dinsdag 30 april 2013

Đảng viên CSVN cấu kết thành 'nhóm lợi ích' để trục lợi

Đảng viên CSVN cấu kết thành 'nhóm lợi ích' để trục lợi Monday, April 29, 2013 3:47:54 PM






HÀ NỘI (NV) - Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN (UBKT TƯ Đảng CSVN) vừa công bố kết quả nghiên cứu về các “nhóm lợi ích” trong guồng máy đảng và nhà nước.
Cổng vào dinh thự của Nguyễn Trường Tô – cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang (nhân vật chính trong oan án liên quan tới hai nữ sinh trường trung học Vị Xuyên bị cáo buộc “môi giới mãi dâm”) đã khiến dư luận bị sốc vì nó tương phản gay gắt với cuộc sống của đa số dân chúng đang sống dưới ngưỡng đói nghèo ở Hà Giang. Chưa ai buộc cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang trả lời tiền từ đâu để xây dinh thự như vậy (?). (Hình: Khám Phá.vn)
Đây là lần đầu tiên, cơ quan chuyên trách về thanh tra trong nội bộ Đảng CSVN thực hiện và công bố một nghiên cứu về đề tài này.

“Nhóm lợi ích” thường được dùng để chỉ những cá nhân có cùng mong muốn, cùng nỗ lực để đạt đến mục tiêu nào đó, quen gọi là “lợi ích nhóm”. “Nhóm lợi ích” có thể có quy mô rất lớn hoặc rất nhỏ và “lợi ích nhóm” có thể rất tích cực hoặc rất tiêu cực.

Riêng tại Việt Nam, trong vài năm vừa qua, do đặc điểm của một xã hội cộng sản, cụm từ “nhóm lợi ích” thường được dùng để chỉ những nhóm viên chức câu kết với nhau hoặc câu kết với các cá nhân bên ngoài hệ thống chính quyền nhằm trục lợi và “lợi ích nhóm” luôn luôn được hiểu theo nghĩa tiêu cực.
Trần nhà, kèo cột toàn căn nhà hai tầng lầu đều bằng gỗ quý và trạm trổ tinh vi. (Hình: Khampha.vn)
Kết quả nghiên cứu từ UBKT TƯ Đảng CSVN, nhận định: “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.

Nghiên cứu thừa nhận: “Trong khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà trong xã hội có một số người chơi ngông, xài sang hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám… Thói hưởng lạc, sống gấp, hợm hĩnh, vênh vang về đồng tiền có được của không ít người là nhờ các mối quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong các cơ quan công quyền, hoặc có thể là do tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ”.
Sân sau nhà ông Tô có hồ thủy tạ với giả sơn, các loại cây cảnh hiếm quý mang sưu tầm từ khắp nơi mang về. (Hình: Khampha.vn)

Trong nghiên cứu, UBKT TƯ Đảng CSVN xác nhận, từ khi “đổi mới” (năm 1986) đến nay, tham nhũng tăng lên rất nhanh, khoảng 32% liên quan đến doanh nghiệp. Tình trạng viên chức thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi ngày càng nhiều, có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực. Cơ quan này liệt kê một loạt hình thức câu kết mà dư luận đã từng hệ thống trước đó:

Nhóm thân hữu: Tuy không có bằng chứng pháp lý nào về “nhóm thân hữu” nhưng trong thực tế, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các chính sách về kinh tế, UBKT TƯ Đảng CSVN xác nhận “thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân”.

Những “nhóm thân hữu” này có quan hệ hai chiều trong việc viên chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi. Ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của viên chức, hoặc là cung cấp cho viên chức phương tiện để leo cao hơn, để lo lót khi doanh nghiệp phạm sai lầm.

Chưa kể doanh nghiệp còn lo cung phụng cho những người thân thiết của viên chức. Hiện tượng doanh nghiệp chu cấp cho một số viên chức các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch... được xem là khá phổ biến.

Nhóm chung lợi ích: Khoảng 40% doanh nghiệp được phỏng vấn thừa nhận có sử dụng quan hệ với quan chức để trục lợi. Khoảng 20% thừa nhận, sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Ủy ban Nhân dân các cấp, cán bộ quản lý ngành là những đối tượng nằm trong nhóm này.

Nhóm lợi ích cục bộ: Gồm những viên chức sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Chẳng hạn, vụ tham nhũng xảy ra tại trạm kiểm soát liên ngành Đồng Bành, Lạng Sơn.

Tại đó, một nhóm cán bộ đã câu kết với doanh nhân bớt xén tiền thuế để chia chác. Rồi dùng tiền đó hối lộ cấp trên để được thăng chức và trụ lại trạm lâu hơn. Không ít cán bộ của trạm đã trở thành trạm trưởng, trạm phó, phó phòng nghiệp vụ của Cục Thuế tỉnh. Một số cán bộ của Cục Thuế tỉnh giữ quyền ăn chia bằng cách đề xuất với tỉnh luân chuyển cán bộ tại trạm ba tháng một lần.
Một biếm họa về “nhóm lợi ích” của VN Economy.

Viên chức sử dụng doanh nghiệp nhà nước để trục lợi: Vì doanh nghiệp nhà nước có vị trí đặc biệt, quản lý khối tài sản khổng lồ nhưng ít phải giải trình về trách nhiệm nên UBKT TƯ Đảng CSVN cho rằng “khu vực kinh tế này là đầu mối để nhiều viên chức thiết lập các đường dây trục lợi”.

Tình trạng viên chức bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí chủ chốt là phổ biến. Khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển cho một số viên chức các cổ phần béo bở, đứng tên những người tin cẩn của viên chức.

Viên chức nhờ người khác đứng tên, kết hợp với giới quản lý doanh nghiệp nhà nước để lập các công ty tư nhân hoặc liên doanh, sau đó chuyển các hợp đồng béo bở cho doanh nghiệp của họ. Viên chức che chắn để giới quản lý doanh nghiệp làm sai quy định như mua bán tài sản không minh bạch để nhận hối lộ của bên cung cấp rồi chia nhau, tài trợ cho viên chức đi nước ngoài bằng…

Vụ lợi cá nhân: Nghiên cứu của UBKT TƯ Đảng CSVN nhìn nhận, “nhiều viên chức đã chủ động đòi hối lộ để giải quyết công việc, hoặc thực hiện sai chính sách để đòi hối lộ”.

Một cuộc khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ xác định, khoảng 15% viên chức thừa nhận đã từng thấy viên chức khác gọi điện, gửi thư can thiệp nhằm mưu lợi cho thân nhân. Khoảng 20% viên chức thừa nhận đã từng thấy viên chức khác cố tình gây khó khăn để đòi hối lộ.
Gây phiền hà cho doanh nghiệp để đòi hối lộ: Khoảng 5% doanh nghiệp cho biết họ từng nhận được đề nghị bán hay cho thuê tài sản giá rẻ, 5% từng nhận được đề nghị tài trợ tham quan hay chi tiêu cá nhân, 8% từng nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng của viên chức, 15% từng nhận được đề nghị tặng quà.

Bảo kê cho các hoạt động phi pháp: Viên chức bảo kê cho doanh nghiệp buôn lậu, buôn bán má túy, hoạt động mại dâm. Kể cả bảo kê sử dụng đất công để giữ xe, làm dịch vụ.

Ngoài ra, còn có cả tình trạng viên chức hưởng hoa hồng quá mức quy định công khai trong hợp đồng, lợi dụng thông tin công vụ (quy hoạch đất, xây dựng hay cải tạo đường sá, đô thị, đầu tư công) để trục lợi.

Cũng UBKT TƯ Đảng CSVN nhìn nhận, một số doanh nghiệp đã thành lập một nhóm mà nhiệm vụ là mở rộng quan hệ với chính quyền và viên chức.

Nghiên cứu của UBKT TƯ Đảng CSVN, viết thêm rằng, bản chất mối quan hệ không bình thường giữa viên chức với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt, dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. (G.Đ)

 

« Trở về trang trước

CÁC TIN KHÁC   »
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165553&zoneid=2#.UYBWFvnCS71
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten