vrijdag 4 juli 2014

Pháp: bài học từ « đồng đô la vua » qua vụ ngân hàng BNP Parisbas bị Mỹ phạt 9 tỷ đô la

BNP Parisbas và bài học từ « đồng đô la vua »
Cũng liên quan đến nước Pháp nhưng trên lãnh vực kinh tế, bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « BNP Paribas trước đồng đô-la vua » cho rằng các ngân hàng phải học được bài học : đồng tiền không chỉ phản ánh sức mạnh kinh tế của một quốc gia phát hành đồng tiền ấy, mà còn cả sức mạnh chiến lược.
Theo thỏa thuận với tư pháp Hoa Kỳ, ngân hàng BNP Paribas phải nộp số tiền phạt khổng lồ là 8,97 tỉ đô la, đồng thời phải ngưng các giao dịch bằng đồng tiền này ở lãnh vực năng lượng trong vòng một năm. Nguyên nhân là từ việc ngân hàng Pháp thông qua một chi nhánh Thụy Sĩ đã tiến hành những giao dịch cho các công ty thương mại dầu lửa những nước bị Mỹ cấm vận, chủ yếu là Sudan, nhưng có cả Iran và Cuba.
Đối với luật pháp của Pháp và châu Âu, các hoạt động trên là hợp pháp. Nhưng vì giao dịch bằng đô la Mỹ, kể cả ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ nên phải chịu sự áp đặt của luật pháp Mỹ. Việc mở rộng phạm vi áp dụng luật pháp Mỹ có tầm vóc đặc biệt khi biểt rằng đồng đô la luôn ngự trị, với vai trò đồng tiền chủ yếu trên các thị trường tài chính và trong thương mại quốc tế.
Vì sao ? Có hai nguyên nhân. Một mặt, nếu trọng lượng của đồng đô la có sụt giảm đôi chút, thì nền kinh tế Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ luôn là cường quốc đứng -đầu về quân sự, với bộ máy quốc phòng hùng hậu, mạng lưới liên minh và sự hấp dẫn của mô hình « quyền lực mềm ». Chính sự tin tưởng vào tổng thể này đã tạo nên uy lực của đồng đô la, hiện đang chiếm 87% lượng giao dịch tài chính và 81% thương mại thế giới.
Cựu Tống thống Pháp bị truy tố : Sự kiện chấn động
Sự kiện chưa từng thấy là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị câu lưu và khởi tố, được tất cả các báo Pháp hôm nay chú trọng. Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất : « Sarkozy, các lý do câu lưu ». Nhật báo cánh tả Libération đăng bức ảnh chân dung ông Sarkozy với vẻ mặt ưu tư và đặt câu hỏi : « Liệu ông có thể quay lại với chính trường ? ». Trang nhất của tờ báo cánh hữu Le Figaro là dòng tựa : « Sarkozy : Cú sốc ». Tờ báo cộng sản L'Humanité nói về « Nicolas Sarkozy, từ nhà hàng sang trọng Fouquet’s đến đồn cảnh sát », còn nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một cựu Tổng thống bị áp dụng biện pháp này.
Nếu tờ báo thiên tả Libération chỉ trích « đạo đức chính trị đáng ngờ », cho rằng ông Nicolas Sarkozy có trách nhiệm phải làm sáng tỏ trước người dân Pháp về các tội danh bị cáo buộc, thì tờ báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến « Sự tính toán thận trọng của các địch thủ ông Sarkozy ».
Bài báo so sánh sự tương phản giữa tính chất thô bạo khi câu lưu rồi sau đó truy tố cựu Tổng thống, và sự dè dặt nếu không muốn nói là thiếu vắng phản ứng của các chính khách, dù là để bảo vệ hay đả kích ông Sarkozy. Chỉ có mỗi lãnh tụ đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia là công khai nói : « Tất cả nhằm góp phần xóa tan mọi ý định quay lại chính trường ».
Theo tờ báo, điều mỉa mai là những gì phe cực hữu lớn tiếng nói ra, lại là mong ước thầm lặng của đa số lãnh đạo cánh tả, và nhất là đảng UMP của chính ông Sarkozy. Đặc biệt đối với những ai mà tư pháp có thể là trợ thủ quý giá nhưng không thể thổ lộ đối với ý định lên làm lãnh đạo cánh hữu năm 2017. Như vậy không phải vì tôn trọng thủ tục tố tụng, mà vì thận trọng chiến lược nên họ tránh bình luận. Mục tiêu của tất cả các địch thủ của cựu Tổng thống là tránh tập trung tranh luận chính trị xung quanh mỗi một câu hỏi, bênh vực hay chống đối ông, và họ tin rằng thời kỳ hậu Sarkozy đã có thể bắt đầu.
Phương Tây sẽ không còn can thiệp quân sự ?
Nhìn rộng ra trên thế giới về mặt quân sự, bài phân tích trên báo Le Figaro đặt vấn đề : « Việc can thiệp quân sự của phương Tây rồi sẽ chấm dứt ? » và dẫn nhận xét của một thành viên tham gia cuộc đối thoại chiến lược Pháp-Israel : Hoa Kỳ không còn là người đảm bảo hòa bình thế giới.
Trước câu hỏi, thế kỷ 21 phải chăng là thế kỷ kết thúc việc can thiệp quân sự của các nước phương Tây, tác giả điểm lại : việc đưa quân vào Irak và Afghanistan là thất bại nặng nề. Chiến dịch Sangaris của Pháp đang sa lầy một cách nguy hiểm ở Trung Phi, và chiến dịch Serval tuy được coi là kiểu mẫu vẫn không tiêu diệt được mối nguy thánh chiến tại Mali. Còn thành công của liên quân Anh-Pháp ở Libya, ngày nay bị đặt lại vấn đề trước lực lượng Hồi giáo trỗi dậy ở miền nam. Chỉ có tại Côte d’Ivoire và Kosovo thì châu Âu « ăn may », nhưng kết quả gặt hái được không đáng kể mấy.
Một nhà ngoại giao Pháp nhìn nhận « hạn chế của công cụ quân sự, không còn thành công trong việc lật đổ các chế độ, chấm dứt những cuộc chiến và giúp ổn định các đất nước đang gặp khủng hoảng ».
Quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển kỹ thuật từ nay không chỉ giới hạn ở tầm vóc Nhà nước, và nhất là cái giá của can thiệp quân sự đã làm yếu đi khả năng hành động của các cường quốc truyền thống. Khủng hoảng khiến các nước châu Âu phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, và ngay cả Hoa Kỳ cũng thế. Một vị tướng nhận định : « Để có thể hiệu quả, can thiệp quân sự đòi hỏi triển khai đông đảo quân lính trong một thời kỳ dài, mà các cường quốc nay không còn phương tiện ».
Sự co cụm lại của siêu cường Mỹ đã làm các đồng minh của Hoa Kỳ hoang mang, đồng thời khuyến khích các cường quốc mới nổi và những nhân tố khác chiếm lấy khoảng trống. Một nhà ngoại giao Israel băn khoăn : « Dựa trên việc từ chối sử dụng vũ lực, chính sách đối ngoại của ông Barack Obama liệu có tạo ra chiến tranh nhiều hơn là hòa bình hay không ? »

http://www.viet.rfi.fr/phap/20140702-mua-chien-ham-mistral-hien-dai-cua-phap-nga-rut-ngan-duoc-thoi-gian

Geen opmerkingen:

Een reactie posten