Từng là người "hét ra lửa" bên cạnh chồng (trùm giang hồ Năm Cam), những năm tháng cuối đời tại trại giam, Trúc "Mẫu Hậu" phải sống vật vã, chống chọi với nhiều cơn đau bệnh tật.
> Vợ Năm Cam chết trong trại giam
Hai hôm nay, cái chết của bà Phan Thị Trúc (Trúc "Mẫu Hậu", vợ Năm Cam) gây nhiều chú ý với người dân xung quanh chùa Phước An (đường Tôn Đản, quận 4, TP HCM). Đầu con đường nhỏ dẫn vào chùa, họ đứng bàn tán về người đàn bà từng có quyền lực nhất trong thế giới ngầm của Sài Gòn những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm qua, việc đưa quan tài bà Trúc từ trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) về đây đã làm xôn xao cả khu phố nhỏ.
Quan tài được đặt tại sảnh hông của chùa Phước An, nơi ni cô Diệu Quang (con gái bà Trúc và Năm Cam) đang tu hành. Khoảnh sân nhỏ phía trước chùa được dựng rạp, kê khoảng 4 bộ bàn ghế để cho con cháu trong nhà tiếp khách đến viếng thăm. Một số phật tử cũng bận rộn chuẩn bị cơm chay để phục vụ cho tang sự.
Trúc "Mẫu Hậu" tại phiên tòa xét xử mình và chồng. |
Bà Trúc và trùm xã hội đen Trương Văn Cam (Năm Cam) kết hôn với nhau từ thuở trắng tay. Tuy nhiên, trước khi đám cưới với Trúc, năm 16 tuổi, "anh Năm" từng có con với người đàn bà lớn hơn nhiều tuổi.
Năm Cam nổi danh và đạt được vị thế của một ông vua trong thế giới ngầm một phần nhờ vào sự toan tính, quản lý của bà Trúc. Ngôi hậu mà giới giang hồ phong cho bà này đã phần nào nói lên quyền lực của người đứng sau lưng Năm Cam.
Vào thời kỳ hoàng kim của Năm Cam, dựa vào thế của chồng là một trùm xã hội đen, bà này đứng ra cho vay với mức lãi cực "khủng". Lúc đầu, Trúc tính lãi 20%/tháng (cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng), nhưng sau đó tăng lên 30-60% mà các con nợ vẫn phải chấp nhận vì "ông trùm" muốn thế.
"Lúc đầu tôi vay tiền vì thiếu vốn làm ăn. Nhưng sau đó 2 năm tôi muốn thôi do lãi suất quá cao thì lại không dám. Tôi sợ Năm Cam và vì sự an toàn của bản thân, của gia đình nên vẫn bấm bụng vay tiền của chị Trúc hoài", một con nợ của bà này từng khai trước tòa.
Thời gian chung sống, bà Trúc biết toàn bộ việc làm phi pháp của chồng như tổ chức đánh bạc, bảo kê nhà hàng... để có thu nhập bất chính nuôi gia đình và bản thân. Năm 1995, khi Năm Cam bị bắt, Trúc đã gom một số tiền lớn gồm 75.000 USD, 20 triệu đồng và một đồng hồ đeo tay hiệu Rolex trị giá 5.000 USD (tổng cộng 1,3 tỷ đồng) rồi cùng con rể là Dương Ngọc Hiệp (Hiệp "Phò Mã") ra Hà Nội đưa cho Trần Văn Thuyết để chạy án cho ông trùm sớm được tha, không bị truy tố trước pháp luật.
Với những hoạt động xã hội đen của Năm Cam, người đàn bà này cũng tỏ ra quan tâm đến những đàn em dưới trướng. Sau khi Bùi Anh Việt (Bảy Việt) cùng đồng bọn sát hại trinh sát hình sự Phan Lê Sơn (Công an TP HCM), tên này được Năm Cam sắp xếp trốn sang Campuchia. Lúc tên sát thủ đang lẩn trốn, Trúc cũng đến gặp mặt và cho một ít tiền làm lộ phí "lặn không sủi tăm", tránh bị phát hiện ảnh hưởng đến chồng.
Đến khi Năm Cam và đồng bọn sa lưới, Phan Thị Trúc cũng bị TAND TP HCM tuyên phạt 20 năm tù về các tội Đưa hối lộ, Cho vay nặng lãi và Che giấu tội phạm.
Trại giam Xuân Lộc, nơi Trúc "Mẫu hậu" chấp hành án tù. Ảnh: Q.T |
Tuy bên ngoài tỏ ra đầy uy quyền nhưng trong gia đình, Trúc "Mẫu Hậu" từng phải uất ức, nín nhịn. Trong cuộc sống đế vương của mình, ngoài bà vợ chính thức, trùm Năm Cam còn ít nhất 4 cô vợ bé và hàng loạt "bóng hồng" ăn chơi qua đường. Trúc "Mẫu Hậu" vốn biết rõ những cuộc tình của chồng nhưng đều phải tự sắp xếp ổn thỏa. “Tôi thương con, thương chồng nên cắn răng nhẫn nhịn, chịu đựng tất cả những điều đó. Vì tôi biết, nếu tôi không khôn ngoan, khéo léo, không cư xử ôn hòa thì gia đình tôi sẽ tan vỡ, con tôi sẽ khổ”, Trúc "Mẫu Hậu" từng chia sẻ trong thời gian ở tù.
Có lần Năm Cam chia tay với vợ bé có chung 2 đứa con, bà Trúc đã đón chúng về nuôi, xem như con ruột. Mang cái uy ở ngoài xã hội và cuộc sống gia đình, tất cả những người con của bà Trúc đều rất kiêng nể mẹ, bất luận có phải do bà sinh ra hay không. Có lẽ chính vì vậy mà những đứa con cùng cha khác mẹ trong gia đình Năm Cam đều hòa thuận.
Vào trại giam Xuân Lộc (xã Long Khánh, Đồng Nai), Trúc "Mẫu Hậu" chịu án tại phân trại 5. Theo một quản giáo, những ngày đầu mới đến, người đàn bà quyền lực này sống trong tâm trạng hoảng loạn. Bà ta thường xuyên khóc lóc vật vã nhưng sau một thời gian, với sự động viên của cán bộ trại cũng như sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, Trúc "Mẫu Hậu" đã dần lấy lại được cân bằng và sống hòa đồng.
Khi nhắc về chồng và những đứa con, Trúc "Mẫu Hậu" thường rơm rớm nước mắt bảo rằng muốn quên đi quá khứ đáng buồn của gia đình mình. Người đàn bà ngoài 60 tuổi quyền lực ngày xưa giờ đã thành tâm sám hối, chỉ muốn sớm được trở về đoàn tụ con cái sau đó sẽ theo ni cô Diệu Quang (cô con gái đi tu từ nhỏ) vào chùa quy y, gột rửa tâm hồn.
Nhắc đến người con gái rời xa cõi trần tục, nương nhờ cửa Phật từ khi còn là một cô bé, Trúc "Mẫu Hậu" bảo thương cô nhất trong những đứa con của mình. Ni cô đã có lần thuyết phục cha lo tiền học phí cho 7 người bạn của mình đến khi vào đại học. Ngày Năm Cam bị bắt, cô đang theo học ở Học viện Phật giáo Trung Quốc và đã bay ngay về nhà. Những lần vào trại giam thăm bà Trúc, ni cô Diệu Quang khóc rất nhiều, khuyên mẹ cố gắng cải tạo tốt, giữ gìn sức khỏe để sớm được về đoàn tụ gia đình.
Chịu án được hơn 10 năm, thời gian gần đây, người đàn bà quyền lực đã yếu đi nhiều. Mỗi ngày trôi qua, Trúc "Mẫu Hậu" sống vật vã chống chọi với những cơn đau bệnh và chết vào sáng 16/8.
Quốc Thắng - Hải Duyên
- Đêm cuối cùng của Năm Cam
- Trộm xác Nam Cam ở pháp trường Long Bình
- Trải lòng của sát thủ dưới trướng Năm Cam
- Xới lại nhiều nhân vật vụ Năm Cam vì Thắng 'Tài Dậu'
- Thắng 'Tài Dậu' - mảng tối cuối cùng tại vụ án Năm Cam
- Nguyên viện trưởng quận 'dính' vụ Năm Cam được tha tù
- Vợ bé Năm Cam lại bị công an 'sờ gáy'
- Bí ẩn ở pháp trường Long Bình
Geen opmerkingen:
Een reactie posten