maandag 27 augustus 2012

Giáo sư Vũ Hà Văn giành giải thưởng quốc tế về toán học

27/8/2012

Trong lúc giáo sư Vũ Hà Văn đang ở Việt Nam dự hội nghị toán học, thì ở Đức, một giải thưởng quốc tế lớn về toán học xướng tên ông - giải Fulkerson.
> Giáo sư Đàm Thanh Sơn giảng dạy ở đại học Chicago


Giải Fulkerson là một giải thưởng dành cho các bài báo xuất sắc về Toán học rời rạc do Hội Quy Hoạch Toán học và Hội Toán học Mỹ cùng bảo trợ. Giải thưởng bắt đầu từ năm 1979. Thuật ngữ toán rời rạc được hiểu bao gồm lý thuyết đồ thị, mạng, tối ưu toán học, tổ hợp ứng dụng và các vấn đề liên quan. Trong khi các nghiên cứu trong lĩnh vực này thường liên quan đến ứng dụng thực tế, việc quyết định các bài báo được giải lại dựa trên chất lượng và ý nghĩa về mặt toán học của chúng.

Giáo sư Vũ Hà Văn (ngoài cùng bên tay trái) cùng bố - nhà thơ Vũ Quần Phương, mẹ và vợ.

- Giáo sư có thể nói về công trình mang đến giải thưởng Fulkerson?

- Bài toán mà tôi tham gia giải quyết được gọi là giả thuyết Shamir, do nhà toán học Israel Shamir nêu ra năm 1983, tổng quát hoá một mệnh đề của hai nhà toán học Hungary Erdos và Renyi từ năm 1966 và là một vấn đề trung tâm của lý thuyết đồ thị ngẫu nhiên.

Sau nhiều tháng nghiên cứu cùng với giáo sư Kahn (một trong những nhà toán học xuất sắc nhất trong lĩnh vực toán rời rạc), khi đó là đồng nghiệp cùng trường Rutgers, chúng tôi có thể chứng minh giả thuyết trên ở dạng mạnh hơn và đồng thời giải quyết hai bài toán liên quan được đặt ra bởi Erdos và Alon-Yuster.

Sau công trình này, tôi bắt tay vào nghiên cứu những đề tài khác. Bỗng tháng 6 vừa rồi tôi nhận được thư từ hội đồng xét tặng giải thưởng Fulkerson, thông báo bài của chúng tôi được đánh giá là một trong những công trình xuất sắc nhất mấy năm gần đây (tính từ 6 năm trước ngày nhận giải).

- Khi nghe tin được giải, cảm xúc của ông thế nào?

- Cách đây 15 năm, hồi đó còn là nghiên cứu sinh, tôi có làm việc với một giáo sư trẻ, chỉ hơn tôi độ 7 tuổi, người Hàn Quốc tên là Jeong Han Kim.

Khi nghe tin anh ấy được giải Fulkersson năm 1997, tôi thấy rất ngưỡng mộ và tự hỏi, mình rồi có bao giờ được như anh ấy không nhỉ? Khi biết mình được giải tôi cũng lâng lâng và tự cho mình thư giãn vài ngày.

- Theo ông, nếu thay vì sang Mỹ, ông ở lại Hungary sau khi tốt nghiệp ĐH thì liệu có được giải thưởng Polya hay Fulkerson?

- Môi trường nghiên cứu khoa học ở Hungary cũng tương đối tốt. Nhưng nếu so với Việt Nam hay Thái Lan chẳng hạn thì sẽ rất khác nhau. Môi trường làm việc có ý nghĩa rất lớn.

Trong trường hợp của chúng tôi, văn phòng giáo sư Kahn và tôi cách nhau có mấy bước chân. Khi có chủ đề cả hai cùng ưa thích thì gần như tuần nào, thậm chí ngày nào chúng tôi cũng có thể trao đổi trực tiếp.

Sự thuận lợi đó khiến cho công việc được thúc đẩy nhanh hơn. Nếu phải đến một nước khác qua một hành trình mệt mỏi, rồi chờ đợi mới gặp được một đồng nghiệp cùng chí hướng thì năng suất chắc sẽ giảm đi nhiều.

Việt Nam hay một số nước khác chưa có nhiều môi trường làm việc tốt không phải chỉ vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn là vì ta còn chưa có nhiều những nhà khoa học tầm cỡ.

- Vậy cộng đồng toán học người Việt ở Mỹ thì sao, thưa ông?

- Theo tôi, cộng đồng này ngày càng đông hơn. Thế hệ trước tôi có một vài người nổi tiếng. Thế hệ tôi có chừng 10 người, trong đó tất nhiên nổi bật nhất là giáo sư Châu.

Thế hệ 30 tuổi khá đông, tôi nghĩ trong số họ có nhiều người sẽ rất khá. Ví dụ một học trò làm tiến sĩ với tôi ở trường Rutgers là anh Nguyễn Hữu Hội. Anh Hội mới có bằng tiến sĩ hai năm nay nhưng bây giờ đã được nhận làm GS trợ giảng của trường Ohio State, Columbus (khoa toán ở đây nằm trong tốp 25 của Mỹ).

Bình thường làm xong tiến sĩ cũng phải sau chừng 4 năm mới có được vị trí đó. Hoặc mới đây có giáo sư trẻ Nguyễn Hoài Minh mới ở Pháp sang cũng làm việc rất tốt. Mỗi năm tôi tính phải có chừng 4,5 em ở tầm tuổi này tốt nghiệp nhận bằng tiến sĩ và tiếp tục làm việc ở các trung tâm lớn.

Các bạn thế hệ trẻ hơn chúng tôi khoảng 10 tuổi được đào tạo tốt hơn thế hệ chúng tôi, và cũng rất nhiệt huyết, đầy lòng say mê. Chắc chắn họ sẽ tạo nên một đội ngũ đông và mạnh hơn chúng tôi.

- Theo ông, làm thế nào để họ sẽ là những nhân tố tác động ngược trở lại một cách tích cực vào môi trường nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nước?

- Từ trước đến nay, rất nhiều nhà khoa học về Việt Nam hàng năm và tham gia các hoạt động khoa học trong nước với tư cách cá nhân.

Tuy nhiên, nếu trong nước ngày càng chủ động tổ chức các hoạt động để lôi kéo các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về tham gia cùng cộng đồng khoa học trong nước thì hiệu quả rõ ràng hơn. Việc thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán là một ví dụ.

Như ta đã biết, chất lượng trường đại học phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của người thầy. Đáng tiếc, hiện chất lượng giáo viên toán nói riêng ở đại học Việt Nam còn khiêm tốn, nhiều trường phải dùng sinh viên mới tốt nghiệp vài năm để đứng lớp, rất ít giáo sư còn tham gia nghiên cứu một cách tích cực.

Vì vậy cả về kiến thức và phương pháp tiếp cận vấn đề khó được cập nhật. Việc tạo cơ hội cho giảng viên đại học, nhất là các bạn trẻ được cọ xát với môi trường nghiên cứu quốc tế như ở Viện Nghiên cứu Cao cấp là một việc làm có ý nghĩa và có thể có ảnh hưởng lâu dài.

- Được biết lễ trao giải diễn ra tại một hội nghị toán học tổ chức ở Đức từ 18 đến 24/8 nhưng đó cũng là lúc giáo sư đã có mặt ở Việt Nam. Tại sao giáo sư lại không dự lễ nhận giải?

- Lễ trao giải được tổ chức rất trang trọng trong khuôn khổ cuộc khai mạc của đại hội toán tối ưu thế giới (tổ chức ba năm một lần) tại nhà hát lớn Berlin, và quả thật tôi cũng hơi tiếc là mình không có mặt tại đó.

Trong quãng thời gian đó, qua lời mời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, tôi về tham dự phiên họp toàn thể hội nghị toán học phối hợp Việt - Pháp ở Huế từ 20 đến 24/8.

Đây là một hội nghị lớn của toán học Việt Nam và là dịp gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào một con đường nhiều chông gai.

Sự có mặt của tôi ở đây có lẽ có chút ý nghĩa thiết thực hơn. Rất vui là thay vì lễ trao giải diễn ra ở Âu châu thì tôi được tham dự một cuộc giao lưu với các em học sinh yêu toán tại Huế, trong đó có rất nhiều em bé còn quàng khăn đỏ và mang vở dán nhãn gấu bông.

Giáo sư Vũ Hà Văn sinh năm 1970, là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương. Những năm gần đây Vũ Hà Văn nổi danh trong giới làm toán Việt Nam bởi ông là một trong số rất ít tài năng toán học người Việt được cộng đồng toán học quốc tế công nhận (thông qua các giải thưởng lớn có uy tín).
Vũ Hà Văn vốn là cựu học sinh chuyên toán của Hà Nội và học Đại học ở Hungary. Năm 1998 ông nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Yale. Từ đó đến nay ông từng làm việc tại nhiều đại học và viện nghiên cứu của Mỹ như IAS, Microsoft Research, Đại học UC Sandiego, Đại học Rutgers.
Từ mùa thu năm 2011, ông trở thành giáo sư của Đại học Yale. Năm 2008 ông được tặng giải Polya, một giải thưởng lớn của Hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng Mỹ lập ra từ năm 1969.
Từ năm 2011, ông là thành viên của Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, nơi giáo sư Ngô Bảo Châu hiện làm lãnh đạo.

Tiền Phong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten