Cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm có thể là bàn đạp xuống phía nam để Trung Quốc lập các thành phố khác, thực hiện chiến lược chiếm dần từng nhóm đảo, rồi ôm trọn cả Biển Đông.
> Trung Quốc đang tính gì ở Biển Đông
> 5 ngòi nổ trên Biển Đông
Tàu và máy bay quân sự Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua |
Đây là nhận định của nhà phân tích Sarabjeet Singh Parma, học giả thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ. Bài viết được đăng trên tạp chí Eurasia Review tháng này.
Việc Trung Quốc thành lập đồn trú quân sự ở "Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cùng với việc lập ra một hội đồng thành phố là những sự kiện làm thay đổi nghiêm trọng tình hình. Mục đich của họ, một là để mở rộng tầm với về quân sự; hai là tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; và ba là đối phó với chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực.
Về ý nghĩa quân sự, thiết lập một căn cứ có thể giúp Trung Quốc có “chiều sâu” về phòng thủ, tấn công và tăng phạm vi hoạt động. Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam 350 km về phía nam và nằm ở phía tây bắc của Biển Đông, có một vị trí chiến lược quan trọng.
Từ đây Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía nam đảo Hải Nam và lục địa Trung Quốc. Đường băng trên đảo Phú Lâm dài khoảng 3 km, cho phép các máy bay tiêm kích của Trung Quốc như Sukhoi SU-30MKK hoạt động. Bản đồ kèm theo cho thấy khu vực có thể nằm trong tầm hoạt động của các loại máy bay JH-7 và SU-30 hoạt động từ hòn đảo này. Hơn thế nữa, đường băng trên đảo có khả năng kéo dài thêm bằng cách lấn thêm ra biển, tùy thuộc vào địa hình và độ sâu của mực nước ở khu vực.
Căn cứ hải quân ở đảo Phú Lâm đã được nâng cấp trong nhiều năm nay với việc xây dựng một cầu cảng khoảng dài 400 m và một đê chắn sóng để bảo vệ tàu neo đậu ở đó. Độ sâu ở đây cho phép các tàu lớn như tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ tới neo đậu. Độ sâu hiện nay còn có thể được tăng lên bằng cách nạo vét thêm để neo đậu hoặc cập bến cho các tàu lớn hơn.
Tầm hoạt động của máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất phát từ đảo Phú Lâm trên Biển Đông. Đường màu xanh dương là hải trình của các tàu thương mại chở đến 70% lượng dầu lửa nhập vào Nhật Bản. Đồ họa: IDSA |
Những hòn đảo xung quanh Phú Lâm, dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, có thể được sử dụng như một trạm theo dõi hoạt động hàng hải và thu thập thông tin tình báo. Những hình ảnh vệ tinh chụp năm 2008 cho thấy sự hiện diện của râu angten, chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập một trạm nghe lén và theo dõi. Radar sẽ được bổ sung vào hệ thống mạng và làm cho các đảo này trở thành một nút thông tin liên lạc.
Trước khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện để làm căn cứ đủ về số lượng cho máy bay và tàu chiến Trung Quốc, hòn đảo này có thể bị sử dụng như căn cứ tiền tiêu. Những cơ sở hiện có có thể bao gồm hầm ngầm, kho dự trữ đạn dược, hậu cần và hỗ trợ y tế, sửa chữa và bảo dưỡng và nơi ăn nghỉ. Mặc dù số lượng các cơ sở sẽ bị hạn chế do diện tích hẹp, hòn đảo vẫn có thể trở thành một tiền đồn có giá trị.
Mặc dù sự hiện diện quân sự tiền tiêu của Trung Quốc bị coi là không mạnh, nhưng ít có quốc gia nào ở khu vực có thể ngăn cản được họ bằng phương cách vũ lực. Có chăng chỉ là khả năng các nước này đưa ra các tuyên bố phản đối miệng hoặc thông qua con đường ngoại giao.
Nếu các nước chọn cách ngừng can dự hoặc ngừng đối thoại với Trung Quốc, các tiến bộ nhỏ nhoi và phải dày công mới đạt được, tính đến nay, có thể tê liệt. Viện trợ quân sự từ nước ngoài cho các nước tranh chấp có thể khiến Trung Quốc cứng rắn hơn.
Điều 121 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) về các chế độ đảo quy định một hòn đảo cần phải duy trì điều kiện là nơi cư trú của con người và có đời sống kinh tế riêng, thì mới đủ điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Vì thế dù Phú Lâm có diện tích hạn chế, Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội, khoa học... để sau đó đưa yêu cầu chủ quyền đối với các khu vực hàng hải của hòn đảo theo Điều 121, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng tiếp giáp.
Họ đang tính toán để một khoảnh đất gần 13 km vuông lại có thể mang cho họ thẩm quyền đối với 2 triệu km vuông vùng biển của các nước khác.
Trung Quốc đòi chủ quyền Biển Đông theo đường lưỡi bò (màu đỏ) vô căn cứ và không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Đồ họa: IDSA |
Việc hội nghị bộ trưởng ASEAN không ra được một bản tuyên bố chung tại hội nghị gần đây là dấu hiệu cho thấy các nước thuộc Hiệp hội cần đoàn kết hơn và xây dựng một lập trường đa phương. Sự chia rẽ trong ASEAN sẽ tiếp tay cho Trung Quốc theo đuổi yêu sách đàm phán song phương. Trung Quốc luôn muốn đàm phán với từng nước có tranh chấp, bởi không nước nào có thế lực nhiều bằng họ. Nếu ASEAN đứng chung một vị trí trong tranh chấp, lợi thế của Trung Quốc sẽ giảm đi.
Rất có thể Trung Quốc lợi dụng tình hình hiện nay để tính đến một chiến lược “đảo nối đảo”, tức là nhảy từng bước một từ đảo này xuống đảo kia.
Nếu Trung Quốc quyết định thành lập các thành phố và vùng lãnh thổ tương tự trên các hòn đảo khác mà họ kiểm soát ở Biển Đông, họ sẽ có thể bao trùm toàn bộ yêu sách của mình trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước liên quan.
Phạm Ngọc Uyển
|
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2012/08/trung-quoc-voi-chien-luoc-chiem-dan-tung-dao/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten