Sáng kiến của hiệu trưởng Mỹ giúp đẩy lùi nạn bắt nạt
Biết một số học sinh thường bị bắt nạt vì quần áo bẩn, thầy hiệu trưởng lắp máy giặt tự động miễn phí ngay tại trường.
Khi Akbar Cook trở thành lãnh đạo của trường trung học West Side ở Newark (New Jersey, Mỹ), anh biết mình có khả năng tạo ra những ảnh hưởng nhằm thay đổi cuộc sống của học sinh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, thầy hiệu trưởng không ngờ những sáng kiến của mình thành công vượt mong đợi, khiến nhiều trường trong khu vực muốn noi gương.
Hiệu trưởng Akbar Cook nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ những sáng kiến học đường. Ảnh: Bored Panda
|
Trước đây, Cook rất lo ngại về vấn nạn bắt nạt ngày càng tăng, khiến nhiều học sinh buộc phải trốn học. Vấn đề nghiêm trọng tới mức gần 85% học sinh được báo cáo từng trốn học trong vài năm qua.
Anh phát hiện nhiều em không thể có quần áo sạch để mặc đến trường, do đó đành ở nhà vì không muốn bị bạn bè chế giễu. Những kẻ bắt nạt thường chụp ảnh phần cổ áo bám bẩn hoặc chiếc quần xộc xệch của nạn nhân và đăng lên mạng xã hội.
Thầy Cook cũng nhớ lại một câu chuyện vào năm 2016, khi bảo vệ kiểm tra túi xách của một nữ sinh, em này liên tục la hét và phản kháng. Cuối cùng, lãnh đạo trường phát hiện ra rằng em mang theo quần áo bẩn trong túi, muốn giấu thật kỹ vì sợ mọi người biết hoàn cảnh vô gia cư của mình. "Nữ sinh đó đã chiến đấu hết mình vì lòng tự trọng", Cook giải thích.
Nhận ra vấn đề, anh nộp đơn xin tài trợ 20.000 USD từ tổ chức MCJ Amelior Foundation để mua năm máy giặt và năm máy sấy. Phòng thay đồ của đội bóng đá được sửa thành phòng giặt ủi, nơi học sinh có thể thoải mái sử dụng miễn phí trước và sau giờ học. Không chỉ thế, một giáo viên trực sẵn ở phòng liền kề và giúp học sinh ôn tập các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trong thời gian đợi lấy quần áo đã giặt sạch.
Nhờ sáng kiến của thầy Cook, nạn bắt nạt dần bị đẩy lùi và học sinh chăm chỉ đến trường hơn trước đây.
Học sinh giặt đồ miễn phí ngay tại trường. Ảnh: CBS News
|
Ngoài nạn bắt nạt học đường, Cook tự hứa phải tìm cách tháo gỡ những vấn đề đáng báo động hơn ở Newark. Vài năm trước, mùa hè nào trường cũng mất hai hoặc ba học sinh. Các em bị giết chết vì bạo lực súng đạn trên đường phố.
Chương trình Lights Out do Cook sáng lập đã ra đời trong hoàn cảnh đó, nhằm tạo không gian an toàn do học sinh để các em không phải dành thời gian lang thang trên đường phố và đối mặt với hiểm nguy.
Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của Cook, khi anh luôn là thành viên của câu lạc bộ West Side và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Giờ đây, Cook tin phòng tập thể dục ở trường là nơi ẩn náu an toàn cho học sinh. Trong suốt năm học, anh yêu cầu mở cửa phòng từ 6h chiều đến 11h tối vào mọi ngày thứ 6. Vào mùa hè, học sinh được chào đón vào thứ hai, tư và sáu trong cùng khung giờ trên. Các em có thể chơi bóng rổ, bóng bàn, PlayStaytion, nhảy, học may vá, thiết kế, trang điểm và nhiều hoạt động khác.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được phục vụ bữa tối nóng hổi và miễn phí. Nhờ khoản đóng góp từ cộng đồng và cựu học sinh, chương trình được duy trì và phát triển mạnh qua nhiều năm.
Những hoạt động sau giờ học ở trường trung học West Side. Ảnh: CBS News
|
Những chương trình do hiệu trưởng Cook giới thiệu gây chú ý qua các phương tiện truyền thông, được nhiều nhà giáo trên toàn quốc học hỏi. Tuần này, anh đã thí điểm một chương trình có tên Giải pháp Giáo dục Cook nhằm giúp các trường học khác giải quyết nạn bắt nạt học đường, tình trạng bỏ học và thiếu hoạt động ngoại khóa.
Akbar Cook đã hai lần xuất hiện trên chương trình The Ellen Show để chia sẻ câu chuyện của mình và giúp truyền bá nhận thức về tình hình thực tế ở một số trường học hiện nay. Trong lần mới nhất lên sóng truyền hình, Cook nhận được khoản tài trợ 50.000 USD để tiếp tục mở rộng những sáng kiến thiết thực của mình.
Thùy Linh (theo Bored Panda)
https://vnexpress.net/giao-duc/sang-kien-cua-hieu-truong-my-giup-day-lui-nan-bat-nat-3909327.html
Chương trình chống bắt nạt ở Phần Lan được thế giới áp dụng
Phương pháp KiVa giúp trẻ em không còn là nhân chứng thụ động mà tham gia vào quá trình bảo vệ nạn nhân, đẩy lùi bắt nạt học đường.
Hệ thống giáo dục Phần Lan được đánh giá là hình mẫu của thế giới trên nhiều phương diện. KiVa, chương trình chống bắt nạt được sử dụng trong các trường học ở đất nước này cũng mang lại hiệu quả vượt trội và được nhiều nước noi theo. Sáng kiến này vô cùng quan trọng bởi một phần ba thanh thiếu niên trên toàn thế giới có trải nghiệm liên quan đến nạn bắt nạt, theo dữ liệu được Viện thống kê UNESCO (UIS) công bố.
Phương pháp KiVa được chứng minh mang lại hiệu quả. Ảnh: Depositphotos
|
KiVa là chữ viết tắt của "Kiusaamista Vastaan", có nghĩa "chống bắt nạt" trong tiếng Phần Lan. Chương trình này được Bộ Giáo dục Phần Lan tạo ra vào năm 2007 và đã giảm đến 40% trường hợp bắt nạt ngay trong năm đó. Hiện nay, 90% trường học trên cả nước đã áp dụng để tìm cách loại bỏ vấn nạn lâu đời.
Mục tiêu của KiVa là giúp mọi học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của nạn bắt nạt và biến các em trở thành người bảo vệ nạn nhân. Khi trẻ không còn là nhân chứng thụ động, chúng sẽ đối mặt với nạn bắt nạt cùng nhau thay vì hùa vào tấn công nạn nhân. Từ đó, chúng cũng sẽ không bao giờ muốn đối xử với các bạn khác theo cách tương tự.
Trọng tâm của chương trình KiVa là can thiệp và phòng ngừa. Cách thức hoạt động của nó như sau:
- Tạo lập các hộp thư ảo để các trường hợp bắt nạt có thể được báo cáo ẩn danh.
- Một giáo viên đóng vai trò là người trẻ có thể hoàn toàn tin cậy và kể lể về mọi vấn đề, luôn lắng nghe, thấu hiểu và săn sóc các em. Trong giờ giải lao, mọi giáo viên có nghĩa vụ theo dõi hành vi của học sinh.
- Đứng về phía nạn nhân và cảm hóa các nhân chứng. Ba giáo viên sẽ đóng vai trò trấn an nạn nhân, đối thoại với kẻ bắt nạt cho đến khi vấn đề được giải quyết.
- Cảm xúc của học sinh và các giá trị khác được coi trọng. Trẻ em sẽ học cách xác định cảm xúc của bạn bè không qua ngôn ngữ hình thể, xây dựng sự đồng cảm và tôn trọng người khác.
Phương pháp KiVa được áp dụng ở Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác. Ảnh: Cáritas Bizkaia
|
Ban đầu, những em được lựa chọn tham gia phương pháp này thuộc 20 lớp, ở các độ tuổi 7, 10 và 13. Từ đó, các chuyên gia tìm hiểu được những loại bắt nạt khác nhau dựa theo độ tuổi, dần hoàn thiện phương pháp để chấm dứt nạn bắt nạt.
Từ thành công của Phần Lan, KiVa được sử dụng ở nhiều quốc gia khác. Năm 2015, các quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Colombia, Tây Ban Nha, Mexico và Chile bắt đầu giai đoạn đầu tiên của chương trình. Thời điểm đó, nội dung chỉ có sẵn bằng tiếng Anh, vì vậy nó được áp dụng ở các trường song ngữ. Những quốc gia khác như Hà Lan, Vương quốc Anh, Đức, Bỉ, Italy, Luxembourg, Estonia, Thụy Điển, New Zealand và Hungary cũng đã nhìn thấy tiềm năng từ chương trình chống bắt nạt và thử nghiệm ở một số trường.
Học hỏi từ phương pháp KiVa, bạn có thể truyền đạt cho con một số điều quan trọng khi bị bắt nạt. Trước hết, hãy tạo bầu không khí tràn đầy yêu thương và thấu hiểu, giúp con biết rằng con có thể tin tưởng vào bố mẹ. Sau đó, bạn cần giải thích cho con nạn nhân của bắt nạt học đường không bao giờ là người có lỗi và bố mẹ sẽ luôn ở bên con dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Phụ huynh có thể rút ra những điều cốt lõi từ phương pháp KiVa và áp dụng khi nuôi dạy trẻ. Ảnh: Pixabay
|
Tiếp theo, bạn nên báo cho giáo viên của con biết về vấn đề. Họ cần nhận thức được những gì đang xảy ra trong lớp học và tìm cách loại bỏ nó. Ngoài sự hỗ trợ từ bố mẹ và thầy cô, trong một số trường hợp nghiêm trọng, trẻ cần gặp bác sĩ tâm lý để hiểu sâu sắc cảm xúc của bản thân và xử lý tình huống hiệu quả hơn.
Tin liên quan:
Thứ tư, 23/1/2019, 12:19 (GMT+7)
Tiến sĩ Michele Borba, nhà tâm lý giáo dục được công nhận quốc tế, chuyên gia về nạn bắt nạt học đường chia sẻ trên US News bí quyết để trẻ mở lời với bố mẹ về tình huống bị bắt nạt.
Phụ huynh thường hỏi tôi làm thế nào để biết con đang bị bắt nạt ở trường khi con không chủ động nói về chuyện đó.
Thứ ba, 2/4/2019, 11:53 (GMT+7)
Thứ hai, 8/4/2019, 10:49 (GMT+7)
Bức ảnh cô bé nằm viện vì bị bắt nạt làm dậy sóng cộng đồng
Cách xử trí của ông bố Mỹ với kẻ bắt nạt con gây xúc động
Ông bố sơn móng tay để bảo vệ con trai bị bắt nạt
Bà mẹ Mỹ bắt con mặc áo in chữ 'tôi là kẻ bắt nạt'
https://vnexpress.net/giao-duc/chuong-trinh-chong-bat-nat-o-phan-lan-duoc-the-gioi-ap-dung-3901184.html?vn_source=rcm_detail&vn_medium=giaoduc&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_giaoduc
Bảy câu cha mẹ cần hỏi nếu nghĩ con bị bắt nạt ở trường
"Sao con lại chọn đường xa hơn để đến trường?", "Sao con không dùng nhà vệ sinh ở trường?" là câu hỏi giúp xác định tình huống bắt nạt.
Phụ huynh thường hỏi tôi làm thế nào để biết con đang bị bắt nạt ở trường khi con không chủ động nói về chuyện đó.
Vấn đề này không hề dễ "điều tra". Nhưng nếu con thực sự đang rơi vào tình huống này, bạn cần biết để giải quyết sớm, hạn chế tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác.
Vậy bạn có thể làm gì nếu trẻ không tự nguyện cung cấp thông tin? Hãy hỏi đúng câu cần thiết và chú ý đến những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt. Dưới đây là bảy câu hỏi gợi ý của tôi.
Đó có phải là tai nạn không?
Những vết cào chảy máu hay bầm xước mà không được giải thích cụ thể, quần áo xộc xệch hay có vết rách, dụng cụ học tập hay tiền ăn trưa bị mất có thể là manh mối giúp bạn tìm ra sự thật. Nếu các dấu hiệu trên xuất hiện thường xuyên, bạn nên đặc biệt lưu tâm.
Bắt nạt thường là hành động có chủ ý, không phải vô tình. Do đó, bạn có thể hỏi sâu hơn nếu biết con bị làm đau: "Bạn ấy có cố ý không?", "Con có bảo bạn ngừng lại không?", "Bạn có tiếp tục làm bất chấp lời con nói không?".
Ảnh: iStockPhoto
|
Con ngồi ở đâu?
Cố tình để một đứa trẻ ngồi một mình trong căng tin là hành vi bắt nạt kiểu tẩy chay. Cách để dò hỏi về chuyện này là "Con ngồi ở đâu?", "Có ai ngồi cạnh con không?", "Các bạn khác ngồi ở chỗ nào?". Nếu con không có ai để ngồi cùng hay trò chuyện vào những lúc như thế, bạn hãy giúp con kết bạn hoặc tham gia một câu lạc bộ nào đó thường sinh hoạt vào giờ ăn trưa.
Tại sao con không dùng nhà vệ sinh ở trường?
Những cuộc khảo sát về nạn bắt nạt cho thấy nhiều học sinh sợ dùng nhà vệ sinh ở trường vì nơi đó dễ trở thành nạn nhân nhất. Nếu con phải đợi cho đến khi về nhà để chạy ào vào nhà vệ sinh, bạn có thể nghĩ đến khả năng con bị bắt nạt ở trường.
Để tìm hiểu, bạn hãy dùng câu hỏi: "Con và các bạn ở trường có thể an toàn khi dùng nhà vệ sinh không?". Nếu mọi việc đúng như bạn nghĩ, hãy gặp giáo viên đề nghị giải pháp thay thế, chẳng hạn dùng nhờ nhà vệ sinh ở phòng y tế hay để trẻ đi cùng một người bạn thân.
Con sẽ làm gì nếu bị bắt nạt?
Trẻ cần biết cách báo cáo người lớn khi bị bắt nạt và bạn nên để trẻ làm quen với quy trình đó. Nhiều trường sẽ ghi đầy đủ thông tin hướng dẫn trên website. Bạn hãy thử hỏi: "Con sẽ báo cáo về nạn bắt nạt ở đâu nào?", "Con sẽ gặp ai để nhờ giúp đỡ?", "Khi bạn nào đó bị bắt nạt, cô giáo có biết không". Phản ứng của trẻ sẽ giúp bạn biết được cảm nhận của trẻ về mức độ an toàn hiện tại và can thiệp nếu cần thiết.
Tại sao con lại đi một đường mới?
Bắt nạt thường diễn ra ở những nơi không bị người lớn giám sát. Nếu trẻ đột ngột thay đổi đường đến trường hoặc tránh một khu vực nhất định, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt.
Bạn nên hỏi: "Sao con không bắt xe bus?", "Tại sao con lại chọn đường xa hơn trước để tới trường?", "Giám thị có hay coi chừng học sinh ở hành lang không?".
Ai nhắn tin cho con vậy?
Con bạn có úp điện thoại xuống khi tin nhắn nào đó tới? Mỗi khi dùng máy tính, thái độ của con bình thường hay vội vàng tắt hết cửa sổ khi thấy bạn bước vào phòng? Có nhiều nguyên nhân khác ngoài lý do bị bắt nạt qua mạng, nhưng bạn có thể hỏi nhẹ nhàng: "Con không muốn mẹ nhìn thấy cái gì à?".
Đồng thời, bạn nên để ý nhiều hơn đến dấu hiệu lạ khi con dùng mạng xã hội, bởi bắt nạt qua nền tảng này rất phổ biến và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Tại sao con lại không ngủ được?
Khi bị bắt nạt, trẻ thường lo lắng, bất an và tâm trạng đó ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Không chỉ khó ngủ, đôi khi trẻ còn gặp ác mộng hoặc trông mệt mỏi hơn bình thường khi vừa ngủ dậy. Bạn hãy thể hiện sự quan tâm: "Con ngủ không ngon à? Ở trường có chuyện gì không con?".
Khi cảm thấy thoải mái và tin tưởng ở bố mẹ, trẻ sẽ chia sẻ với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi tình huống xấu.
Trẻ bị bắt nạt ở trường học
Sáng kiến của hiệu trưởng Mỹ giúp đẩy lùi nạn bắt nạt (14/4)
Lời khuyên giúp phòng chống bắt nạt trên mạng (8/4)
Trường học phải giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực (5/4)
Những lý do trẻ không nói với người lớn khi bị bắt nạt (2/4)
Chương trình chống bắt nạt ở Phần Lan được thế giới áp dụng (28/3)
https://vnexpress.net/giao-duc/bay-cau-cha-me-can-hoi-neu-nghi-con-bi-bat-nat-o-truong-3872683.html?vn_source=rcm_detail&vn_medium=giaoduc&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_giaoduc
Những lý do trẻ không nói với người lớn khi bị bắt nạt
Ngại trở thành "kẻ mách lẻo", sợ bị trả thù hay lo lắng không ai tin lời mình nói là tâm lý phổ biến của trẻ khi bị bắt nạt.
Khi trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường, trẻ phải chịu nhiều vết thương tâm lý, bao gồm bị sỉ nhục và cô lập. Cảm giác đơn độc ngày càng rõ rệt bởi trẻ thường không nói cho bất kỳ ai những chuyện đang xảy ra.
Đa số trẻ sợ hãi khi bị bắt nạt lần đầu và không biết cách xử lý tình huống. Lý do giữ im lặng rất đa dạng, tùy thuộc vào tính cách và hoàn cảnh của từng nạn nhân. Dưới đây là một số lý do phổ biến.
Xấu hổ
Bản chất của bắt nạt là phô trương sức mạnh và khả năng kiểm soát, khiến nạn nhân thấy bất lực hoặc yếu đuối. Đối với nhiều đứa trẻ, chúng không muốn thừa nhận cảm giác này.
Ngoài ra, nếu bị bắt nạt vì một thứ gì đó mà trẻ vốn nhạy cảm như đặc điểm ngoại hình, trẻ sẽ rất xấu hổ khi nói về nó. Ý tưởng nhấn mạnh về "khiếm khuyết" của mình khi kể lại chuyện với người lớn khiến một số trẻ cảm thấy tồi tệ hơn cả bị bắt nạt.
Sợ bị trả thù
Thông thường, trẻ nghĩ rằng báo cáo về việc bị bắt nạt sẽ không làm mọi chuyện tốt lên. Thay vào đó, kẻ bắt nạt có thể khiến cuộc sống của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, trẻ thà cố gắng chống chọi một mình. Thậm chí, một số em còn tin rằng nếu tiếp tục giữ im lặng, việc bị bắt nạt sẽ có ngày chấm dứt.
Ảnh: Medium
|
Muốn hòa nhập với nhóm bắt nạt
Nhiều trẻ chấp nhận việc bị bắt nạt thường xuyên vì muốn "lấy lòng" những kẻ bắt nạt. Các em xem bắt nạt là một cách để duy trì vị thế trong nhóm, mong được các bạn chấp nhận. Tâm lý này vô tình dung túng cho hành vi xấu tiếp diễn.
Lo không ai tin tưởng
Nạn nhân của bắt nạt học đường thường là những đứa trẻ cô đơn, nhút nhát, có nhu cầu đặc biệt hoặc có thể thường gặp rắc rối với vấn đề kỷ luật. Những trẻ này sợ người khác cho rằng mình đang bịa chuyện nếu báo cáo về việc bị bắt nạt. Kết quả là các em không thể mở lòng và tiếp tục giữ im lặng.
Không muốn trở thành "kẻ mách lẻo"
Có một số quy tắc bất thành văn liên quan đến nạn bắt nạt. Trong đó, nạn nhân thường sợ bị gọi là "đồ mách lẻo" nên không dám nói với bất kỳ ai.
Cảm thấy mình đáng bị đối xử tệ
Trẻ thường ý thức cao về lỗi lầm của mình. Nếu bị ai đó chú ý và chế nhạo lỗi lầm, trẻ có thể tự động cho rằng mình đáng bị đối xử như vậy. Dù rất tổn thương khi bị trêu chọc, chúng vẫn ngầm đồng ý với kẻ bắt nạt. Điều này thường xảy ra ở những đứa trẻ thiếu lòng tự trọng, không tự tin vào bản thân.
Không nhận ra hình thức bắt nạt tinh vi
Đôi khi, trẻ chỉ báo cáo về bắt nạt thể chất, vì loại này dễ nhận diện. Đối với những hình thức bắt nạt tinh vi hơn như lan truyền tin đồn, tẩy chay và phá hoại các mối quan hệ, trẻ không nhận thức rõ nên không nói với người lớn.
Nghĩ rằng người lớn muốn trẻ tự giải quyết
Nhiều người lớn kỳ vọng trẻ phải cứng rắn trong các tình huống khó khăn, do đó vô tình gây áp lực, khiến trẻ muốn giấu những chuyện không thể tự giải quyết, sợ người lớn không hài lòng hoặc tức giận.
Ngoài ra, nhiều trường quá tập trung vào mục tiêu nâng cao thành tích học tập, không quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ hoặc khuyến khích trẻ tự xử lý mọi vấn đề. Điều này có thể gây ra nhiều rắc rối nếu trẻ phải đối mặt với các tình huống tiềm ẩn bạo lực.
Sợ người lớn cấm dùng điện thoại, máy tính
Khi bị bắt nạt trực tuyến, hầu hết trẻ không thừa nhận là nạn nhân vì sợ bị người lớn cấm sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu bố mẹ làm như vậy, trẻ sẽ cảm thấy nhẽ ra không nên nói ra. Bên cạnh đó, bạn vô tình truyền thông điệp sai lệch cho trẻ rằng nạn nhân phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt.
Để giải quyết nạn bắt nạt trực tuyến, bạn cần lưu giữ bản sao các tin nhắn đe dọa, chặn người vi phạm, thay đổi mật khẩu hoặc số điện thoại và báo cáo về sự việc.
Biết được lý do trẻ hiếm khi kể chuyện bị bắt nạt, phụ huynh cần nhạy cảm với các dấu hiệu cảnh báo. Chẳng hạn, trẻ em có thể ám chỉ đến nạn bắt nạt bằng cách nói rằng nhiều bạn thích gây chuyện với con, hoặc chẳng ai chơi với con cả.
Nếu trẻ thú nhận là nạn nhân của bắt nạt học đường, bạn hãy nói rằng bố mẹ tự hào vì con đã can đảm nói ra điều đó. Điều này khuyến khích trẻ đối thoại cởi mở vì luôn được bố mẹ lắng nghe và tin tưởng.
Ngoài ra, bạn hãy kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nếu bạn tỏ ra quá xúc động hay giận dữ, trẻ sẽ trở nên căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên bình tĩnh thảo luận và lên kế hoạch giải quyết cùng trẻ, giúp trẻ vượt qua cảm xúc tiêu cực.
Thùy Linh (theo Verywell Family)
https://vnexpress.net/giao-duc/nhung-ly-do-tre-khong-noi-voi-nguoi-lon-khi-bi-bat-nat-3903499.html
Lời khuyên giúp phòng chống bắt nạt trên mạng
Phụ huynh nên thiết lập quy tắc sử dụng Internet trong nhà. Thay vì xóa tất cả tin nhắn mang tính đe dọa, bạn nên in ra làm bằng chứng.
Không chỉ bị đe dọa, bạo lực về thể xác, tinh thần một cách trực tiếp, nhiều học sinh hiện bị bắt nạt qua những tin nhắn, văn bản trên mạng xã hội hay qua email. Phụ huynh, học sinh và nhà trường cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc bị bắt nạt qua mạng trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên được tạp chí Parents đưa ra để ngăn chặn tình trạng này.
Bố mẹ nên:
1. Lắp đặt máy tính ở khu vực chung trong nhà để có thể giám sát việc sử dụng mạng của con. Không nên đặt máy tính trong phòng ngủ của trẻ.
2. Tìm hiểu về các trang mạng xã hội, dần làm quen với Facebook, Myspace hay Twitter. Bạn nên đề nghị con cho xem trang cá nhân của chúng.
3. Thường xuyên trò chuyện với con về các vấn đề liên quan đến trực tuyến. Hãy cho con biết có thể tìm bạn để được giúp đỡ nếu thấy điều gì đó khác lạ, gây khó chịu hoặc nguy hiểm.
4. Đặt giới hạn thời gian sử dụng Internet, giải thích lý do làm vậy và thảo luận các quy tắc để cả nhà dùng Internet an toàn. Bạn hãy để trẻ đóng góp ý kiến trong việc thiết lập quy tắc đó.
Ảnh: Parents
|
5. Khuyên con không phản ứng với bất kỳ mối đe dọa hay bình luận mang tính đe dọa, bắt nạt nào và cũng không nên xóa bất kỳ tin nhắn nào. Thay vào đó, hãy in chúng ra, bao gồm cả địa chỉ email, tên người gửi... Bạn sẽ cần các tin nhắn để xác minh và chứng minh đã bị đe dọa trực tuyến.
6. Không nên phản ứng theo kiểu đổ lỗi cho con. Nếu con đang bị bắt nạt, hãy đứng về phía con và thấu hiểu chúng. Tìm hiểu xem con đã bị bắt nạt bao lâu và đảm bảo rằng bạn sẽ cùng con tìm ra giải pháp.
7. Không nên phản ứng theo kiểu bảo con bỏ qua hoặc chỉ đối phó với những kẻ bắt nạt. Nỗi đau về mặt cảm xúc khi bị bắt nạt có thể tác động lâu dài.
8. Đừng đe dọa sẽ lấy đi máy tính của con nếu chúng bị bắt nạt trên mạng. Điều này chỉ khiến trẻ trở nên bí mật hơn.
9. Nói với nhân viên tư vấn của trường để họ theo dõi xem liệu con có bị bắt nạt trong khi học ở trường hay không.
10. Nếu có các mối đe dọa bạo lực thể xác hoặc bắt nạt trực tiếp, hãy thông báo đến cơ quan chức năng và nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Học sinh nên:
11. Không trả lời bất kỳ tin nhắn hoặc văn bản nào được gửi bởi những kẻ bắt nạt, đe dọa.
12. Không biến mình thành đồng phạm bằng cách chuyển tiếp tin nhắn mang tính chất đe dọa, bắt nạt cho những đứa trẻ khác.
13. Lưu và in tất cả tin nhắn để làm bằng chứng.
14. Nếu đang bị bắt nạt, hãy nói với người lớn ngay lập tức để được giúp đỡ.
Nhà trường nên:
15. Áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với tất cả loại bắt nạt. Hãy nói rõ rằng mọi hành vi đe dọa, quấy rối đều được xử lý nhanh chóng và nghiêm túc.
16. Các khu học chánh nên có chính sách ngăn chặn bạo lực, bắt nạt tại chỗ. Ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh nên được chia sẻ về các chính sách này vào mỗi đầu năm học.
17. Tích hợp các lớp học về cách sử dụng Internet an toàn vào chương trình giảng dạy.
18. Cho học sinh, phụ huynh và giáo viên thảo luận về phòng chống bắt nạt. Có hội đồng học sinh để giải quyết vấn đề này cho các bạn trong toàn trường.
Dương Tâm (theo Parents)
Trẻ bị bắt nạt ở trường học
Sáng kiến của hiệu trưởng Mỹ giúp đẩy lùi nạn bắt nạt (14/4)
Trường học phải giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực (5/4)
Những lý do trẻ không nói với người lớn khi bị bắt nạt (2/4)
Chương trình chống bắt nạt ở Phần Lan được thế giới áp dụng (28/3)
Bà mẹ Anh cho hai con nghỉ học vì bị bắt nạt ở trường (12/2)
https://vnexpress.net/giao-duc/loi-khuyen-giup-phong-chong-bat-nat-tren-mang-3906178.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten