zondag 19 oktober 2014

Cao vọng biến Hải Phòng thành cửa thông thương cho Việt Nam và Vân Nam

Cao vọng biến Hải Phòng thành cửa thông thương cho Việt Nam và Vân Nam

mediaBến cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng.wikipedia
    Trong dòng thời sự quốc tế sôi động từ Ebola đến Ukraina, thông qua cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhật báo kinh tế Les Echos đã ghé mắt nhìn sang Việt Nam, với một bài phân tích đề án phát triển cảng Hải Phòng vừa được khởi động, nhằm biến nơi này thành một cửa ngõ thông thương quan trọng của miền Bắc Việt Nam và miền… Vân Nam của Trung Quốc.
    Dưới tựa đề rất khô khan – « Ở miền Bắc Việt Nam, dự án cảng Hải Phòng cực lớn » - Les Echos ghi nhận là hải cảng do người Pháp xây dựng xưa kia đang là trung tâm điểm của một dự án phát triển to lớn nhằm phá vỡ thế cô lập của miền Bắc Việt Nam đối với giao thương quốc tế.
    Đối với ký giả của Les Echos đã đến Hải Phòng để tìm hiểu, cần phải có trí tưởng tượng thật phong phú vào lúc này mới hình dung được nơi này vào năm 2025 : Một khu công nghiệp và bến cảng khổng lồ, đặt tên là Lạch Huyện, với một cảng nước sâu, tiếp nhận được các loại tàu trên 80.000 tấn, thay vì 15.000 đến 20.000 tấn như hiện nay.
    Dự án bao gồm việc xây dựng hơn 10 km bến cảng nằm dọc theo một con kênh rất rộng, một cây cầu dài 9 cây số, đường xa lộ nối liền với Hà Nội, các nhà máy điện, trạm lọc nước...
    Theo nhận định của Les Echos, khi phát triển Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, mà dân số sẽ lên đến khoảng 3 triệu vào năm 2025, chính quyền Việt Nam chắc hẳn là không muốn tiếp tục lệ thuộc vào các trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore hay Hồng Kông để chuyển vận hàng hóa đi châu Âu hay châu Mỹ, hay nhận hàng từ những nơi này.
    Phát triển miền Bắc để đuổi kịp miền Nam 
    Bên cạnh đó, còn có việc chính quyền Việt Nam muốn phát triển toàn miền Bắc của đất nước để bắt kịp miền Nam vốn đã phát triển mạnh kể từ những năm 1990. Theo chiều hướng đó, có một loạt những dự án mà nhật báo Pháp cho là ít nhiều điên rồ, như đề án biến Hải Phòng thành cảng quá cảnh cho một phần hàng hóa xuất đi từ miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là của tỉnh Vân Nam.
    Theo Les Echos, ý tưởng này không phải là không có lý, vì hiện đã có một dự án thành lập hành lang kinh tế nối liền Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam với cảng Hải Phòng, được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ. Đoạn đầu tiên dài 245 km từ Hà Nội đến biên giới với Trung Quốc, sẽ giảm một nửa thời gian đi lại.
    Thế nhưng, đối với Les Echos, vấn đề còn phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị tế nhị với Trung Quốc. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mùa xuân vừa qua sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam đã biến thành bạo động. Các vụ này vẫn ghi đậm dấu ấn trong tâm trí mọi người, cho dù chính quyền Việt Nam cũng thấy rõ là Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của mình.
    Tuy nhiên, ký giả báo Les Echos nhận định : Dù sao chăng nữa thì Hải Phòng vẫn sẽ vươn lên thành một trong cửa ngõ chính của miền Bắc Việt Nam. Đây là một sự trở về với cội nguồn, bởi vì khi người Pháp xây Hải Phòng trong những năm đầu thế kỷ XX, nơi này là cảng chính của Bắc Bộ và đặc biệt là cầu nối chính giữa châu Âu và khu vực khi ấy còn mang tên Đông Dương.
    Hồng Kông : Chính quyền với chiến lược hai mặt chống biểu tình 
    Bên cạnh Việt Nam, báo Les Echos còn nhìn về Hồng Kông để phân tích chiến thuật của chính quyền Lương Chấn Anh. Tờ báo ghi nhận sự kiện một khu vực bị của sinh viên chiếm đóng trong khu phố thương mại Mong Kok đã bị cảnh sát « quét dọn » một cách dễ dàng vì phần lớn các nơi có rào cản không còn ai. Chính quyền đã nắm lại được tình hình.
    Les Echos nhận thấy rằng chính quyền Hồng Kông một mặt thì tỏ thái độ hòa hoãn trong ngôn từ nhưng một mặt khác thì vô hiệu hóa người chống đối bằng hành động. Đó là chiến lược đang được lãnh đạo Hồng Kông áp dụng, sau một thời gian cho thấy là ông không làm chủ được tình hình. Bây giờ thì chính quyền có vẻ đã giành được thượng phong. Cảnh sát đã khôi phục lại uy thế sau sự cố đánh người một cách dã man. Họ đã dẹp bỏ các rào cản tại khu thương mại Mongkok.
    Theo Les Echos, diễn tiến hiện nay cũng là do một phần dân chúng Hồng Kông đã mệt mỏi trước những cuộc biểu tình làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, và một phần khác thì chính quyền lại chìa tay hòa hoãn sau khi từ chối đối thoại cách đây một tuần.
    Les Echos nhìn thấy ông Lương Chấn Anh – vốn lặng thinh trong giai đoạn gay go, cho vẻ bất lực, bây giờ thì lại tỏ ra là người hòa hoãn. Thái độ này giúp ông chiếm được thượng phong trong cuộc đấu với sinh viên. Vả lại khả năng chống đối của sinh viên cũng đã giảm sút nhiều, cho nên những lá bài họ nắm trong tay trong cuộc đối thoại với chính quyền không là bao.
    Les Echos không chờ đợi kết quả gì trong cuộc đối thoại hai bên, khi mà ông Lương Chấn Anh khẳng định không trông mong gì là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ trến vấn đề bầu cử, trong lúc đó là mục tiêu của phong trào đấu tranh dân chủ.
    Thái Lan : Đội thùng để phản đối chính quyền quân sự 
    Về châu Á, Libération nhìn về Thái Lan qua bài phóng sự của Arnaud Dubus, nêu bật một phương thức ngộ nghĩnh của người dân để phản đối chính quyền : Đội hộp sắt đề chống lại chính quyền quân phiệt.
    Tác giả bài báo giải thích là ở Thái Lan, người ta gọi loại hộp đó là « pip ». Đó là một hôp sắt to vuông, một mặt trong vắt, và thường dùng để đựng bánh bán trong các của hiệu tạp hóa.
    Một cách bất ngờ, trong những tuần lễ qua, chiếc hộp bình thường này đã trở thành tín hiệu tập hợp của giới trí thức, đại học Thái, vốn không mấy ưa thích chế độ quân sự đã lên nắm quyền từ sau cuộc đảo chính 22/05/2014. Họ đội chiếc hộp trên đầu và đi trong khu đại học, mặt trong vắt của chiếc hộp giúp họ thấy đường đi.
    Lúc đầu, việc đội chiếc pip là để tổ cáo những người trong giới đại học đã "tuân theo lệnh" của giới quân đội, như Hiệu trưởng Đại học Y khoa Mahidol, đã chấp nhận một chiếc ghế trong nghị viện mà quân đội kiểm soát.
    Nhưng gần đây thì chính quyền đã cứng giọng đối với các giáo sư, giảng viên Đại học. Một loạt seminar đã bị cấm, quân đội và cảnh sát đột nhập vào các buổi thảo luận, bắt giữ người thuyết trình. Theo thông báo của tướng Wongsuwan ngày 23/09 vừa qua, tổ chức diễn đàn thảo luận phải được phép của chính quyền. Dĩ nhiên là đề cập đến chính trị là điều cấm kỵ.
    Từ đó những người đội hộp sắt ‘pip’ ngày càng đông.
    Một trong những semina bị cấm có chủ đề « Sự sụp đổ của các chế độ độc đoán ở các nước ngoài ». Câu hỏi mà sinh viên nêu lên và dán trên tường trường đại học : Phải chăng là họ (các tướng lãnh Thái) cũng cảm thấy họ là những kẻ độc tài ?

    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141017-cao-vong-bien-hai-phong-thanh-cua-thong-thuong-cho-viet-nam-va-van-nam/

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten