên toàn thế giới chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý như ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều thịt, nhưng lại thiếu hoạt động thể chất. Chính vì thế, tổ chức Y Tế thế Giới đã kêu gọi chính phủ các nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các thức uống có ga vốn được coi một trong những nguyên nhân gây béo phì.
Trong một bài báo khoa học của giáo sư Barry Popkin, xuất bản năm 1993 và được các nhà khoa học trích dẫn nhiều lần, thì nạn béo phì trên toàn thế giới là hậu quả của “sự chuyển tiếp trong chế độ dinh dưỡng”, tức là do chế độ ăn uống nhiều rau, nhiều hoa quả và chất bột đã bị thay thế bằng chế độ ăn uống nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo từ động vật, đường và các sản phẩm chế biến sẵn.
Theo giáo sư Barry Popkin, các giai đoạn chuyển tiếp chế độ dinh dưỡng phụ thuộc các yếu tố kinh tế - xã hội, chẳng hạn như mức độ công nghiệp hóa, tỉ lệ phụ nữ có công ăn việc làm và sự phát triển của công nghệ chế biến thực phẩm.
Nạn thừa cân, xu hướng thay đổi thói quen ăn uống diễn ra đồng thời với tiến trình toàn cầu hóa. Không ai có thể phủ nhận là toàn cầu hóa đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân, nhưng câu hỏi mà các tác giả người Pháp đặt ra trong bài viết này là liệu toàn cầu hóa có phải nguyên nhân dẫn đến béo phì?
Toàn cầu hóa – Thực phẩm chế biến sẵn
Để trả lời cho câu hỏi này, 3 nhà nghiên cứu của Pháp đã phân tích tác động của toàn cầu hóa đối với sự thay đổi thói quen ăn uống và tình trạng thừa cân, dựa trên số liệu trong giai đoạn 1970-2011 của 70 nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình.
Đối với các tác giả bài viết, toàn cầu hóa liên quan tới sự trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội (suy nghĩ, thông tin, hình ảnh, gặp gỡ) chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại và các khía cạnh kinh tế khác. Mặc dù nghiên cứu của các các giả chỉ ra rằng toàn cầu hóa khiến tiêu thụ thịt tăng nhanh, chẳng hạn lượng thịt tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 20%, nhưng lại không chứng minh được mối liên hệ giữa toàn cầu hóa với nạn béo phì trên quy mô toàn thế giới. Theo các tác giả, có lẽ toàn cầu hóa chỉ có tác động nhất định đối với nạn béo phì tại một số quốc gia mà thôi.
Thực phẩm chế biến sẵn cũng thường bị coi là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì. Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, 3/4 giá trị năng lượng mà người dân Mỹ nạp vào người hàng ngày là từ thực phẩm chế biến sẵn. Đây là loại thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối hơn là so với các thực phẩm tươi.
Người dân mua được thức ăn chế biến sẵn dễ dàng là nhờ hệ thống bán lẻ đã phát triển nhanh chóng. Công nghệ và công tác quản lý hiện đại đã cho phép những người kinh doanh bán lẻ nắm rõ nhu cầu của khách hàng, nhờ thế mà tập trung được vào sản xuất các mặt hàng, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất, có được giá cả cạnh tranh.
Sau khi thị trường ở phương Tây đã bão hòa, các siêu thị bắt đầu thâm nhập vào thị trường giàu tiềm năng tại các nước đang phát triển. Vào những năm 1990, các cửa hàng thực phẩm bùng nổ ở châu Mỹ la tinh, Trung Âu và Nam Phi, sau đó là tới châu Á và bây giờ là châu Phi.
Điều mà ít người chú ý là vai trò của các tập đoàn đa quốc gia. Chính các công ty này thúc đẩy người tiêu dùng ăn theo kiểu phương Tây, tức là ăn đồ ăn nhanh và thức uống có ga. Những tập đoàn đa quốc gia này có vai trò dẫn dắt thị trường tại các nước kinh tế mới nổi, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Mêhicô và Nga, và đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để quảng cáo cho sản phẩm chế biến sẵn của họ.
Tuy nhiên, theo các các giả bài báo, cũng rất khó để khẳng định là tình trạng ngày càng có nhiều người béo phì là do họ ăn theo kiểu phương Tây hay do họ vẫn ăn theo kiểu truyền thống nhưng với nhiều thịt, dầu mỡ và đường hơn trước đây.
Công việc và thói quen ăn uống
Một số nhà nghiên cứu của Mỹ lại đi tìm mối liên hệ giữa thị trường lao động, đặc biệt là sự gia tăng tỉ lệ phụ nữ đi làm và xu hướng béo phì toàn cầu.
Các nghiên cứu chỉ ra hai xu hướng trái ngược nhau: hoặc là, phụ nữ đi làm thì có ít thời gian nấu nướng hơn và thường cho con đi ăn bên ngoài, hoặc là do phụ nữ đi làm nên tổng thu nhập của hộ gia đình cao hơn, nên con cái được ăn thức ăn có chất lượng hơn, được tham gia nhiều hoạt động thể thao, được giáo dục tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Vì quyết định đi làm là mang tính cá nhân và liên quan tới tính cách và hoàn cảnh của mỗi người, nên rất khó để có thể biết được mối liên hệ giữa việc bố mẹ đi làm và nguy cơ con cái béo phì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là việc phụ huynh đi làm khiến trẻ em có nguy cơ béo phì, nhưng theo các tác giả bài viết trên trang The Conversation thì các dẫn chứng là chưa đủ. Thêm vào đó, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào người phụ nữ đi làm, mà không gì chứng minh được là giới tính của bậc phụ huynh đi làm có vai trò thế nào đối với nguy cơ béo phì của con cái và các thành viên trong gia đình.
Ngày càng có nhiều người phải làm việc luân phiên ca đêm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, 25% số người lao động ở châu Âu phải làm việc ca đêm. Giờ giấc làm việc không cố định khiến nhiều người không được ăn uống theo giờ cố định và thường phải tranh thủ ăn qua loa để còn tập trung làm việc. Thêm vào đó, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ hiện đại cũng làm cho người ta ít phải vận động thể chất hơn, do đó mà đễ có nguy cơ tăng cân nếu vẫn ăn theo chế độ dinh dưỡng cũ như trước đây.
Nói tóm lại, thức ăn và thói quen ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, các yếu tố này lại thường đan xen với nhau. Điều này khiến cho việc phân tích một yếu tố cụ thể nhất định là rất khó, chưa kể tới việc một số yếu tố được coi là nguyên nhân béo phì lại có tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân béo phì đã được đặt ra và được chứng minh phần nào, nhưng theo ba nhà nghiên cứu người Pháp, những nguyên nhân chính dẫn đến “dịch bệnh” béo phì "trên quy mô toàn cầu" thì dường như vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-beo-phi-tren-the-gioi-dau-la-nguyen-nhan

Châu Âu sẽ đối mặt với dịch bệnh béo phì vào năm 2030

mediaDu khách đi qua Times Square, New York, Mỹ (ảnh chụp ngày 28/07/2008)Reuters/Lucas Jackson
Nhân hội nghị về nạn béo phì tại Châu Âu được tổ chức ở Praha, Cộng hòa Séc, ngày 06/05/2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, đến năm 2030, Châu Âu sẽ phải đối mặt với dịch bệnh béo phì và đó sẽ là « một cuộc khủng hoảng rộng lớn ».
Theo nghiên cứu được thực hiện cho Văn phòng khu vực Châu Âu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, hầu như toàn bộ dân số từ độ tuổi trưởng thành trở lên của Ailen sẽ bị béo phì, thừa cân vào năm 2030. Cụ thể, khoảng 80% nam giới Ailen sẽ thừa cân, trong số này gần một nửa bị bệnh béo phì. Theo thống kê năm 2010, con số này chỉ là 74% và 26%. Tỷ lệ phụ nữ Ailen thừa cân tăng từ 57% vào năm 2010 lên tới 85% vào năm 2030.
Để xác định người thừa cân hoặc mắc bệnh béo phì, giới chuyên gia dùng « chỉ số khối cơ thể - Body Mass Index – BMI » : Cân nặng chia cho bình phương của chiều cao (Công thức : BMI = W/H2 với W là cân nặng và H là chiều cao có thể tính bằng mét hoặc cm). Theo công thức này, một người được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể vượt quá 25 kg/m2 và mắc bệnh béo phì khi chỉ số BMI vượt quá 30.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng dự báo, đến năm 2030, hơn một phần ba phụ nữ và nam giới Anh sẽ bị béo phì. Tình hình cũng đáng lo ngại tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Cộng hòa Séc.
Tại 53 quốc gia được điều tra, nghiên cứu, đại đa số dân cư từ độ tuổi trưởng thành trở lên đều sẽ bị thừa cân và béo phì. Tình hình chỉ sáng sủa tại một vài nước, với tỷ lệ béo phì/thừa cân ổn định hoặc giảm. Ví dụ, năm 2010, có 10% đàn ông Hà Lan bị béo phì/thừa cân, tỷ lệ này giảm xuống còn 8% vào năm 2030.
Mặc dù các tác giả bản nghiên cứu nhấn mạnh là cần phải thận trọng khi xem xét những dự báo này, nhưng theo bà Laura Webber, chuyên gia người Anh, đồng tác giả bản báo cáo, thì các dự báo này cũng phác họa ra một « bức tranh đáng lo ngại về tình trạng béo phì/thừa cân ở Châu Âu và cần khẩn trương có những chính sách để đảo lại xu thế này ».
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2014, trên toàn thế giới, có hơn 1,9 tỷ người thừa cân, trong số này có 600 triệu người bị bệnh béo phì. Trong giai đoạn từ 1980 đến 2014, tỷ lệ người béo phì đã tăng gấp đôi.

http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20150525-chau-au-se-doi-mat-voi-dich-benh-beo-phi-vao-nam-2030

Geen opmerkingen:

Een reactie posten