zondag 28 april 2013

Văn hoá và áo dài Việt ở California

Tháng Tư nghĩ về văn hoá và áo dài



Cập nhật: 09:22 GMT - chủ nhật, 28 tháng 4, 2013

Áo dài phất phới ở Union Square, San Francisco
Áo dài phất phới ở Union Square, San Francisco
Biến cố 30-4-1975 đã đưa hàng triệu người Việt ra nước ngoài sinh sống, đông nhất ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada, Đức.
Mỗi năm, cuối tháng Tư là lúc người Việt hải ngoại nhớ về một sự kiện đau thương đã làm gia đình ly tán, buộc nhiều người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Thời điểm này cũng đánh dấu sự khai sinh cộng đồng người Việt tại nhiều nơi trên thế giới, đông nhất là tại Hoa Kỳ với hơn 100 nghìn người tị nạn Việt Nam đầu tiên được định cư.
Từ đó, mỗi năm đến ngày 30-4 luôn có nghi thức tưởng nhớ tiền nhân, cầu nguyện cho những người đã hy sinh vì lý tưởng tự do, cho người vượt biển, vượt biên đã không đến được bến bờ. Tưởng niệm 30-4 là nét đặc trưng trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Bỏ quê hương ra đi, nhiều người không mang theo được gì ngoài văn hoá nguồn cội đã thấm vào lòng.
Phát huy văn hóa Việt
Sau gần bốn thập niên định cư, văn hoá Việt đã có cơ hội phát huy và trở thành một phần trong sinh hoạt đời sống xã hội Mỹ.
Các hội học sinh, sinh viên gốc Việt thường tổ chức văn nghệ dịp tháng Tư. Vùng San Francisco năm nay có văn nghệ của học sinh trường Santa Teresa, của sinh viên San Jose City College, Stanford, U.C. Berkeley. Các em cố gắng vẽ lên lịch sử của nước nhà, của cộng đồng; đưa lên những nét đẹp quê hương qua điệu múa, câu hò tiếng hát bên cạnh tiếng nhạc, điệu nhảy sống động của văn hoá Mỹ.
Trong gia đình người Việt hải ngoại vẫn có tà áo dài, áo gấm, vẫn còn chai nước mắm, gói bún. Bữa ăn vẫn có rau mồng tơi, rau muống, cá kho tộ, có bát phở, tô mì Quảng hay bún bò Huế.
Cạnh dàn máy ti-vi có DVD Thuý Nga, Asia hay Duyên Dáng Việt Nam. Có tiếng hát Khánh Ly, Thanh Tuyền, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Duy Khánh, Phi Nhung, Hương Lan, Quang Linh, Duy Quang, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Quang Dũng qua ca từ nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Thanh Tùng, Bảo Chấn, Phú Quang…
Ngày nay, trong trường cấp 3 và đại học Mỹ đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn được thảo luận hay nghiên cứu, nhưng không còn làm nhức nhối lương tâm, không còn gây nhiều xúc động trong lòng thế hệ trẻ như đã từng có đối với thế hệ cha anh. Âm hưởng của chiến tranh mờ dần và nét văn hoá Việt đang trở nên dấu ấn trong đời sống Mỹ với phở, bún, áo dài, Tết, bánh mì.
Văn hoá, hiểu một cách tổng quát là những sinh hoạt của một tập thể mà trang phục và thực phẩm dễ cảm nhận được nhất.
Nói đến “Tết” thì hầu như các sắc dân khác đều biết, vì cứ độ cuối tháng Giêng tây cộng đồng Việt lại rộn ràng với chợ hoa, hội chợ tết, cây nêu tràng pháo. Tết về có thiếu nữ mặc áo dài đội nón lá, có áo tứ thân khăn mỏ quạ, có bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo.
Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng, đa văn hoá. Mới lập quốc hơn 200 năm, có một khoảng dài lịch sử văn hoá châu Âu được xem là chính thống. Nửa thế kỷ qua nước Mỹ đã có những chính sách nhằm thăng hoa các nền văn hoá khác nhau, từ văn hoá của người châu Phi, của sắc dân Mỹ La-tinh cho đến văn hoá Hồi giáo, văn hoá Á đông.
San Francisco nổi tiếng là thành phố nhiều bản sắc và thường xuyên có sinh hoạt đường phố. Đầu năm ta có Tết của người Việt, người Hoa với pháo nổ rền vang. Tháng Ba với lễ hội St. Patrick xanh thắm mầu lá. Tháng Tư dồn dập tiếng trống mừng lễ hội Hoa Anh đào. Đầu tháng Năm với Cinco de Mayo trong tiếng nhạc mariachi rộn ràng.
Áo dài, nón lá
Mấy năm gần đây, trung tuần tháng Năm còn có hội chợ văn hoá Á châu, nhấn mạnh đến truyền thống của những nước Đông Á như Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Hàn Quốc.
Trung tâm Văn hoá Âu Cơ đã đóng vai trò phối hợp tổ chức lễ hội này để làm phong phú thêm cho sinh hoạt thành phố và cho văn hoá cội nguồn Việt Nam với những áo bà ba, áo tứ thân, áo dài tung tăng trên phố.
Trong nét đẹp của văn hoá Việt, tà áo dài và nón lá là hình ảnh được thế giới biết đến nhiều nhất. Chiếc nón lá được dùng khắp nơi, từ bác nông dân ra ruộng cày cấy, mẹ đi chợ, bà bán hàng rong cho đến nữ sinh, phụ nữ ra đường đi học, đi làm cũng đội nón lá.
Huế trở nên đẹp và thơ mộng với chiếc nón bài thơ, với áo dài nữ sinh Đồng Khánh. Sài Gòn giờ tan trường ngập tràn áo trắng Trưng Vương, Gia Long, áo hồng Thiên Phước, áo xanh Bác Ái. Những hình ảnh đã là dấu ấn của một thời thăng hoa nét đẹp áo dài trên quê hương. Những tà áo đã đi vào âm nhạc, vào văn học.
Ngoài nét mỹ thuật của áo dài nón lá, hai trang phục này còn là cách bảo vệ da tốt nhất trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Sau 1975, sân trường và đường phố Việt Nam không còn nhiều tà áo tung bay như trước.
Cho đến khi Việt Nam mở cửa giao thương với phương Tây vào đầu thập niên 1990, hình ảnh áo dài được làm sống lại qua các cuộc thi hoa hậu với những biên cải, cách tân.
"Nhưng làm sao để nhiều người Việt thích mặc áo dài là một điều khó khi ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ ngày càng sâu đậm tại Việt Nam."
Nhưng cách tân quá độ làm mất đi nét đẹp đơn sơ, trang nhã của áo dài.
Năm ngoái ở San Jose có trình diễn áo dài của các nhà thiết kế Đức Hùng, Minh Hạnh, Sĩ Hoàng từ trong nước và Quang Chánh, Debbie Nghiêm ở California, nhưng không thu hút chú ý. San Jose Center for the Performing Arts với hai nghìn chỗ mà chỉ có chừng 500 khán giả. Ngoài bộ áo của Sĩ Hoàng thoát lên nét thanh tao của áo dài, còn lại các nhà thiết kế khác đã làm đậm nét cung đình, quý phái cộng thêm khăn đóng quá khổ trên đầu và lủng lẳng nhiều thứ khác khiến người mẫu trông như nữ hoàng Ai Cập hay châu Phi. Còn áo dài của ông trưởng ban tổ chức cắt quá ngắn nên trông như áo của người Ấn Độ.
Áo dài thực là dấu ấn của văn hoá Việt vì loại hình trang phục này đã được triển lãm trong bảo tàng Hoa Kỳ, một lần ở San Jose Quilt Museum vào năm 2006 và tại American Museum of Natural History ở New York dịp Tết vừa qua.
Chuyện chọn quốc phục cho Việt Nam cũng được bàn luận trong nước từ nhiều năm. Năm 2006, tuy chưa gọi là quốc phục nhưng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã mặc áo dài gấm vàng, cùng với lãnh đạo các nước tham dự hội nghị APEC ở Hà Nội.
Đầu năm nay chuyện quốc phục lại được truyền thông trong nước nhắc đến. Báo Đất Việt ngày 21-1-13 có bài phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc và ông bày tỏ muốn có bộ quốc phục là khăn đóng áo dài. Còn trên báo Đời Sống ngày 24-3-13, nhà ngoại giao Vũ Cường cho rằng chọn quốc phục là không cần thiết vì áo dài tự bản chất đã đậm nét văn hoá Việt vì rất nhiều người mặc, như áo kimono của người Nhật. Ông nêu vấn đề nếu tôn vinh áo dài lên quốc phục, còn trang phục của 53 sắc dân khác thì sao?
Sau Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, chưa thấy lãnh đạo nào khác đã mặc khăn đóng áo dài trong dịp lễ hội.
Tại hải ngoại, quan chức ngoại giao Việt Nam như Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng và Nguyễn Bá Hùng lại đi bước trước khi các ông mặc khăn đóng áo dài đón Tết cùng kiều bào vùng San Francisco.
Nhưng làm sao để nhiều người Việt thích mặc áo dài là một điều khó khi ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ ngày càng sâu đậm tại Việt Nam.
Có thể bắt đầu từ học đường. Một chính sách đồng phục cho học sinh, nữ sinh mặc áo dài, nam sinh quần xanh áo trắng sẽ giúp thăng hoa áo dài trở lại và làm đẹp cho phong cảnh quê hương.
Tháng Tư nghĩ về văn hoá. Vì văn hoá là hạt mầm sẽ nở ra những bông hoa tươi đẹp.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten