Năm 2011 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, một hợp đồng 1,2 tỉ euro đã được ký kết, theo đó Pháp bán cho Nga Mistral, chiến hạm phóng hỏa tiễn và điều khiển (BPC) có thể vận chuyển thiết bị quân sự và binh lính đến nơi xảy ra chiến sự. Pháp hiện có ba chiếc, đã từng sử dụng để đưa quân và vũ khí đến Mali trong chiến dịch Serval, hay để can thiệp ở Trung Phi tháng 12/2013. Còn tại Liban năm 2006, Mistral được đưa đến để di tản thường dân.
Quan trọng nhất ở chiến hạm loại BPC có lẽ là tính đa năng. Buồng chỉ huy của các tàu chiến này đầy các thiết bị điện tử, bệnh viện trên tàu có cả phòng phẫu thuật, chiến hạm cũng chở theo được các trực thăng. Đây là một công năng hết sức quan trọng trong chiến dịch Harmattan ở Libya năm 2011, giúp các trực thăng cất cánh một cách hoàn toàn bí mật ở cách vùng duyên hải chỉ vài cây số, để không kích lực lượng của Kadhafi trong đêm tối. Nhà sử học Jean-Christophe Notin nhấn mạnh : « Chính nhờ sự can thiệp này mà Mistral đã chinh phục được người Nga ».
Nhưng có lẽ nhân một chiến dịch bí mật khác mà BPC đã chứng tỏ phạm vi hoạt động rộng rãi của mình. Tháng Giêng năm 2013, Paris đã âm thầm đưa đến ngoài khơi Somalie chiếc Dixmude, từ đó đội đặc nhiệm được trực thăng vận đến giải cứu Denis Allex, một nhân viên phản gián bị phe Hồi giáo bắt giữ, tuy không thành công. Địa điểm giam giữ đã được dựng lại bằng kích thước thật ngay trên tàu.
Tại Nga, hợp đồng được ký năm 2011 giữa hai tổng thống Vladimir Putin và Nicolas Sarkozy đã gây phản ứng trong giới công nghiệp quốc phòng Nga. Họ đặt câu hỏi : Vì sao lại mua của Pháp trong khi Nga có thể sản xuất được ? Ngoài ý nghĩa ngoại giao, việc mua hai chiếc Mistral giúp Matxcơva rút ngắn được thời gian vàng ngọc.
Nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Sipri ở Stockholm giải thích :« Nếu hai chiến hạm này không được Pháp bán cho, Nga sẽ phải huy động công nghiệp của chính mình. Như thế sẽ lâu hơn, chất lượng kém hơn, nhưng cũng tự đóng được ». Về phía chuyên gia Philippe Migault của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược thì ghi nhận : « Nga có vấn đề trong lãnh vực hàng hải : việc tự đóng tàu luôn trễ tràng và giá thành bị đội lên. Khi nhờ đến kỹ nghệ Pháp, họ biết rằng sẽ được giao đúng hạn, đồng thời mua được kỹ năng : nhờ tự động hóa, chỉ cần có 200 thủy thủ trên chiếc Mistral trong khi lẽ ra quân số phải gấp ba ».
Một trong hai chiến hạm Mistral bán cho Nga, chiếc Vladivostok đã hoàn tất, và 400 thủy thủ Nga chuẩn bị được đào tạo cách điều khiển trước khi đưa tàu về Nga mùa thu tới. Một sự mỉa mai của lịch sử : chiến hạm thứ hai sẽ giao năm 2015 được đặt tên là Sépastopol, tên thành phố cảng của Crimée, vùng đất Ukraina đã bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba.
Mặc cho nhiều đồng minh công khai lên tiếng phản đối (từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski), Paris vẫn duy trì quan điểm. Trước hết, đó là vì nếu hủy hợp đồng bán hai chiếc Mistral, mà Matxcơva đã ứng trước 1,2 tỉ euro ; Nhà nước Pháp không chỉ phải hoàn tiền lại mà còn bị bồi thường, cũng như thanh toán cho cơ sở đóng tàu STX. Điều này rất tai hại cho Pháp trước những khách hàng tiềm năng như Ấn Độ, Brazil, Chilê…
Để làm giảm bớt những chỉ trích, Paris cố khẳng định là Nga chỉ được giao vỏ tàu, không được trang bị các loại vũ khí và thiết bị kỹ thuật cao như các chiến hạm Pháp. Một chuyên gia giấu tên nói : « Chúng ta cung ứng cho người Nga một công cụ tiên tiến, sau đó họ tự biết trang bị như ta thôi ». Chuyên gia này nhấn mạnh một nguyên tắc bất thành văn trong lãnh vực bán vũ khí : quốc gia là nước cung cấp trong tương lai cũng sẽ là nước đối phó tốt nhất, nhờ nắm rõ thiết bị đã bán.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten