vrijdag 19 april 2019

Tổng thống Pháp vinh danh những người đã cứu Nhà Thờ Đức Bà Paris + sẽ xây lại trong... 5 năm + chuyện tình trong... nhà thờ

Tổng thống Pháp vinh danh những người đã cứu Nhà Thờ Đức Bà Paris

mediaNhững người lính cứu hỏa đến điện Élysée ngày 18/04/2019 để dự buổi lễ vinh danh các cứu tinh của Nhà Thờ Đức Bà Paris.Christophe Petit Tesson/Pool via REUTERS
Hôm qua, 18/04/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời đến điện Elysée 250 nhân viên cứu hỏa Paris cũng như toàn bộ những người khác đã tham gia vào việc cứu nhà thờ Đức Bà Paris trong vụ hỏa hoạn dữ dội ngày 15/04, gây xúc động cả thế giới.
Tham gia chữa cháy và bảo vệ nhà thờ Đức Bà, ngoài 250 nhân viên cứu hỏa Paris, còn có nhân viên cứu hỏa vùng Paris, cảnh sát, nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ và lực lượng Bảo Vệ Dân Sự. Tổng cộng 600 nhân viên cứu hỏa đã được huy động trong suốt 15 tiếng đồng hồ cho đến khi lửa được dập tắt hoàn toàn.
Phát biểu trước những người được xem là « anh hùng », tổng thống Macron đã ca ngợi sự dũng cảm của họ, khẳng định họ đã tỏ ra rất « mẫu mực » trước cả nước và cả thế giới trong vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà. Ông Macron thông báo là những người tham gia cứu nhà thờ Đức Bà sẽ được trao tặng một huân chương danh dự.
Còn tại quảng trường trước nhà thờ Đức Bà hôm qua, đô trưởng Paris Anne Hidalgo cũng đã tổ chức một buổi lễ vinh danh những người tham gia cứu công trình kiến trúc biểu tượng của thủ đô Pháp và cũng là di sản văn hóa của nhân loại.
Khoảng 60 nhân viên cứu hỏa hiện vẫn ở lại nhà thờ Đức Bà để ngăn lửa bùng phát trở lại. Các vật liệu cũng đã được chuyển đến để gia cố một số điểm, vào lúc các chuyên viên đang thẩm định các nhu cầu để bảo đảm an toàn cho toàn bộ nhà thờ, trước khi khởi công xây dựng lại.
Trong vòng 3 ngày qua, từ các chủ tập đoàn lớn cho đến dân thường đã đóng góp tổng cộng 1 tỷ euro cho việc xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận của viện BVA được công bố hôm nay, điểm tín nhiệm của tổng thống Macron đã tăng 3 điểm trong bối cảnh xảy ra vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris.
Uy tín của ông hiện lên tới 32%, bằng với mức trước khi xảy ra khủng hoảng Áo Vàng. Cũng theo kết quả thăm dò này, hơn 6 phần 10 dân Pháp đánh giá cao phát biểu của ông Macron sau vụ hỏa hoạn.

http://vi.rfi.fr/phap/20190419-tong-thong-phap-vinh-danh-nhung-nguoi-da-cuu-nha-tho-duc-ba-paris



Nhà Thờ Đức Bà Paris: Dư luận trái chiều về các khoản quyên góp lớn

mediaMột cuộc biểu tình của người Áo Vàng trước Nhà Thờ Đức Bà Paris, đầu năm 2019.ERIC FEFERBERG / AFP
Dưới dạng tựa đậm hay ảnh lớn trang nhất, các báo Pháp ra ngày 18/04/2019 tiếp tục đưa tin rộng rãi về vụ hỏa hoạn đã phá hủy đáng kể Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15/04, phân tích về quyết tâm tái thiết nhanh chóng công trình văn hóa độc nhất vô nhị này, cũng như làn sóng đoàn kết, sẵn sàng quyên góp khôi phục di tích. Thế nhưng, các báo cũng nêu bật luồng dư luận trái chiều tại Pháp, chỉ trích các đại gia giầu có, rất hào phóng tái thiết Nhà Thờ Đức Bà, nhưng dửng dưng trước cảnh khốn khó của nhiều tầng lớp xã hội Pháp.
Theo ghi nhận của Le Monde, ngay khi tai họa giáng xuống đầu Nhà Thờ Đức Bà được biết đến, những người hảo tâm lớn cũng như nhỏ đã tỏ ý sẵn sàng quyên góp để tái thiết di sản này.
Hàng ngàn người « vô danh » đã đăng ký góp tiền cho Quỹ Di Sản, gởi tiền tặng các quỹ nhỏ đã được mở ra trên Internet để quyên góp, trong lúc các đại gia giầu có nhất nước Pháp, các doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã đua nhau loan báo quyên tặng những món tiền khổng lồ… Mốc một tỷ euro, theo Le Monde sẽ dễ dàng được vượt qua.
Les Echos ghi nhận là chính phủ Pháp vào tuần tới, sẽ đệ trình ngay một dự luật tăng cường quyền lợi về thuế cho tất cả các cá nhân đóng góp tiền bạc cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà.
Thế nhưng, theo Le Monde, chỉ ít lâu sau khi phong trào quyên góp xuất hiện, từ thứ Ba 16/04, nhiều tiếng nói đã vang lên, cả trong đa số cầm quyền lẫn trong phe đối lập, để chỉ trích việc giảm 60% thuế trên các khoản tiền mà các doanh nghiệp đóng góp cho việc tái thiết Nhà Thờ Đức Bà. Đối với cá nhân, khoản khấu trừ này sẽ là 75% cho những khoản dưới 1.000 euro, và 66% cho các khoản lớn hơn.
Dân biểu đảng Những Người Cộng Hòa Gilles Carrez, báo cáo viên đặc biệt phụ trách vấn đề di sản tại Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội Pháp, hôm thứ Ba vừa qua, đã cho rằng trong số gần 700 triệu euro [tiền quyên góp được các đại gia công bố vào thời điểm đó], có khoảng 420 triệu sẽ được nhà nước tài trợ, theo ngân sách năm 2020.
Nói cách khác, chính người dân, qua tiền đóng thuế, sẽ phải chịu gánh nặng tái thiết, trong khi những người quyên tặng lại được quảng cáo nhờ hành động rất hào phóng của mình.
Một luồng dư luận chỉ trích thứ hai nhắm vào các nhà tài trợ lớn, cho rằng giới giầu có đã có thể búng tay một cái là tung ra 100 triệu, 200 triệu euro chi cho việc tái thiết. Họ đã lợi dụng thảm kịch, tỏ ra rất hào phóng để quảng cáo cho mình trong tư cách là cứu tinh của Nhà Thờ Đức Bà, trong khi không thèm đếm xỉa gì đến « tình trạng cấp bách » của xã hội, với những tầng lớp nghèo đang bị rơi vào cảnh khốn cùng.
Những lời chỉ trích này được ghi nhận chủ yếu trong những người thuộc phong trào Áo Vàng, giới công đoàn, các đảng cánh tả hay cực hữu.
Tái thiết Nhà Thờ Đức Bà trong 5 năm : Nhiệm vụ bất khả ?
Một điểm chung giữa Le Monde và Libération hôm nay là cả hai tờ báo đã tiếp tục giành tựa lớn trang nhất cho Nhà Thờ Đức Bà Paris, và đều chú ý đến tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đó công trình lịch sử này sẽ được khôi phục trong thời hạn 5 năm.
Dưới tựa đề lớn rất khách quan : « Công trình khôi phục Nhà Thờ Đức Bà », Le Monde nhắc lại rằng trong thông điệp gởi toàn dân tối thứ Ba 16/04, tổng thống Macron đã tỏ hy vọng là Nhà Thờ Đức Bà sẽ được khôi phục trong vòng 5 năm.
Trái lại, Libération lại tỏ ý hoài nghi về thời hạn mà tổng thống Pháp đề ra. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình tháp « Mũi Tên » của Nhà Thờ Đức Bà lúc còn nguyên vẹn, chưa bị phá hủy, tờ báo cho rằng « 5 năm để tái thiết Nhà Thờ Đức Bà : Macron tin vào kỳ tích ».
Đối với Libération, 5 năm là một kỳ hạn không thực tế do quy mô to lớn của công việc, nhất là khi công trình chưa được gia cố một cách an toàn sau hỏa hoạn. Theo tờ báo, tổng thống Pháp Macron, đã cho rằng 5 năm là điều « có thể », nhưng nếu làm được trong thời hạn đó thì quả là một « kỳ công ».
Libération đã nêu bật một loạt những công việc cần thời gian lâu dài. Trước hết là phải đảm bảo sao cho phần còn lại của Nhà Thờ vẫn vững vàng sau khi nhiều cột gỗ đã thiêu rụi, sau khi khối gạch đá làm nên công trình bị tưới nước trong 48 tiếng đồng hồ liên tục. Một chuyên gia đã cho rằng, để cho Nhà Thờ khô hẳn, phải mất một năm.
Vấn đề tiếp theo là phải ước tính được sức nặng của các vật thể sẽ được chồng lên cái sườn còn đứng vững của tòa nhà, mà sức chịu đựng đã giảm sụt đáng kể sau cơn hỏa hoạn.
Về kiến trúc công trình, cũng có vấn đề, đặc biệt là Mũi Tên đã bị phá hủy hoàn toàn. Thủ tướng Philippe đã loan báo khởi động một cuộc thi kiến ​​trúc quốc tế về tái thiết tháp Mũi Tên (của Nhà Thờ Đức Bà), cho rằng công cuộc tái thiết là « một thách thức to lớn, một trách nhiệm lịch sử, là công trình mà thế hệ hiện thời cũng như các thế hệ về sau phải đảm đương ». Vấn đề là làm lại Mũi Tên như thế nào, như cũ (tức là từ thế kỷ 19) mà người ta thường thấy, như vào thời khởi thủy khi Nhà Thờ mới được xây dựng, hay thay bằng một cái gì mới hoàn toàn cho phù hợp với công nghệ ngày nay.
Libération còn nêu lên nhiều vấn đề khác như đấu thầu xây dựng, các thủ tục hành chánh phải thực hiện, tìm được nhân công lành nghề…, biết bao vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian, làm cho thời hạn 5 năm trở thành quá ngắn.
Nhà nước Pháp thiếu quan tâm đến bảo tồn di sản văn hóa ?
Một tranh cãi khác liên quan đến cái gọi là sự « thiếu quan tâm của chính quyền » đến việc bảo tồn các công trình văn hóa.
Trên vấn đề này, Le Monde ghi nhận những tiếng nói phê phán từ phía giới hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, tố cáo tình trạng phương tiện eo hẹp mà nhà nước cung cấp cho việc bảo vệ di sản, cũng như tình trạng thiếu tôn trọng các quy định phòng cháy chữa cháy.
Chuyên gia Didier Rykner, tổng biên tập của tạp chí trực tuyến La Tribune de l’Art chẳng hạn, đã tố cáo tình trạng thiếu bảo trì tại các di tích lịch sử và đặc biệt là các nhà thờ ở Paris.
Chủ tịch Trung Tâm André-Chastel, Alexandre Gady, người đứng đầu nhóm nghiên cứu lớn nhất của Pháp về lịch sử nghệ thuật, cũng chỉ ra sự nghèo nàn trong ngân sách của các di tích lịch sử Pháp, không tương xứng với tầm cỡ một cường quốc văn hóa như Pháp, một trong những quốc gia cung cấp nhiều di sản thế giới nhất cho cơ quan Unesco.
Tuy nhiên, theo Le Monde, một chuyên gia khác về các vấn đề di sản, xin ẩn danh đã phản bác lập luận bi quan kể trên, cho rằng các di tích như Viện Bảo Tàng Louvre, Lâu Đài Versailles hoặc Nhà Thờ Đức Bà chẳng hạn, được cung cấp những phương tiện hoạt động quan trọng, không hề bị bỏ bê chút nào.
Chuyên gia này nhắc lại rằng Nhà Nước chi khoảng 320 triệu euro mỗi năm cho tất cả các di tích lịch sử tại Pháp.
Các trang nhất khác
Ngoài chủ đề Nhà Thờ Đức Bà trên Le Monde và Libération, các tờ báo khác đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự Pháp.
Nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy tít lớn một cách đắc thắng : « Tăng trưởng: Tại sao Pháp làm tốt hơn Đức ».
Tờ báo ghi nhận là Berlin không còn nhắm mục tiêu tăng trưởng 0,5% trong năm nay. Lần đầu tiên kể từ năm 2005, Pháp rõ ràng là đã vượt qua được Đức với 1,4%. Đức bị cản trở vì căng thẳng thương mại, trong lúc Pháp cầm cự tốt nhờ tình trạng tăng sức mua đến từ các biện pháp được gọi nôm na là Áo Vàng.
Một hệ quả của phong trào Áo Vàng cũng được Le Figaro đưa thành tựa lớn trang nhất : « Khủng hoảng Áo Vàng : Trường Quốc Gia Hành Chánh Pháp ENA trên ghế bị cáo ».
Theo Le Figaro, bị vạch mặt chỉ tên trong nhiều đề nghị được gởi đến trang web của Cuộc Thảo Luận Toàn Quốc, định chế đào tạo cán bộ lãnh đạo nổi tiếng này có nguy cơ bị xóa sổ hay thay đổi đáng kể.
Riêng nhật báo Công Giáo La Croix đã tạm thời bỏ rơi hồ sơ Nhà Thờ Đức Bà để nêu bật một chủ đề xã hội trên trang nhất : « Phải chấm dứt tệ nạn không chi tiền cấp dưỡng ». Theo La Croix, tổng thống Macron dự kiến ​​sẽ loan báo việc Nhà Nước can dự sâu hơn vào vấn đề này, trong bối cảnh từ 30 đến 40% các khoản tiền cấp dưỡng không được thanh toán hoặc thanh toán thất thường.

http://vi.rfi.fr/phap/20190418-nha-tho-duc-ba-paris-du-luan-trai-chieu-ve-cac-khoan-quyen-gop-lon

Nhà thờ Đức Bà Paris lại kể chuyện tình yêu

Nhà thờ Đức Bà Paris lại kể chuyện tình yêu
 
Ảnh trích đoạn vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà Paris.Ảnh chụp từ màn hình Youtube

    Mười tám năm sau, thời hoàng kim của Nhà Thờ Đức Bà Paris đã trở lại. Chàng thi sĩ Gringoire tiếp tục kể cho chúng ta nghe về mối tình éo le của nàng du mục Esmeralda xinh đẹp. Vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà Paris, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1998, nay một lần nữa bước lên sân khấu Palais des Congrès đến ngày 08/01/2017.

    « Comédie musicale » là một thể loại sân khấu tổng hợp, pha trộn giữa kịch nói, nhạc và múa. Ra đời vào khoảng đầu thế kỉ XX, « comédie musicale » còn gọi là nhạc kịch có nguồn gốc từ ballet và opéra. Vào những năm 1910, loại hình này rất phát triển ở Mỹ và trở thành một hình thức nhạc kịch mới đương đại, mà đặc sắc nhất là những vở comédie musicale Broadway.
    Bằng việc gắn kết những giai điệu jazz, blues hay pop vào những lời hát thoại với nội dung khai thác từ văn học, điện ảnh, nhạc kịch-comédie musicale đã khẳng định vị trí độc lập của mình. Tại Pháp, ngay sau khi vở Nhà Thờ Đức Bà Paris được trình làng, thể loại này đã trở thành mốt thời thượng, nhiều tác phẩm nhạc kịch khác ra đời như : Les Ailes de La Lumière, Le Cabaret des Hommes Perdus hay Le Roi Lion…
    Ý tưởng phôi thai từ năm 1993, nhưng vở nhạc kịch này thực sự được Luc Plamondon và Richard Cocciante tạc nên hình hài trong vòng ba năm, bắt đầu từ năm 1994 đến năm1996. Lúc thì họ sáng tác cùng nhau trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Paris, Roma hay Montréal, khi thì mỗi người ở một góc trời riêng đâu đó. Để rồi mỗi lần gặp là mỗi lần diệu kì. Ca từ của Luc và giai điệu của Richard như thể sinh ra để cho nhau, những miếng ghép lồng gọn, vừa in, như trò chơi con trẻ.
    Năm 1998, vở diễn được trình chiếu tại 20 quốc gia vòng quanh thế giới và chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng. Với hơn 4.000 buổi diễn, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã thu hút hơn 10 triệu khán giả trên toàn cầu. Một thành công khá hiếm hoi đối với comédie musicale kiểu Pháp, dưới cái bóng khổng lồ của nhạc kịch Broadway Mỹ. Nói về sự qua mặt này, Luc Plamondon hài hước « Chúng tôi đã diễn ở Luân Đôn trong vòng một năm rưỡi. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời bình « chết người » đại loại như : « Những vở nhạc kịch Pháp giống như Napoléon vậy. Tốt hơn hết là nên đứng xem từ xa bằng ống nhòm ở phía bên kia của bờ biển Manche ».
    Trong lần tái bản này, những phần cốt yếu của Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn được giữ nguyên như phiên bản năm 1998. Một vài thay đổi nho nhỏ về phục trang và màn múa của Val d’amour, hứa hẹn mang đến cho khán giả một làn gió nhẹ tươi mới hơn.
    Tạm biệt các ngôi sao kỳ cựu như Garou, Patrick Fiori và Hélène Ségara. Chỉ còn Daniel Lavoie, người từng thủ vai Frollo, là nghệ sĩ duy nhất ở lại. Giọng hát sâu thẳm của Daniel Lavoie vẫn như ngày nào và nàng Esmeralda rồi lại sẽ « thuộc » về anh. Những tài năng của dàn diễn viên mới như Angelo del Vecchio trong vai Quasimodo, Haba Tawaji trong vai Esmeralda hay Alyzée Lalande trong vai Fleur-de-Lys… ngay từ buổi trình diễn đầu tiên đã làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.
    Một trong số ca khúc được coi là đứa con cưng của Nhà Thờ Đức Bà Paris là bản trio (tam ca) trữ tình của ba nhân vật Quasimodo, Frollo và Phoebus có tiêu đề « Belle ». Đây là giây phút mà ba người đàn ông, ở ba địa vị xã hội khác nhau, lần lượt gửi lời yêu thương nồng cháy đến Esmeralda, sau khi nàng bị tuyên án tử hình. Ba trái tim, ba âm sắc khác nhau của giọng hát : là sự trầm đục chân chất của Quasimodo, là vẻ cao nhã mà trang nghiêm của Frollo và cữ giọng rộng thoáng đầy quyết đoán từ Phoebus. Bài hát này đã giành danh hiệu ca khúc hay nhất của năm tại lễ Giải Thưởng Âm Nhạc Pháp năm 1999 và được khán giả TF1 bình chọn là ca khúc của thế kỉ 20.
    Đằng sau thành công sáng chói của những lần công diễn đầy ắp tiếng vỗ tay nồng nhiệt ấy, sự trở lại của Nhà Thờ Đức Bà Paris có thể sẽ đứng trước nhiều thách thức. Với một vài điểm yếu chưa được cải thiện, như : phần lớn âm nhạc trong cảnh II của vở nhạc kịch là những khúc hát độc thoại và balade ở tempo chậm, ca từ quá « cơ bản » và có nhiều sự lặp lại, đã khiến người nghe bị chìm đắm khá lâu trong không khí nặng nề, lê thê. Hệ quả là sự nhàm chán, một điều thật khó tránh khỏi.
    Liệu cuộc tái ngộ lần này, Nhà Thờ Đức Bà Paris có vượt qua được chính « bức tường » danh hiệu do mình bồi đắp nên cách đây mười tám năm hay không ? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, lịch biểu diễn và sân khấu vẫn đang tiếp tục được lấp đầy. Người Paris vẫn thong thả dạo chơi bên bờ sông Seine êm ả nơi Nhà Thờ Đức Bà, ngày ngày soi bóng hình xưa. Tiếng hát thầm thì đâu đó, nhắc về một tình yêu giản dị của chàng gù Quasimodo đối với cô gái du mục : « Hãy để cho tôi, chỉ một lần thôi, được vuốt lên dòng suối tóc của nàng Esméralda xinh đẹp ».
    (Tạp chí đăng lần đầu ngày 10/12/2016)
    • Clara Luciani, tài năng đầy triển vọng 2019

      Clara Luciani, tài năng đầy triển vọng 2019

      Lần đầu tiên thoạt nghe giọng ca của Clara Luciani, ta khó thể nào hình dung ca sĩ này lớn hay nhỏ về mặt tuổi tác, trong những nốt trầm nhất người nghe cũng có thể bị …
    • Christophe trình làng tuyển tập song ca

      Christophe trình làng tuyển tập song ca

      Vào mùa xuân năm 2019, nam danh ca Christophe trình làng một tuyển tập song ca gồm những bài hát ăn khách một thời với lối hoà âm mới. Mang tựa đề "Christophe etc….", …
    • Thalía và các bản song ca La Tinh

      Thalía và các bản song ca La Tinh

      Với hơn 25 triệu đĩa hát bán trên thế giới, Thalía được xem như là giọng ca nữ người Mêhicô  thành công nhất ở nước ngoài. Tại các quốc gia ở vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, …
    • Tình ca Dalida, phiên bản mới

      Tình ca Dalida, phiên bản mới

      "Dalida, những ca khúc huyền thoại" (Dalida : Les chansons de légende) là tựa đề tuyển tập được phát hành trong thời gian gần đây. Album này được trình làng trễ hơn dự …
    • 20 năm giai thoại tình khúc của Hélène Ségara

      20 năm giai thoại tình khúc của Hélène Ségara

      Nhắc tới giọng ca Hélène Ségara, hầu hết những người yêu nhạc Pháp đều nghĩ đến cô ca sĩ người Pháp trong vai chính Esmeralda của vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris. Thành …
    • Maxime Le Forestier : Album mới nhân sinh nhật 70 tuổi

      Maxime Le Forestier : Album mới nhân sinh nhật 70 tuổi

      Sau sáu năm vắng bóng làng nhạc, Maxime Le Forestier xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu với một tập nhạc mới. Album phòng thu thứ mười sáu được trình làng vào thời …
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >   
    http://vi.rfi.fr/phap/20190419-nha-tho-duc-ba-paris-lai-ke-chuyen-tinh-yeu

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten