Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ tới Vịnh Bắc Bộ
Giàn khoan có tên là “Dongfang 13-2 CEPB” do tổ hợp liên doanh Zhuhai COOEC (China’s Offshore Oil Engineering Company) và Fluor Heavy Industries Co. Ltd., đóng mới, được Tân Hoa Xã quảng cáo là nặng 17,247 tấn, tương đương với sức nặng của 10,000 chiếc xe hơi và diện tích bề mặt tương tự như một sân đá bóng.Nguồn tin trên nói giàn khoan “Dongfang 13-2 CEPB” được đưa tới khu vực bồn trũng Yinggehai (Oanh Ca Hải) từ ngày Thứ Tư tới đây để dò tìm dầu khí. Sau khi chuẩn bị xong, nó dự trù bắt đầu hoạt động từ Tháng Sáu.
Yinggehai (Oanh Ca Hải – cũng là tên một thành phố bờ biển phía tây của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc) là khu vực bồn trũng có tiềm năng nhiều dầu khí nằm khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong vịnh Bắc Việt. Việt Nam gọi là bồn trũng Sông Hồng, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cấu tạo địa tầng của khu vực.
Hiện chưa biết Bắc Kinh sẽ cho đặt giàn khoan nói trên tại địa điểm nào và cũng chưa thấy Hà Nội có phản ứng gì. Từ đầu Tháng Năm đến giữa Tháng Bảy 2014, Việt Nam đưa một số tàu cảnh sát biển tới ngăn cản giàn khoan nước sâu Hải Dương 891 Bắc Kinh đưa tới dò tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền và cũng nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 891 đã làm người dân tại Việt Nam biểu tình tại nhiều địa phương với các vụ biểu tình bạo động xảy ra ở khu kỹ nghệ Bình Dương và Sài Gòn, gây khá nhiều thiệt hại cho các công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn của vụ dò tìm dầu khí của Việt Nam, lấy cớ các nơi đó nằm bên trong phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc mà họ ngang ngược tuyên bố theo các vạch nối lại như hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều khu vực cái vạch “Lưỡi Bò” đó liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Luật Biển Quốc Tế (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các thành viên công nhận.
Hồi Tháng Ba năm ngoái, Hà Nội đã buộc phải bỏ ngang cuộc dò tìm dầu khí đã ký với công ty Rapsol tại dự án Cá Rổng Đỏ ngoài khơi biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Bắc Kinh đe dọa nếu Hà Nội không dừng lại, họ sẽ xua quân đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Một năm trước khi ép Hà Nội bỏ khai thác dự án Cá Rồng Đỏ, Bắc Kinh đã gọi thầu quốc tế cho 22 dự án dò tìm dầu khí trên Biển Đông.
Hồi năm 2012, hãng thông tấn Reuters đưa tin Vương Nghi Lâm – Chủ tịch của Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã báo cáo về mỏ khí đốt tại thuộc bồn trầm tích Sông Hồng (vịnh Bắc Bộ ) có trữ lượng “rất lớn”.
Bồn trũng Sông Hồng mà Trung Quốc gọi là Oanh Ca Hải nằm giữa vịnh Bắc Bộ, đối diện huyện Lạc Đông, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, và đối diện với đảo Cồn Cỏ Việt Nam (tính theo điểm phân định số 21). Ngày 18/10/2012 báo chí Trung Quốc đã đưa tin CNOOC bắt đầu khai thác 2 giếng dầu Vi Châu 11-2, Vi Châu 6-9/6-10 thuộc Vịnh Bắc Bộ.(TN)
https://www.nguoi-viet.com/tin-nong-viet-nam/trung-quoc-dua-gian-khoan-toi-vinh-bac-bo/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten