woensdag 15 augustus 2012

'Con rồng đói' Trung Quốc ở Biển Đông

10/8/2012

Trung Quốc là nước có yêu sách tham vọng nhất trên biển. Sau thời gian dài "bế quan tỏa cảng", từ đầu thế kỷ 20, nước này bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông rồi hình thành yêu sách toàn bộ vùng biển này.
> Sách về Biển Đông ra mắt

Trong sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" vừa ra mắt, tiến sĩ Trần Công Trục đã phân tích về chiến lược biển của Trung Quốc. VnExpress giới thiệu bài viết này.
Mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở cải cách, mở cửatrỗi dậy hòa bình. Trung Quốc cho rằng, thời gian từ nay đến 2020 là cơ hội tốt nhất để phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ; đồng thời, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hòa dịu.
Mặt khác, sau một thời gian dài dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một nước lớn trên thế giới. Năm 2005, GDP của Trung Quốc vượt 2.200 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Do kinh tế phát triển nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong nước có hạn nên Trung Quốc đã trở thành con rồng đói về nguyên, nhiên liệu. Từ 2003, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ đứng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Trung Quốc đã và đang vươn ra khắp thế giới để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng để bảo đảm nhu cầu phát triển và an ninh năng lượng, trong đó biển được coi là nguồn cung cấp quan trọng.
Giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981 của Trung Quốc vừa chính thức đi vào hoạt động tại phía đông của Biển Đông sau 6 năm xây dựng. Ảnh: Xinhua.
Đồng thời, để có thể chuyên chở, nhập khẩu nguyên nhiên liệu và nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc ngày càng coi trọng quyền tự do hàng hải và an toàn thương mại hàng hải. Với khoảng 70% lượng dầu khí nhập khẩu đi qua Biển Đông, Trung Quốc coi Biển Đông là con đường sinh mệnh của mình.
Trung Quốc là nước có yêu sách tham vọng nhất trên biển. Sau thời gian dài bế quan tỏa cảng, từ đầu thế kỷ 20, nước này bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu tiên là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thể kỷ hình thành yêu sách toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách "lưỡi bò" (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1956, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974, chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995, đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía nam quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, coi Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) nhưng thừa nhận có tranh chấp, chủ trương "chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác".
Từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng, không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.
Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau, ngoại giao đi trước hải quân đi sau, văn công, vũ vệ; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật.
Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nghiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.
Nguyễn Hưng lược trích

Geen opmerkingen:

Een reactie posten