Mỹ 'gặt hái' gì sau cuộc chiến Iraq
4.500 lính Mỹ thiệt mạng, 32.000 binh sĩ bị thương cùng với chi phí lên tới trên ba nghìn tỷ USD, là những thống kê về cuộc chiến mà Mỹ phát động tại Iraq. Một thập kỷ trôi qua, nước Mỹ có được gì từ cuộc chiến này?
|
Khói lửa bốc cao ở Baghdad trong màn mở đầu của cuộc chiến Iraq 10 năm trước. Ảnh: AFP |
Khi kỷ niệm 5 năm cuộc chiến Iraq (19/3/2008), Tổng thống Mỹ
George W. Bush nói rằng dù cái giá phải trả là rất đắt, nhưng “đây là cuộc chiến
Mỹ có thể và phải thắng”. Ông còn nói thêm rằng: “Tôi vẫn còn phải đấu tranh, cả
về tâm lý và thể chất, về những thiệt hại nó gây ra đối với tôi cũng như với vô
số người khác”.
Ngày 19/3 năm nay là ngày kỷ niệm 10 năm cuộc xâm
lược “sốc và kinh hoàng” và hơn một năm tiểu đoàn cuối cùng của quân Mỹ rút khỏi
nước này. Tuy nhiên, theo điều tra dư luận của Trung tâm nghiên cứu Pew, chỉ có
4 trên 10 người Mỹtừng tham chiến ở đó tin vào những lý do tiến hành cuộc chiến
tranh có thể biện minh cho sự tổn thất về máu và của cải của nước Mỹ.
Khoảng gần 4.500 lính Mỹ đã bị giết và trên 32.000
lính bị thương, bao gồm hàng nghìn trường hợp bị thương nặng ở đầu và cột sống.
Số thương vong của người Iraq thậm chí còn được cho là lớn kinh khủng: trong
khoảng từ 100.000 đến 600.000 người. Phí tổn của cuộc chiến có thể vượt con số
ba nghìn tỷ USD.
Trong khi cuộc chiến ở Iraq đã chấm dứt, sự hy sinh
của các cựu chiến binh vẫn tiếp tục diễn ra trong thế giới dân sự mà họ luôn
thấy mình “xa lạ” và cô lập.
Ann Weeby, là người sinh ra ở thành phố Boyne,
Michigan, được phái sang Iraq ngay từ ngày đầu cuộc chiến và được biên chế vào
sư đoàn không vận số 101 lúc đó dưới sự chỉ huy của thiếu tướng David Petraeus
đóng tại Mosul, phía bắc Iraq.
Cô Weeby nhớ lại: “Mục tiêu của chúng tôi là tìm bằng
chứng vũ khí giết người hàng loạt (WMD) và truy lùng Saddam Hussein”.
“Sau khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt và
Saddam bị bắt, tôi không nghĩ là sự hiện diện quân sự của Mỹ lại kéo dài như
vậy”, Weeby nói thêm.
Trích dẫn một thống kê đáng lo ngại mới được công bố
gần đây của Bộ Cựu chiến binh, Weeby nói: “Lính Mỹ hiện đang phải chịu đau khổ,
và trong một số trường hợp họ đang chết, bởi vì sự tồn đọng khiếu lại ở Bộ Cựu
chiến binh đã ngăn cản không cho họ được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe (tâm
thần). Hiện nay mỗi ngày có hai mươi hai cựu chiến binh Mỹ tự tử!".
Ông Leon Panetta, cựu bộ trưởng bộ quốc phòng, phát
biểu với lính Mỹ ở Baghdad trước khi họ rút về nước với lập luận rằng nhiệm vụ
cốt lõi của lính Mỹ lúc đó đã được hoàn thành. “Chắc chắn giá phải trả là rất
cao. Nhưng những người đó không hy sinh vô ích. Họ đã khai sinh ra một nước Iraq
độc lập, tự do và có chủ quyền”, Panetta nhấn mạnh.
Toby Dodge, một nhà phân tích tại viện nghiên cứu
Chatham House có trụ sở ở Anh cho rằng Iraq đã biến thành một nhà nước cảnh sát
có cảm tình với Iran. Đó là nơi mà các tay súng người Sunni và những kẻ đánh bom
khủng bố của lực lượng al-Qaeda dường như thoải mái đánh phá, giết hại hàng trăm
người mỗi tuần. Kết luận của ông Dodge là: 10 năm sau khi thay đổi chế độ ở
Iraq, không có gì thay đổi cả.
Trong một báo cáo viết cho Chatham House, Dodge nhận
định: “Cuộc sống của những người thường dân Iraq, về mặt quan hệ với nhà nước và
kinh tế, hiện rất giống tình hình họ phải đối mặt ở đất nước này trước khi có sự
thay đổi chế độ”.
Rất nhiều cựu chiến binh từ cuộc chiến Iraq thừa nhận
rằng họ đã chiến đấu vì những người đồng đội của mình chứ không phải là cho việc
xây dựng bất kỳ một “hòn đảo dân chủ” nào trong thế giới Arab.
Robert Contreras, người hai lần sang chiến đấu ở
Iraq, đã trở về nước để hoàn thành bậc học cao đẳng, nơi mà anh đã cố gắng hòa
nhập với các bạn sinh viên khác, nói: “Câu hỏi chung nhất mà tôi thường gặp là
tôi đã bao giờ giết người chưa.”
“Về cá nhân mà nói, tôi không phải đến đó để chiến
đấu cho Iraq. Tôi đến đó để bảo vệ những người cùng tôi chiến đấu, với tất cả
khả năng của mình”, Contreras nói, để trả lời câu hỏi liệu cuộc chiến thắng lợi
hay thất bại.
Contreras cũng phát triển những triệu chứng của bệnh
rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). “Tôi thường bị hồi hộp khi ở những nơi
đông người và không thấy thoải mái ở tất cả mọi nơi, trừ khi ở nhà”, anh
nói.
Các cựu chiến binh như Weeby và Contreras đã tìm ra
cách chữa bệnh cho mình để tạo ra những ý nghĩ tích cực từ kinh nghiệm sau cuộc
chiến ở Iraq, cũng là để đối phó tốt hơn với một số nghi vấn dai dẳng về tương
lai của Iraq. Cách của họ là kết thân với những đồng đội cựu chiến binh
khác.
Weeby là một người ủng hộ tích cực đối với những cựu chiến binh
khu vực Vịnh San Francisco trong khi Contreras làm việc trong Hội cựu chiến binh
Iraq và Afghanistan (IAVA), một tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên và lớn nhất, đại
diện cho các cựu chiến binh trong hai cuộc chiến tranh đó.
Cả hai hiện đang ở thủ đô Washington và tham gia cuộc tiến công
“Bão táp tại quốc hội”, gây sức ép buộc quốc hội Mỹ giải quyết những vấn đề cơ
bản của cựu chiến binh, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp 9,4% và chương trình y tế bị
thu hẹp.
Weeby tâm sự: “Trở về nước với một nhận thức mới về cuộc sống và
tự do, tôi đã quyết tâm cống hiến sự nghiệp của mình cho việc giúp đỡ những đồng
nghiệp khác”.
Các tư lệnh quân đội Mỹ có thể lập luận rằng cuộc chiến ở Iraq
đã mang lại những thay đổi quan trọng ở đó. Người Iraq ngày nay khá hơn khi
không còn Saddam Hussein và chí ít họ đã giành được một nền dân chủ non trẻ cũng
như tổ chức các cuộc bầu cử toàn quốc.
Tuy nhiên, tròn 10 năm kể từ sau cuộc chiến “sốc và kinh hoàng”
dự định mở đường cho một nước Iraq được giải phóng, cũng như một “chiến lược
chuyển tiếp của tự do” dự định sẽ tràn ngập khắp khu vực Trung Đông, những người
Iraq giờ đây lại trở thành nạn nhân của hết làn sóng bạo lực sắc tộc này đến làn
sóng bạo lực khác. Và rất nhiều “chiến sĩ giải phóng” Mỹ đang phải chiến đấu cho
sự sống còn của chính bản thân họ ngay tại quê nhà.
Phạm Ngọc Uyển (theo NBC
News)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten