Paris và « cuộc chiến » chống rác thải
Paris là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Trong các tấm bưu ảnh, Paris hiện lên yêu kiều, lộng lẫy, thơ mộng, với các công trình đồ sộ, sông Seine êm đềm. Người ta gọi Paris bằng các mỹ từ « kinh đô ánh sáng », « Paris hoa lệ », « thành phố tình yêu ». Nhưng Paris ngoài đời khác hẳn Paris trong các tấm bưu ảnh. Đó là một Paris đầy rác, đồ vật cồng kềnh vứt ngổn ngang trên vỉa hè, vướng víu lối đi, các thùng rác đầy ứ, đầu mẩu thuốc lá la liệt, ghế băng bụi bẩn, nhiều nơi bốc mùi xú uế, phân chim bồ câu, phân chó vương vãi, chuột chạy loăng quăng …
Tuy nhiên, dường như mọi chuyện vẫn không được giải quyết triệt để. Paris vẫn bẩn. Rác thải vẫn là một vấn nạn của thành phố. Một người dân bức xúc : « Một số khu phố, trong đó có khu phố tôi sống, lúc nào cũng bẩn. » Theo một thăm dò ý kiến của Ifop hồi tháng 04/2016, 61% số người được hỏi không hài lòng về công tác vệ sinh môi trường của chính quyền thành phố, con số này chỉ là 57% vào năm 2015.
Khu vực Champs de Mars, rộng 25 ha, lúc nào cũng đông người, người dân trong khu phố đi dạo chơi, nhiều người đi tập thể thao ngang qua, và tất nhiên là rất đông du khách, cả khách trong nước và du khách nước ngoài. Họ tới chiêm ngưỡng tháp Eiffel, một biểu tượng của Paris. Nhưng không ít du khách tỏ ra thất vọng. Họ than phiền : « Chúng tôi mới đi qua một nhà vệ sinh công cộng và thấy nó bốc lên một mùi rất kinh khủng », « Có quá nhiều bụi và các đống lá kia lẽ ra cần phải được quét sạch đi », « Ở đây, thực sự là có rất nhiều rác và trên phố không có đủ thùng rác. Chúng tôi đi mà tay thì cứ phải cầm rác. »
Nhưng liệu tất cả đều do lỗi của thành phố ? Ông Mao Peninou, trợ lý vệ sinh môi trường của chính quyền thành phố phát biểu : « Nhìn chung thì Paris khá sạch. Buổi sáng, chúng tôi cho dọn vệ sinh rất sạch. Vấn đề là đường phố nhanh chóng bị làm bẩn đi trong ngày, đơn giản là vì có quá nhiều người. Chỉ mình chúng tôi thì không làm được gì. Tôi phải nói rõ điều này. Tất cả mọi người đều phải cùng có ý thức, có nghĩa là tất cả mọi người đều cùng chú ý để không làm mất vệ sinh hoặc ở gây bẩn mức ít nhất có thể. »
Quả thật, nhân viên vệ sinh của thành phố đảm nhận khối lượng công việc không hề nhỏ. Theo số liệu của chính quyền, mỗi ngày có 2.900 km vỉa hè cần quét dọn, 30.000 thùng rác trên các tuyến phố cần được thay 1-3 lần/ngày. 1.600 km đường phố được hút bụi và phun nước cọ rửa ít nhất 1 lần/tuần. Ngoài ra, họ còn phải dọn dẹp vệ sinh sau mỗi phiên chợ trong từng khu vực. Chợ phiên Paris thường hợp 2-3 lần/tuần.
Các con đường có mật độ xe cộ lưu thông cao như các đường vành đai, đường cao tốc và các đường hầm thường được cọ rửa vào ban đêm, khi ít người qua lại, từng đoạn một để tránh gây tắc nghẽn, ảnh hưởng tới giao thông. Kể cả các kè sông Seine cũng được phun nước cọ rửa hàng tuần. Các con đường ven bờ sông Seine còn được cọ rửa kỹ lưỡng 1 lần/tháng và sau mỗi đợt nước lũ tràn bờ.
Các công việc dọn dẹp vệ sinh cũng phải thích nghi với các mùa trong năm. Chẳng hạn, vào mùa thu, lá cây rơi đầy, nhân viên vệ sinh thành phố cần tăng cường quét dọn lá. Vào mùa đông, nếu tuyết rơi, họ lại phải đi dọn tuyết. Và sau mỗi cuộc tuần hành, biểu tình, các sự kiện văn hóa, ca nhạc, thể thao lớn, nhân viên vệ sinh của Paris lại nhanh chóng xử lý một khối lượng rác khổng lồ. Rồi nếu chẳng may xảy ra các vụ tai nạn, đội vệ sinh của thành phố cũng được điều đến hiện trường để dọn dẹp.
Nhiều nhân viên vệ sinh môi trường than phiền là mặc dù họ đã cố gắng hết sức, nhưng mật độ dân cư quá cao và số lượng du khách quá đông, thêm vào đó là sự vô ý thức của nhiều người, nên thành phố không thể sạch sẽ được. Nói về sự thiếu ý thức của một số người, một công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ : « Khi tôi nhìn thấy một người dân Paris làm bẩn chỗ tôi vừa dọn dẹp, tôi thấy họ thiếu giáo dục, điều họ làm không hay chút nào cả. Họ phá hủy thành quả lao động của chúng tôi. Họ không tôn trọng chúng tôi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những việc họ làm hàng ngày làm bẩn thành phố. »
Để nâng cao ý thức của người dân, đảm bảo Paris được sạch sẽ, gọn gàng hơn, và cũng để có thêm kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường, chính quyền thành phố Paris hồi tháng 09/2016 đã thành lập đội nhân viên chuyên đi xử phạt các hành vi ý vô thức. Ông Emmanuel Grégoire, trợ lý thị trưởng Paris giải thích : Đối với các hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá, vứt rác bừa bãi, tè bậy, … chỉ nhắc nhở thôi thì không ăn thua. Đến lúc chúng tôi phải sử dụng biện pháp phạt tiền ».
Khi đó,bà Colombe Brossel, trợ lý về an ninh của chính quyền Paris thông báo : « Sẽ có thêm nhiều nhân viên hơn trên địa bàn, vào những giờ mà chúng tôi cần để đối phó với các hành vi vô ý thức, nhất là sẽ có sự hỗ trợ của đội trực đêm. Nhiều nhân viên cũng sẽ trực vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần ». Còn bà Anne Hidalgo, thị trưởng thành phố Paris kiên quyết : « Có nhiều hành vi vô ý thức không thể chấp nhận được (…) Chúng tôi sẽ không buông lỏng việc lập biên bản xử phạt. Tất cả mọi người phải hiểu rằng nếu làm bẩn, gây mất vệ sinh thì sẽ phải trả giá đắt. »
Không cần phải chờ lâu, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, theo số liệu chính thức của chính quyền thành phố, 38.000 vụ vi phạm quy định vệ sinh của Paris đã bị xử phạt tiền. Con số này tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016. Hành vi bị xử phạt nhiều nhất là xả rác bừa bãi ra nơi công cộng : 10.753 vụ phạt trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2016. Số vụ xử phạt hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá bừa bãi cũng tăng lên hơn gấp ba, lên 2.911 lần.
Vào tháng 03/2017, thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo 10 biện pháp tăng cường để cải thiện tình trạng vệ sinh của thành phố, chẳng hạn tuyển thêm nhân viên dọn dẹp vệ sinh, nâng tổng sĩ số nhân viên các đơn vị vệ sinh lên 7.000 người vào cuối năm nay, mở rộng thêm giờ thu dọn rác từ buổi chiều đến tận nửa đêm vào mùa hè, thay vì chỉ thu dọn rác vào sáng sớm như trước đây. 11 triệu euro cũng được đầu tư để diệt chuột. Thành phố cũng dành 22 triệu euro để mua thêm các xe hút bụi và cọ rửa đường phố ít gây ồn và không chạy bằng dầu diesel để hạn chế gây ô nhiễm âm thanh và không khí.
Và đặc biệt, các vụ xử phạt hành vi thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì hiện nay đội nhân viên chuyên đi xử phạt các hành vi ý vô thức mới chỉ có 1.900 người, nhưng thành phố đã lên kế hoạch tăng cường thêm 1.600 nhân viên cho đội quân này, nâng tổng sĩ số đội quân lên 3.500 người.
Giờ đây, mục tiêu của chính quyền thành phố là biến Paris thành một « thành phố sạch », xứng tầm với một thành phố vốn được tôn vinh là « thành phố đẹp nhất thế giới ».
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Anh Quốc: Nan giải nỗi lo khủng bố và nạn di dân trẻ em khai man
Ngày 15/09/2017, một vụ đánh bom trên tàu điện ngầm ở Luân Đôn đã xảy ra. Cảnh sát đã nhanh chóng truy lùng và … -
Hà Lan lập "nhà thổ" tự quản để chống nạn buôn người
Vào trung tuần tháng 05/2017, một nhà thổ mới, bao gồm 14 chiếc « tủ kính », ở đó những người hành nghề mãi … -
Luân Đôn: Đồng hồ Big Ben lặng tiếng chuông
Đến thăm Luân Đôn trong những ngày này, nhiều du khách chắc sẽ ngơ ngác vì không còn nghe thấy tiếng chuông … -
Trại cải huấn trẻ hư hỏng tại Pháp 1748-1953: "Một thảm kịch nhân loại"
Tại Pháp, trẻ con hư hỏng hay có hành vi sai lệch trước đây bị trừng phạt như thế nào ?. Ngay từ thế kỷ XVIII, đế chế Pháp gởi … -
Pháp : Trại hè cho trẻ em mất dần sức hấp dẫn
Trại hè cho trẻ em đã từng là hình thức nghỉ hè rất được ưa chuộng tại Pháp trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, các … -
Đi du lịch lấy bằng ở Anh : « Một công đôi chuyện »
Du lịch để thi lấy bằng do nước Anh cấp là một hiện tượng bắt đầu ngày càng phổ biến tại Việt Nam, do việc bằng cấp của Anh có giá … -
Ga Tây - Budapest, một kiệt tác kiến trúc của Trung Âu thế kỷ 19
Bốn mươi năm nay, sừng sững bên đại lộ Vòng Cung Lớn, trung tâm Budapest, là Ga Tây, một kiệt tác kiến trúc và xây …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/phap/20171229-paris-va-%C2%AB-cuoc-chien-%C2%BB-chong-rac-thai
Paris hoa lệ - “kinh đô” của chuột cống
Paris đang ở chặng nước rút trong cuộc đua đăng cai Thế Vận Hội Olympique 2024. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là Paris đón tiếp phái đoàn của Ủy Ban Olympique Quốc Tế tới thị sát. Ấy vậy mà thành phố Paris lại đang đau đầu đối phó với vấn nạn « chuột cống ». Khẩu hiệu Made for Sharing / Venez partager! (Hãy đến và chia sẻ!) chắc chắn không dành cho chuột cống. Nước Pháp không muốn chia sẻ « kinh đô ánh sáng » với loài gặm nhấm này, chính vì thế, từ vài tháng nay, chính quyền Paris - đứng đầu là thị trưởng Anne Hidalgo - đã tích cực triển khai cuộc chiến chống lại « các vị khách 4 chân không mời mà đến ».
Tờ New York Times cho đăng một bài báo dài với tiêu đề « Chuột tự do hoành hành ở Paris. Lỗi của Liên Hiệp Châu Âu » và nhận định là « Paris đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về chuột tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay ». Báo The Guardian của Anh Quốc thì mỉa mai: « Tại Marais - khu phố sang trọng, thanh lịch của Paris, chuột đông hơn người ». Một tờ báo Anh khác - The Telegraph - thì nhận xét: « Paris, kinh đô ánh sáng nay đã trở thành kinh thành của chuột cống ».
Điều mỉa mai, theo báo The Telegraph, là cách đây gần một năm, Paris đã tổ chức hội thảo quốc tế « Chiến lược quản lý chuột ở đô thị ». Ấy vậy mà, giờ đây, ở Paris phồn hoa, nổi tiếng với các công trình kiến trúc, lịch sử tráng lệ, chuột cống xuất hiện khắp mọi nơi, không chỉ tại các khu phố bình dân mà cả ở các khu phố sang trọng hay ở các công trình lớn của thành phố : từ quảng trường tháp Saint-Jacques ở trung tâm Paris tới các sân chơi thiếu nhi, từ thảm cỏ ở khu vườn Tuilerie nổi tiếng tới chân tháp Eiffel, từ Champs-Elysées vốn được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới tới bờ sông Seine thơ mộng … Thậm chí, nhiều người đã chụp ảnh, quay phim được cảnh chuột đang tranh giành thức ăn với chim bồ câu trong các công viên, vườn hoa. Thật không ngoa khi nói Paris đang được đặt trong tình trạng « báo động về chuột ».
Ông Pierre Falgayrac, chuyên gia về vệ sinh và an toàn, một trong số ít những chuyên gia độc lập, chuyên đào tạo về quản lý chuột ở đô thị, tác giả cuốn sách « Chuột và người » cho tuần báo L’Express biết là cứ có 1 người dân, thì Paris có tới gần 2 con chuột. Hiện ở Paris có khoảng 4-6 triệu con chuột. Vậy, do đâu mà Paris lại trở thành một « ổ chuột » khổng lồ đến vậy?
Theo anh Julien Landel, trợ lý quận trưởng quận 4 - Paris, thì đó là vì ba lý do: « Paris mới trải qua giai đoạn ngập lụt cách đây vài tháng. Tại quận 4 đang có các hoạt động nạo vét hệ thống cống ngầm. Những tác động này khiến lũ chuột phải chạy lên mặt đất. Nhưng cũng phải nói tới ý thức của người dân và vấn đề vệ sinh không đảm bảo tại một số địa điểm trong thành phố Paris ».
Ông Reynald Baudet, một chuyên gia về diệt chuột, giải thích là từ trước tới nay, vẫn có rất nhiều chuột trong hệ thống cống thoát nước của Paris, nhưng chính việc thi công xây mới hay sửa sang các công trình, nhà cửa khiến chuột phải rời hang và bò lên mặt đất tìm nơi trú ẩn mới khiến số lượng chuột mà người dân nhìn thấy trên mặt đất nhiều hơn hẳn trước đây.
Tuy nhiên, bác sĩ Georges Salines, giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi Trường Paris cho biết thức ăn thừa rơi vãi tại các nơi công cộng và trong các thùng rác không đóng kín trên đường phố mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Thêm vào đó, nhiều người dân lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy. Bác sĩ Georges Salines thậm chí đã gọi đây là « một thú vui mới của nhiều người dân Paris ». Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và nhà hàng vứt lẫn lộn các loại rác thải với thức ăn, thực phẩm thừa vào cùng một thùng rác nên thu hút nhiều chuột tới, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều cống thoát nước.
Cũng theo giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi Trường Paris, chiến dịch diệt chuột của Paris phần nào giảm hiệu quả là do ảnh hưởng của một quy định mới của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến thuốc diệt chuột, chẳng hạn lệnh đặt thuốc diệt chuột ở cửa hang chuột tại các công viên.
Chuyên gia Pierre Falgayrac cho biết để duy trì sự sống, chuột cần ba yếu tố cơ bản là thức ăn, nước uống và hang ổ. Chỉ cần triệt tiêu được một trong ba yếu tố này là có thể hạn chế sự sinh sôi, nảy nở của loài gặm nhấm này. Vì mỗi con chuột mỗi năm ăn hết khoảng 9kg thức ăn, nên theo chuyên gia Pierre Falgayrac, cũng như giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi trường Paris và phát ngôn viên Christophe Marie của quỹ bảo vệ động vật mang tên diễn viên danh tiếng Brigitte Bardot, để giải quyết tận gốc vấn nạn chuột thì điều thiết yếu phải là xử lý rác thải, đặc biệt là các loại thức ăn thừa để chặn nguồn thức ăn của chuột, khiến chúng không thể sinh sôi nhanh chóng. Và đặc biệt, việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải phải được tiến hành vào buổi chiều tối, trước giờ chuột rời hang lên mặt đất tìm thức ăn.
Hiện tại, ở Paris, thùng rác được các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị đẩy ra vỉa hè vào buổi tối, nhưng nhân viên môi trường đô thị chỉ đi thu gom rác vào buổi sáng sớm hôm sau. Điều này có nghĩa là chuột vẫn có cả đêm để lùng sục thức ăn trong các thùng rác để trên vỉa hè, nhất là các thùng rác không được đậy kín nắp.
Ngoài ra, ông Pierre Falgayrac đưa ra 4 đề xuất:
- Dùng các chất diệt chuột sinh học chỉ để diệt chuột cống gần khu vực buôn bán thực thẩm, nhà hàng, siêu thị.
- Đặt bẫy chuột cơ học không độc hại cho con người và các loài vật khác luân phiên tại các công viên, vườn hoa.
- Phun nước dọn rửa vỉa hè hai lần một ngày, nhất là tại các khu vực có nhà hàng, siêu thị.
- Diệt chuột một tháng trước khi cải tạo hay xây mới các công trình để tránh chuột chạy lan sang các nơi khác.
Chuyên gia Pierre Falgayrac quả quyết nếu áp dụng bốn biện pháp mà ông đề xuất, chỉ sau ba tháng, số chuột sẽ giảm xuống tỉ lệ dưới 1 con chuột/ 1 người dân. Ở ngưỡng này, người ta sẽ không còn thấy chuột trên mặt đất vào cuối ngày nữa.
Nhưng chuyên gia Pierre Falgayrac lại lưu ý rằng điều quan trọng là « điều chỉnh dân số » chuột cống ở Paris chứ không phải tìm cách tiêu diệt hoàn toàn loài vật này bởi vì chuột cống không quá nguy hiểm như người ta vẫn lo sợ.
Chúng ta vẫn đồn đại rằng chuột cống có thể truyền nhiều bệnh cho con người, nhất là dịch hạch, nhưng sự thật không phải vậy. Chuyên gia Pierre Falgayrac nói: « Nếu đúng chuột cống là vật chủ truyền bệnh dịch hạch, thì con người đã chết hàng loạt kể từ khi có hệ thống cống … Chuột không truyền cho con người nhiều mầm bệnh hơn chó hay mèo, những loài vật nuôi yêu thích của người dân Paris … Bệnh duy nhất mà chuột có thể truyền cho con người là bệnh trùng xoắn móc câu. Đó là căn bệnh truyền nhiễm qua nước tiểu của chuột. Nhưng căn bệnh này rất hiếm gặp.»
Viện Pasteur Paris cũng khẳng định bệnh trùng xoắn móc câu không dễ lây sang người nên tỉ lệ người mắc bệnh hàng năm chỉ là 0,4 - 0,5 người/100.000 dân. Thế nhưng, với nạn hoành hành của chuột cống, số người bị mắc bệnh đã tăng. Năm 2014-2015, trên toàn nước Pháp, có hơn 600 ca bệnh trùng xoắn móc câu, tăng gấp đôi so với năm 2011. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh này nhất là công nhân làm việc trong hệ thống cống ngầm, thường xuyên tiếp xúc với chuột cống.
Tuy nhiên, xét về phía cạnh nào đó, chuột cũng là loài vật có ích. Chúng giúp người dân Paris xử lý tới 800 tấn rác thải/ngày và giúp cống rãnh không bị rác làm tắc nghẽn.
Còn chính quyền Paris có quan điểm là chuột không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn « gây mất mỹ quan đô thị và gây thiệt hại về kinh tế ». Vì thế, thị trưởng Anne Hidalgo khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Journal du dimanche (Báo ngày Chủ Nhật) hồi đầu tháng 03/2017 cho biết là thành phố đã thông qua một kế hoạch hành động trên quy mô rộng với 10 biện pháp mới nhằm làm sạch thành phố và diệt chuột, đặc biệt bổ sung 1,5 triệu euro cho công tác diệt chuột. Số tiền sẽ được dùng để mua thêm bẫy chuột, cải tiến các thùng rác để chuột không chui vào lấy thức ăn được nữa và tăng cường hoạt động diệt chuột ở những nơi có nhiều chuột cống.
Thực ra, đây không phải là chiến dịch diệt chuột đầu tiên của thành phố Paris. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, sở cảnh sát Paris lại phát động chiến dịch diệt chuột và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Năm 2000, sở cảnh sát Paris đã thành lập một đơn vị gồm 6 cảnh sát, chuyên điều tra các nhà kho, tầng hầm, sân và khu vực để thùng rác bên trong các khu chung cư và hệ thống cống thoát nước để tìm và diệt loài gặm nhấm này. Nhưng, đúng như cô Laëtitia - một người sống lâu năm ở Paris chia sẻ: « Có những đợt, người ta không nhìn thấy chuột, chúng đã bị tiêu diệt hết nhưng rồi sau đó một thời gian, chúng trở lại vì luôn có thức ăn cho chuột trên đường phố Paris. Nhiều người ngồi ăn trong các công viên, vườn hoa, ăn không hết họ vứt lại. Thức ăn thừa này đã thu hút chuột tới.»
Thêm vào đó, chuột cũng là loài vật tinh khôn, không dễ dính bẫy. Anh Mathieu Cohen, chuyên viên kỹ thuật diệt chuột cho biết: « Đây là loài sống sót tài tình nhất, một trong những loài vật thông minh nhất trên trái đất. Rất khó để bắt được chúng. Nhưng với kỹ thuật ngày càng phát triển, chúng tôi sẽ làm được, dần dần từng chút, từng chút một ».
Hy vọng là với các biện pháp mới của Paris, với việc nâng cao ý thức cho người dân, « Kinh đô ánh sáng » sẽ không còn là « kinh thành của chuột cống » nữa.
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
- http://vi.rfi.fr/phap/20170412-paris-hoa-le-%E2%80%9Ckinh-do%E2%80%9D-cua-chuot-cong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten