zaterdag 17 december 2016

Donald Trump làm lung lay quy chế tế nhị của Đài Loan + "vũ khí thương mại"... dọa Mỹ


Donald Trump làm lung lay quy chế tế nhị của Đài Loan


media
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tại Baton Rouge, ngày 09/12/2016DON EMMERT / AFP

Chủ đề Donald Trump và quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục thu hút sự chú ý của làng báo Pháp. RFI điểm lại một số bài.
Báo Le Monde số ra ngày 16/12/2016, đề cập đến những phát biểu « phá lệ » của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump qua bài « Quy chế tế nhị của Đài Loan trước thử thách của yếu tố Trump ».
Chỉ với một vài tuyên bố về Đài Loan, Donald Trump đã thu hút mọi sự chú ý vào một vấn đề tưởng đã được giải quyết : đó là quy chế mập mờ, không rõ ràng của Trung Hoa Dân Quốc – tức Đài Loan, ở châu Á, nơi mà Trung Hoa lục địa luôn luôn tìm cách tăng cường sự thống trị của mình. Chủ nghĩa biệt lập mà Donald Trump chủ trương dường như làm lung lay lời cam kết của Washington luôn luôn bảo vệ Đài Bắc.

Quy chế mập mờ
Quả thực là mọi việc không hề đơn giản đối với Đài Loan, bởi vì tất cả các nước lớn trên thế giới đều không thừa nhận hòn đảo tự trị này là một quốc gia. Hiện nay, Đài Bắc chỉ có quan hệ ngoại giao với khoảng hai chục quốc gia nhỏ bé. Mặc dù có tới 23 triệu dân, nền kinh tế đứng hàng thứ 21 trên thế giới, Đài Loan không có mặt trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và Bắc Kinh, với các đạo luật chống ly khai, luôn nhắc nhở là sẽ có ngày sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài Loan, hay đúng ra người dân trên hòn đảo này, do không còn cách nào khác, vừa mong muốn duy trì nguyên trạng – tức là không độc lập, không sáp nhập với Trung Quốc- vừa khao khát có được một quy chế « bình thường » trong cộng đồng quốc tế. Theo nhận định của ông Mathieu Duchatel, thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu, thì tình trạng hiện nay là hệ quả của việc không có công nhận kép (công nhận cả Trung Quốc lẫn Đài Loan) và tạo ra tương quan lực lượng với sự thống trị của Trung Quốc.
Thế nhưng, theo báo Le Monde, cú điện đàm giữa Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 02/12/2016 vừa qua, đã xóa bỏ đi cái « ảo tưởng về sự thuận tiện » vốn đã tồn tại từ lâu nay. Ngày 11/12/2016, trên đài truyền hình Fox News, ông Trump tuyên bố không hiểu vì sao Hoa Kỳ lại bị ràng buộc vào chính sách một nước Trung Hoa, trừ phi Bắc Kinh có một sự trao đổi nào đó đối với Washington, ví dụ trong lĩnh vực thương mại.
Phát biểu này đã nhắc nhở Bắc Kinh rằng nguyên tắc một nước Trung Hoa chỉ liên quan và có giá trị đối với họ mà thôi. Bởi vì, ngoài nội dung mập mờ trong thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 trong đó, Hoa Kỳ « ghi nhận » lập trường của Trung Quốc, thì Mỹ là nước bảo đảm về « quyết tâm duy trì một cách hòa bình » quy chế Đài Loan, thông qua Đạo Luật về quan hệ với Đài Loan, được Quốc Hội Mỹ thông qua năm 1979 cũng như « Sáu Bảo Đảm » dưới thời Ronald Reagan năm 1982. Các văn bản pháp lý này cho phép Washington bán vũ khí cho Đài Bắc và duy trì quan hệ ngoại giao trên thực tế giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Đài Loan : Một phương tiện để mặc cả
Trong con mắt của Đài Bắc, các phát biểu của ông Trump đã xóa bỏ nhiều điều kiêng kỵ. Thậm chí, tổng thống đắc cử Mỹ còn được khuyến khích áp dụng chính sách « một nước Trung Hoa, một Đài Loan » và tiến tới « bình thường hóa » quan hệ ngoại giao với hòn đảo có thể chế dân chủ này.
Tuy nhiên, Le Monde lưu ý, kịch bản tồi tệ nhất là Donald Trump có thể làm nẩy sinh nguy cơ biến Đài Loan thành một phương tiện để mặc cả, nhất là khi các hồ sơ khác như Iran, Bắc Triều Tiên, buộc Hoa Kỳ phải thỏa hiệp với các đòi hỏi của Trung Quốc. Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan nhận định : mối rủi ro là Đài Loan trở thành một đòn bẩy thuần túy khi Donald Trump buộc phải tính tới các thực tế khác. Và trong lĩnh vực bảo vệ dân chủ, thì phe Cộng Hòa có truyền thống nhẫn tâm hơn ; đối với họ, chỉ có các lợi ích của Hoa Kỳ là đáng quan tâm.
Điều trớ trêu đối với Đài Loan là các mối quan hệ không chính thức của Đài Loan với các nước có ảnh hưởng, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu, lại giúp bảo vệ Đài Bắc tốt hơn chống lại chủ nghĩa nước lớn ham muốn lãnh thổ của Trung Quốc, chứ không phải là các mối quan hệ ngoại giao chính thức với khoảng hai chục nước nhỏ.
Chính mối lo ngại nguy cơ mặc cả với Trung Quốc về Đài Loan đã thúc đẩy chính quyền Obama phải tái khẳng định hôm 12/12 rằng « Đài Loan không phải là một đòn bẩy, mà là một đối tác gần gũi của Hoa Kỳ ». Barack Obama dường như sẽ ký công bố một đạo luật đã được Quốc Hội Mỹ thông qua, cho phép các quan chức bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ở một cấp nào đó, công du Đài Loan.
Le Monde cho biết là hiện có nhiều đề xuất được đưa ra để tăng cường quan hệ với Đài Bắc, như cho phép tổng thống Đài Loan công du Mỹ và tổ chức các cuộc gặp cấp cao. Trừ phi ông Trump sẽ thúc đẩy nhanh vấn đề này trước khi nhậm chức vào ngày 20/01/2017 nhân sự kiện tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào đầu năm tới, sẽ quá cảnh New York trên đường đi thăm chính thức Guatemala.

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu ?
Những phát biểu « phá lệ » của tổng thống Mỹ tân cử có lẽ đang gây ra nạn nhân đầu tiên. Chính quyền Trung Quốc mở một điều tra nhắm vào một hãng sản xuất xe ô tô Mỹ.
Theo báo Les Echos, 16/12/2016, « General Motors bị vạ lây vì những lời khiêu khích của Trump nhắm vào Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng nếu ông Trump cố tình chạm đến « những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc », thì không khác gì ông ấy đang cố « nhấc một tảng đá để rồi đá rơi xuống dập chân mình ».
Lời cảnh báo lạnh lùng trên được đưa ra vào lúc tổng thống tân cử Hoa Kỳ liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích nhắm vào Trung Quốc, nhất là về một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm liên quan đến vấn đề độc lập cho Đài Loan.
Quả thật, tập đoàn sản xuất xe ô tô lớn của Mỹ hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh, bị điều tra về « lợi dụng thế độc quyền » theo như tiết lộ của nguồn thạo tin. Trước các cáo buộc thông đồng giá bán với các đại lý, hãng xe này khẳng định « hoàn toàn tuân thủ luật pháp nước sở tại ».
Với việc tấn công vào hãng xe số một của Hoa Kỳ, cường quốc số hai thế giới như muốn bắn đi một thông điệp rằng Trung Quốc có đầy đủ các biện pháp đáp trả hiệu quả. Đương nhiên, GM khó có thể cho phép mình chấp nhận một cú đánh đau đến thế tại Trung Quốc : quốc gia này là đầu ra hàng đầu – có số xe bán ra trong năm 2015 là 3,6 triệu chiếc.

Biển Đông : Một mặt trận khác của Trump với Trung Quốc ?
Liên quan đến Biển Đông, Les Echos cho biết « Hoa Kỳ trưng bằng chứng có vũ khí của Trung Quốc tại Biển Đông ». Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tên lửa phòng không đã được thiết lập tại đây. Nguy cơ leo thang với Washington là có thật.
Tờ báo trích nhận định của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (l'Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI) cho rằng như vậy là Trung Quốc đi thêm một bước mới, từ tháng 6 tới nay. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tòa nhà có hình lục giá, giống nhau nằm rải rác trên các đảo nhỏ, dùng để che giấu các hệ thống vũ khí.
Theo AMTI, những tòa nhà đó rất có thể là dàn tên lửa phòng không. Điều đó cho thấy là « Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ các đảo do Bắc Kinh cải tạo trong trường hợp có leo thang vũ trang tại Biển Đông ». Chính sách « sự đã rồi » này của Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng với nhiều nước láng giềng (Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia).
Hoa Kỳ công bố những hình ảnh này khi chỉ còn có một tháng nữa là ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Nhiều lần và nhất là bằng cú điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ông Donald Trump muốn cho thấy sẽ có những đường lối cứng rắn với Trung Quốc.
Vì thế trong nhiều ngày qua, ông Trump liên tục có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước trong vùng Biển Đông. Ông đã có buổi điện đàm trực tiếp với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, thông báo thiện chí củng cố quan hệ với Hà Nội.
Cuối cùng, Les Echos cho rằng, một cách hiển nhiên, việc thiết lập những gì mà Washington xem như là những tiền đồn quân sự Trung Quốc tại Biển Đông, có thể nhanh chóng trở thành một yếu tố nữa tạo nên căng thẳng giữa các đối thủ. Hoa Kỳ có thể quyết định gởi thêm nhiều tầu chiến hơn để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161217-donald-trump-lam-lung-lay-quy-che-te-nhi-cua-dai-loan

Bắc Kinh lấy "vũ khí thương mại" dọa Mỹ về lập trường với Đài Loan

mediaẢnh minh họa: Quốc Kỳ Trung Mỹ trước tòa nhà Quốc Hội Mỹ chụp ngày 18/01/2011 trong chuyến thăm Mỹ của Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo Trung Quốc.REUTERS/Hyungwon Kang
Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng với tổng thống tân cử Mỹ sau những phát biểu của ông về Đài Loan. Trong một thông điệp hàm ý đe dọa, hôm qua 14/12/2016, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mặc cả với Washington về các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
 Phát biểu trước giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ, đại sứ Trung Quốc cho rằng hai nước cần phải cố gắng củng cố thêm quan hệ song phương, và « các tiêu chí cơ bản của quan hệ quốc tế cần được tôn trọng, không được bỏ qua, và chắc chắn là không thể được xem như là một cái gì đó mà ta có thể đánh đổi ». Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh : « Chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ không phải là những thứ để mặc cả. Không dời nào ! Tôi hy vọng là mọi người sẽ hiểu điều đó. »
Dĩ nhiên là ông Thôi Thiên Khải tránh nhắc đến « sự cố » tuần trước liên quan đến vấn đề Đài Loan, khi tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải bám vào chính sách tồn tại từ gần bốn chục năm qua theo đó Mỹ công nhận rằng Đài Loan là một phần của « một nước Trung Hoa duy nhất ».
Lời nhắc nhở của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ phù hợp với những lời phản đối mới đây của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước những phát biểu của ông Donald Trump về Đài Loan. Bắc Kinh coi đó là lập trường mâu thuẫn với nguyên tắc « một nước Trung Hoa » mà Trung Quốc xem như là  « nền tảng chính trị » cho quan hệ Mỹ-Trung.

Trừng phạt Mỹ về thương mại ?
Song song với những lời lẽ ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục cho báo chí của mình tung ra những luận điệu hung hăng dọa nạt cả Đài Loan lẫn Mỹ. Vào hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đã không ngần ngại lập lại đòi hỏi dùng võ lực để lấy lại Đài Loan.
Trong một bài xã luận, tờ báo được xem là công cụ khẩu chiến của Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc « cần phải tỏ rõ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Hòa bình không thuộc về những kẻ hèn nhát ». Vào hôm qua, cũng chính Hoàn Cầu Thời Báo đi đầu trong chiến dịch « nã pháo » vào Mỹ, với một loạt những lời đe dọa trả đũa về kinh tế.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt ghi nhận :
Thương mại Mỹ ở Châu Á cần sự chắc chắn và ổn định. Đây là lời cảnh báo của ông James Zimmermann, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc. Ông lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại nếu ông Donald Trump dám phá bỏ thỏa hiệp có từ gần 4 thập niên nay giữa Washington và Bắc Kinh : « Chỉ có duy nhất một nước Trung Hoa và Đài Loan thuộc về Trung Quốc ».
Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo thì « Sẽ là một điều nguy hiểm chết người nếu chính quyền Trump phá vỡ ngay chính nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ ». Nguy hiểm nhất là đối với các công ty Mỹ. Tờ báo nêu ví dụ : Dây chuyền cà phê Mỹ Starbucks - có đến 2.500 cửa hiệu ở Trung Quốc - sẽ bị mất mát lớn nếu khách hàng Trung Quốc quay sang với đối thủ cạnh tranh Anh Costa Café.
Báo chí chính thức của Trung Quốc đã đề nghị nào là không mua iphone nữa, nào là thay thế máy bay Boeing bằng Airbus. Quả thật là Boeing có lý do để lo ngại trước nguy cơ trả đũa của Trung Quốc : Vào năm ngoái, 1/3 các chiếc Boeing 737 làm ra đã được bán cho các hãng hàng không Trung Quốc.Tập đoàn xe hơi General Motors cũng vậy : Trong số 10 triệu chiếc xe mà hãng này bán ra trên thế giới thì có đến 30% xuất sang Trung Quốc.
Giới đầu tư Trung Quốc cũng đe dọa Trump, như Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người giàu nhất ở Trung Quốc. Nhân vật này đã cảnh báo : « Tôi đã đầu tư 10 tỷ đô la ở Mỹ, 20.000 người bên đó làm việc cho tôi và họ sẽ không còn gì để ăn nữa. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161215-bac-kinh-tung-vu-khi-thuong-mai-doa-my-ve-lap-truong-voi-dai-loan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten