Văn Lang/Người Việt
Theo cuộc họp báo mới đây với Ban Ngân Sách-Kinh Tế Sài Gòn, thì số tiền trợ giá cho xe Buýt Sài Gòn năm 2013 được công bố là 1,470 tỷ đồng, tăng 65 tỷ so với năm 2012. Trong khi tiền trợ giá năm 2011 là 1,269 tỷ đồng, còn đầu những năm 2000 thì chỉ khoảng vài chục tỷ.
Chen nhau lên xe buýt. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Như vậy sơ bộ đánh giá kết quả trợ giá cho xe buýt Sài Gòn 10 năm qua thì càng bù càng... lỗ, gánh nặng ngân sách mỗi năm mỗi phình ra.
Mặc dù đầu năm 2013, kể từ ngày 1 Tháng Giêng, giá xe buýt ở Sài Gòn đã đồng loạt tăng giá từ 1 tới 2 ngàn đồng, giúp nguồn thu tăng thêm được 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo thống kê thì cứ mỗi đợt điều chỉnh tăng giá xe buýt thì lượng hành khách đi xe buýt lại giảm theo, làm cho việc bù lỗ, trợ giá cũng mất ý nghĩa. Theo báo cáo thì năm 2012 có 413 triệu lượt hành khách sử dụng xe buýt Sài Gòn.
Giá xe buýt hiện nay là 5 ngàn đồng một vé (dưới 18 km) và 6 ngàn đồng (trên 18 km), học sinh-sinh viên khi trình thẻ sinh viên thì chỉ phải mua vé với giá 2 ngàn đồng. Riêng tuyến xe buýt Bến Thành - chợ đầu mối Bình Ðiền đồng hạng giá vé là 10 ngàn đồng.
Hà Nội cũng giống như Sài Gòn, tức là cũng chủ trương trợ giá, bù lỗ cho xe buýt, nhưng lại dựa trên nguyên tắc là “lấy thu bù chi,” như cho phép quảng cáo trên xe buýt để tăng nguồn thu bù vào tiền trợ giá.
Trong khi Ðà Nẵng chủ trương không trợ giá cho xe buýt, vì theo khảo sát, đánh giá thì với nhu cầu sử dụng xe buýt hiện nay của người dân trên địa bàn Ðà Nẵng thì không thể nào xe buýt lỗ được. Nếu đơn vị vận tải hành khách nào cảm thấy không làm ăn được thì cứ “tùy ý” giải thể, sẽ có đơn vị khác tiếp nhận, thay thế ngay.
Tại Sài Gòn thì từ nhiều năm nay các đơn vị vận tải hành khách, cũng như Hiệp Hội Quảng Cáo tại Sài Gòn rất tha thiết, mong muốn được quảng cáo trên xe buýt Sài Gòn nhưng vẫn bị “nhà cầm quyền” từ chối. Theo giới chuyên môn thì số tiền thu được từ quảng cáo trên xe buýt Sài Gòn mỗi năm có thể thu về hàng trăm tỷ đồng.
Sự cự tuyệt tiền từ nguồn thu quảng cáo của “nhà đương cuộc” Sài Gòn đã được Bộ TT-VH-DL cho ý kiến là “không phù hợp” với quy định hiện hành. Những ý kiến của nhà cầm quyền cho rằng “sợ” vi phạm thuần phong mỹ tục, hay gây tai nạn giao thông khi cho quảng cáo trên hông xe buýt thì giới chuyên môn đánh giá là... không có cơ sở. Chính vì vậy, một tin đồn lâu nay âm ỉ trong dư luận Sài Gòn là lâu nay không cho quảng cáo trên xe buýt là do không “thỏa thuận” được số tiền sẽ ăn-chia trong nguồn tiền thu được từ quảng cáo.
Xe buýt Sài Gòn chạy trong giờ cao điểm. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
|
Những bất cập từ xe buýt Sài Gòn thì nhiều nhưng chúng tôi chỉ xin đề cập những lỗi chính và những lỗi mới phát sinh.
Gần hai năm trở lại đây, xe buýt Sài Gòn tự nhiên “mọc” ra cái gọi là “thí điểm vé xe bán tự động,” nếu như ở xứ người như Singapore chẳng hạn vé xe tự động là hình thức quẹt thẻ mỗi khi lên xe, còn ở Sài Gòn thì có một cái máy nhận tiền và thối tiền (loại thô sơ) đặt kế bên tài xế, sau này nhiều xe buýt tài xế kiêm luôn việc bán vé, vì tài xế xé vé rồi khách mới được lên xe, gây ùn tắc khách lên xe vào giờ cao điểm, đồng thời gây nguy hiểm khi tài xế phải kiêm việc trong khi giao thông tại Sài Gòn vừa đông vừa hỗn tạp.
Có người nhìn cảnh rồng rắn lên xe đã bình luận: “Bán tự động gì mà chẳng khác gì cảnh chạy xe Lam của thập niên 70.” Hỏi thăm thì các bác tài đều than mệt và tiền kiêm nhiệm chỉ được thêm có “chút đỉnh.” Trong khi bình thương hai cánh cửa xe mở thông thoáng giờ cao điểm, khách nhanh chóng ùa lên xe, ổn định chỗ ngồi rồi tiếp viên mới tiến hành bán vé, trong khi xe có thể lăn bánh ngay, tài xế chỉ lo chăm chú nhìn đường chạy đúng bến, bãi quy định, mọi việc còn lại đã có tiếp viên kiêm phụ xế lo liệu.
Vì quy định giờ giấc khá ngặt, nên nhiều xe buýt “lượn” nhanh qua bến chẳng khác nào “phi thuyền,” hành khách phải nhanh chóng “đua” nóng theo, nếu không “xe buýt-tàu lượn” sẽ nhanh chóng mất dạng làm khách phải dài cổ chờ chuyến sau.
Ðiển hình tại bến trung tâm trước cửa chợ Bến Thành,khi tuyến xe số 2 - chạy tuyến Sài Gòn - Bến xe miền Tây xuất hiện, khách phải nhanh chân đua theo, nếu không sẽ không kịp lên xe.
Chúng tôi đã từng chứng kiến một bà cụ già kêu oai oái về tuyến xe số 2: “Chạy gì mà như đi ăn cướp, chân tôi đau làm sao tôi đuổi kịp, tôi đã đi thưa nó lên báo hết một lần rồi...” Mọi người có mặt đều cười, thông cảm với bà cụ, nhưng có lẽ xem ra tình hình sẽ không có gì thay đổi.
Mấy năm trước báo giới tại Sài Gòn, “phanh phui” trước dư luận việc trợ giá xe buýt không hiệu quả vì nhiều tuyến xe buýt lãnh tiền trợ giá là “sân sau” của công ty xe khách nhà nước, chạy ít khai nhiều để lãnh tiền theo chuyến, tuyến không có khách vẫn duy trì hoạt động...
Gần đây, báo giới lại phanh phui chuyện tài xế xe buýt nhà nước bán xăng dầu ra bên ngoài cho các “đầu nậu” bán lại cho xe buýt Hợp tác xã chạy cùng tuyến.
Hàng ngày các tài xế này được bơm đầy dầu theo định mức 37 lít cho 100km, họ “ăn gian” bằng cách cho xe chạy nhanh “ẩu” để tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời nhiều xe không mở máy lạnh cho hành khách đi xe (nhất là vào buổi trưa nắng) để tiết kiệm nhiên liệu. Theo quy định tất cả những xe buýt có trợ giá đều phải mở máy lạnh phục vụ hành khách, nhưng có khi xe nóng quá, hành khách có yêu cầu thì nhiều tài xế “cười ruồi” mà phán: “Ði xe có mấy ngàn, bày đặt đòi mở máy lạnh!”
Trợ giá vô tình tạo ra tâm lý nhà xe coi thường hành khách, nhất là học sinh-sinh viên và những người đi vé tháng còn bị “phân biệt đối xử” thậm chí bị nhà xe mắng nhiếc.Vậy ai mới là người thực sự hưởng lợi từ việc trợ giá?
Theo một chuyên gia kinh tế, kinh doanh vận tải hành khách cũng là một ngành nghề như các ngành nghề khác, tại sao ngân sách phải trợ giá, bù lỗ cho ngành này, điều đó thật vô lý.
Ngân sách trợ giá xe buýt Sài Gòn mỗi năm mỗi tăng, bù hoài mà vẫn... lỗ, cuối cùng tiền ở đâu mà theo trợ giá hoài?
Geen opmerkingen:
Een reactie posten