vrijdag 22 maart 2013

12,4 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài

Thứ sáu, 4/1/2013, 15:33 GMT+7
Twitter
Facebook

12,4 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài


Lượng giải ngân thực tế, tính đến cuối năm 2012 là 3,8 tỷ USD và mang lại cho các doanh nghiệp khoản lợi nhuận khoảng 430 triệu USD.
> Cơ hội đón làn sóng FDI trở lại
> Khó tìm chứng cứ né thuế của đại gia nước ngoài


Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 12/2012, Việt Nam hiện có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đăng ký khoảng 12,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, cả nước có 75 dự án loại này với số vốn khoảng 1,3 tỷ USD.

Doanh nghiệp Việt khá thành công với các dự án đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: HAG

Trong số hơn 12,4 tỷ USD, doanh nghiệp thực tế đã giải ngân được tổng cộng 3,8 tỷ USD (1,2 tỷ trong năm 2012). Trao đổi tại buổi họp báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư sáng 4/1, Cục trưởng Cục Đầu Tư nước ngoài - Đỗ Nhất Hoàng cho biết các dự án nêu trên đã giúp doanh nghiệp Việt Nam chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 430 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông, cao su…

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện đã dần đi vào nề nếp và có xu hướng gia tăng đáng kể tại các nước mà Việt Nam chú trọng đầu tư như Lào, Campuchia, Myanmar…, góp phần tạo việc làm trong nước cũng như các quốc gia nhận đầu tư. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu hiện vẫn nằm ở khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, đặc biệt là với hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn Nhà nước.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, báo cáo cho biết lượng giải ngân thực tế trong năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD, thấp hơn so với mức trung bình khoảng 11 tỷ USD của giai đoạn 2010 - 2011. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được cơ quan quản lý đánh giá là khả quan trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều sức ép về cạnh tranh và môi trường kinh tế. Cũng trong năm 2012, khu vực FDI xuất siêu hơn 13 tỷ USD (gồm cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu khoảng 12,7 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề chống chuyển giá, vốn nhức nhối gần đây trong khu vực FDI, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết đã xây dựng đề án trình Chính phủ. Đề án này đang trong giai đoạn tiếp tục được trao đổi giữa cơ quan này và Bộ Tài chính, do liên quan nhiều tới vấn đề thuế và hải quan. Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện cơ quan soạn thảo, đề án này sẽ bao gồm việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lực lượng, cơ sở dữ liệu về quản lý giá (có thể phải mua của nước ngoài) cũng như tăng cường các cuộc kiểm tra chống chuyển giá...

Tại cuộc họp báo sáng 4/1, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng công bố số liệu chính thức về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, số giải thể, phá sản trong năm là 54.361 đơn vị, cao hơn so với mức 53.972 doanh nghiệp của năm 2011. Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 475.700 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 70.000 thành lập mới trong năm.

Nhật Minh
 
Thứ sáu, 22/3/2013, 09:59 GMT+7
Twitter
Facebook

Đại gia Việt mang tỷ USD đầu tư ra nước ngoài

Các tên tuổi lớn như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai hay BIDV... đều đang hướng tầm mắt tới các thị trường ngoại quốc, trong đó khu vực Đông Nam Á được xem là lựa chọn ưu tiên.
> 12,4 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài
> Việt Nam dự kiến 1 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài

Gây chú ý nhất trong thời gian gần đây là kế hoạch xuất ngoại làm ăn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG). Tổng vốn đầu tư nước ngoài của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tại Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar lên đến 1,3 tỷ USD.
Bầu Đức chính thức đầu tư vào Lào từ năm 2007 ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Hiện, Lào là thị trường thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của Hoàng Anh Gia Lai với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD.
Hoàng Anh Gia Lai đã mang máy móc thiết bị qua Myanmar để phục vụ thi công. Ảnh: Vũ Lê
Sau Lào, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia năm 2008. Tập đoàn này có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, còn có 2 mỏ sắt, nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách nhau khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam khoảng 40km. Tổng số vốn mà Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD.
Thái Lan là thị trường thứ 3 mà bầu Đức ngấp nghé. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc Hoàng Anh Gia Lai đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Đến năm 2012, Hoàng Anh Gia Lai chính thức xâm nhập thị trường Myanmar sau nhiều năm thăm dò khảo sát và chuẩn bị pháp lý. Tập đoàn này đầu tư 300 triệu USD xây dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre. Đây là khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp tại cố đô Yangon. Dự án thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm.
Thị trường Myanmar với cơ sở hạ tầng còn hạn chế đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vũ Lê
Trước Hoàng Anh Gia Lai, một công ty bất động sản khác cũng âm thầm xâm nhập thị trường Myanmar. Năm 2009, C.T Group khai phá thị trường Myanmar và có nhiều dự án đang hoặc sắp triển khai tại đây với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 170 triệu USD.
Trong quý III/2013, C.T Group dự kiến triển khai xây dựng 2 dự án tại Yangon trị giá 150 triệu USD. Tổng diện tích hai dự án khoảng 14.000m2, là khu phức hợp gồm Trung tâm thương mại, Văn phòng cho thuê, Khách sạn, Căn hộ cao cấp...
Cùng với bất động sản, năm 2013, C.T Group sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất bột mì vốn đầu tư 20 triệu USD, nhà máy sản xuất mỳ ăn liền tại Myanmar trị giá 3 triệu USD. Ngoài Myanmar, C.T Group đang lập kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm phân phối hàng Việt tại Osaka - Nhật Bản.
Viettel xem Châu Phi mảnh đất đầy tiềm năng. Ảnh: Viettel
Cùng với các doanh nghiệp tư nhân, năm 2006, một tập đoàn nhà nước là Viettel đã có những bước đi trước tiên đầu tư sang các nước trên bán đảo Đông Dương, với hai thương hiệu là Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào.
Hiện, Tập đoàn Viễn thông quân đội đã chính thức kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại 4 thị trường Campuchia, Lào, Haiti và Mozambique và năm nay sẽ khai trương tại Peru và Đông Timor. Cùng với thị trường Cameroon vừa được cấp phép đầu tư, Viettel đang xin cấp phép mới tại Nigieria, Burkina Faso, Myanmar và Cuba. Trong đó, Châu Phi là thị trường tiềm năng mà tập đoàn này muốn tập trung khai thác. Năm 2011, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của Viettel là 40 triệu USD lợi nhuận. Năm 2012, con số lãi dự kiến tăng gấp đôi.
Hầu hết thị trường Viettel chọn là các nước đang phát triển. Nhìn nhận về cơ hội tại những nơi này, theo đại diện nhà mạng quân đội, tập đoàn thường xuyên phải đối diện với khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, trong đó Viettel là "nghèo nhất". Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng chính kinh nghiệm kinh doanh tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam mới là lợi thế để cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng tại Việt Nam xem Campuchia "vùng đất hứa". Ảnh: C.H
Chính sự ra quân ồ ạt của các doanh nghiệp lớn tại nước ngoài cũng thúc đẩy các ngân hàng vươn tay tới các thị trường này nhiều hơn. Lào, Campuchia được xem là "vùng đất hứa" hiện nay của phần lớn các nhà băng như BIDV, Sacombank, SHB, Ngân hàng Quân đội... "Khi các doanh nghiệp nở rộ sang Lào, Campuchia làm ăn, việc quản lý dòng tài chính cho họ là một cơ hội lớn, bên cạnh dịch vụ nhận kiều hối", tổng giám đốc một ngân hàng có chi nhánh tại Lào cho biết.
Trong khi đó, tại châu Âu, Vietinbank cũng đã mở 2 chi nhánh tại Đức. Lãnh đạo một trong những ngân hàng cổ phần đầu tiên vươn ra nước ngoài thừa nhận: "Hiện mới chỉ có khối quốc doanh mở chi nhánh ở châu Âu còn ngân hàng cổ phần thì hầu như chưa vươn xa và chủ yếu tham gia các thị trường như Lào, Campuchia".
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho rằng tại các địa bàn này, 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào có giao thương khá thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nên cơ hội đầu tư là khả quan. Phần lớn Sacombank sử dụng người bản xứ, nhân viên người Việt Nam chỉ khoảng vài chục người và chiếm các vị trí chủ chốt.
Vũ Thanh Hàn
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten