maandag 29 april 2013

Luận văn ở đại học: Tìm tài liệu

Thứ hai, 29/04/2013



Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Luận văn ở đại học: Tìm tài liệu

CỠ CHỮ- +
Sau khi phác thảo dàn bài sơ khởi, sinh viên đã biết phần nào những tài liệu mình cần. Vấn đề là: tìm những tài liệu ấy ở đâu? Một số khá đông sinh viên có thói quen hay than thở: tài liệu liên quan đến đề tài mình viết quá hiếm hoặc thậm chí không có. Lời than thở ấy thường ít khi đúng sự thật. Lý do là khi ra đề, phần lớn các thầy cô giáo đã kiểm tra trước để xem nguồn tài liệu mà sinh viên sẽ sử dụng cho bài viết của họ có đủ hay không.

1. Tìm tài liệu ở đâu?

Những cái được gọi là tài liệu thường rất đa dạng, bao gồm các dạng chính sau:

  1. Bài giảng ghi trong lớp (lecture notes)
  2. Sách giáo khoa (textbooks)
  3. Từ điển chuyên ngành (discipline dictionaries)
  4. Từ điển bách khoa (encyclopedia)
  5. Sách liên hệ đến đề tài
  6. Tạp chí
  7. Internet
a. Bài giảng ghi trong lớp:

Đây là tài liệu đầu tiên mà sinh viên cần đọc. Nó sẽ cung cấp cho sinh viên những thông tin căn bản nhất. Nó lại dễ hiểu hơn so với các loại tài liệu viết khác vì khi giảng trong lớp, các thầy cô giáo thường quảng diễn, cho nhiều ví dụ, vừa tầm với trình độ của sinh viên. Tuy nhiên, khi sử dụng bài giảng trong lớp, sinh viên

(i) nên xem đó như là một sự gợi ý tốt, chứ không nên chép nguyên vẹn bài giảng hay một phần của bài giảng vào luận văn của mình. Đó chỉ là cách làm của học sinh trung học. Nó dễ làm cho giáo sư có ấn tượng là mình lười biếng, thiếu công phu hoặc phương pháp nghiên cứu.

(ii) khi sử dụng một vài thông tin trong bài giảng thì khỏi cần ghi xuất xứ, khỏi cần ghi, đại khái kiểu “Theo bài giảng của thầy Nguyễn V.A. trong lớp ngày 20.4.2013...” vì hai lý do: một là, không có gì chắc mình hiểu đúng và ghi đúng ý của thầy cô giáo; hai là, kiến thức thầy cô giáo giảng trong lớp phần nhiều là thứ kiến thức tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chứ chưa chắc đã là sáng kiến riêng của họ. Dĩ nhiên, nếu những bài giảng ấy đã được thầy cô giáo biên soạn và xuất bản chính thức thì việc ghi xuất xứ sẽ là điều bắt buộc.

b. Sách giáo khoa:
Giống như bài giảng ghi trong lớp, sách giáo khoa là loại tài liệu cần ưu tiên đọc trước. Có bốn lý do chính: (i) kiến thức trong đó là những kiến thức căn bản, gần với chương trình; (ii) nó lại bao quát được nhiều khía cạnh của vấn đề, có tính hệ thống cao; (iii) nó giới thiệu những tác giả có thẩm quyền về vấn đề ấy để dựa vào đó sinh viên có thể đọc thêm; và (iv) cách viết giản dị, trong sáng, hợp với trình độ của sinh viên. Ngay cả khi sinh viên không sử dụng được gì từ bài giảng và sách giáo khoa thì việc đọc kỹ hai loại tài liệu này cũng cực kỳ hữu ích: nhờ đó, sinh viên sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn khi đọc các loại tài liệu chuyên ngành khác. Hơn nữa, sinh viên nên chú ý đến phần “tài liệu tham khảo” (references) và “tài liệu đọc thêm” (further readings) ghi ở cuối mỗi chương trong các sách giáo khoa. Đó là những chỉ dẫn tốt, giúp sinh viên biết những gì cần đọc tiếp.

c. Từ điển chuyên ngành:

Để hiểu rõ nội dung các thuật ngữ được sử dụng trong đề luận văn, sinh viên nên sử dụng loại từ điển chuyên ngành. Ví dụ, với môn Văn học, nên sử dụng các loại từ điển như  Dictionary of Literary Terms, Dictionary of Literature, Bibliography of American Literature, Encyclopedia of World Literature in the 20th Century. Với môn Xã hội học, có các loại A Dictionary of Sociology. Hình như không có môn học nào ở đại học mà lại không có từ điển về nó. Sau này, định nghĩa của các thuật ngữ ấy cũng được đưa lên internet rất nhiều.

d. Từ điển bách khoa:

Nếu qua các từ điển chuyên ngành, sinh viên có thể hiểu rõ nội dung của các thuật ngữ thì nhờ các từ điển bách khoa, sinh viên có thể có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề. Cách trình bày trong từ điển bách khoa thường ngắn, gọn, bao quát những vấn đề thiết yếu, có thể giúp cho sinh viên hiểu rõ về đề tài. Ví dụ, viết về đề “Có phải chúng ta đang chứng kiến cái chết của gia đình hay không?”, sinh viên có thể xem mục từ 'gia đình', hay 'hôn nhân' hay 'ly dị' trong các từ điển bách khoa.

e. Sách và báo:

Ở mỗi đầu học kỳ, các thầy cô giáo đều phát cho sinh viên danh sách tài liệu tham khảo cho môn học. Khi viết luận văn, sinh viên có thể dựa theo đó mà tìm tài liệu. Tuy nhiên, thường thì danh sách ấy không đủ bởi vì các giáo sư chỉ cho một số tài liệu căn bản nhất và để phần còn lại cho sinh viên tự tìm, xem như là một cách giúp họ thực tập những thói quen, những kỹ năng cần thiết trong công việc nghiên cứu. Trong trường hợp này, sinh viên phải tự tìm thêm sách báo để đọc.

Về báo, sinh viên nên chú ý đến các tạp chí chuyên ngành, ví dụ, làm luận về ngôn ngữ học thì tra cứu các tạp chí ngôn ngữ học, làm luận về xã hội học thì tra cứu các tạp chí về xã hội học, v.v.. Việc tìm kiếm các bài viết liên quan đến đề tài mình cần trên báo chí, trước đây, tương đối phức tạp và mất nhiều thì giờ. Tại Úc, sinh viên có thể tham khảo loại sách APAIS: Australian Public Affairs Information Service: A Subject Index to Current Literature hay The Social Sciences Index hay Humanities Index; tại Hoa Kỳ, có các Readers' Guide to Periodical Literature, 1901-, Popular Periodicals Index, 1973-, Essay and General Literature Index, 1900-, International Bibliography of Book Reviews, 1971-, Library Literature, 1933-, v.v.. Trong những tập sách này, sinh viên sẽ tìm thấy danh sách các bài báo được sắp xếp theo tên tác giả và theo chủ đề. Tuy nhiên, sau này, khi hầu hết các tạp chí chuyên ngành đều có ấn bản trên mạng, việc tìm kiếm trở thành rất dễ dàng. Sinh viên chỉ cần vào trang Thư viện ở đại học mình đang học, đánh tên đề tài (topic) mình muốn tìm, tất cả sẽ hiện ra ngay tức khắc. Sinh viên chỉ cần đọc liếc qua các đoạn tóm tắt để quyết định chọn đọc những bài thích hợp nhất.

Về sách, cách đơn giản nhất là sử dụng máy vi tính tại các thư viện. Tìm phần 'Subject'. Nên nhớ là một đề luận văn có thể liên hệ đến nhiều subject khác nhau. Ví dụ, về đề “Có phải chúng ta đang chứng kiến cái chết của gia đình hay không?”, có thể tìm trong ba 'subject': 'gia đình', 'hôn nhân' và 'ly dị'. Về đề tài “Văn hoá luận (Culturalism) và Cấu trúc luận”, chúng ta có thể tìm nhiều subjects: 'Văn hoá luận', 'Cấu trúc luận', 'Lý thuyết văn học' (Literary theories), 'Nghiên cứu văn hoá' (Cultural Studies) và 'Ngôn ngữ học' (Linguistics), v.v..

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bản thân tôi, tìm sách không nên chỉ dựa hoàn toàn vào các mục lục hiện lên trên màn ảnh máy vi tính. Thứ nhất, nhiều lúc nhan đề của cuốn sách không gây cho chúng ta một ấn tượng nào cụ thể, chúng ta khó biết được là cuốn sách ấy có liên quan đến đề tài chúng ta cần tìm hay không. Thứ hai, nhiều cuốn sách thực chất là một thứ tuyển tập (collection) ở đó tác giả tập hợp nhiều bài viết trong nhiều thời điểm khác nhau và về nhiều đề tài khác nhau: chỉ nhìn vào nhan đề, chúng ta không thể biết được trong cuốn sách ấy có bài nào mình cần dùng hay không. Ví dụ: trong khi tìm tài liệu để viết bài luận văn về đặc điểm và những sự thay đổi trong tiếng Việt, nhìn nhan đề cuốn Tiểu luận của Võ Phiến, hẳn sinh viên không thể ngờ được là trong đó có bài “Cái tiếng mình nói” rất đặc sắc, hay nhìn tựa cuốn Con đường qua mùa đông của Thế Uyên, hẳn sinh viên cũng không thể ngờ trong đó có bài “Bể dâu trong tiếng Việt” với nhiều nhận xét tế nhị.

Theo kinh nghiệm của tôi, sau khi tìm tên sách trên máy vi tính, tốt nhất sinh viên nên rảo qua các kệ sách, tự tay mình lật xem các cuốn sách để lựa chọn. Công việc ấy, thật ra, không mất bao nhiêu thì giờ cả. Phần lớn các thư viện ở Tây phương đều dùng một trong hai cách phân loại chính:

+ Cách phân loại theo Dewey (Dewey Decimal Classification/System) rất thông dụng ở Úc và trên 135 quốc gia khác nhau trên thế giới. Do Melvil Dewey phát minh năm 1876, được cải tiến nhiều lần sau đó, cách phân loại này xếp sách theo số thứ tự từ 0 đến 9:

000-099: Khoa học vi tính, Thư viện và Khoa học Thông tin và Kiến thức tổng quát
100-199: Triết học và Tâm lý học
200-299: Tôn giáo
300-399: Khoa học Xã hội
400-499: Ngôn ngữ
500-599: Khoa học thuần tuý
600-699: Kỹ thuật: Khoa học ứng dụng
700-799: Mỹ thuật và giải trí
800-899: Văn học
900-999: Địa lý đại cương, lịch sử và du lịch.

Trong mỗi khu vực, sách lại được chia ra thành từng lãnh vực nhỏ. Chẳng hạn, phần văn học được chia ra như sau:

800 - 809: Sách lý luận, phê bình, nghiên cứu về văn học
810 - 819: Văn học Mỹ
820 - 829: Văn học Anh
830 - 839: Văn học Đức
840 - 849: Văn học Pháp
850 - 859: Văn học Ý
860 - 869: Văn học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
870 - 879: Văn học La tinh
880 - 889: Văn học Hy Lạp
890 - 899: Văn học các nước khác (trong đó có Việt Nam)

Rồi trong từng phần, sách lại được phân chia theo từng thể loại khác nhau. Ví dụ, về văn học Anh, sách sẽ được sắp xếp theo thứ tự như sau:

821: Thơ
822: Kịch
823:Tiểu thuyết
824: Tiểu luận
825: Các bài hùng biện, thuyết trình
826: Thư từ
827: Trào phúng và châm biếm
828: Tạp văn
829: Văn học Anglo-Saxon nói chung.

Như vậy, muốn tìm đọc các cuốn tiểu luận văn học của Anh, chẳng hạn, chúng ta chỉ cần đến khu vực đánh số 824. Số lượng sách trong các thư viện đại học thường vừa phải, chỉ cần mất khoảng một, hai tiếng đồng hồ, chúng ta có thể liếc qua để biết chắc được những cuốn nào mình cần.

+ Cách phân loại của Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress Classification), vốn thông dụng ở Mỹ và một vài nước khác, xếp sách theo thứ tự các chữ cái, như sau:

A Kiến thức tổng quát
B Triết học, tâm lý học và tôn giáo
C – F Lịch sử
GĐịa lý và nhân học
H Khoa học xã hội
J Chính trị học
K Luật
L Giáo dục
M Âm nhạc
N Mỹ thuật
P Ngôn ngữ và văn học
Q Khoa học
R Y khoa
S Nông nghiệp
T Kỹ thuật
U Khoa học quân sự
V Khoa học hàng hải
ZThư mục, thư viện, các thông tin tổng quát

Ở mỗi mục sẽ có những ngăn nhỏ hơn. Ví dụ, trong mục P về ngôn ngữ và văn học, từ P đến PM tập trung chủ yếu về ngôn ngữ (và cả văn học, đối với các nước nhỏ); từ PN đến PZ tập trung chủ yếu vào văn học.

f. Internet:
Trên internet hiện nay có vô số tài liệu về đủ các lọai đề tài khác nhau. Chỉ có điều, nó khá tạp nham, thượng vàng hạ cám. Không phải tài liệu nào cũng có thể sử dụng trong các bài luận văn ở đại học. Ở đại học, sinh viên được/bị yêu cầu phải sử dụng các loại tài liệu khả tín, nghĩa là: Một, từ sách của những tác giả chuyên môn và ít nhiều có uy tín; và hai, từ các tạp chí chuyên ngành, có ban tuyển đọc đàng hoàng (peer review).

2. Lựa sách:

Theo những lời chỉ dẫn ở trên, sinh viên có thể sẽ tìm ra khá nhiều tài liệu liên quan đến đề tài mình viết. Nếu có quá nhiều sách thì nên chọn đọc những cuốn nào? Nguyên tắc đầu tiên là: chọn đọc những cuốn trực tiếp liên hệ đến đề tài luận văn của mình. Sau khi loại trừ các cuốn không liên hệ, nếu số sách còn lại vẫn còn quá nhiều thì nên lựa chọn tiếp theo mấy nguyên tắc sau đây:

  • Chọn đọc những tác giả có uy tín và có thẩm quyền nhất trong lãnh vực ấy.
  • Nếu không chắc về tác giả thì có thể căn cứ vào uy tín của nhà xuất bản: ưu tiên chọn sách của những nhà xuất bản lớn.
  • Nên dành ưu tiên cho những cuốn sách mới in.

2.1. Đọc cái gì trước, cái gì sau?

Sau khi lựa sách xong, lại nảy sinh ra một vấn đề khác: trong số sách mình lựa ấy, nên bắt đầu từ đâu? đọc cái gì trước, cái gì sau?

Một cách tổng quát, nên bắt đầu đọc bài giảng ghi được trong lớp, sau đến các sách giáo khoa, sau nữa, đến các loại từ điển, cuối cùng đến sách và báo. Riêng đối với sách và báo, thứ tự các ưu tiên là:

  1. đọc những gì tổng quát trước, chuyên sâu sau
  2. đọc những tài liệu trực tiếp liên quan đến đề tài trước, sau đó dần dần mở rộng ra
  3. đọc cái gì dễ trước, khó sau
  4. đọc sách, báo mới xuất bản trước; sách báo cũ đọc sau
  5. nếu đề tài luận văn liên quan đến các cuộc tranh luận mới bùng nổ, có tính chất ít nhiều thời sự, nên ưu tiên đọc báo trước, sách sau.
 * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten