dinsdag 26 maart 2013

97 tỷ USD vốn FDI cho Việt Nam sau 25 năm

Thứ ba, 26/3/2013, 08:14 GMT+7
Twitter
Facebook

97 tỷ USD vốn FDI cho Việt Nam sau 25 năm


Con số này bằng khoảng 47% lượng vốn mà các nhà đầu tư cam kết mang tới. Sau 25 năm mở cửa thu hút, dòng vốn ngoại được cơ quan quản lý đánh giá đã thể hiện vai trò tích cực nhưng chưa được như kỳ vọng.
> Nhà đầu tư ngoại vẫn lo bất ổn vĩ mô tại Việt Nam
> Thu hút FDI giảm hơn 60%


Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời đã khai nguồn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) - một đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế suốt hơn 2 thập kỷ tiếp theo. Tổng kết trước thềm Hội nghị 25 năm đầu tư nước ngoài ngày 27/3, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhận định dòng vốn cũng như khu vực FDI đã thể hiện "vai trò tích cực" trong thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, nộp ngân sách và tạo việc làm. Tuy vậy, đại diện cơ quan quản lý cũng thừa nhận việc thu hút FDI chưa đạt kỳ vọng.

Đến tháng 8 năm 2012, cả nước có gần 14.100 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 207 tỷ USD. Tuy vậy, lượng giải ngân thực tế mới đạt khoảng 97 tỷ USD, tương đương khoảng 47% số cam kết. FDI tăng từ 20,7 tỷ USD trong giai đoạn 1991 - 2000 lên gần 70 tỷ USD trong những năm 2001 - 2011, nhưng tỷ trọng so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại giảm từ hơn 24,3% xuống còn 22,75% trong cùng giai đoạn.

Giai đoạn
(năm)
Vốn FDI thực hiện
(tỷ đồng)
% vốn FDI thực hiện
so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội
1991 - 2000 20,67 24,32
2001 - 2011 69,47 22,75

Ở khía cạnh tích cực, cơ quan quản lý nhận định các doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng GDP chung cả nước. Đây cũng là khu vực đóng góp lớn vào xuất khẩu khi nâng tỷ trọng từ 45,2% (2001) lên tới 64% (2012) tổng giá trị hàng hóa xuất cảng của cả nước. Các doanh nghiệp cũng góp phần thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo và mở rộng thị trường.

Đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách cũng tăng từ 1,8 tỷ USD (1994-2000) lên 14,2 tỷ USD (2001 - 2010). Năm 2012, nộp ngân sách của các doanh nghiệp(không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng thu.

Số liệu: Bộ Kế hoạch & Đầu tư
Số liệu: Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Với gần 60% vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, khu vực FDI tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng... Đồng thời, góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu...

Hiện, khu vực FDI tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khu vực này có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về công nghệ, khu vực FDI sử dụng công nghệ cao hơn hoặc bằng công nghệ tiên tiến đã có trong nước và thuộc loại phổ cập trong khu vực. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, một số ngành đã thực hiện tốt chuyển giao công nghệ như dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy và dệt may, giày dép, trong đó viễn thông, dầu khí được đánh giá có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, qua 25 năm, ngoài những mặt đạt được, khu vực kinh tế FDI cũng còn nhiều hạn chế, với hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có quá ít dự án về cơ sở hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp rất thấp và có xu hướng giảm dần trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh. Trong dịch vụ, các dự án bất động sản quy mô lớn còn cao song nhiều trong số dự án này chậm triển khai, gây lãng phí về đất đai, vay vốn trong nước.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn FDI hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng đầu tư nước ngoài vào địa bàn khó khăn. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao không tạo ra lợi thế khác biệt cho từng địa phương và vùng lãnh thổ.

Gần 60% vốn FDI tập trung trong ngành công nghiệp và xây dựng. Ảnh: CP
Gần 60% vốn FDI tập trung trong ngành công nghiệp và xây dựng. Ảnh: CP

Đối tác đầu tư vào Việt Nam chủ yếu từ châu Á, nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao. Hiện mới chỉ thu hút được trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, chỉ khoảng 47,2%.

Bên cạnh đó, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Theo đánh giá của Bộ, chuyển giao công nghệ chủ yếu thực hiện theo chiều ngang - giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, ít có những biến đổi về trình độ và năng lực công nghệ. Công nghệ thấp dẫn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu thực hiện việc gia công. Một số doanh nghiệp được coi là công nghệ cao nhưng những khâu sử dụng công nghệ cao lại không thực hiện ở Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam tạo ra gia trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu.

Đánh giá về tạo công ăn, việc làm, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tỷ lệ việc làm mới do khu vực FDI tạo ra không tương xứng (chỉ chiếm 3,4% trong tổng số lao động có việc làm năm 2011). Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI chỉ cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhu cầu về nhà ở, đời sống văn hóa ở các khu tập trung nhiều lao động đã trở nên bức xúc mà chưa đáp ứng được.

Ngoài việc có hiện tượng chèn lấn doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Hàn Phi
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten