zondag 5 augustus 2012

50 năm huyền thoại Marilyne Monroe

 05 Tháng Tám 2012

50 năm huyền thoại Marilyne Monroe

Nửa thế kỷ sau khi qua đời Marilyne Monroe vẫn luôn là biểu tượng của sự quyến rũ
Nửa thế kỷ sau khi qua đời Marilyne Monroe vẫn luôn là biểu tượng của sự quyến rũ
REUTERS/Courtesy of the Margaret Herrick Library

Thanh Hà
Cách nay đúng 50 năm, ngôi sao điện ảnh có thân hình nảy lửa nhất, gợi cảm nhất Hollywood, Marilyne Monroe qua đời. L'Express và Le Nouvel Observateur dành nhiều bài báo về « huyền thoại Marilyne ».

Tuần báo L'Express nhắc lại thủa ấu thơ côi cút và đầy cơ cực của Norma Jean, từ cuộc hôn nhân đầu tiên năm cô 16 tuổi cho đến khi lọt vào mắt xanh của giới điện ảnh trên đồi Beverly Hills : Norma Jean trở thành cô gái tóc vàng và hóa thân thành Marilyne Monroe.
Sự nghiệp điện ảnh của Marilyne chẳng được như mong đợi và cô bị chê là có tài diễn xuất quá kém. May mắn lắm thì Marilyne Monroe mới chỉ được trao cho một vài vai phụ. Phải đợi đến năm 1952, khi 26 tuổi, thời cơ mới đến với Marilyne. Sau khi được diễn cùng với nam tài từ Cary Grant trong bộ phim « Monkey Business », Miss Monroe liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh lớn với những tác phẩm như « Clash by Night », « Niagara », «Gentlemen Prefer Blondes ».
Chính với bộ phim nổi tiếng này sự nghiệp của Marilyne Monroe được thăng hoa, mở ra những thành công vượt bức khác như « How To Marry A Millionaire », « River Of No Return », « The Seven Year Itch », « Bus Stop », «The Prince and the Showgirl », « Let's Make Love », « The Misfits ».
Trong khoảng thời gian rất ngắn chưa đầy 10 năm, tên tuổi của Marilyne Monroe nổi lên như cồn và ngôi sao Hollywood này đã diễn chung với biết bao nhiêu ông hoàng điện ảnh từ Cary Grant đến Robert Mitchum, từ Laurence Olivier đến Clark Gable hay Jack Lemmon, Tony Curtis, Yves Montant...
Thiên thần và ác quỷ
Le Nouvel Observateur trong bài báo mang tựa đề « Marilyne, thiên thần và ác quỷ » kể lại cơn ác mộng của Marilyne Monroe trên phim trường năm 1956 khi nữ minh tinh điện ảnh Hoa Kỳ đóng phim cùng đế vương sân khấu và nghệ thuật Anh, Laurence Olivier trong tác phẩm « The Prince and the Showgirl – Ông hoàng và Vũ nữ ».
Marilyne đã bắt đầu xa dần với thực tế và ngày càng lệ thuộc vào rượu và thuốc an thần. Cả đoàn làm phim và các tài tử của vương quốc Anh đã phát điên lên vì cô gái có mái tóc vàng như lụa : lúc nào cô cũng đến trễ vài giờ trước khi quay phim. Chỉ một ánh mắt, một lời nói bâng quơ cũng đủ khiến người đẹp Marilyne tắt hẳn nụ cười hay biến mất khỏi phim trường cả buổi. Nhưng rồi lại cũng một cử chỉ dịu dàng, một lời khích lệ cũng là chiếc đũa thần cho phép Marilyne Monroe tỏa sáng.
Hơn nữa vào thời điểm thực hiện bộ phim, đôi diễn chính Olivier- Monroe cùng đang gặp rắc rối trong đời sống riêng tư : Sir Laurence Olivier thì đang khốn khổ vì chứng điên loạn của người vợ đẹp và nổi tiếng là Vivien Leigh, thần tượng điện ảnh từ sau bộ phim để đời « Cuốn theo Chiều Gió –Gone with the Wind ». Còn về phần Marilyne, là vợ của một nhà văn và cũng là nhà soạn kịch nổi tiếng Arthur Miller không đơn giản. Marilyne Monroe rơi xuống vực thẳm sau khi đọc được dòng nhật ký của chồng. Ông viết : « Tôi tưởng được kết hôn với một thiên thần. Tôi đã nhầm ».
Bộ phim « Ông hoàng và Vũ nữ » được công chúng biết đến sau nay như một bộ phim « thần thoại », vừa nhẹ nhàng vừa lôi cuốn. Riêng đối với đoàn phim thì « The Prince and the Showgirl » thực sự là một cơn « ác mộng ». Bộ phim bị đánh giá là nhạt nhẽo nhưng giới phê bình thời đó phải nhìn nhận rằng Marilyne Monroe đã đem lại hào quan cho « The Prince and the Showgirl »
10 lý do để tin vào Thượng Đế
Hồ sơ lớn trên tạp chí L'Express tuần này dành nói về « 10 lý do để tin vào Thượng Đế ». Ngay từ thế kỷ thứ 17, triết gia Blaise Pascal từng đưa ra một chân lý « nghi ngờ vệ Thượng Đế chứng tỏ là ta đã tin vào đấng thiêng liêng này ». Sau khi điểm qua vị trí của tôn giáo, về câu hỏi Thượng Đế có thực hay không, trong các luồng tư tưởng Tây phương từ Platon cho đến tận ngày hôm nay, tuần báo L'Express khẳng định những nghi vấn liên quan đến Thượng Đế luôn là một đề tài huy động rất nhiều các nhà trí thức trên thế giới. Thế vì sao ta tin vào Thượng Đế ?
Trích dẫn những triết gia, những nhà khoa học nổi tiếng từ cổ chí kim, L'Express đưa ra nhưng lý do để trả lời cho câu hỏi trên như là : điểm khởi đầu của nhân loại phải cần có bàn tay của đấng tạo hóa. Đó là quan điểm đã được hiền triết người Hy Lạp Aristote trình bày hơn 350 năm trước Công Nguyên và sau này cũng đã được Voltaire cùng với một số tác giả cùng thời triển khai thêm.
Lại cũng có người trả lời câu hỏi trên một cách đơn giản hơn : đó là nếu không có Thượng Đế thì con người sẽ không đặt ra cho mình những giới hạn về đạo lý. Còn đối với nhà văn Pháp Julien Green chẳng hạn thì chính nhạc sĩ Johann Sebastian Bach là người đã « mở ra cả một xa lộ thênh thang » đưa ông đến với Thượng Đế qua hai tác phảm MagnificatLa Passion selon Saint Jean. Không hẹn mà một cây bút lớn khác người Roumani là Emil Cioran bằng một giọng điệu khiêu khích từng nhận xét rằng « Bach là người duy nhất mà Thượng Đế phải mang ơn ». Nhà thơ Paul Claudel nổi tiếng là « vô thần » đã thay đổi ý kiến sau khi thưởng thức bản thánh ca Magnificat của Bach
Đến lượt Trung Quốc đối mặt với bong bóng tài chính
Nhìn đến những bài báo nói về châu Á, Le Nouvel Observateur trong phần trang kinh tế lo ngại đến lượt Trung Quốc phải đối diện với bong bóng tài chính. Tăng trưởng của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên các hoạt động đầu cơ địa ốc, vào hạ tầng cơ sở vào nạn « tiền rẻ » để rồi tất cả những yếu tố tạo nên một quả bóng đầu cơ, có nguy cơ bị nổ tung dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới về tài chính và kinh tế.
Hàng chục sân bay còn bỏ trống hàng loạt những đường tàu cao tốc không hành khách, và không biết bao nhiêu tòa cao ốc đồ sộ không người hay những cơ xưởng mới toanh còn chưa hoạt động. Kinh tế Trung Quốc đang chựng lại và chính quyền vừa hạ lãi suất thêm một lần thứ nhì trong chưa đầy một tháng. Đó là những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang vô cùng lo lắng trước kịch bản tỷ lệ tăng trưởng không đạt được mức tối thiểu 8 %.
Tác giả bài báo nêu lên một vài nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này chẳng hạn như xuất khẩu của Trung Quốc bị chựng lại và hoạt động trong một số ngành nghề như địa ốc trên thị trường nội địa bắt đầu bị ứ đọng. Đe dọa vỡ bong bóng địa ốc tại nước đông dân nhất hành tinh ngày càng cận kề.
Tại một đất nước rộng lớn và đông dân này, « quả bom nổ chậm ấy » sẽ có những tác động vô cùng tai hại. Để so sánh thì khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime 2008 của Hoa Kỳ chỉ là « một giọt nước ».
Kinh tế người Mỹ Nouriel Roubini, chuyên gia đầu tiên đã báo trước trận bão tài chính 2008 khá bi quan cho rằng : Trung Quốc khó tránh khỏi một tai họa khi biết rằng các khoản đầu tư vào hạ tầng cơ sở, nhà đất của Trung Quốc chiếm tới gần 50 % GDP của nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới này. Hậu quả là Trung Quốc đang « lãng phí không biết bao của cải và cùng lúc tạo nên một núi nợ khổng lồ để tài trợ cho những chương trình xây dựng vô lý đó »
Viễn thông châu Âu trong tay 3 đại gia ?
3 đại gia đến từ các nước đang phát triển muốn thống lĩnh thị trường viễn thông châu Âu. Một người đến từ Ai Cập, một xuất xứ từ Trung Quốc và người thứ ba là một nhà tỷ phú Mêhicô. L'Express giới thiệu chân dung các ông Naguib Sawiris, Lý Gia Thành (Li Ka Shing) và Carlos Slim. Tài sản của ba ông này cộng lại ước tính lên tới100 tỷ đô la Mỹ và họ đang có tham vọng mua lại các tập đoàn viễn thông của Châu Âu.
Đây được coi như biểu tượng « phục thù » của các nước chậm phát triển đối với các cường quốc công nghiệp phát triển Tây phương.
Hồ sơ kinh tế của tuần báo L'Express chú ý đến tham vọng của ba nhà tỷ phú Ai Cập, Trung Quốc và Mêhicô đang nhòm ngó nhiều tập đoàn viễn thông của châu Âu bên bờ vực thẳm. Ngành viễn thông trên « Lục địa Già » đang trải qua thời kỳ đen tối nhất từ 10 năm nay. Và đây la thời cơ để các ông Sawiris, Lý Gia Thành hay Carlos Slim nhảy vào những thị trường có tính chiến lược.
Nhà tỷ phú Hồng Kông họ Lý, 84 tuổi hiện đang nắm trong tay gia sản hơn 25 tỷ đô la từ lâu nay đã hiện diện trên thị trường châu Âu qua tập đoàn Three. Đại gia Trung Quốc này vừa chi thêm 1,3 tỷ euro để mua lại cổ phần của tập đoàn viễn thông Orange tại Áo. Ở Ai Len, ông chủ Hồng Kông đã mua lại Eircom. Mẫu số chung giữa các doanh nhân Ai Cập, Trung Quốc hay Mêhicô là họ đã trông thấy trước, châu Âu là một anh khổng lồ trong ngành viễn thông, nhưng đó lại là một anh khổng lồ có đôi chân đất sét.

http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20120805-50-nam-huyen-thoai-marilyne-monroe

Geen opmerkingen:

Een reactie posten