zondag 3 maart 2013

Miến Điện : Con đường tới Irrawaddy

03 Tháng 8 2008
 
Con đường tới Irrawaddy (phần 1)

Chùa Sule ở Rangoon
Miến Điện nổi tiếng với những ngôi chùa thếp vàng
Miến Điện, hay Myanmar, không phải là đất nước quá xa lạ với Việt Nam.
Cùng nằm trong khối ASEAN, nhiều người VN từng nghe về xứ sở với những ngôi chùa thếp vàng chói lọi, về bà Aung San Suu Kyi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình.
Đội tuyển bóng đá nữ Myanmar cũng là đối thủ đáng gờm của đội tuyển nữ Việt Nam.
Thế nhưng, không nhiều người Việt tới thăm Miến Điện. Thực ra, không nhiều du khách của bất cứ nước nào. Nhất là sau khi thảm họa lốc xoáy Nargis xảy ra, khách du lịch gần như vắng hẳn.
Khi tôi nói với người giám đốc công ty du lịch lữ hành ở Bangkok rằng tôi đã có thị thực vào Miến Điện, muốn được tới vùng châu thổ sông Irawaddy để xem tình hình khắc phục bão lụt ở đó ra sao, ông ta nhìn tôi như một người vừa từ trên trời rơi xuống.
"Cô điên hay sao mà muốn đến khu vực ấy làm gì?"
Ông ta đưa ra cơ man là giấy tờ, cả chỉ thị của chính quyền Miến Điện, nói rằng khách du lịch nước ngoài muốn tới vùng đồng bằng bị bão thì phải xin giấy phép của bộ Quốc phòng.
Tôi hỏi: ‘Liệu ông có thể xin giấy cho tôi hay không’?
Lần này thì ông giám đốc thở dài ngán ngẩm. Ông ta giải thích quá trình xin giấy phép phức tạp như thế nào.
Từ Bangkok, công ty sẽ phải gửi đơn về trụ sở chính ở Rangoon, hay còn gọi là Yangon.
Người nước ngoài thì chỉ nên ở các thành phố lớn, những vùng không có vấn đề mà thôi.
Công ty du lịch Miến Điện

Rồi từ Yangon, đơn sẽ được chuyển tới Naypidaw nơi đặt các văn phòng chính phủ. Từ đó đi đâu có trời biết.
Đến lúc nhận được câu trả lời, chắc visa hết hạn mất rồi.
Ông ta khuyên nhủ: "Thôi quên đi cô ạ".
"Người nước ngoài thì chỉ nên ở các thành phố lớn, những vùng không có vấn đề mà thôi".
Bưng bít thông tin
Tới Miến Điện, mới hiểu mức độ bưng bít thông tin ở đây như thế nào.
Một người bạn Miến Điện nói với tôi: đặt chân xuống sân bay là đã thấy ngột ngạt. Ngột ngạt về mặt thông tin, về xã hội.
Cả nước có hai tờ báo in bằng tiếng Anh, hình thức xấu xí đã đành, mà nội dung thì toàn là lời lẽ tuyên truyền tẻ nhạt và cứng nhắc.
Là người đã trải qua thời kỳ tiền đổi mới ở Việt Nam, tôi nhận ra một vài nét tương đồng trong việc cấm đoán thông tin, trong tâm lý sợ hãi của người dân khi phải làm gì đó không được chính quyền cho phép.
Cả sự ám ảnh trước công an, cảnh sát, trước những quy định bất thành văn.
Cảnh Rangoon
Thành phố Rangoon còn mang nét kiến trúc thuộc địa

Thế nhưng, ở đây chúng ta đang nói tới một thảm họa mà rõ ràng là quá sức đối phó của một quốc gia.
Tại Việt Nam, hồi cơn bão Linda năm 1997, các hãng truyền thông và cơ quan cứu trợ nước ngoài được mở rộng cửa mời vào để chứng kiến và giúp đỡ.
Thế nhưng ở Miến Điện, ba tháng sau thiên tai cả khu vực bị ảnh hưởng vẫn đóng im ỉm trước báo chí và thậm chí cả du khách nước ngoài.
Hồng Nga đã làm thế nào để tới khu vực bị bão Nargis và cuộc sống của người dân tại khu vực đó ra sao, xin đón xem phần hai tường thuật đặc biệt 'Con đường tới Irrawaddy'.




http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2008/08/080801_burma1.shtml

Con đường tới Irrawaddy (phần 2)

Nông dân Miến Điện
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường
Thật vô cùng vất vả tôi mới tìm được một người lái taxi và một hướng dẫn viên du lịch chịu đi cùng với tôi vào khu vực Irrawaddy, với điều kiện có vấn đề gì là phải quay lại ngay lập tức.
Anh hướng dẫn viên nói với tôi lần trước cách đây hai tháng, anh dẫn một đoàn nhà báo nước ngoài tới khu vực này và đã bị nhà chức trách bắt, phải làm tường trình và bị cảnh cáo.
Có người vì giúp phóng viên ngoại quốc mà đã bị bắt giam hoặc bị tịch thu giấy phép hành nghề.
Ngay cả người dân ở các khu bị bão cũng được chỉ thị là không được nói chuyện với người nước ngoài, nhất là nhà báo. Ai nói chuyện với nhà báo nước ngoài, bị tố giác thì sẽ gặp phiền toái to với nhà chức trách.
Con đường đi xuống phía nam từ Rangoon gập ghềnh đầy ổ gà trong cơn mưa xối xả. Đang mùa mưa, kéo dài từ tháng Năm cho tới tận tháng Chín, tháng Mười. Hầu như ngày nào cũng có mưa, thường là bắt đầu vào buổi trưa, rải rác tới tận tối.
Ba tiếng đồng hồ xe chạy từ Rangoon qua Twante về phía nam, tôi đếm được chừng bảy trạm gác cả to lẫn nhỏ. Các trạm đều có lính cầm súng đứng canh.

Cũng may là có mưa, mà những ánh mắt nhìn qua cửa sổ xe không nhận ra tôi là người nước ngoài.
Tôi giả làm một người Miến Điện, đi cùng chồng thăm thân nhân ở vùng bị bão. Thế nhưng dù đã mượn vợ anh lái xe chiếc váy quấn kiểu địa phương mặc vào người, tôi vẫn cảm thấy không yên tâm.
Ông 'chồng hờ' của tôi còn mang mấy miếng trầu ra nhai bỏm bẻm, cho giống người bình dân địa phương.
Anh ta trấn an tôi rằng, trông thoáng qua, tôi cũng giống người Miến Điện. Anh còn dặn, giả sử bị dừng xe lại, dù thế nào tôi cũng không được mở miệng nói lời nào, để anh tự xoay sở.
Ba tiếng đồng hồ xe chạy từ Rangoon qua Twante về phía nam, tôi đếm được chừng bảy trạm gác cả to lẫn nhỏ. Các trạm đều có lính cầm súng đứng canh. Trạm lớn được nói có cả an ninh và dân phòng.
Những khi hết mưa, trời trong lên, là những lúc hồi hộp nhất.
An ninh chặt chẽ
Chúng tôi đi qua các khu dân cư, nhiều khu dường như không bị hề hấn gì trong cơn bão, nhưng cũng có nhiều khu hàng chục nhà tạm mái phủ bạt của các nạn nhân bão Nargis nằm san sát bên nhau.
Nhìn chung, cứu trợ đã đến những nơi này và cảnh tượng khác hẳn khung cảnh tan hoang ngay sau cơn bão. Các cánh đồng ̣đã bắt đầu phủ màu xanh của một mùa lúa mới.
Trong chuyến thị sát mới rồi tới châu thổ Irrawaddy, trưởng cơ quan cứu trợ của LHQ John Holmes đã kêu gọi chính quyền quân nhân Miến Điện tăng tin tưởng đối với các cơ quan nước ngoài để có thể thực hiện cứu trợ một cách hiệu quả.
Nhà tạm của nạn nhân lốc xoáy
Nhà tạm mái phủ bạt của các nạn nhân bão Nargis nằm san sát bên nhau

Hiện cơ quan của ông Holmes vẫn chưa có trụ sở riêng tại Miến Điện, cũng vì sự nghi ngờ của giới chức ở Naypidaw.
Tôi đã không tới được các thị trấn lớn trong đồng bằng Irrawaddy như ông Holmes.
Từ Kunyangon chúng tôi đi thêm một đoạn đường dài, cho tới gần một chiếc cầu lớn bắc trên sông Toe.
Qua chiếc cầu này là tới Dedaye, một khu vực cũng bị bão nặng khác, rồi tới Bogale, nằm ở lưu vực sông Irrawaddy. Nhưng người lái xe từ chối không đi tiếp.
Anh ta nói ngay trên cầu là một trạm gác trung tâm, tất cả các xe đều phải dừng lại để kiểm soát. Nếu đi nhất định chúng tôi sẽ bị bắt. Nhìn vẻ run sợ của người lái xe, tôi không thể làm gì khác. Thế là chúng tôi quay đầu trở lại Yangoon.
Trong phần ba của loạt bài, là câu chuyện của những nạn nhân lốc xoáy Nargis mà Hồng Nga đã tiếp xúc trong chuyến đi Miến Điện.
 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2008/08/080802_burma2.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten