Cuộc chiến Uber và Lyft: Khi ‘cá lớn’ không thể nuốt ‘cá bé’
The Wall Street Journal hôm 28 Tháng Ba cho biết công ty start-up Lyft đã vượt qua Uber để trở thành “ridesharing app” đầu tiên phát hành IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên) ra công chúng.
Để có được ngày hôm nay, Lyft phải chiến đấu không mệt mỏi trong suốt gần 7 năm qua với Uber.
The Wall Street Journal dẫn lời nhà đồng sáng lập Uber, ông Travis Kalanick, nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011 rằng, đương nhiên sẽ có những đối thủ trên thị trường nhưng Uber sẽ “nuốt gọn” tất cả.
Tuy nhiên, Lyft đã không bị ”nuốt gọn”.
Với tư cách là một công ty lớn trong thị trường được nhiều người cho rằng “the winner takes it all,” tức là “thắng là lấy hết”, Uber đã thực hiện nhiều chiến lược để gop tiền từ các nhà đầu tư cũng như gây khó khăn cho các đối thủ trong việc kiếm thêm vốn để phát triển, theo The Wall Street Journal.
The Wall Street Journal cho hay, trong cuộc chiến kêu gọi thêm tiền vốn từ các nhà đầu tư, Uber thường là người chiến thắng.
“Cá lớn” Uber đòi hỏi các nhà đầu tư phải từ bỏ quyền đầu tư vào Lyft và tất cả các công ty có cùng kiểu kinh doanh trong vòng 1 năm trước khi họ được xem báo cáo tài chính của Uber, theo The Wall Street Journal.
Khi Lyft tìm cách tăng thêm tiền vốn vào năm 2014, các nhân viên của Uber đã gọi cho những người có thể đầu tư vào Lyft để “khuyên can” và kêu gọi họ nên xem xét đầu tư vào Uber.
The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các nhà đầu tư cho biết rằng họ không thể tiếp tục xem xét cơ hội đầu tư vào Lyft vì họ nhận được thông điệp rằng nếu họ tiếp tục nói chuyện với Lyft thì họ sẽ bị mất cơ hội đầu tư vào Uber.
Cuối năm 2014, Uber có thêm được $2.7 tỷ tiền đầu tư và được định giá lên tới $41 tỷ trong lúc công ty Lyft có giá chưa tới $1 tỷ.
Lyft cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các ngân hàng đầu tư ở Wall Street vì các công ty này sợ bị mất đi cơ hội làm việc với Uber, ngoại trừ Credit Suisse Group. Công ty này hiện trở thành công ty tổ chức bán cổ phiếu của Lyft ra công chúng lần đầu tiên.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, hai nhà sáng lập Lyft là Logan Green và John Zimmer quyết định “cầu viện” đến ông Hiroshi Mikitani, CEO của công ty mua bán trực tuyến Rakuten Inc. ở tận Nhật Bản và nhận được số tiền đầu tư $680 triệu vào Tháng Ba, năm 2015.
Sau đó khoảng 1 năm, Lyft bất ngờ đàm phán thành công và nhận được thêm $500 triệu tiền đầu tư từ General Motors. Lúc này, Lyft được định giá $5.5 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên một hãng sản xuất xe hơi đầu tư vào một công ty kiểu “ridesharing,” kiểu công ty bị xem là một mối đe dọa đối với các hãng sản xuất xe hơi.
Cơ hội đến với Lyft vào năm 2017 khi Uber gặp phải một loạt các bê bối khiến CEO Kalanick phải từ chức. Thương hiệu Uber bị ảnh hưởng và Lyft được hưởng lợi.
The Wall Street Journal dẫn lời nhà sáng lập Bling Capital, ông Ben Ling, một trong những nhà đầu tư ban đầu của Lyft cho biết: “Không ai có thể đoán được những chuyện như thế xảy ra với Uber. Nhiều người đã nghĩ rằng Uber trước sau gì cũng ‘đè bẹp’ Lyft thôi.’
Với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên, giá trị của Lyft hiện nay đã là hơn $24 tỷ. Tuy nhiên, Lyft vẫn đang là một start-up chưa có lợi nhuận.
Doanh thu của Lyft năm 2018 là $2.2 tỷ nhưng sau khi trừ chi phí vẫn lỗ $911 triệu. Trung bình cứ mỗi lần tài xế chở khách là Lyft phải bù lỗ $1.47, theo số liệu của The Wall Street Journal.
Công ty Uber cũng trong tình cảnh tương tự, đạt doanh thu hơn $11 tỷ nhưng vẫn lỗ $1.8 tỷ trong năm 2018, theo số liệu của CNN Business.
Khi tiến hành IPO, Uber được dự đoán sẽ có giá trị khoảng $120 tỷ, theo Reuters. (C. Thành)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cuoc-chien-uber-va-lyft-khi-ca-lon-khong-the-nuot-ca-be/
Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật
Copyright © 2018, Người Việt Daily News
Geen opmerkingen:
Een reactie posten