Thứ bảy, 1/11/2014 | 10:56 GMT+7
Nhà nước Hồi giáo là cục nam châm hút chiến binh nước ngoài
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ước tính 15.000 tay súng nước ngoài từ hơn 80 nước đã tìm cách tới Syria và Iraq để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đồng thời cảnh báo con số này còn tiếp tục tăng.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễu hành ở thành phố Homs, phía bắc Syria, hồi tháng 3. Ảnh: AFP.
|
Những phát hiện mới được phái đoàn Australia tại Liên Hợp Quốc, giữ vị trí chủ tịch Ủy ban Trừng phạt al-Qaeda của Hội đồng Bảo an, công bố hôm 30/10, VICE cho hay. Báo cáo từ phái đoàn Australia cảnh báo rằng "tầm trải rộng của các tay súng lớn hơn rất nhiều so với trước đây" và "gồm nhiều quốc gia chưa từng đối mặt với những thách thức liên quan đến al-Qaeda".
Phần lớn các tay súng tại Syria đến từ hơn 80 quốc gia tại Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu, một phần đến từ Mỹ và những phần còn lại ở châu Á. Hội đồng Bảo an cảnh báo sự xuất hiện các tay súng từ "những quốc gia vừa và nhỏ" là "quan trọng, cho thấy rủi ro trong tương lai ở biên giới liên quan tới al-Qaeda có thể dính dáng đến vài người trong những cá nhân này".
Ủy ban Trừng phạt al-Qaeda được thiết lập vào năm 1999 để theo dõi các hoạt động của al-Qaeda và những nhóm tách ra từ tổ chức khủng bố này, trong đó có Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tên viết tắt là IS, ISIS hoặc ISIL.
Báo cáo ước tính có khoảng 15.000 tay súng nước ngoài gia nhập IS, gần giống với số liệu từ tình báo Mỹ và Anh trước đó. Randy Blake, cố vấn chiến lược cao cấp tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, trong tuần phát biểu trước một ủy ban an ninh rằng "mức độ (chiến binh nước ngoài) tới Syria lớn hơn so với mức độ tới Afghanistan trước khủng bố 11/9"
Giới chức Mỹ tin rằng có khoảng 2.000 tay súng phương Tây đang ở Syria, trong số này có 700 tên đến từ Pháp, 500 tên đến từ Vương quốc Anh và 400 từ Đức.
Báo cáo cho biết dù khả năng của những kẻ đứng đầu al-Qaeda không còn mạnh như trước nhưng tư tưởng cực đoan vẫn được khuếch tán, lan rộng thông qua mạng Internet và mạng xã hội. IS đã vượt qua al-Qaeda, đạt tới khả năng tuyển mộ thành viên qua mạng xã hội nhờ Trung tâm Truyền thông Al Hayat, nhánh tuyên truyền của nó.
"Trong khi thông tin đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của IS được thiết kế để tiếp cận người xem phổ thông, kết hợp với những hình ảnh tra tấn và giết người, thì al-Qaeda vẫn tiếp tục đưa ra những thông điệp dài dòng và khoa trương từ tên thủ lĩnh al-Zawahiri", báo cáo có đoạn. "Video mới nhất của hắn dài 55 phút. IS chỉ viết những dòng tuyên truyền khủng bố không quá 140 ký tự".
IS chính thức tách khỏi al-Qaeda vào tháng 2, tuy nhiên, Ủy ban của Liên Hợp Quốc vẫn cảnh báo không nên xem đây "là dấu hiệu cho thấy IS từ bỏ tư tưởng của al-Qaeda". Một nhánh khác của al-Qaeda đang hoạt động ở Syria, được tình báo Mỹ gọi là Khorasan, cho thấy "tổ chức này vẫn hứng thú lên kế hoạch những đợt tấn công mới".
Chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria bắt đầu hồi tháng 9 nhằm vào nhóm này. Nó là một phần trong chiến dịch có quy mô lớn hơn, được mô tả là tiêu diệt IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, chiến dịch của Mỹ tác động rất ít đến dòng chiến binh gia nhập IS và thực tế có thể ngược lại.
Hội đồng Bảo an những tháng gần đây đã tổ chức nhiều phiên họp về "hiện tượng chiến binh nước ngoài", bao gồm một phiên do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì trong Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Tại đây, một nghị quyết đã được thông qua, yêu cầu các quốc gia có biện pháp ngăn các tay súng đi qua hoặc đi từ lãnh thổ của họ.
Như Tâm
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nha-nuoc-hoi-giao-la-cuc-nam-cham-hut-chien-binh-nuoc-ngoai-3101317.html
Thứ năm, 11/9/2014 | 05:20 GMT+7
Nhà nước Hồi giáo kiếm tiền bằng cách nào
Nhà nước Hồi giáo tự xưng được cho là đang sở hữu khối tài sản cố định trị giá hơn 2 tỷ USD, và hàng triệu đôla tiền thu hàng ngày từ bán dầu mỏ, cổ vật trên chợ đen, tiền chuộc con tin, thu thuế phi pháp và cướp bóc.
Các mỏ dầu phía bắc Iraq và Syria là nguồn thu chính của IS. Ảnh: Iraq-businessnews
|
Theo Independent, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang sở hữu một mạng lưới các nhà máy lọc dầu ở bắc Iraq và Syria có tổng giá trị hơn 2 tỷ USD. Và đây là nguồn thu chính của tổ chức khủng bố này.
Luay al-Khatteeb, nghiên cứu sinh thỉnh giảng thuộc Trung tâm Doha thuộc Viện Brookings tại Qatar, cho biết hiện Nhà nước Hồi giáo kiểm soát một khu vực lãnh thổ rộng lớn giàu tài nguyên, gồm 7 mỏ dầu và hai nhà máy lọc dầu ở bắc Iraq, nắm giữ 6 trong số 10 mỏ dầu ở đông Syria.
Tại Iraq, sản lượng dầu của phiến quân ở khoảng 800.000 thùng mỗi ngày, nhưng đó mới chỉ là một nửa so với nguồn tài nguyên chưa khai thác. Ước tính riêng tại Iraq, IS mỗi ngày kiếm được khoảng 2 triệu USD, "còn ở Syria, chúng có thể kiếm gấp đôi hoặc gấp ba số đó", al-Khatteeb nhấn mạnh.
Nguồn thu từ dầu khí của IS sẽ vẫn giữ cho cỗ máy chiến tranh vận hành và duy trì các tổ chức của chúng trên khu vực mà các phiến quân chiếm được từ chính phủ Iraq và Syria, al-Khatteeb nói.
Thị trường mua dầu chính của IS là khu vực những người Kurd, gồm Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, chúng bán dầu và nhận lại tiền mặt hoặc hàng hóa. Robin Mills, chuyên gia tại tổ chức Tư vấn Năng lượng và Quản lý dự án Manaar tại Dubai cho hay nhà chức trách các nước đang siết chặt quản lý việc buôn lậu dầu vào khu vực của người Kurd, nhằm cắt nguồn thu của IS.
Nguồn thu lớn thứ hai của nhóm phiến quân là tiền chuộc các con tin. Trong khi Mỹ và Anh có chính sách không trả tiền chuộc thì nhiều nước lại thực hiện việc đó, nhiều gia đình nỗ lực gom đủ tiền để đưa người thân bị bắt cóc trở về. Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Nhà nước Hồi giáo có thể kiếm được khoảng 10 triệu USD tiền chuộc con tin trong những năm gần đây, theo Bloomberg.
Nguồn thu đáng kể nữa của IS là bán các cổ vật chúng tìm được trên lãnh thổ chiếm giữ trái phép. Một quan chức tình báo nói với Guardian rằng IS kiếm được 36 triệu USD từ al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía tây Damascus, Syria gồm có các cổ vật có niên đại lên đến 8.000 năm.
"Chúng ta đang nói về những khu vực là một phần của cái nôi văn minh (của loài người) đang bị cướp phá, những cổ vật có niên đại hàng nghìn năm, đáng lẽ phải được bảo quản và nghiên cứu trong các viện bảo tàng, nay đang bị tuồn ra chợ đen", một nhà khảo cổ người Anh nói với Buzzfeed.
Ngoài ra, Nhà nước Hồi giáo tự xưng còn thu thuế của chính người dân ở những thành phố đông đúc thuộc lãnh thổ mà chúng nắm giữ, kiểm soát lương thực và các nguồn tài nguyên quan trọng khác. Chúng cũng nhận được nhiều quà tặng từ các cá nhân ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh. Từ năm 2011, các cá nhân giàu có và các tổ chức từ thiện ở vùng Vịnh đã cung cấp tài chính cho các nhóm phiến quân ở Syria. Các tài khoản này khó bị phát hiện.
"Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể là tổ chức khủng bố giàu có nhất mà chúng ta từng biết", Matthew Levitt, cựu quan chức chống khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ kiêm tình báo tài chính nói.
IS không tích hợp với hệ thống tài chính quốc tế, vì thế chúng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay các luật chống rửa tiền và các quy định của ngân hàng, Levitt cho biết thêm. Ông hiện là giám đốc chương trình tình báo và chống khủng bố tại Viện Chính sách Cận Đông Washington.
Mạng lưới gây quỹ từ thiện lên đến hàng triệu USD dành cho người dân Syria cũng bị lợi dụng, dùng vỏ bọc khủng hoảng nhân đạo để thu hút tiền cho các phiến quân, các quan chức ngoại giao và tài chính Mỹ cho biết. Các quan chức Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở vùng Vịnh để đảm bảo ngăn chặn các quà tặng cá nhân gửi tới IS.
Theo các quan chức Iraq, trước khi chiếm được đập Mosul ở Iraq, Nhà nước Hồi giáo có tổng tài sản tiền mặt và các tài sản khác lên đến 875 triệu USD. Sau đó, tổ chức này cướp ngân hàng và chiếm giữ các nguồn cung quân sự, tăng tổng tài sản lên đến 2 tỷ USD.
Sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo gắn với vùng lãnh thổ, các nguồn tài nguyên và từ chính người dân chúng kiểm soát. Điều đó cho thấy tổ chức này khá bền vững và việc tiêu diệt chúng sẽ mất nhiều thời gian, Brian Fishman, một nghiên cứu sinh tại tổ chức nghiên cứu chính sách New America Foundation tại Washington nhận định.
Khánh Lynh
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nha-nuoc-hoi-giao-kiem-tien-bang-cach-nao-3077046.html
Thứ hai, 8/12/2014 | 08:45 GMT+7
Nhà nước Hồi giáo 'buôn nội tạng người để kiếm tiền'
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo bị nghi buôn bán nội tạng của cả những đồng đội đã chết lẫn con tin, thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Tay súng cực đoan Nhà nước Hồi giáo vẫy cờ của nhóm khi tham gia cuộc diễu hành ở Raqqa, Syria hồi cuối tháng 6. Ảnh: Reuters
|
Một số báo cáo bên ngoài Iraq mới phát hiện nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán nội tạng của chính những chiến binh đã chết, theo IB Times.
Với sự tham gia của các bác sĩ phẫu thuật nước ngoài, chủ yếu đến từ Arab Saudi, IS đang điều hành một đường dây buôn lậu nội tạng người ở Mosul. Bác sĩ địa phương cho hay IS sử dụng một "mạng lưới buôn bán nội tạng người chuyên nghiệp".
Siruwan al-Mosuli, bác sĩ người Iraq, cho biết các tay súng IS thiệt mạng được chuyển tới các cơ sở y tế sau đó bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy nội tạng và nhanh chóng chuyển chúng đi thông qua một mạng lưới riêng biệt. IS thuê các bác sĩ người nước ngoài nhưng họ "không được phép làm việc cùng bác sĩ địa phương", IB Times dẫn lời al-Mosuli nói.
Người ta nghi ngờ rằng các cơ quan nội tạng được buôn lậu ra khỏi Iraq và bán tại các nước như Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc lấy nội tạng của các tay súng cực đoan, IS còn thu thập các cơ quan nội tạng từ người Yazidi, người Kito và con tin.
IS hiện là nhóm khủng bố giàu nhất thế giới với thu nhập đạt khoảng hai tỷ USD một năm. Một trong những nguồn tiền chính của IS đến từ việc buôn lậu dầu mỏ. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện một loạt hoạt động phi pháp khác như: buôn bán chất kích thích, buôn người...
Vũ Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nha-nuoc-hoi-giao-buon-noi-tang-nguoi-de-kiem-tien-3117361.html
Thứ ba, 9/9/2014 | 14:57 GMT+7
Vì sao Nhà nước Hồi giáo bành trướng cực nhanh
Sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS gần đây được lý giải là nhờ có một ban lãnh đạo cực đoan cao độ, tổ chức chặt chẽ và sử dụng những phương cách hung hãn.
Lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi có trong tay ban lãnh đạo thân cận và trung thành tuyệt đối. Ảnh: AP
|
Trên Wall Street Journal, một số quan chức giấu tên của phương Tây và của Trung Đông, những người lần theo dấu vết của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhận định rằng sự phát triển chóng mặt của tổ IS là nhờ tổ chức tốt, pha trộn các hoạt động khủng bố quen thuộc như là đánh bom xe với các chiến thuật quân sự truyền thống, dưới sự lãnh đạo của một kẻ học được những thất bại của các "tiền bối" thuộc al-Qaeda, biết lợi dụng các bộ tộc địa phương và kỹ năng của những cựu tướng trong quân đội của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
"Chúng cải tiến những gì mà al Qaeda thực hiện, và chúng làm trên quy mô lớn hơn nhiều", Bruce Hoffman, chuyên gia khủng bố tại Đại học Georgetown nói.
Thêm vào đó, IS có chiến dịch chiêu mộ chiến binh rất tàn bạo và quyết liệt - hoặc theo ta hoặc là chết, kết hợp với tiền bạc chúng moi được của các doanh nhân địa phương và sự thu hút của những nhân vật tôn giáo cực đoan, mong muốn xây dựng một đế chế Hồi giáo trên những vùng đất chiếm được. Đối với những kẻ ủng hộ IS, Nhà nước Hồi giáo được xem như đang tiến hành một cuộc chiến vì sự sinh tồn của người Hồi giáo Sunni khắp thế giới.
IS có một nhóm lãnh đạo cốt lõi khoảng 10 người quen biết nhau nhiều năm, bất kể kẻ nào còn dao động về lòng trung thành đều bị trừ khử. Những kẻ này từng bị Mỹ giam giữ tại doanh trại Bucca ở nam Iraq. "Do bị giam giữ, chúng trở nên cực đoan hơn", Hasan Abu Hanieh, một chuyên gia người Jordania về al Qaeda nói.
Lãnh đạo tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi. Tên này tiếp quản IS, vốn là một nhánh của al Qaeda tại Iraq (AQI), vào năm 2010. AQI được thành lập sau khi Mỹ can thiệp vào Iraq, do Abu Musab al-Zarqawi cầm đầu. Trong giai đoạn 2006 - 2007, IS có quân số khoảng 10.000. Sau đó Al-Zarqawi bị hạ sát trong một cuộc không kích của Mỹ. Baghdadi gia nhập AQI vào năm 2007.
Sự lãnh đạo của Baghdadi được đúc nên bởi "sự hoang tưởng và lòng trung thành tuyệt đối", theo Charles Lister, một nghiên cứu sinh thỉnh giảng tại Trung tâm Brookings Doha. Khi lên nắm quyền bốn năm trước, Baghdadi chủ trì một chiến dịch ám sát bất kỳ kẻ nào trong hàng ngũ nếu như người đó bị nghi ngờ có nguy cơ phản bội. Hiện quyền chỉ huy đội quân của y nằm trong tay những kẻ mà Baghdadi biết rõ và tin tưởng hoàn toàn.
Kẻ được coi là chỉ huy thứ hai của IS là một cựu quan chức quân đội Iraq với bí danh Abu Ali al-Anbari. Hắn chủ yếu quản lý hoạt động của tổ chức ở Syria, bao gồm chỉ huy chiến trận chống lại những người Syria phản đối cả IS và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Lãnh đạo quan trọng thứ ba của IS là Fadel Ahmed Abdullah al-Hiyali, bí danh là Abu Muslim Al Turkmani, cũng từng là sĩ quan dưới thời Saddam Hussein.
Nhà nước tự xưng IS có một nội các chuyên trách về chiến tranh và một hội đồng Shura, bao gồm các học giả về tôn giáo và lập pháp, theo Charles Lister. Bên cạnh đó, IS cũng có nội các gồm các bộ trưởng và hội đồng các thị trưởng. Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho hay, IS gần đây bổ nhiệm một bộ trưởng dầu khí để điều phối hoạt động của các mỏ dầu chúng chiếm được.
Một điểm nữa được cho là chiến thuật khôn khéo của IS là khi chiếm được một vùng lãnh thổ, tổ chức này vẫn duy trì trách nhiệm quản trị cho các quan chức địa phương, nhằm tránh sự thù ghét của người dân. Chúng tập trung vào quản lý các mỏ dầu và các chi nhánh ngân hàng để đảm bảo nguồn tài chính.
Bên cạnh đó, khi chiếm giữ một vùng đất, IS còn khai thác triệt để mối quan hệ với lãnh đạo các bộ lạc ở địa phương, hoặc coi họ là những đồng minh cùng chí hướng hoặc hăm dọa, hối lộ và cưỡng ép để họ cung cấp nơi ở và các hỗ trợ khác, theo Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về quân sự ở Baghdad.
IS lợi dụng sự bất mãn của các nhóm theo dòng Sunni với Thủ tướng sắp từ chức Nouri al-Maliki của Iraq. Ông này được cho là có chiến lược thiên vị người Shiite và gây sự chia rẽ giữa các sắc tộc.
"Chiến lược của IS là chiến đấu trong khu vực của những người theo dòng Sunni, gần kẻ thù theo dòng Shiite để giúp họ (các phiến quân) có thêm động lực", Hashimi nói.
Sau một thời gian suy sụp, kể từ năm 2012, IS mạnh lên một cách rõ rệt. Tính đến tháng 6 năm nay, trước khi chúng chiếm được Mosul và Tikrit, quân số của IS tăng lên đến 10.000 người, các quan chức tình báo của Mỹ cho biết. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria nhận định mùa tuyển quân trong năm nay của IS là đợt rầm rộ nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Trong số các chiến thuật tuyển quân, IS chủ yếu dùng cách cưỡng ép. Kể từ tháng 7, có hơn 6.000 người tham gia IS, trong đó gần 5.000 lính là người Syria.
Matthew Olsen, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Mỹ cho biết IS hiện kiểm soát một khu vực lãnh thổ có quy mô bằng cả nước Anh. Chúng kiếm được khoảng 1 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu và thu tiền chuộc các con tin, theo Daily Telegraph. Tổng trị giá các cơ sở sản xuất dầu mà chúng chiếm được ước tính lên tới 2 tỷ USD, chưa kể tiền thu từ việc tuồn các cổ vật ra chợ đen.
IS nhanh chóng bành trướng và hung hãn đến thế một phần do sự suy yếu của chính phủ các nước Syria và Iraq, chuyên gia Mathew Olsen nhận định. "IS đe dọa trở thành một thế lực dẫn đầu phong trào của những kẻ cực đoan trên toàn cầu. Nó cực kỳ nguy hiểm".
Khánh Lynh
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/vi-sao-nha-nuoc-hoi-giao-banh-truong-cuc-nhanh-3076158.html
Thứ tư, 10/9/2014 | 11:06 GMT+7
Nhà nước Hồi giáo muốn chiếm cả thế giới Arab
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo muốn chiếm cả thế giới Arab, sau đó mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới bằng cách thành lập các trường học đạo Hồi và chiêu mộ hàng nghìn người phương Tây vào hàng ngũ, một cựu phiến quân tiết lộ.
"Mục tiêu chính và chủ yếu của Nhà nước Hồi giáo (IS) mà họ nói với các thành viên mới là thành lập một nhà nước đạo Hồi bao trọn thế giới Arab. Và sau đó, họ sẽ đến các nước khác", CNN dẫn lời nam thanh niên từng chiến đấu cho IS nói.
Nam thanh niên này từng sống ở thành phố Raqqa, thành trì của IS ở phía bắc Syria. Giống như nhiều thành phố trên khắp Syria và Iraq, Raqqa đang bị chiếm lĩnh bởi các phiến quân của tổ chức này. IS không tha thứ cho bất kỳ ai dám chống lại đường lối khắc nghiệt của họ.
Những vụ đóng đinh vào cơ thể người và xử tử công khai diễn ra gần như hàng ngày. Những phụ nữ không đeo mạng che mặt sẽ bị đánh đập với tần suất đáng báo động. Thậm chí những người chủ mở cửa hàng trong thời gian dành cho cầu nguyện cũng có thể bị hành hạ hoặc tống vào tù.
Cựu phiến quân IS mới trong độ tuổi 20 rời bỏ IS cách đây nửa tháng. Anh nói rằng tổ chức này "đang nhân danh công lý để gieo rắc bất công". Tổ chức này còn nhồi nhét hệ tư tưởng của họ vào những tâm hồn ngây thơ bằng cách mở ra ngày càng nhiều trường học Hồi giáo.
"Triết học bị cấm. Họ hủy bỏ nó, coi đó là một sự báng bổ", anh kể. "Nhiều môn học cũng bị bỏ đi, như âm nhạc và thậm chí đôi khi là thể thao. Tất cả các môn đó bị loại ra khỏi chương trình học".
Có lẽ điều đáng lo ngại lớn nhất là ngày càng có nhiều người nước ngoài gia nhập hàng ngũ của tổ chức này. Ước tính có hàng nghìn phiến quân nước ngoài đang tham gia IS. Theo nam thanh niên trên, những kẻ này có thể tiến hành các vụ tấn công khi trở về nước.
"Từ khi các phiến quân phương Tây tham gia IS, họ xem quốc gia của mình như những kẻ ngoại đạo", anh nói. "Nếu có cơ hội, họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công".
Nước Anh đã nâng mức báo động khủng bố ở nước này từ "đáng kể" lên "nghiêm trọng" vào tuần trước. Thủ tướng David Cameron cũng đề xuất một biện pháp mới là cấm công dân Anh trở về nước một khi họ đã đứng vào hàng ngũ phiến quân ở nước ngoài.
Mới đây, Mỹ cũng xác nhận công dân đầu tiên của nước này là Douglas McAuthur McCain, 33 tuổi, chết khi đang tham chiến cho IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mô tả tổ chức Nhà nước Hồi giáo "đã vượt lên trên một nhóm khủng bố" đơn thuần. "Điều này vượt ra khỏi bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy, và chúng ta phải chuẩn bị đối phó với mọi thứ", ông nói.
IS có thể muốn phô trương phạm vi hoạt động toàn cầu của mình khi bố trí một phiến quân nói giọng Anh xuất hiện trong video chặt đầu hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff. Chiến thuật này nhằm truyền bá tư tưởng cho những công dân nước ngoài, cựu chiến binh IS nhận định.
"Có thể mục đích tạo dựng hình ảnh này là một người châu Âu, hoặc một người phương Tây, xử tử một người Mỹ, là để họ có thể phô trương các thành viên phương Tây của mình và thu hút những phần tử bên ngoài Syria, làm cho họ cảm thấy họ có chung một mục tiêu".
Anh Ngọc (Video: CNN)
- IS ném người đồng tính từ nóc nhà xuống đất (10/12)
- Nhà nước Hồi giáo 'buôn nội tạng người để kiếm tiền' (8/12)
- Nhà nước Hồi giáo thảm sát 16 người Iraq (8/12)
- Iran thừa nhận không kích IS ở Iraq (6/12)
- Bí ẩn quanh người phụ nữ nghi là vợ thủ lĩnh IS (4/12)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nha-nuoc-hoi-giao-muon-chiem-ca-the-gioi-arab-3076643.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten