'Xã hội trơ lì' trong Thành phố đi vắng
Cập nhật: 10:20 GMT - thứ
hai, 4 tháng 3, 2013
Giải thưởng Hội Nhà Văn thể loại Văn xuôi cho tập
truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - người đã từng
nhận tặng thưởng Hội Nhà Văn năm 1995 cho tập truyện ngắn Hậu thiên đường – có
thể coi là một đánh giá đúng của ban Chung khảo Hội Nhà Văn Việt Nam năm
2012.
Đặt chân tới “Thành phố đi vắng", lập tức bị lôi không cưỡng được vào một
không gian không phải ba chiều quen thuộc mà nhiều chiều. Ở đó đường thẳng dường
như đã bẻ cong, mặt người như biến dạng và thời gian như ngưng đọng.“Tối qua…có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử…Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải.”
“Giá rau muống lên rồi, mà rau thì toàn hóa chất, đàn vịt nhà tôi, mới hôm kia lăn ra chết vì ngộ độc rau muống sống…”
Một bà tự lao vào đuôi xe – một con bé cầm dao trong túi quần đi tự tử - đàn vịt lăn ra chết ngộ độc rau muống…Các sự kiện trồi lên rồi lại chìm đi – chẳng liên quan tới nhau, chỉ hiện ra khi ta nhìn nó và lại biến đi khi ta nhìn chỗ khác.
“Thành phố như người đông máu, vô cảm dửng dưng…"
“Nhìn chung là rất thích. Rõ ra sự thay đổi, nhưng có điều gì đấy, giống như cả thành phố này đang đi vắng, hoặc sắp dọn đi, và ai cũng trong tư thế chuẩn bị."
"Cô gái nói xong, tiến tới con chó. Bằng một động tác nhanh như tia chớp xẹt ngang trời đêm, đá một phát thẳng vào giữa mồm con chó…nó nằm vật ra đất, cổ ngộ sang bên…”
Chết do nhảy cầu tự vẫn. Chết do đổ xăng vào người rồi đốt. Chọc nhau trong quán nhậu là vớ dao đâm chết người. Chết do lật xe, cả một đống người không nhận ra ai nữa… Các sự kiện đều nhuốm màu tai ương và chết chóc dù ở quá khứ hay hiện tại đều xảy ra không theo trật tự tuyến tính mà đột ngột hiện ra trong một chuỗi đứt đoạn như ở sẵn đó, cùng một thời điểm cứ như thời gian đã đóng băng, đã ngưng đọng.
Và nếu hình dung mỗi sự kiện như một cù lao thì truyện ngắn như một vùng biển vô số các cù lao cách biệt, chẳng liên quan gì tới nhau, chẳng rõ ở đâu tới, tại sao nó có ở đó và rồi sẽ ra sao?
"Khác hẳn lối viết cảm xúc xót thương, day dứt, giận dữ cổ điển, giọng văn Nguyễn Thị Thu Huệ thản nhiên không phải vô cảm mà vô sắc, trung tính vốn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các truyện ngắn của chị."
Vậy là nàng đã yêu và về ở với X-Men, một huấn luyện chó đua. Và rồi ở ngoài biển người ta vớt xác một thiếu nữ khoả thân trên người có những vết răng chó.
”Có nghĩa không phải anh giết người một lần mà nhiều lần?” "Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm gì hay nói thế nào, em mới chịu tin là anh giết cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ?"
Như vậy đó, lại tai ương và cái chết được kẻ giết người nhắc tới với giọng lạnh tanh nhẹ bỗng như hút thuốc vậy.
Một đôi trai gái khác hay lui tới “Phòng chiếu phim số 9” khiến tạp vụ phải khen:
” Đẹp đôi thế không biết . Cả năm nay một tuần gặp đến ba lần, lúc nào cũng thấy anh chị vui vẻ, thích xem phim. Nhìn anh chị em phát thèm.”
Vậy rồi tan buổi chiếu soát vé đã phát hiện ra:
“ Hai mắt trong suốt mở to nhìn người đối diện. Ngực trái là con dao làm bằng xác máy bay, thép trắng xanh có khắc số 1975 bằng tay, cắm sâu và dòng máu nhỏ đạm đặc thâm đông trên nền áo trắng, chảu xuống đùi, đọng thành vũng dưới mặt sàn trải thảm…”
Chi tiết được đặc tả rất “chi tiết” cứ nhan nhản trong các truyện khiến người ta liên tưởng tới chủ nghĩa thái thực, hay cực thực một thời rất thịnh hành ở phương Tây.
Ai giết chàng trai? Không rõ? Chỉ biết nghi can là cô gái. Tại sao giết? Không biết. Không thể không nghĩ tới “hành vi vô căn” trong văn học hiện sinh.
Khác hẳn lối viết cảm xúc xót thương, day dứt, giận dữ cổ điển, giọng văn Nguyễn Thị Thu Huệ thản nhiên không phải vô cảm mà vô sắc, trung tính vốn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các truyện ngắn của chị.
"Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đầy ắp chi tiết thực, ảo, người , ma…gây liên tưởng tới truyện Allan Edgar Poe, nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng với truyện bí ẩn và rùng rợn, cha đẻ của thể lọai tiểu thuyết trinh thám."
Phải nói Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng thủ pháp ngoa khá nhuần nhuyễn tạo nên những yếu tố kinh dị hợp lý. Những chi tiết kiểu Hitchcock nhan nhản trong các trang truyện nhưng không thể nói truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thể loại kinh dị. Không phải, truyện của chị vẫn là văn xuôi, một thứ văn xuôi như quái vật nuốt hết vào người những gì nó gặp trên đường đi của nó.
Đọc “Thành phố đi vắng”, người ta cảm thấy hiệu lực mạnh mẽ của ngôn từ chuyển vận rất nhanh những chi tiết, những sự kiện bị nén lại. Truyện ngắn như một file nén dồn chặt thông tin và chỉ cảm hết được những thông báo của nó khi người đọc giải nén bằng cảm thụ của chính mình. Một thứ không gian mê cung rối rắm và phức hợp, một cảm xúc vô tính, trơ lì, phập phồng bất an như Camus, như Kafka.
Nếu coi mỗi tai ương là một sự kiện bất định thì truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ tràn ngập những hàm hồ, rối rắm khiến độ bất định của không gian truyện mỗi lúc một tăng cao. Theo nhiệt động học, khí độ bất định của một hệ thống vô cùng lớn thì năng lượng của nó tiến tới số không. Chính vì truyện đầy rẫy những sự kiện bất định nên xã hội chứa đựng chúng ngày càng trở nên thiểu năng, tiến tới phi năng lượng, một xã hội trơ lì, không còn nhúc nhích, không còn chuyển động, mọi sự vật, con người như những cô thể bất động chẳng ngọ nguậy, chẳng còn gắn kết được với nhau. Cảm giác trơ lỳ, vô sắc, dửng dưng trước mọi biến cố xung quanh, kể cả cái chết gợi lên từ truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ vốn là đặc điểm lớn nhất của thời ta đang sống.
Trong nền văn chương trầm lắng hiện nay, “Thành phố đi vắng” thực sự rất đáng ghi nhận như một tín hiệu đáng mừng, một thành tựu mới trong văn xuôi hiện đại.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2013/03/130304_thu_hue_book_review.shtml
Geen opmerkingen:
Een reactie posten