Mỹ dùng chiến thuật mới đối phó với Trung Quốc trên biển
Mỹ đang dự tính gia tăng hoạt động trinh sát và sự hiện diện hải quân gần các vùng biển tranh chấp để đối phó với hành vi bành trướng chủ quyền chậm mà chắc của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả của chiến thuật này vẫn còn là một dấu hỏi.
Máy bay trinh sát P-8A (trái) và P-3 Orion bay gần một căn cứ hải quân Mỹ. Ảnh:Wikipedia.
|
Sự thay đổi chiến thuật của Mỹ diễn ra sau hàng loạt hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng của kinh tế toàn cầu. Mỗi năm, các tàu thuyền vận chuyển qua vùng biển này một lượng hàng hóa trị giá đến 5.300 tỷ USD.
Thách thức đặt ra với quân đội Mỹ là phải tìm ra chiến thuật thích hợp với những bước đi ở quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không làm leo thang các tranh chấp thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn.
Một trong những ví dụ cho chiến lược này là hồi tháng 3, các máy bay trinh sát P-8A của Mỹ bay qua bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các phi cơ Mỹ đã cố tình bay thấp để các tàu của Trung Quốc ở phía dưới nhìn thấy. Cả Trung Quốc và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền với rạn san hô này.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho hay, các máy bay trên "chỉ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên các vùng biển và không phận".
Tuy nhiên, Financial Times dẫn lời một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thông thạo vấn đề nhận định: "Thông điệp ở đây là 'chúng tôi biết những gì các anh đang làm, hành động của các anh sẽ phải chịu hậu quả và rằng chúng tôi có khả năng, ý chí và chúng tôi đang ở đây'".
Việc gia tăng sử dụng máy bay trinh sát trong khu vực còn có thể kết hợp với việc công khai nhiều hơn các hình ảnh và video về hoạt động trên biển của Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ tin rằng, Bắc Kinh có thể phải suy nghĩ lại nếu hình ảnh tàu họ quấy rối ngư dân Việt Nam hoặc Philippines bị công khai cho toàn thế giới.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng được yêu cầu phối hợp phát triển một hệ thống thông tin hàng hải. Hệ thống này cho phép các chính phủ ở phía tây Thái Bình Dương cung cấp chi tiết về vị trí của các tàu trong khu vực. Nhiều chính phủ cho hay họ từng bị động trước sự xuất hiện bất ngờ của các tàu Trung Quốc.
Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và các nước khác ở Thái Bình Dương những thiết bị radar hiện đại và các hệ thống giám sát khác. Washington đang tìm cách biến những hệ thống trên thành một mạng lưới khu vực rộng lớn hơn để chia sẻ dữ liệu.
Lầu Năm Góc cũng tính toán về các kế hoạch phô trương lực lượng tương tự việc điều máy bay ném bom B-52 đến biển Hoa Đông hồi năm ngoái sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng phòng không ở khu vực này. Việc điều tàu hải quân đến gần các khu vực tranh chấp cũng là một phương án tiềm năng.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không mấy ủng hộ những ý tưởng cứng rắn hơn như triển khai tàu tuần duyên đến Biển Đông để đối phó với các hoạt động của tàu dân sự Trung Quốc, hay điều các đội tàu hộ tống ngư dân của Philippines và những nước khác đến các vùng biển mà họ bị Trung Quốc ngăn chặn.
Bản đồ cho thấy yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông và hệ thống vũ khí khí tài của hải quân nước này. Đồ họa: Financial Times.
|
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama năm 2010 từng tuyên bố Biển Đông là một "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Tuy nhiên sau đó, Washington phải chứng kiến Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ tay đồng minh Philippines. Tại bãi Cỏ Mây năm nay, Manila cáo buộc Bắc Kinh đang cải tạo đất để xây căn cứ quân sự, trong khi Bắc Kinh cũng ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Những nỗ lực của chúng tôi để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa có tác động rõ ràng", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Bất chấp những chỉ trích của Trung Quốc, Mỹ đã tiến hành giám sát trên không ở Biển Đông từ lâu. Việc sử dụng thế hệ máy bay P-8A mới biểu hiện sự đầu tư mạnh mẽ hơn của Mỹ vào hoạt động này.
Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng những chuyến bay giám sát cho thấy Mỹ "có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và chống lại sự áp bức của Trung Quốc".
Tuy nhiên, bà bày tỏ nghi ngờ rằng, phương pháp này có thể răn đe được Bắc Kinh.
Bản thân Philippines cũng muốn tăng khả năng giám sát để phát hiện những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Một quan chức nước này cho hay một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội là mua hai máy bay trinh sát, và Manila thiên về máy bay có người lái hơn là không người lái.
"Chúng tôi cần Mỹ vào lúc này, khi chúng tôi đang xây dựng một khả năng phòng thủ đáng tin cậy ở mức tối thiểu", ông nói.
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/my-dung-chien-thuat-moi-doi-pho-voi-trung-quoc-tren-bien-3015764.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten